Trang bị động cơ mới để “con tàu” Nghị quyết 98 đi đúng hành trình

20/09/2023 - 06:08

PNO - Ngày 19/9, HĐND TPHCM khóa X tổ chức kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề). Các đại biểu đã thảo luận các quyết sách, dự án nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về cơ chế đặc thù dành cho TPHCM.

Phải chặt chẽ trong đánh giá cán bộ, công chức

Tại kỳ họp, Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã trình bày tờ trình của UBND thành phố về chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 98. Theo đó, UBND TPHCM đề xuất mức chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ. Đồng thời, chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, người lao động của thành phố.

Cụ thể, trong 5 tháng cuối năm 2023, hệ số chi thu nhập tăng thêm tối đa là 0,8 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ đối với các đối tượng được chi thu nhập tăng thêm theo hệ số. Đối với các đối tượng được chi thu nhập tăng thêm theo mức tiền cụ thể, mức chi tối đa là 3 triệu đồng/người/tháng.

Ông Huỳnh Khắc Điệp - Bí thư Quận ủy quận Bình Tân - cho rằng, chi thu nhập tăng thêm là động lực để cán bộ phấn đấu tốt hơn. Tuy nhiên, Nghị quyết 98 quy định mức tối đa 1,8 lần mức lương cấp bậc, chức vụ, mở rộng thêm một số đối tượng, do đó nguồn chi sẽ rất lớn. Theo ông, tờ trình của UBND TPHCM cho thấy hiện nay, gần 65% cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 33,43% hoàn thành tốt nhiệm vụ và chỉ có 1,84% hoàn thành nhiệm vụ. Tùy từng mức độ hoàn thành nhiệm vụ có định mức chi thu nhập tăng thêm khác nhau.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại kỳ họp - ẢNH: TÚ NGÂN
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại kỳ họp - Ảnh: Tú Ngân

“Để đảm bảo nguồn ngân sách thành phố chi được, tôi đề nghị cần quy định chặt chẽ việc đánh giá sản phẩm, công sức đóng góp của cán bộ, công chức. Như thế, số lượng cán bộ hoàn thành xuất sắc thực sự sẽ ít hơn, nhưng mức họ được hưởng xứng đáng hơn. Đó cũng là cách tạo động lực để cán bộ, công chức phấn đấu ngày càng tốt hơn” - ông Huỳnh Khắc Điệp đề xuất.

Phản hồi ý kiến trên, bà Trần Mai Phương - Phó giám đốc Sở Tài chính - thông tin, trên cơ sở đối tượng do Sở Nội vụ rà soát, Sở Tài chính sẽ rà soát, cân đối hệ số chi thu nhập tăng thêm năm 2023 và các năm tiếp theo. Theo bà, năm 2023, đặc biệt là từ ngày 1/7, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức đã tăng từ 1.490.000 đồng lên thành 1.800.000 đồng.

Đồng thời, Nghị quyết 98 có hiệu lực từ ngày 1/8/2023 quy định thu nhập tăng thêm cho 5 tháng cuối năm là 0,8 lần mức lương cấp bậc, chức vụ; mức chi này sẽ không thấp hơn so với năm 2023. Từ năm 2024 trở đi, Sở Tài chính sẽ tiếp tục căn cứ theo dự toán ngân sách hằng năm cũng như nguồn cải cách tiền lương để tham mưu UBND trình HĐND thành phố hệ số lương cho năm 2024 và những năm tiếp theo phù hợp tình hình thực tế. 

Không nên bó hẹp phạm vi nghị quyết 98

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú - Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) - thông tin, hằng năm có gần 25.000 sinh viên đang theo học tại các trường thành viên của khối Đại học Quốc gia TPHCM. Con số đó cho thấy đơn vị này hiện đang đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố. 

Theo bà, trong chương trình hợp tác giữa UBND TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM giai đoạn 2022-2025, có nội dung UBND thành phố sẽ hỗ trợ phát triển khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM thành khu đô thị đại học, ủng hộ chủ trương Đại học Quốc gia TPHCM được vay vốn từ chương trình kích cầu đầu tư của thành phố (HFIC).

Nhờ đó, có 7 dự án được hưởng thụ chính sách tài chính này. Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định từ Nghị quyết 98, Đại học Quốc gia TPHCM không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ của nghị quyết. “Theo tôi, dù Đại học Quốc gia TPHCM có một phần diện tích thuộc tỉnh Bình Dương, nhưng mang tên TPHCM, do đó, thường trực HĐND và các đại biểu nên ghi nhận, cân nhắc và xem đây là đơn vị có đóng góp trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Mục đích là để các thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM có động lực để tiếp tục cống hiến nhiều hơn, có những chương trình xứng tầm hơn cho thành phố” - bà Nguyễn Thị Việt Tú nói. 

Tại kỳ họp lần thứ 11 này, các đại biểu HĐND TPHCM khóa X đã biểu quyết thông qua hơn 100 tờ trình, đề án quan trọng - Ảnh: T.T.D
Tại kỳ họp lần thứ 11 này, các đại biểu HĐND TPHCM khóa X đã biểu quyết thông qua hơn 100 tờ trình, đề án quan trọng - Ảnh: T.T.D

Ông Lê Trương Hải Hiếu - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TPHCM - khẳng định, khoản 8, điều 5 về tài chính, ngân sách của Nghị quyết 98 quy định rõ về đối tượng, nội dung, định mức mà quỹ đầu tư thành phố sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, khoản 7, điều 5 của Nghị quyết 98 có đề cập đến nội dung TPHCM có thể dùng ngân sách để hỗ trợ các dự án nằm ngoài địa phương, thậm chí các quốc gia khác có liên kết để phát triển kinh tế của thành phố.

Vì thế, ông khẳng định: “Trong phạm vi của thành phố, chúng ta không thể áp dụng HFIC hỗ trợ lãi suất vay cho các dự án nằm ngoài thành phố, tuy nhiên, chúng ta có thể vận dụng để hỗ trợ cụ thể cho từng dự án không nằm trên địa bàn thành phố nhưng phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội ở thành phố”.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng Nghị quyết 98 không bó lại phạm vi của các cơ chế đặc thù, mà phải mở rộng không gian. Việc thí điểm các cơ chế chính sách đặc thù này không phải chỉ để phát triển TPHCM và thúc đẩy kinh tế cả vùng mà còn là thí điểm các cơ chế cho cả nước. Theo ông, gần 3 tháng qua, con tàu mang tên Nghị quyết 98 đã đi được một đoạn. Chuyến hàng đầu tiên là những linh kiện khung để chuẩn bị cho những chuyến tàu sắp tới. Ga đầu đã chất đầy hàng - đó là phiên họp chứa đựng những nội dung lớn.

“Chúng ta vẫn trên con tàu cũ, tổ lái và nhân viên không mới nhưng tâm thế mới, động cơ mới đã được trang bị thêm. Đường ray thì không kẹt, và quy định vận tốc không chậm, điều đó buộc tất cả những người trên tàu hành động theo tinh thần khẩn trương, nghiêm túc để đoàn tàu đi đúng hành trình” - ông Nguyễn Văn Nên nói. 

Thông qua 87 dự án đầu tư công với tổng vốn 39.000 tỉ đồng

Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM - nhận định, tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND TPHCM đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận cao.

Trong đó, xem xét thống nhất 9 nội dung nghị quyết cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM một cách kịp thời và cho ý kiến 8 nghị quyết tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế văn hóa, y tế giáo dục, đảm bảo quốc phòng an ninh của thành phố.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 87 dự án thuộc các lĩnh vực như giao thông, xây dựng trường học, bệnh viện, mua sắm trang thiết bị y tế, nâng cấp trụ sở. Trong đó có một số dự án lớn như xây dựng đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp hơn 9.300 tỉ đồng…

Ngoài ra, sẽ có nhiều bệnh viện được xây mới, mua sắm trang thiết bị y tế như: dự án Ngân hàng máu, nâng cấp 3 khối nhà Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, xây mới khối nhà A2 của Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp, mở rộng Bệnh viện quận Bình Tân, Trung tâm Y tế quận 3, khối nhà A Bệnh viện Trưng Vương. Mua sắm trang thiết bị cho 3 bệnh viện khu vực cửa ngõ (Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi) tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỉ đồng.

Nhiều trường học được đầu tư xây mới, sửa chữa như các trường: THPT Trưng Vương, THPT Võ Trường Toản, THPT Hùng Vương, THCS Nguyễn Huệ, THPT Bình Trị Đông B, Trung tâm Sinh viên và sinh hoạt đa năng - Trường đại học Sài Gòn…

Các đại biểu cũng biểu quyết thông qua việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM, dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2024. Đây sẽ là cơ quan chuyên môn nhằm ngăn chặn tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân, tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng.

Nguyệt Minh - Tú Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI