Nhỏ nhắn, kiệm lời và chẳng nói gì về mình là ấn tượng đầu tiên mọi người nhìn thấy ở Trần Ngọc Anh - nữ huấn luyện viên lặn biển hiếm hoi ở Việt Nam, người sáng lập câu lạc bộ lặn Viet Divers và là nhà hoạt động vì môi trường biển không mệt mỏi. Ít nói là thế nhưng khi nhắc đến hệ sinh thái biển - giọng nói của cô ngay lập tức thay đổi, sôi nổi và cương quyết.
Quyết định từ lúc phát hiện đam mê
Chuyện đời của Trần Ngọc Anh có thể trở thành một câu chuyện truyền cảm hứng sống mạnh mẽ đến các cô gái trẻ. Từng học và làm về lập trình máy tính tại Đức một thời gian khá dài, Ngọc Anh cũng như bao bạn trẻ lúc đó: học một ngành thời thượng, sang hơn là đi du học ở một nước phát triển rồi kiếm một công việc tốt, thu nhập cao và cứ thế mà an phận. Nhưng nếu như thế chắc chẳng bao giờ có một Ngọc Anh của hôm nay.
Cuộc sống luôn có những bước ngoặt thật bất ngờ… Khi sang tuổi ngũ tuần, cha của Ngọc Anh lại đi học lặn biển. Thật ra đó từng là mơ ước của ông nhưng khi trẻ không có điều kiện, nên lúc thư thả rồi, ông quyết thực hiện đam mê của mình. Nào ngờ niềm đam mê ấy “lây lan” sang Ngọc Anh khi cô đăng ký học cùng ông… cho vui, trong một dịp về Việt Nam chơi. Cô nói: “Khi lỉnh kỉnh cùng thiết bị và cả những lần hoảng hốt đầu tiên trước các sự cố nhỏ ở dưới biển, tôi đã choáng ngợp với thế giới đại dương nhưng lại phấn khích vô cùng vì khả năng của bản thân”. Sự “thèm thuồng cảm giác lơ lửng trong lòng biển” cứ ám ảnh mỗi khi cô có dịp đến vùng biển. Rồi sau đó, mọi con đường đều đưa cô đến “vận mệnh” trở thành một người lặn chuyên nghiệp, một nữ huấn luyện viên lặn biển hiếm hoi ở Việt Nam.
Rời Đức về Việt Nam, Ngọc Anh quyết định dấn thân vào một công việc mà chỉ cần nghe nói người ngoài sẽ hình dung đến sự gian truân nhưng không kém phần lãng mạn. Lặn biển chính là một thế giới rất khác với phần ồn ào náo nhiệt của cuộc sống “trên mặt đất”. Hỏi Ngọc Anh rằng nếu chỉ đơn thuần là làm kinh doanh, có thấy khó khăn nhiều không, cô chỉ cười. Hầu như ai cũng biết thật khó để tìm ra một người yêu thích bộ môn này và đi theo con đường chuyên nghiệp vì với thói quen vận động của người Việt, chắc chắn đây là một bộ môn khó. Và nếu không phải đam mê thì rất mau nản lòng. Với Ngọc Anh, cô đặt ra cho mình nhiệm vụ truyền cảm hứng chia sẻ những trải nghiệm, niềm đam mê đến cộng đồng.
Cuộc sống luôn là sự lựa chọn
Chắc có lẽ mọi người biết nhiều đến Ngọc Anh với danh hiệu quán quân chương trình Cuộc đua kỳ thú mùa 4 cách đây 5 năm. Song, vốn dĩ Ngọc Anh không chọn cuộc thi đó để làm bước đệm cho sự nghiệp của mình. Sau cuộc thi, Ngọc Anh lặng lẽ tiếp tục công việc dạy lặn tại câu lạc bộ Viet Divers. Mục đích ra đời của câu lạc bộ này cũng ít nhiều đúng chất “Ngọc Anh” - vừa dạy lặn, vừa tạo ra một sân chơi cho những người yêu thích bộ môn lặn tham gia sinh hoạt, vừa có một cộng đồng cùng nhau lan tỏa hành động bảo vệ hệ sinh thái biển. Thế nên, đến mùa Cuộc đua kỳ thú năm 2019, chính Ngọc Anh đã lên tiếng phản đối khi nhìn thấy ban tổ chức đặt những tảng bê tông lên rạn san hô biển. Đó là hành xử sai đối với những rạn san hô.
Tôi hỏi Ngọc Anh khi cô vừa trở về từ một cuộc lặn biển nhặt rác tại Nha Trang, rằng “cứ lao theo những chương trình vì môi trường như thế, Ngọc Anh đủ sống không”. Ngọc Anh cười, luôn miệng bảo mọi thứ với cô nhỏ gọn lắm. Chẳng những không quảng cáo về mình, Ngọc Anh còn từ chối hầu hết các nhãn hàng tìm đến (vì doanh nghiệp biết sức ảnh hưởng lớn của cô đến cộng đồng lặn Việt Nam). Thế nhưng, câu lạc bộ lặn của Ngọc Anh hiếm khi không sôi động. Đều đặn hằng tháng, dọc bờ biển Việt Nam, cộng đồng của cô lại hồ hởi lên đường cho các chuyến lặn nhặt rác dưới lòng đại dương.
Ngọc Anh nói: “Hãy cứ lặn xuống biển, ngay lập tức chúng ta sẽ hành động”. Không hành động sao được nếu như bạn biết rằng san hô cũng là động vật, cũng phát triển và sống, làm giàu môi trường biển. Khi lặn xuống biển và quan sát, góc nhìn sẽ rất khác so với lúc chúng ta nhìn san hô từ tàu đáy kính. Sẽ hạnh phúc biết bao khi quay lại vùng biển mình đã từng lặn, quan sát thấy rạn san hô và cư dân biển nơi này có ít nhiều thay đổi, chỗ này lớn lên, chỗ kia thêm kỳ ảo. Và cũng đớn đau biết bao khi phát hiện những rạn san hô bị biến mất hoặc bị rác quấn chặt.
“Hệ sinh thái biển của Việt Nam rất đa dạng. Đi lặn biển, bạn sẽ nhìn thấy thực tế môi trường biển đang bị tàn phá khủng khiếp. Tôi tin, khi trở về, mọi người không chỉ có ý thức gìn giữ nó, mà còn chia sẻ đến cộng đồng thông điệp bảo vệ môi trường biển. Dưới lòng biển, con người trở thành những vị khách đầy hiếu kỳ. Sẽ thật tuyệt vời khi được bơi tung tăng cùng những chú cá đầy màu sắc. Vậy tại sao chúng ta không bảo vệ môi trường biển cho những chú cá đáng yêu đó và cho chính mình?” - Ngọc Anh chia sẻ.
Những ngày này, truyền thông thế giới đang chấn động bởi loạt ảnh của Ocean Photograpphy Awards - giải thưởng nhằm tôn vinh những bức ảnh và nhiếp ảnh gia có đóng góp trong việc cảnh báo về những thảm họa do con người gây ra dưới đáy đại dương. Nhìn những hình ảnh đó, càng thấm hơn câu nói của Ngọc Anh: “Hãy cứ lặn xuống biển, chúng ta sẽ hành động”.
Lặn biển có hai hình thức khác nhau là lặn bình khí và lặn tự do. Với lặn bình khí, chúng ta có thể đắm mình dưới nước cả giờ đồng hồ và thở với khí nén. Còn lặn tự do là hình thức lặn nín thở, người lặn lên xuống mặt nước liên tục theo khả năng cơ thể.
Cũng như bơi lội, lặn biển là môn thể thao mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe vì có sự phối hợp giữa vận động cơ thể dưới nước và kỹ năng khác như điều hòa hơi thở, thả lỏng cơ thể lẫn tâm trí trong làn nước. Riêng đối với lặn tự do, dưới góc độ khoa học, việc tập luyện nín thở rất có lợi cho hệ tim mạch, giúp ta biết được giới hạn nín thở của bản thân.
Theo Ngọc Anh, những ai mới nín thở lần đầu thường cảm thấy khó chịu. Nên cô luôn nhắc nhở mọi người tìm hiểu mức độ an toàn, phản xạ cơ thể để biết được mình có thể chịu đựng đến mức nào.
|
Viet Divers thường kết hợp với các trung tâm lặn biển tổ chức chương trình nhặt rác dưới biển, thu nhặt được nhiều loại rác thải (phần lớn là túi ni-lông, ly, thìa/dĩa nhựa dùng một lần, bao bì bánh kẹo, mì ăn liền, dây cước, lưới đánh cá...). Các chuyến lặn như thế tuy ngắn ngủi nhưng hy vọng sẽ truyền tải được thông điệp đến cộng đồng và những người yêu biển về ý thức bảo vệ môi trường biển, thay đổi lối sống và sinh hoạt tích cực hơn cho môi trường thiên nhiên. |
Lan Khôi