Ẩm thực nước ta đa dạng, phong phú, nhiều món ăn như bánh mì, phở, bún bò, bún chả, hủ tíu đã được truyền thông và bạn bè quốc tế ngợi khen, vinh danh. Không chỉ du khách nước ngoài, ngay cả người Việt chúng ta khi lên kế hoạch du lịch đến một tỉnh, thành khác trong nước thì ẩm thực địa phương luôn là mối quan tâm hàng đầu. Ăn ngon thôi chưa đủ, bởi bản thân mỗi món ăn còn phản ánh các giá trị văn hóa, di sản, tinh hoa nghệ thuật bản địa. Do đó, các trải nghiệm ẩm thực, chẳng hạn trực tiếp nhìn đầu bếp chế biến và kể chuyện về từng món ăn, không gian cho thực khách tự tay chế biến, tranh/sách ảnh/video ẩm thực ba miền giúp thực khách tìm hiểu, chụp hình kỷ niệm là cần thiết. Thiết nghĩ, các nhà quản lý nên đặt phát triển du lịch ẩm thực là mục tiêu quan trọng, từ đó đưa ra chiến lược bài bản.
Là nơi quy tụ đông đảo bà con từ các tỉnh, thành đến học tập, làm việc và sinh sống, TP.HCM mang trong mình sự hòa quyện sâu sắc về ẩm thực Bắc, Trung, Nam, đặc sản miền nào cũng có. Các chợ truyền thống hiện nay có lợi thế lớn là không gian mở rộng rãi, tiểu thương cũng đa dạng, họ đến từ nhiều nơi mang theo các giá trị ẩm thực, giọng nói, phong cách ăn mặc đặc trưng của quê hương. Tại sao chúng ta không phát huy những điểm khác biệt này để làm ẩm thực du lịch? Bắt đầu từ một vài chợ nhỏ, có thể quy hoạch thành từng khu rau củ, đặc sản khô, thức ăn tại chỗ, mỹ phẩm, quần áo, trong đó, người bán sẽ mặc các trang phục phù hợp, tiện lợi song vẫn có thể giới thiệu được nét đẹp thời trang Việt là áo dài, áo bà ba, váy áo thổ cẩm. Không cần chuyên gia hay những gương mặt hướng dẫn viên mau lẹ, hãy để chính người bán mộc mạc, chân chất trực tiếp làm và nói về nguồn gốc, nguyên liệu, giá trị sức khỏe của từng món ăn.
Gương mặt ẩm thực bên cạnh bày biện “hút mắt” còn phải sạch, thân thiện với môi trường. Nên chăng, việc sử dụng túi ni-lông sinh học tự hủy, các loại hộp giấy/bã mía, ống hút gạo/tre trong chợ truyền thống kiểu này cần có quy định nghiêm ngặt thay vì tuyên truyền rồi mạnh ai nấy làm. Để thực hiện được điều đó cần nguồn cung đảm bảo chất lượng, số lượng lớn và giá thành phù hợp.
Văn hóa - nghệ thuật là lĩnh vực hoạt động tinh thần có tính quần chúng. Tôi tự hào đã lựa chọn và được làm việc trong môi trường này, qua đó, góp phần cống hiến khả năng của mình vào công tác chăm lo đời sống tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải văn nghệ sĩ nào cũng có điều kiện gắn bó với lĩnh vực mà mình đam mê và sống được với nghề. Nhiều nghệ sĩ lớn tuổi chật vật trong bệnh tật, thậm chí không nơi nương tựa. Tôi mong mỏi chính quyền thành phố sẽ có cơ chế chính sách đặc thù trong việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa từ cấp cơ sở lên quy mô cấp thành, chẳng hạn như nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhà hát với đầy đủ công năng, hoạt động đi vào chiều sâu. Không chỉ các nghệ sĩ đã có tên tuổi mà những bạn trẻ yêu văn hóa - nghệ thuật, có năng khiếu, có đam mê cũng được học tập, biểu diễn thường xuyên phục vụ bà con.
Thêm nữa, thành phố cũng cần mạnh dạn kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chuyên đề nghiên cứu, khảo sát đời sống và tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ văn nghệ sĩ, từ đó có chủ trương phù hợp trong việc chăm lo, khen thưởng kịp thời, đúng mức, tránh để thiệt thòi cho nghệ sĩ.
Những năm qua, câu lạc bộ Nữ nghệ sĩ mở các khóa dạy thanh nhạc, các làn điệu dân ca ba miền, nhạc cách mạng. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là có rất nhiều anh chị, em trẻ cũng như lớn tuổi, yêu thích lĩnh vực này, hăng hái theo học. Mong rằng thành phố sẽ nghiên cứu vực dậy sức sống của các loại hình nghệ thuật dân gian như dân ca, cải lương, đờn ca tài tử. Hiện nay, nhiều nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật chính thống học hành bài bản nhưng khi ra trường không có đất dụng võ phải làm nhiều nghề khác để mưu sinh. Hy vọng chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa - nghệ thuật sẽ cởi mở hơn, được đẩy mạnh hơn để người dân - chủ thể của văn hóa - tham gia ngày càng nhiều vào quá trình đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở, thành lập đoàn nghệ thuật, phối hợp đào tạo học viên và chủ động lên kế hoạch thực hiện những chương trình biểu diễn quy mô, qua đó giúp nghệ sĩ có thêm điều kiện, thêm cơ hội cống hiến tài năng, tâm huyết cho nền nghệ thuật nước nhà.
Hạnh Chi - Mẫn Nhi - Thanh Huyền - Diễm Trang - Phương Dung (thực hiện)
Thiết kế: Hoàng Triết