Trăn trở với giáo dục quốc phòng an ninh cho học sinh, sinh viên

07/02/2023 - 06:43

PNO - Việc truyền thụ kiến thức quốc phòng an ninh cho học sinh, sinh viên là hết sức quan trọng để từ đó hình thành lòng yêu nước, ý thức dân tộc cho thế hệ trẻ. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng học sinh, sinh viên xem việc học môn này chỉ là để đủ điều kiện lên lớp, tốt nghiệp.

Môn chính nhưng bị coi như môn phụ

Thầy Hà Huy Nguyên - giáo viên môn giáo dục quốc phòng an ninh (QPAN) Trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ, TPHCM) - nhận xét hiện nay, việc triển khai dạy môn QPAN trong các trường học ngày càng được chú trọng. Đối với bậc THPT, môn QPAN là môn học chính, bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, yêu cầu về số tiết, giáo trình giảng dạy, kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ đều phải bài bản theo đúng quy định.

Sinh viên học môn giáo dục quốc phòng an ninh tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng an ninh của Đại học Quốc gia TPHCM - ẢNH: P.T.
Sinh viên học môn giáo dục quốc phòng an ninh tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng an ninh của Đại học Quốc gia TPHCM - Ảnh: P.T.

Tại Trường THPT An Nghĩa, với hơn 800 học sinh có 2 giáo viên phụ trách môn QPAN, trong đó có 1 giáo viên đào tạo chính quy và 1 giáo viên môn giáo dục thể chất được đào tạo thêm về kiến thức QPAN. Theo thầy Hà Huy Nguyên, thực tế nếu giáo viên chịu khó sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy thì môn học này thu hút học sinh không thua kém các môn khác. Chẳng hạn, học sinh rất hào hứng với các phần thực hành lắp ráp súng ống, ném lựu đạn, băng bó vết thương... 

Tuy vậy, theo thầy Hà Huy Nguyên, đối với phần lý thuyết có một số nội dung còn khá nặng nề có thể làm giảm hứng thú của học sinh, chẳng hạn chương trình lớp Mười yêu cầu học về Luật Sĩ quan, Luật Công an nhân dân... Quan trọng nhất là cách nhìn nhận của phụ huynh, học sinh, đa phần vẫn coi đây chỉ là môn phụ, không quan trọng, không giúp ích cho định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Trung tá Trần Đình Lương - chuyên viên giáo dục QPAN Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết Luật Giáo dục QPAN quy định 2 đối tượng trung tâm là học sinh bậc phổ thông và sinh viên, học viên bậc giáo dục nghề nghiệp. Đối với phổ thông, hiện nay bậc tiểu học và THCS lồng ghép giáo dục QPAN trong các môn học lịch sử, giáo dục công dân. Còn ở bậc THPT, giáo dục QPAN là môn học bắt buộc theo quy định, cùng với những môn khác hình thành phẩm chất và phát triển năng lực của học sinh. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại là chương trình giáo dục ở bậc phổ thông thiếu tính ổn định, trong chưa đầy 5 năm đã có 2 lần thay đổi chương trình.

“Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên mất cân đối, vừa thiếu vừa thừa. Với vai trò người tham mưu về giáo dục QPAN, tôi rất trăn trở bởi sinh viên giáo dục QPAN ra trường không có việc làm. Trong khi đó, TPHCM thiếu giáo viên môn học này nhưng hằng năm tuyển dụng được rất ít. Một số trường học phải “giặm vá” bằng cách thuê giáo viên bên ngoài hoặc “xoa xoa đập đập” cho qua để hoàn thành chương trình” - trung tá Trần Đình Lương đánh giá.

Đối với bậc đại học, ông Nguyễn Võ Anh - chuyên viên Phòng Thanh tra đào tạo Trường đại học Sư phạm TPHCM - cho biết, qua khảo sát, khoảng 12% giảng viên chưa hiểu rõ tầm quan trọng của các học phần QPAN. Đối với sinh viên, có đến 45% không có hứng thú với việc tham gia các học phần môn giáo dục QPAN. Khoảng 11% sinh viên không hài lòng với chất lượng giảng dạy, cho rằng giảng viên chỉ sử dụng biện pháp thuyết trình đơn điệu, môn học trừu tượng, xa rời cuộc sống... Bên cạnh đó, một số sinh viên tham gia học môn này vì đây là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp chứ chưa nhận thức đúng mục tiêu môn học.

Cần truyền được cảm hứng môn học

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Kỷ Tỵ - Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) - cho rằng việc giáo dục QPAN phải hướng đến truyền cảm hứng về các giá trị truyền thống, lòng yêu nước, ý thức dân tộc cho học sinh, sinh viên. Điều đó đòi hỏi người thầy bên cạnh trình độ còn phải không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng, ngành nghề, độ tuổi. Giáo viên, giảng viên cần lồng ghép những nội dung giáo dục mới, thiết thực, cập nhật nhanh chóng tình hình thời sự đất nước và thế giới cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các khu di tích lịch sử, đối thoại với nhân chứng lịch sử để thoát ly sự nặng nề, thụ động của phương pháp giáo dục truyền thống.

Đồng quan điểm, trung tá Trần Đình Lương nhận xét đôi khi trong một số tình huống vẫn chưa có sự phân biệt giữa giáo dục QPAN và huấn luyện quân sự. Có nhiều cơ sở đưa các sĩ quan quân đội về tập huấn cho học sinh với những yêu cầu khắt khe như trong đơn vị quân đội. Chẳng hạn, đòi hỏi học sinh các tư thế chuẩn mực như sĩ quan là khó khả thi. Do đó, phải xác định giáo dục QPAN ở môi trường sư phạm khác với quân đội, đối tượng học sinh phổ thông khác với lực lượng vũ trang. Với học sinh phổ thông, đòi hỏi người dạy có phong thái mềm mại, nhẹ nhàng hơn mới đi vào thực tế.

Ông Trần Đình Lương cũng đề nghị cần hoàn thiện nội dung chương trình giáo dục QPAN theo mạch logic từ trung học đến đại học, tránh trùng lặp, đảm bảo tính liên tục, phù hợp yêu cầu đặt ra với từng độ tuổi. Bên cạnh đó, với sự rộng mở của thông tin hiện nay, việc giảng dạy không đơn thuần là truyền thụ kiến thức. Đội ngũ giáo viên QPAN cần không ngừng tăng cường khả năng lý luận và kỹ năng thực hành, ứng phó các tình huống phát sinh. Khi học sinh hỏi mà thầy cô trả lời thiếu thuyết phục thì không thể truyền cảm hứng cho các em.

Tiến sĩ Lê Đức Sơn - Trưởng khoa Giáo dục quốc phòng Trường đại học Sư phạm TPHCM, nơi đào tạo cử nhân chính quy về giáo dục QPAN - cho rằng, hiện nay, yêu cầu của chương trình phổ thông mới đặt ra những đòi hỏi mới trong việc đào tạo giáo viên giảng dạy môn QPAN. Do đó, để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, nhà trường đề xuất tăng thời gian cho sinh viên khoa Giáo dục quốc phòng học tập, rèn luyện thực tế ở các đơn vị quân đội. Nếu được có thể đưa hẳn sinh viên về các đơn vị quân đội đào tạo trong thời gian 6 tháng, được đánh giá theo tiêu chuẩn của đơn vị quân đội và nếu đạt chuẩn thì được cấp chứng nhận sĩ quan dự bị. Điều này sẽ góp phần nâng vị thế của giáo viên dạy QPAN và vị thế của môn  học này.

Bên cạnh đó, hiện nay học phần đào tạo giáo viên ngành QPAN có tỉ lệ nội dung kiến thức giáo dục an ninh ít hơn giáo dục quốc phòng. Trường cũng đề nghị điều chỉnh tăng số tiết và nội dung về giáo dục an ninh, nhằm trang bị đầy đủ kiến thức cho giáo viên để giảng dạy về an ninh quốc gia, trật tự xã hội... 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI