Tràn lan thuốc giả đội lốt “thuốc bệnh viện”

06/12/2021 - 12:36

PNO - Nhiều người bệnh đã gặp tình trạng “tiền mất, tật mang” bởi chiêu lừa gắn mác thuốc của bệnh viện, thậm chí gắn cả “tem chống hàng giả” của những kẻ bán thuốc giả trên mạng.

Thuốc mạo danh gắn tem chống hàng giả

Được quảng cáo là sản phẩm của Bệnh viện (BV) Da liễu TPHCM, thời gian gần đây, trên các diễn đàn, sản phẩm Acid Trichloracetic 80% được rao tràn lan trên các kênh cá nhân cũng như các hội nhóm mua bán. Sản phẩm này được giới thiệu đặc trị mụn cóc, mụn cơm… không tái phát. Tại một kênh bán hàng online, chúng tôi được “chủ shop” khẳng định, loại thuốc này có tác dụng làm bong phần vẩy sừng bên ngoài thượng bì, làm tiêu tan phần nhân phôi và tê liệt virus gây bệnh nên có tác dụng điều trị tận gốc, dứt điểm mụn. “Đây là thuốc chuẩn của BV Da liễu TPHCM nên tuyệt đối an toàn”, người bán giới thiệu. Trên đoạn video giới thiệu, sản phẩm còn được gắn tem chống hàng giả để người mua thêm tin tưởng. Giá thuốc rao bán này trên thị trường từ 75.000 - 110.000 đồng/lọ.

 

Thuốc “mạo danh” Bệnh viện Da liễu TP.HCM được bày bán tràn lan trên mạng xã hội
Thuốc “mạo danh” Bệnh viện Da liễu TPHCM được bày bán tràn lan trên mạng xã hội

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, bác sĩ chuyên khoa II Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Da liễu TPHCM, cho biết, BV có chế phẩm Acid Trichloracetic 50% và 80%, tuy nhiên đó không phải mặt hàng đang được bán phổ biến trên mạng xã hội. Các sản phẩm này đều được bán tại quầy thuốc trong BV chứ không bán ra bên ngoài theo các kênh bán lẻ, bán hàng online. 

Mới đây, BV Trung ương Quân đội 108 cũng lên tiếng cảnh báo trước tình trạng giả danh thuốc của BV. Ông T.V.Đ. (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) kể vợ ông bị tăng huyết áp, tình cờ xem quảng cáo trên YouTube, ông đã mua một liệu trình điều trị với giá 2,5 triệu đồng. “Người bán hàng tự xưng là bác sĩ T.V.C., làm việc tại Khoa Y học cổ truyền BV Trung ương Quân đội 108 nên tôi tin tưởng. Khi gọi tới số điện thoại tư vấn, họ nói tôi có bảo hiểm nên giảm từ 5 triệu xuống 2,5 triệu đồng”, ông Đ. kể. Ông đã đặt hàng và thuốc được gửi về nhà. Tuy nhiên, khi mở ra ông lại thấy vỏ thuốc ghi trị tiểu đường. Ông liên hệ với BV để làm rõ thì phát hiện mình đã bị lừa mua thuốc giả.

Tương tự, ông N.M. (Q.Long Biên, TP.Hà Nội) cũng được một người tự xưng là bác sĩ C. bán một liệu trình thuốc tiểu đường với giá 2,4 triệu đồng. Nhận thấy hộp thuốc có dấu hiệu nghi vấn, ông đã liên hệ với Khoa Y học cổ truyền BV Trung ương Quân đội 108 để xác minh và mới biết đã bị lừa đảo. 

Đủ kiểu lừa đảo

Ngoài việc giả danh thuốc của BV, hiện còn rất nhiều “chiêu trò” lừa đảo, giăng bẫy khách hàng để bán sản phẩm không rõ nguồn gốc. Là một trong những BV thường xuyên bị “mượn danh”, đại diện BV Da liễu Trung ương, cho hay, thời gian qua, có nhiều tài khoản Facebook đăng hình ảnh đơn thuốc của BV. Tuy nhiên, toàn bộ phần nội dung kê thuốc phía bên dưới đều bị cắt ghép, chỉnh sửa để bán các sản phẩm mà BV hoàn toàn không sử dụng.

Một trường hợp khác lại sử dụng hình ảnh bác sĩ của BV, các clip của BV sau đó gắn logo của mình vào để quảng cáo các dịch vụ mà cơ sở đó thực hiện, quảng cáo sai sự thật dẫn tới hiểu lầm cho bệnh nhân. “Thậm chí, có trường hợp còn sử dụng những đoạn hình ảnh về hội nghị da liễu do BV tổ chức, sau đó chèn vào video quảng cáo thuốc của mình. Đây là hình thức lừa đảo tinh vi nhằm lừa đảo người dân để bán thuốc, tư vấn khám chữa bệnh”, đại diện BV bức xúc. 

Để đảm bảo an toàn và quyền lợi của người bệnh, BV Da liễu Trung ương khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với các hành vi lừa đảo, tư vấn, bán thuốc, cung cấp dịch vụ thu tiền… ngoài cơ sở khám chữa bệnh. 

Bác sĩ Vũ Phương Thảo - BV Da liễu TPHCM - cũng nhấn mạnh, việc sử dụng các thuốc, sản phẩm không đúng, không rõ thành phần có thể gây ra tác dụng phụ. Các trường hợp nhẹ có thể bị ảnh hưởng tại chỗ, nặng có thể gây ảnh hưởng toàn thân. Trong quá trình khám bệnh hằng ngày, các bác sĩ tại BV Da liễu TPHCM vẫn thường gặp và xử trí các trường hợp tai biến da do sử dụng các sản phẩm không đúng, nhiều nhất là gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc tại chỗ, nhiễm trùng da… “Hiện nay, khi các sản phẩm được sản xuất ngày càng tinh vi, người tiêu dùng rất khó để phân biệt được thuốc thật nếu chỉ dựa vào mắt thường. Bệnh nhân cần đến các cơ sở uy tín, được cấp phép để đảm bảo mua được sản phẩm đúng chất lượng”, bác sĩ Vũ Phương Thảo nói. 

Huyền Anh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI