Trăn trở về hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến

10/11/2021 - 06:45

PNO - Vấn đề dạy và học trực tuyến là nỗi trăn trở của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ngày 9/11.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (tỉnh Bắc Ninh) ghi nhận những đột phá của ngành giáo dục, nhưng cũng chỉ ra những bất cập. Trước hết, chất lượng dạy và học chưa được đảm bảo do rất nhiều yếu tố khách quan như chất lượng của đường truyền không ổn định, một bộ phận thầy, cô giáo - đặc biệt là những giáo viên lớn tuổi - gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; thiết bị để dạy và học còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng; việc quản lý học sinh trong quá trình học tập chưa thật hiệu quả. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe thể chất và tâm lý của người dạy và học do phải ngồi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu, thiếu tương tác. “Phụ huynh chưa tương tác hợp lý với con trong quá trình học trực tuyến. Giáo viên chịu áp lực tâm lý khi một tiết dạy có trăm mắt nhìn. Giờ dạy trực tuyến không chỉ có học sinh theo dõi mà có cả phụ huynh học sinh và cả cộng đồng mạng xã hội” - bà Nguyễn Thị Hà nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng đề nghị Chính phủ giao các bộ hữu quan chịu trách nhiệm nâng cấp đường truyền để đảm bảo chất lượng băng thông luôn ổn định, mở rộng đối tượng được tiếp cận với chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nghiên cứu các hình thức thu hút doanh nghiệp tham gia vào chương trình để sớm đạt được mục tiêu không học sinh nào bị thiếu thiết bị học trực tuyến. Bà cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tổ chức nhiều chương trình đối thoại, trao đổi giữa cấp quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh nhằm chia sẻ và cởi bỏ áp lực tâm lý của các bên khi phải dạy và học trực tuyến kéo dài.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (tỉnh Kon Tum) chỉ ra rằng, báo cáo của Chính phủ đề cập chương trình vận động máy tính cho học sinh nhưng lại chưa có thống kê số trẻ cần hỗ trợ và số trẻ đã nhận hỗ trợ để có thể xác định hành động, giải pháp kế tiếp.

Dẫn kết quả của một cuộc khảo sát mới đây với 69.000 người lao động, trong đó một tỷ lệ lớn khẳng định, chi phí cho con cái học trực tuyến là chi phí phát sinh lớn nhất, bà nói: “Thực tế, ở địa phương tôi, rất nhiều gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn và không thể có số tiền hơn 3 triệu đồng để mua điện thoại thông minh hoặc tầm 10 triệu đồng để mua một máy tính. Đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét, bổ sung, làm rõ nội dung này trong báo cáo, có những định hướng và giải pháp cụ thể hơn trong thời gian tới”.

Cũng theo bà Thu Phước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên thời gian qua, xác định những vướng mắc, bất cập và có những giải pháp để giải quyết, phát huy tốt ưu điểm của hình thức này trong thời gian tới. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI