Tràn lan thực phẩm tết không rõ nguồn gốc

28/12/2022 - 07:41

PNO - Ở các chợ lẻ và lề đường TPHCM, xuất hiện rất nhiều điểm bán thực phẩm tết dưới dạng hàng xá (cân ký) hoặc được đóng trong gói, lọ. Tuy nhiên, hàng hóa này không có nhãn ghi thông tin về tên sản phẩm, đơn vị sản xuất, địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Thận trọng với sản phẩm "nhà làm"

Giới thiệu với chúng tôi các đặc sản Bình Định như chả ram tôm đất, chả lụa, chả bì ớt xiêm xanh, chả cá bánh tét, chị Dương - chủ sạp tạp hóa trong chợ Bàn Cờ (quận 3) - cho biết, khách chuộng mua những sản phẩm này. Lượng hàng mà chị nhập về bán tết tăng gấp 3-4 lần so với bình thường. Khi chúng tôi thắc mắc về nhãn mác, hạn sử dụng, chị cho rằng, đặc sản nhà làm ở quê quan trọng là ngon, sạch, không cần nhãn mác. 

Kế sạp của chị Dương là sạp bán lạp xưởng tôm, heo, bò, đặc biệt là lạp xưởng tươi, được chủ sạp giới thiệu là đặc sản An Giang do người Chăm làm, có hương vị đặc biệt, giá từ 180.000-210.000 đồng/kg tùy loại. Những chùm lạp xưởng được treo lủng lẳng ngoài trời nắng bụi, không có bao bì, nhãn mác. Theo lời người bán, hạn sử dụng 30 ngày tính từ ngày mua, khi mua về thì bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. 

Tại các chợ và tuyến đường ở TPHCM, nhiều điểm bán hàng tết không có nhãn mác  nên không rõ nguồn gốc, hạn dùng
Tại các chợ và tuyến đường ở TPHCM, nhiều điểm bán hàng tết không có nhãn mác nên không rõ nguồn gốc, hạn dùng

Những mặt hàng trên cũng được bày bán phổ biến ở các chợ Bà Chiểu, Bình Tây, Phú Nhuận… Càng gần tết, hàng hóa về càng nhiều, chủng loại đa dạng, giá không rẻ hơn so với các mặt hàng cùng loại ở kênh cửa hàng, siêu thị. Hầu hết người bán cho rằng, đây là sản phẩm “nhà làm”, không có chất bảo quản nên ngon và an toàn.

Trên các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), Lý Thường Kiệt (huyện Hóc Môn), nhiều người còn bày bán các loại mứt như dừa, me, gừng, chùm ruột, mãng cầu ngay trên vỉa hè. Mứt được đóng trong hũ nhựa, không có nhãn mác, giá từ 25.000-100.000 đồng/hũ hoặc gói tùy trọng lượng. Ở góc đường Huỳnh Văn Bánh - Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), người bán còn nạo dừa tại chỗ để làm mứt.

Lời cảnh báo từ cơ quan chức năng 

Các cửa hàng chuyên doanh đặc sản miền Bắc trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Trần Quốc Toản (quận 3), Lê Thị Hồng (quận Gò Vấp) bán các món cá chép kho riềng, cá kho làng Vũ Đại, chà bông làm từ thịt heo, cá, bánh chưng làm từ nếp nương Điện Biên, bánh chưng nếp cẩm Hà Nội có nhân đậu xanh xanh lòng, thịt heo rừng, thịt trâu gác bếp… Tất cả đều không có nhãn mác. 

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM - cảnh báo, người tiêu dùng nên cẩn trọng với thực phẩm hết hạn sử dụng, thực phẩm ôi thiu được tích trữ trong các kho lạnh, sau đó đưa ra thị trường dịp tết dưới dạng thực phẩm chế biến. Ban đang tập trung kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nhóm hàng thực phẩm, đặc biệt là những mặt hàng phục vụ tết.

Theo bà, trước nhu cầu mua thực phẩm làm quà biếu tăng cao, có thể các sản phẩm quá hạn dùng, thực phẩm chế biến sẵn được “phù phép” đóng nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng mới để tiêu thụ. 

“Tết Quý Mão 2023 là cái tết khó khăn của nhiều người bởi kinh tế khó khăn, công nhân mất việc. Do khó khăn, người dân sẽ giảm mua hàng hoặc ưu tiên mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ rất cao. Người dân nên mua hàng ở những nơi uy tín, hàng có xuất xứ rõ ràng” - bà nói.

Hiện trong các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng đang bày bán đủ loại đặc sản vùng miền có thương hiệu, giá từ 40.000-150.000 đồng/sản phẩm. Người tiêu dùng cũng có thể mua thực phẩm tết, đặc sản vùng miền có thương hiệu từ một số hội chợ đang được tổ chức. 

Nguyễn Cẩm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI