Trảng Bàng phương chí

02/10/2014 - 07:20

PNO - PNO - Trảng Bàng phương chí (NXB Trí Thức) là công trình mới nhất của nhà nghiên cứu Vương Công Đức. Trước đó, ông đã từng viết Lược sử tộc Dương và lịch sử hình thành làng Gia Bình, Trảng Bàng (Tây Ninh).

edf40wrjww2tblPage:Content

Trang Bang phuong chi

Có thể nói, cho đến nay, Trảng Bàng phương chí là công trình tập hợp, nghiên cứu tài liệu, khảo sát điền dã công phu và đầy đủ nhất về lịch sử văn hóa vùng đất và con người nam Tây Ninh. Tập sách chia làm 18 chương, qua đó, tác giả khắc họa lại diện mạo tỉnh Tây Ninh qua nhiều góc độ, từ những thăng trầm lịch sử đến năm tháng gần đây với nhiều phát hiện lý thú.

Lâu nay, nhiều sử liệu cho rằng, Bình Tịnh là làng cổ nhất ở Tây Ninh - nơi người Việt định cư đầu tiên. Tuy nhiên, theo Dương Công Đức chưa hẳn đã đúng. Từ khảo sát thực tế, và qua các tư liệu từ Gia Định thành thông chí, Quốc triều hương khoa lục, Tổng kết địa bạ triều Nguyễn… ông khẳng định: “Tại địa phận Trảng Bàng ngày nay, những ngôi làng có người Việt đầu tiên đến sinh sống là Đôn Thuận - Hưng Thuận (tách từ thôn Tân Thuận), sau đó là An Thới (An Hòa), Phước Chỉ, Thanh Phước, Cẩm Giang (nay thuộc Gò Dầu) là nơi tiếp xúc trực tiếp với sông Quảng Hóa” (tr.103). Những thông tin có tính chất phát hiện tương tự, ta còn có thể tìm thấy khá nhiều nữa.

Điều đáng nói, tác giả không chỉ xét về vùng đất nam Tây Ninh như một thực thể độc lập mà còn đặt trong bối cảnh chung. Viết sử một địa phương, tất nhiên không thể tách rời mọi biến cố, sự kiện, thay đổi của lịch sử đất nước mà từ góc độ của địa phương ấy, người ta phải nhìn thấy được diện mạo chung; ngược lại, trong bối cảnh chung, địa phương đã đóng góp cụ thể như thế nào, phụ thuộc vào  vai trò của địa phương chí. Chẳng hạn về ý thức và vai trò của vua Tự Đức đối với vùng đất “phên giậu” của Gia Định, về hướng tây bắc, ngó sang Kampuchia khi bị thực dân Pháp xâm lăng, nhà nghiên cứu Dương Công Đức tham khảo nhiều tài liệu đáng tin cậy và mạnh dạn xác tín: “Vua Tự Đức là người đứng đầu Hịch Văn Thân kêu gọi dân chúng và quân lính nổi dậy chống Pháp trong những ngày đầu tiên Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông”. Không dừng lại đó, ông mạnh dạn nêu ra: “Đồng thời Trương Định cũng là người bí mật nhận chỉ thị của vua Tự Đức. Điều này phù hợp với việc vua Tự Đức đã gả một người con gái họ của thái hậu Từ Dũ ở Gò Công tên là Trần Thị Sanh, nguyên là vợ của điền chủ Dương Tấn Bổn mất sớm để về làm vợ thứ của Trương Định ngõ hầu giúp ông làm cầu nối với nhà vua trong sự nghiệp chống Pháp”(tr.192). Do đó, khi đọc Trảng Bàng phương chí, ta có thể quán xuyến được lịch sử của đất nước trải qua nhiều năm tháng.

Ngoài phần lịch sử, chính trị, xã hội nói chung, có lẽ đóng góp lớn nhất của Dương Công Đức còn ở chỗ, ông là người trước nhất đi sâu vào phân tích về mguồn gốc địa danh tên Nôm ở Trảng Bàng; phong tục, tập quán, tín ngưỡng, hội hè, đời sống làng nghề; đình, miễu, chùa chiền, tịnh xá, nhà thờ, thánh thất Cao Đài và nhân vật tiêu biểu của Tây Ninh… Do có điều kiện khảo sát điền đã, tham khảo các hồi ký, tài liệu của các bậc văn nhân chưa xuất bản nên những trang viết này của ông giàu tính sử liệu một cách chân thật.

Trên thị trường sách từng xuất bản nhiều công trình nghiên cứu đáng quý về vùng đất của từng địa phương, tuy nhiên, đã có không ít tập sách chỉ mới dừng lại “cởi ngựa xem hoa”; hoặc sao chép lẫn nhau thì nay với Trảng Bàng phương chí đã là một cách làm độc lập với tinh thần có trách nhiệm. Theo chúng tôi, khi thực hiện địa phương chí thì sự yêu mến, tha thiết muốn tìm hiểu, trở về nguồn cội “chôn nhau cắt rún” vẫn là một trong những  yếu tố quan trọng không thể thiếu. Nhà nghiên cứu Dương Công Đức tâm sự khi bắt tay thực hiện Trảng Bàng phương chí là lúc ông “chiêm nghiệm với tình cảm chân thành nhất” (tr.795).


Lê Văn Nghệ
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI