Trang bị cho trẻ em kỹ năng tự bảo vệ qua các trò chơi của Việt Nam

10/12/2022 - 18:20

PNO - Các trò chơi góp phần tạo ra “vắc xin số” - để có kỹ năng, kiến thức bảo vệ trẻ em trong bối cảnh nhiều nguy cơ trên không gian mạng.

Ngày 10/12, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TBXH) phối hợp với Cục An toàn Thông tin cùng một số đơn vị tổ chức lễ trao giải cuộc thi Sáng tạo ý tưởng trò chơi “Trò chơi bảo vệ trẻ em”. Trong 10 tác phẩm được trao giải, có ba tác phẩm được ban tổ chức đánh giá cao gồm: “Thủ lĩnh tương lai”, “Xứ sở mộng mơ - Cyberland” và “Trạng nguyên Tiếng Việt”.

Nhóm CTEAM giới thiệu tác phẩm Thủ lĩnh tương lai
Nhóm CTEAM giới thiệu tác phẩm "Thủ lĩnh tương lai"

“Thủ lĩnh tương lai” do nhóm CTEAM (đến từ TPHCM) thiết kế, dành cho trẻ em từ 6-16 tuổi với mục tiêu hướng tới là đáp ứng yêu cầu game hóa trong giáo dục, thông qua đó xây dựng nhận thức về bảo vệ trẻ em. Sức mạnh trong trò chơi là trí tuệ thay cho các biểu hiện khác trong những game thường thấy; năng lượng của người chơi cũng được giới hạn chỉ từ 1-2 giờ chơi/ngày để hạn chế trẻ quá mê đắm vào trò chơi mà quên học.

“Xứ sở mộng mơ - Cyberland” do nhóm C4C (đến từ Học viện Cảnh sát Nhân dân) thiết kế
“Xứ sở mộng mơ - Cyberland” do nhóm C4C (đến từ Học viện Cảnh sát Nhân dân) thiết kế

“Xứ sở mộng mơ - Cyberland” do nhóm C4C (đến từ Học viện Cảnh sát Nhân dân) thiết kế cũng hướng đến mục tiêu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng như sự phát triển của trẻ trong tương lai. “Xứ sở mộng mơ - Cyberland” còn có mục tư vấn và có thể nối thẳng tương tác đến Tổng đài bảo vệ trẻ em 111. Nhiều quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em cũng được nhóm lồng vào trò chơi.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng giới thiệu Trạng nguyên Tiếng Việt
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng giới thiệu "Trạng nguyên Tiếng Việt"

“Trạng nguyên Tiếng Việt” do cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hằng (Hà Nội) thiết kế - xuất phát từ việc nhận thấy trẻ em hiện nay có hạn chế về mặt vốn từ khi muốn biểu đạt vấn đề mình quan tâm hay ý tưởng của mình. Cô Hằng xây dựng trò chơi dưới dạng ô chữ xoay quanh các chủ đề về bảo vệ trẻ em để từ đó người chơi không những được bổ sung vốn từ mà còn có kỹ năng bảo vệ bản thân; đồng thời phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay là nâng cao năng lực ngôn ngữ của người học.

Trong các tác phẩm giành giải, “Thủ lĩnh tương lai” (giải Nhất) sẽ được ban tổ chức hỗ trợ hoàn thiện và phát triển ý tưởng thành một sản phẩm game hoàn chỉnh, có thể đưa ra thị trường.

Theo ban tổ chức, việc cấm một đứa trẻ tiếp cận công nghệ hay chơi game trong bối cảnh công nghệ 4.0 như hiện nay là điều không thể. Thay vào đó, việc người lớn tạo ra một sân chơi lành mạnh, thúc đẩy phát triển tư duy sáng tạo ý tưởng xây dựng trò chơi trực tuyến - sẽ nâng cao nhận thức và kỹ năng cho trẻ em, thanh thiếu niên để phòng tránh xâm hại trẻ em và sử dụng công nghệ thông tin an toàn.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐBTXH) hy vọng “các trò chơi được phát triển từ cuộc thi sẽ được đông đảo trẻ em đón nhận, góp phần tạo ra kỹ năng số, “vắc xin số” để các bậc cha mẹ, thầy cô cũng như trẻ em có kiến thức, kỹ năng bảo vệ học sinh, con em mình trong bối cảnh trẻ em đối mặt với nhiều nguy cơ bị xâm hại trên không gian mạng”.

M.Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI