Ký ức về vị Thủ tướng trong lòng dân - Bài cuối:

Trân trọng đóng góp của nữ giới

22/11/2022 - 06:01

PNO - Chú Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) để lại nhiều dấu ấn sâu đậm không chỉ với những người cùng thời từng được làm việc, gặp gỡ chú mà trong đông đảo nhân dân, đặc biệt là giới nữ TPHCM.

Nhân 100 năm ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022), Báo Phụ nữ TPHCM xin giới thiệu những câu chuyện - dấu ấn sâu đậm về chú Sáu Dân mà nhà văn Trầm Hương đã ghi lại qua ký ức của nhiều người.

Quan tâm phụ nữ, trẻ em

Những ngày hòa bình, ông Võ Văn Kiệt luôn gắn bó với hoạt động và phong trào phụ nữ. Cụ thể, những năm đầu sau 1975, trước nạn đói đe dọa, thù trong giặc ngoài, với vai trò, trọng trách người đứng đầu thành phố, ông bình tĩnh, kiên quyết chỉ đạo: “Không được để người dân nào chết đói”. 

Nhiều người đến nay còn nhớ rõ chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Kiệt (năm 1976, ông Võ Văn Kiệt làm Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM. Sau đó, ông được phân công làm Bí thư Thành ủy TPHCM) trong những ngày đầy khó khăn, thử thách: “Dành nhà to, nhà đẹp làm nhà trẻ, dành thực phẩm tươi ngon cho các cháu nhà trẻ”. Các nữ thanh niên xung phong cũng ghi nhớ sự quan tâm của Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt.

Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt đến thăm một gia đình thanh niên xung phong ở nông trường Đỗ Hòa,  huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ), TPHCM
Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt đến thăm một gia đình thanh niên xung phong ở nông trường Đỗ Hòa, huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ), TPHCM

Trong Đại hội Đại biểu phụ nữ TPHCM lần thứ II năm 1981, ông viết: “Trong mấy năm qua, dấu chân của các em gái thanh niên xung phong đã đi khắp các vùng đất mới. Mồ hôi các em đã đổ không biết bao nhiêu cho những dòng nước mát và cho những màu xanh. Bước chân của các em còn theo anh bộ đội xông ra tiền tuyến cứu bạn, diệt thù. Các cô gái Sài Gòn vào trận, phục vụ chiến đấu như người chiến sĩ, chỉ có khác là không trực tiếp cầm súng mà mở đường, tải đạn, cáng thương.

Qua lao động sản xuất cũng như trong phục vụ chiến đấu, các em gái thanh niên xung phong đã có những bước trưởng thành rất lớn: hơn 2.500 em trở thành đoàn viên thanh niên cộng sản, nhiều em được kết nạp vào Đảng. Chúng ta rất vui mừng về những bước trưởng thành của các em. Đó là những con người mới rất đáng quý và chúng ta rất tự hào”.

Vị Bí thư Thành ủy TPHCM tỏ ra rất vui mừng trước những nhân tố mới của phụ nữ. Ở xã Đông Hưng Thuận, huyện Hóc Môn (nay thuộc quận 12) có chị Tám O là người cán bộ có năng lực đặc biệt trong phong trào phụ nữ ở nông thôn. Là trưởng ban cán sự phụ nữ ấp, chị nắm rất rõ hoàn cảnh gia đình của từng người.

Chi hội phụ nữ ấp đến với chị em bằng những vấn đề nóng hổi, thiết thực của cuộc sống: bàn việc trồng rau, tính việc nuôi heo, vận động vô tập đoàn, bàn chuyện xây dựng gia đình văn hóa mới, chống việc ăn cắp vặt, lo việc giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau… 

Biết chị em tham công tiếc việc, chị Tám O đến nhà giúp tưới xong mấy liếp rau xanh hoặc trồng xong mấy hàng cà rồi rủ chị em đi họp cho kịp giờ. Chị tính toán nội dung họp gần gũi và chỉ họp trong 1 giờ. Vừa công tác, chị Tám O còn trồng hoa màu, trồng lan, nuôi đàn con 7 đứa ăn học, kiên trì giáo dục con trở thành con ngoan, trò giỏi, thành đạt. 

Trước “hiện tượng Tám O”, Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt đánh giá: “Giá mà thành phố ta có nhiều chị em biết vận động quần chúng như chị Tám O thì phong trào phụ nữ sẽ lớn mạnh biết bao nhiêu! Từ một nơi lúc đầu cơ sở hội yếu, chị đã vận động chị em tổ chức được 10 tổ phụ nữ hoạt động tích cực trên tất cả các mặt công tác của địa phương. Và ấp Cây Sộp đã trở thành một trong những ấp khá nhất của ngoại thành. Hội phụ nữ ở đây đã thực sự tham gia chính quyền”. 

Chú Sáu Dân là vậy, luôn nêu ra những điều cụ thể, chỉ đạo cụ thể và cũng tỏ ra rất quyết liệt trước những vấn đề cụ thể. Trước sự kiện tờ báo Chosun (Hàn Quốc) đăng bài hạ thấp nhân phẩm các cô gái Việt Nam, ngày 27/4/2006, nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt gửi cho Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam lá thư.

Thư viết: “… Đây không phải là lần đầu, mà đã nhiều lần, thông tin về các cô dâu Việt ở Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… với hoàn cảnh tương tự cũng đã được đăng tải. Không đơn giản chỉ là nỗi đau về trách nhiệm, đây còn là nỗi nhục về hình ảnh phụ nữ Việt Nam dưới con mắt người nước ngoài.

Tôi đã nhiều lần có thư nhắc nhở, kêu cứu đến các cơ quan chức năng, các địa phương có nhiều chị em làm dâu xứ người. Cả một hệ thống chính trị của Đảng từ trung ương đến các địa phương không thấy có định hướng, tác động gì, cứ để mạnh ai nấy làm một cách tự phát. Ai có trách nhiệm phải gìn giữ truyền thống của phụ nữ Việt Nam và ai là người có trách nhiệm trước nỗi nhục này, có khả năng làm giảm nỗi đau này chăng?”.

Phút trải lòng của chú Sáu Dân

Tôi nhớ lần gặp chú ở biệt thự Lan Anh vào tháng 4/2007. Sau nhiều giờ làm việc căng thẳng về đề tài tết Mậu Thân 1968, chú Sáu chuyển sang kể chuyện đời thường vui vẻ để thư giãn. Tôi không bỏ qua cơ hội tranh thủ hỏi chú vài chuyện đời thường ít khi được chú tiết lộ. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt cùng bà Nguyễn Thị Thập - nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà Ngô Thị Huệ (đứng hàng sau) - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trung ương Đảng - trong ngày lễ khởi công xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (ảnh tư liệu)
Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt cùng bà Nguyễn Thị Thập - nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà Ngô Thị Huệ (đứng hàng sau) - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trung ương Đảng - trong ngày lễ khởi công xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (ảnh tư liệu)

Chú nói, người phụ nữ mà chú yêu quý nhất là người vợ đã tử nạn cùng 2 đứa con thơ trên đường đi thăm chú trong căn cứ Củ Chi vào mùng Hai tết năm 1962. Chú không cầm được nước mắt, nói: “Bà ấy đẹp, hiền dịu, hết mực yêu chồng, thương con, chịu đựng. Vậy mà…”. 

Hình như không muốn tôi chìm vào một câu chuyện bi thương, chú Sáu Dân chuyển sang chuyện hài hước: “Thím Sáu bây mất cùng với 2 con, không gì bù đắp nổi những mất mát trong lòng tao. Đàn ông góa vợ, cũng không đến nỗi xấu trai như tao, nói thiệt, cũng có nhiều phụ nữ bày tỏ tình cảm. Tao cũng đâu phải là gỗ đá, nhưng tự nhủ phải kiềm chế, để tình cảm dẫn dắt thì nguy hiểm lắm, biết đâu hoàn cảnh của mình dễ làm tổn thương người ta. Nói thiệt, cũng nhờ có mấy tay bảo vệ nghiêm khắc mà tao tránh được quá đà. Chuyện giữ được “khí tiết” này không phải tao hay mà tụi nó hay, tao cám ơn tụi nó lắm”. 

Tôi chưa “buông tha”, hỏi: “Cơ duyên nào chú cưới cô Cầm?”. Chú Sáu cười nói: “Chuyện dài lắm. Thôi, chuyện vợ chồng, tao ngẫm chắc cũng có duyên số. Chuyện tao cưới vợ, mấy bà phụ nữ Nam Bộ cũng không vui nhưng sau đó thì cũng thông cảm với tao. Mấy chị vì thương tao mà lo vậy thôi, nhưng tao biết mấy chị như chị Bảy Huệ, chị Năm Mè, chị Duy Liên… rất thương quý tao. Cũng phải thôi, dân thường cưới vợ đã khó, cán bộ lãnh đạo cấp Nhà nước càng khó hơn. Mấy chị muốn mai mối cho tao một người có đủ tiêu chuẩn, nào đức, nào tài, hiền hậu mà phải là đảng viên. Các chị lựa hoài mà vẫn chưa tìm ra người vừa ý, rồi tao phải…”. 

Chú cười khà khà vui vẻ, kể: “Tao nhớ hồi Đại hội Đảng lần thứ II, mấy bà phụ nữ cũng “gí” Bác Hồ lắm. Mấy chị bắt Bác hứa sau đại hội phải lấy vợ. Bác cười nói: “Được. Bác hứa nhưng mà tiêu chuẩn của Bác cao lắm đấy”. Mấy chị nhao nhao hỏi: “Thưa Bác, cao là cao cỡ nào?”. Bác nói: “Người phụ nữ Bác chọn làm vợ phải hiền dịu, trẻ, khỏe, đẹp, có tài và tất nhiên phải có cùng chí hướng với Bác”. Mấy bà phụ nữ chưng hửng, nhìn đi nhìn lại chẳng tìm ra người phụ nữ nào đáp ứng tiêu chuẩn của Bác. Vậy là mấy chị đành chịu thua Bác”. 

Tôi bật cười thú vị, chợt phát hiện ra, với cách kể thủng thẳng, tỉnh bơ, chú Sáu kể chuyện tiếu lâm rất có duyên. Kỳ lạ thay, trong những ngày đau buồn tiễn đưa chú Sáu về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi lại nhớ nhiều đến nụ cười của chú mỗi khi được gặp. Đó là nụ cười lạc quan, luôn như khích lệ, an ủi, động viên mọi người cho dù trong những thời điểm dầu sôi lửa bỏng nhất.

Trên đường tiễn đưa chú về nơi an nghỉ cuối cùng, khi đi ngang qua Nhà Thiếu nhi TPHCM, qua Nhà trẻ 19/5, tôi nghe lòng rưng rưng, chợt nhớ đến câu nói mang đậm phong cách Võ Văn Kiệt: “Dành nhà to, nhà đẹp làm nhà trẻ, dành thực phẩm tươi ngon cho các cháu nhà trẻ”. 

Có lẽ do thực sự yêu quý phụ nữ và gắn bó với phong trào phụ nữ mà ông đã có những hành xử rất quyết liệt, cụ thể.

Trầm Hương

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI