Chuyện những người phụ nữ
Công chúa Đồng Xuân tên thật là Nguyễn Phúc Gia Phúc, là con gái út của Vua Thiệu Trị và là con dâu của danh tướng Nguyễn Tri Phương. 1 tuổi đã mồ côi, 26 tuổi thành góa phụ khi Phò mã Nguyễn Lâm chết trận ở Hà Nội. 37 tuổi nàng vướng vào án “loạn luân” với người anh trai là Gia Hưng Công Nguyễn Phúc Hồng Hưu. Tuy thế, như nhà văn Trần Thùy Mai chia sẻ, vụ án đó chưa được khẳng định và Đồng Xuân có thể chỉ là nhân vật bị sa vào âm mưu phân tranh quyền lực thời bấy giờ.
Vào quãng thời gian đó, Gia Hưng Công và 2 cận thần là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết có nhiều tranh đấu trong các phản ứng đối với quân Pháp. Do đó, tội trạng “loạn luân” còn nhiều ẩn khuất trong các động cơ có phần cá nhân, không qua xét xử mà chỉ dựa trên chỉ một lời khai.
Qua thể loại hư cấu dựa trên lịch sử, Công chúa Đồng Xuân không chỉ nói về số phận của một nhân vật riêng lẻ, mà còn là tổng hòa của nhiều yếu tố: câu chuyện của một thời kỳ lịch sử phức tạp, phản ánh tư tưởng nữ giới cũng như chứa đựng những nghiên cứu văn hóa - xã hội.
Có thể thấy, từ những truyện ngắn đậm tính đương đại cho đến 2 bộ tiểu thuyết lịch sử, hình tượng người phụ nữ luôn luôn ẩn hiện trong văn chương của Trần Thùy Mai. Đó có thể là người mẹ, người vợ mất con trong cuộc “tắm máu” phi nghĩa; những phụ nữ bị khép tội không qua xét xử mà chỉ góc nhìn của thời hiện đại mới giúp họ có được tiếng nói công bằng.
Trần Thùy Mai không chọn lối viết an toàn. Bà dấn thân đến tận cùng để khai thác tâm lý nhân vật. Cuốn tiểu thuyết này cũng chứa đựng không ít phân cảnh ái ân cùng những khát khao rất riêng của người phụ nữ. Từ trước đến nay, đây vẫn được cho là cách tiếp cận có phần phạm húy hay làm lệch đi đặc tính trang nghiêm về mặt lịch sử. Thế nhưng đọc hết bộ tiểu thuyết, ta có thể hiểu vì sao những yếu tố đó là không thể thiếu.
Trần Thùy Mai nói: “Theo tôi, đã là sáng tạo thì càng ít nói về giới hạn, càng tốt […] Bản thân câu chuyện của Đồng Xuân là một câu chuyện về tình dục và chính trị. Một câu chuyện như vậy mà không có những trang đặc tả chuyện khuê phòng thì thật là rất, rất vô vị”.
Những góc nhìn mới
Bằng một lượng lớn các nhân vật lịch sử, các mối quan hệ phức tạp, nhà văn Trần Thùy Mai đã dựng nên cốt truyện lớn về 30 năm cuối Triều Nguyễn, từ đời Tự Đức cho đến Đồng Khánh. Bà tiết lộ đã mất hơn 1 năm để sắp xếp sử liệu trước khi khai bút. Bằng tài năng nổi trội, qua tác phẩm của bà, những nhân vật lịch sử hiện ra rõ nét và đầy cá tính. Ở đó có một Gia Phúc ương bướng, hoang dại; một Hoàng thái hậu Từ Dụ kín kẽ, nhân hậu; Tôn Thất Thuyết bản năng, độc đoán; Phan Thanh Giản thấu suốt, tận trung…
|
Nhà văn Trần Thuỳ Mai |
Được viết theo cách tôn trọng sử liệu hết mức có thể nên Công chúa Đồng Xuân cũng có thể đọc như một bức tranh phản ánh tình hình chính trị - xã hội vào giai đoạn này - khi giặc Tây bám lấy các tỉnh miền Nam, giặc Tàu luôn chờ thời cơ đánh phá phía Bắc. Từ bối cảnh này mà câu hỏi lớn rằng ta nên hòa hay là chiến đấu với giặc Tây đã tạo ra những phe phái khác nhau, từ đó quyền lực sẽ bị thâu tóm và những hàm oan cũng được tạo ra.
Nhờ được đặc tả vô cùng sống động, ta có thể thấy những người theo phái chủ hòa như Nguyễn Trường Tộ, Phan Thanh Giản… hiểu rõ thế sự, nhìn trước tương lai là không thể thắng do sự thua sút về mặt nhân lực - công nghệ, từ đó chủ trương hòa hoãn để canh tân đất nước. Phía còn lại gồm Tôn Thất Thuyết, Hoàng Tá Viêm… quyết liệt đánh Tây nhưng không cân nhắc rõ ràng bàn cờ quyền lực, dẫn đến thất bại là không tránh khỏi.
Với lối viết theo trục thời gian và các không gian liên tục chuyển đổi, nhà văn Trần Thùy Mai biết cách làm “mềm” thể loại tưởng như khô khan để câu chuyện sống động, cuốn hút cũng như giữ được kịch tính từ đầu đến cuối. |
Về tính lịch sử, ngoài phản ánh bối cảnh thời đó một cách trung thực, Trần Thùy Mai cũng cho thấy được khả năng viết tiểu thuyết sử khi tái hiện các trận lật đổ, phản kháng và chiến đấu vô cùng chân thật và đầy kích thích. Đó là các trận ở thành Kỳ Hòa, thất thủ kinh đô cũng như tấn công vào đồn Mang Cá… Tuy bà chỉ điểm qua các hành động chính, người đọc vẫn có thể cảm được sự khắc nghiệt và những bi kịch mà nó gây ra.
Nhà văn Trần Thùy Mai, với Công chúa Đồng Xuân, đã thêm một lần thành công với tiểu thuyết lịch sử. Đây là thể loại có phần khó viết vì dễ sa vào việc bị dẫn dắt bởi các sử gia - những người cũng có thiên vị và tư kiến riêng. Nhờ sự đồng cảm, thấu hiểu cũng như làm việc một cách trung thực với các tư liệu, Trần Thùy Mai đã khắc họa được những người phụ nữ có số phận chìm nổi, từ đó hơn 40 năm biến động với “thù trong giặc ngoài”, “3 tháng 4 vua”… đã được dựng nên. Đây là tác phẩm đạt được đến độ đa ảnh, đa thanh và cũng có thể đọc dưới nhiều góc nhìn.
Thuận Phát