Nhan nhản nhạc “rác”
Mới đây nhất là ca khúc Fever (Coldzy - Đỗ Hoàng Hải) kết hợp tlinh (Nguyễn Thảo Linh) khiến người nghe liên tưởng đến chuyện tình dục phản cảm. Cách hát của ca sĩ thì lả lơi, nhấn nhá đầy chủ ý. Nhiều khán giả bức xúc phản ứng mạnh trên mạng xã hội: “Vì sao phải thể hiện những sự thiếu kiềm chế này vào sản phẩm âm nhạc, giải trí”; “Lời bài hát nghe quá sợ hãi. Sản phẩm âm nhạc dành cho đại chúng không cần những nội dung như thế”’; “Không hiểu sao loại âm nhạc này vẫn được tung hô, bất chấp lời lẽ tục tĩu, sự phê phán từ cộng đồng”…
|
Hình ảnh trong MV Fever của Coldzy kết hợp tlinh - Ảnh chụp màn hình |
Cách đây 1 năm, Ghệ iu dấu của em ơi - một sản phẩm của tlinh - cũng bị cộng đồng cho là nhạc “rác”, dung tục. Thực tế có ca khúc còn “rác” hơn cả Fever nhưng do đăng tải trên kênh có ít người theo dõi nên chưa bị nhắc tên. Chẳng hạn, Biết đâu sẽ mất (Kejo aka, Lil Luyến) chứa nhiều từ chửi thề, nói tục, thậm chí đề cập chuyện bạo lực, cưỡng ép tình dục.
Trong danh sách các ca khúc dạng này còn có thể kể Mẩy thật mẩy (BigDaddy, Emily), Black hickey, Mời anh vào team em (Chi Pu), Xếp hình (Zero9), Hâm nóng (Emily), Cắm sừng ai đừng cắm sừng em (Phí Phương Anh), Cypher nhà làm (Low G, Teddie J, Chí, ResQ), Censored (rapper Chị Cả)… Các sản phẩm này có nội dung trái thuần phong mỹ tục, quấy rối tình dục, sử dụng chất kích thích...
Phần lớn ca khúc này đều có tiết tấu sôi động, đôi khi ca sĩ hát, rap không rõ lời nên phải nghe kỹ mới phát hiện được nội dung phản văn hóa. Do vậy, thường thì ca khúc sau khi được phát hành có đủ thời gian để lan truyền trước khi bị công chúng phát hiện, phản ứng.
Dù bị cộng đồng chỉ trích, số ca khúc phản cảm, dung tục vẫn không có dấu hiệu giảm. Điều này khiến công chúng đặt câu hỏi về tư duy, sự nhạy cảm văn hóa, trách nhiệm với công chúng của các tác giả, ca sĩ. Trao đổi với chúng tôi, có nhạc sĩ khẳng định đây không phải là sự vô tình, vô ý, mà là việc làm có chủ đích nhằm gây chú ý, khơi gợi sự tò mò của khán giả.
Cần xử phạt nghiêm khắc
Sự phản ứng của khán giả hiện vẫn chưa đủ mạnh để các ca sĩ, ê kíp sản xuất nhạc “rác” chùn tay. Nhiều ca sĩ vẫn thản nhiên hoạt động sau khi bị chỉ trích. Chưa kể, một bộ phận công chúng chưa có nhận thức đúng hoặc vì lý do khác mà tung hô, cho rằng đó là những sản phẩm táo bạo, tiên phong, khác biệt…
Sau hơn nửa tháng ra mắt, Fever có gần 1 triệu lượt xem trên YouTube. Đó là một ví dụ cho thấy tình hình thực sự đáng lo ngại, nhất là khi những sản phẩm âm nhạc kiểu này đang hướng đến người trẻ.
|
MV Biết đâu sẽ mất với nhiều ca từ phản cảm, dung tục được phát hành cách đây 5 tháng - Ảnh chụp màn hình |
Nhạc sĩ Hoài An cho biết, trước đây, muốn phát hành sản phẩm âm nhạc phải xin phép. Nhưng hiện tại, quá trình sản xuất, phát hành đã được giản lược bớt và thiếu cơ chế kiểm soát. Theo anh, để một sản phẩm âm nhạc ra đời, ít nhất sẽ có sự đồng thuận của 3 bên trở lên: người sáng tác, người sản xuất, người hát (cũng có thể là nhà đầu tư). Chính họ tạo ra ngưỡng ban đầu cho tác phẩm, bao gồm văn hóa, thẩm mỹ, đạo đức…
Đào thải sự độc hại trong âm nhạc phụ thuộc nhiều vào khán giả và cơ quan chức năng, bởi khi khán giả không chấp nhận thì sản phẩm không có đất sống. Việc dán nhãn cho sản phẩm âm nhạc là cần thiết, thể hiện trách nhiệm của nghệ sĩ với cộng đồng Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung |
Ngưỡng tiếp nhận của mỗi khán giả khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi, trình độ văn hóa, bối cảnh. Vì thế, để xác định được mức độ nào có thể chấp nhận được, có vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức hay không thì phải có sự can thiệp, quy định rõ ràng, cụ thể từ cơ quan chức năng. Đặc biệt, khi một sản phẩm bị dư luận, xã hội, báo chí phản ánh, báo động thì cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm để xử lý.
Luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi sáng tác sản phẩm âm nhạc có nội dung, ca từ dung tục đã vi phạm điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn theo quy định tại điều 3, Nghị định 144/2020/NĐ-CP. Cá nhân thực hiện hành vi này có thể bị phạt 30-40 triệu đồng theo quy định tại khoản 3, điều 13, Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Đồng thời buộc tiêu hủy, buộc tháo gỡ bản ghi âm, ghi hình, văn hóa phẩm có nội dung độc hại dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số cũng như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Tuy nhiên, trong rất nhiều sự vụ đã xảy ra, chỉ có rapper Chị Cả bị xử phạt 35 triệu đồng, buộc gỡ bỏ sản phẩm. Nhưng mức phạt này vẫn không đủ sức răn đe, bởi nhiều sản phẩm vẫn tiếp nối ra đời. Nhiều ca sĩ đã thản nhiên xóa, ẩn MV khi sự vụ ồn ào xảy ra, xem như chẳng có chuyện gì.
Tình trạng các sản phẩm thiếu chuẩn mực ngày càng phổ biến đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam, gây sai lệch về nhận thức, tư tưởng cho người nghe, cổ xúy lối sống sai trái, suy đồi đạo đức.
“Cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm, kịp thời, chính xác nhằm ngăn chặn, răn đe, không cho phép sự xuất hiện tùy tiện của các sản phẩm gây hại. Đồng thời, người nghe nhạc cũng cần chọn lọc âm nhạc lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục” - luật sư Trần Xuân Tiền nhấn mạnh.
Trung Sơn