Tràn lan rượu không nhãn mác
Chiều Chủ nhật, tại khu trọ nằm trên đường Tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, bốn người đàn ông ngồi lai rai “cưa” chai rượu 1,5 lít với một ít cá khô. Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thành - một trong bốn người - chào mời: “Anh làm với tụi tui một ly. Rượu này là rượu tự nấu, uống vô êm lắm, không nhức đầu”.
“Rượu tự nấu” mà anh Thành nhắc đến được mua ở tiệm tạp hóa gần khu trọ với giá 30.000 đồng/lít. Người bán khẳng định, rượu này được ông đặt một người quen ở huyện Bình Chánh nấu theo kiểu thủ công: “Rượu của em bán uống không đau đầu, mấy công nhân trọ quanh đây uống hằng ngày mà”. Theo khảo sát của chúng tôi, ở các khu đông nhà trọ công nhân, các điểm bán “rượu quê”, “rượu tự nấu” xuất hiện nhan nhản. Những loại rượu này đều không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, giá rất rẻ.
|
Rượu giá rẻ được bán khá nhiều ở các khu công nhân (trong ảnh: Một cửa hàng bán rượu trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân) |
18g, tại lò rượu số 239 Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, có khá đông người đến mua rượu. Lò này nằm cạnh các khu nhà trọ của công nhân. Chủ quán phân chia loại rượu bằng các con số 30, 40, 50, tương ứng với giá bán 1 lít rượu. Loại rượu có giá rẻ nhất là 30.000 đồng/lít, có màu trắng đục, mùi rất khó chịu. Chủ quán giải thích: “Loại rượu này chủ yếu là để em đong sẵn vô túi nửa lít, bán cho công nhân. Nếu anh muốn ngon thì mua loại rượu 60.000 đồng/lít, là loại do nhà em tự nấu nên bảo đảm an toàn”.
Ông Lê Văn Thắng - chuyên nấu rượu kiểu thủ công ở quận Gò Vấp - cho biết rượu được nấu theo cách thủ công truyền thống phải qua rất nhiều công đoạn, tốn thời gian nên giá bán hiện nay phải từ 50.000-60.000 đồng/lít mới có lời chút đỉnh. Do vậy, “rượu tự nấu” được bán với giá 20.000-30.000 đồng/lít là điều rất đáng ngờ.
Không chỉ rượu trắng, nhiều điểm bán rượu, quán nhậu còn tự ý ngâm các loại thảo dược có màu sắc bắt mắt để thu hút người mua. Tại một quán nhậu trên đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, khi chúng tôi gọi một dĩa lòng heo, người chủ quán vội chào mời: “Em có uống rượu không? Chỗ anh có rượu quê từ ngoài Bắc gửi vào. Anh ngâm chung với sâm, ba kích, mật nhân… đủ cả. Một chai chỉ có 40.000 đồng thôi, uống không ngon cứ trả lại”.
Nỗi lo rượu có chứa methanol
Chỉ trong vài ngày, tại TPHCM, đã xảy ra hai vụ ngộ độc rượu có chứa methanol làm hai người chết, hàng chục người nguy kịch.
Trên thực tế, có hai dạng ngộ độc rượu thường gặp là ngộ độc rượu ethanol (etylic) và ngộ độc rượu methanol (metylic). Thông thường, hàm lượng rượu ethanol trong máu từ 1-1,5 g/lít có thể gây say và 4-6 g/lít có thể gây tử vong. Với methanol, chỉ cần 5 - 15ml là có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên là có thể gây mù lòa, 30ml là có thể gây tử vong.
|
Methanol - loại hóa chất cực độc - được rao bán trên các trang thương mại điện tử |
Độc tính của methanol gây ức chế hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng tới thần kinh mắt. Người bị ngộ độc methanol nhẹ có cảm giác say say, chóng mặt, mắc ói, nhức đầu; bị ngộ độc nặng sẽ bị rối loạn tiêu hóa, ói ra máu, rối loạn thần kinh, rối loạn tuần hoàn, giãn đồng tử, xuất huyết võng mạc và tử vong.
Tiến sĩ Đặng Chí Hiền (Viện Công nghệ hóa học) cho biết, rượu có chứa methanol được gọi là “rượu độc”. Methanol là một chất rất độc, chỉ cần ngửi phải cũng có thể mù mắt, bị các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Uống rượu có methanol thì rất dễ tử vong. Methanol là hóa chất được dùng làm chất đốt, rửa dụng cụ, làm dung môi hóa chất xét nghiệm; methanol không phải là thuốc, nguyên liệu làm thuốc và không được dùng để sát khuẩn trong y tế.
“Methanol là một chất rất quan trọng trong công nghiệp nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu dùng nó để pha chế rượu hay chế biến thực phẩm. Methanol khi vào cơ thể sẽ được hấp thu rất nhanh, chuyển hóa thành formaldehyde và sau cùng là thành formic acid làm tổn thương gan, thận, thần kinh và toan hóa máu. Nếu không điều trị kịp thời, người sử dụng có khả năng tử vong nhanh” - tiến sĩ Đặng Chí Hiền nói.
Theo quy định, muốn sản xuất, kinh doanh hóa chất có chứa methanol, phải làm thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kinh doanh methanol diễn ra khá phổ biến, người dân dễ dàng mua được loại này. Trên trang thương mại điện tử Shopee, một chai methanol loại 500ml được rao bán với giá 60.000 đồng. Gõ từ khóa “bán methanol” trên trang google.com, sẽ hiện ra hàng loạt điểm kinh doanh hóa chất ở TPHCM đang rao bán cồn công nghiệp methanol với số lượng lớn.
Khó biết được rượu có methanol hay không Tiến sĩ Đặng Chí Hiền cho biết, nếu chỉ nhìn và ngửi, rất khó phân biệt được rượu methanol và ethanol, nhất là khi chúng được ngâm chung với các loại rễ cây, động vật. Do đó, cách tốt nhất là nên thận trọng, chỉ mua rượu ở các cơ sở uy tín, có chứng nhận. Khi có người say rượu, có thể cho họ nằm nghỉ ở nơi yên tĩnh, cho uống 10-20 giọt amoniac hay 1-5g ammonium acetate trong một cốc nước muối. Khi người ngộ độc etylic có tình trạng mất ý thức, lơ mơ hoặc có biểu hiện ngừng thở hoặc hôn mê, co giật, cần đưa ngay đến cơ sở điều trị gần nhất. Khi có người bị ngộ độc rượu metylic, cần đưa ngay đến cơ sở điều trị gần nhất để được hồi sức cấp cứu và điều trị kịp thời. |
Theo tiến sĩ Đặng Chí Hiền, việc mua bán methanol tràn lan như trên là một “lỗ hổng” trong công tác quản lý hóa chất: “Ở nước ngoài, không dễ mua được hóa chất. Còn ở nước ta, cần hóa chất gì thì lên mạng hoặc ra cửa hàng là có. Đó là điều rất nguy hiểm. Tôi cho rằng, để tránh tiếp diễn các vụ việc đau lòng liên quan đến rượu, cần có sự kiểm soát chặt chẽ việc mua bán hóa chất và quản lý chặt các lò rượu. Các lò rượu, cơ sở kinh doanh rượu phải đăng ký kinh doanh, kiểm định chất lượng định kỳ”, tiến sĩ Đặng Chí Hiền nói.
Về các loại rượu ngâm động, thực vật (rượu thuốc) đang được bán tràn lan trên thị trường, lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Hội Dược liệu TPHCM) nhận định: “Rượu thuốc đúng nghĩa có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, rượu ngâm một cách vô tội vạ, không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe. Khi muốn lưu hành rượu thuốc trên thị trường, phải đăng ký với cơ quan y tế chứ không phải thích là ngâm rồi bán tràn lan. Nếu ngâm không đúng cách, không đúng bài, rượu thuốc có thể gây ngộ độc, tiêu chảy, gây các biến chứng, thậm chí gây tử vong”.
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM), hành vi pha trộn methanol hoặc các loại hóa chất khác vào rượu rồi đem bán, gây ra ngộ độc được xếp vào hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm theo quy định tại điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Muốn mở lò rượu, phải xin giấy phép Theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM), tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Căn cứ điều 20 Nghị định 105/2017/NĐ-CP và Nghị định 17/2020/NĐ-CP, hồ sơ bao gồm: đơn đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP; bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh; bản sao giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bản sao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; bản liệt kê tên hàng hóa rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa rượu mà tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc dự kiến sản xuất. Phòng kinh tế hoặc phòng kinh tế và hạ tầng thuộc UBND cấp huyện được quyền cấp loại giấy phép này. |
Sơn Vinh