Tràn lan nhạc chế nhảm nhí

22/07/2024 - 08:19

PNO - Nhạc chế là ca khúc mượn phần nhạc có sẵn để viết lời mới. Có những bản nhạc chế ngộ nghĩnh, hài hước, nhưng cũng có không ít bản nhảm nhí, xàm xí đang lan truyền nhanh trên mạng.

Clip được chế dựa trên đoạn nhạc gốc được nhiều  chủ tài khoản TikTok đăng lại - Ảnh chụp màn hình TikTok
Clip được chế dựa trên đoạn nhạc gốc được nhiều chủ tài khoản TikTok đăng lại - Ảnh chụp màn hình TikTok

Trong kỳ nghỉ hè 2024, ca khúc Em là mầm non của Đảng do nhạc sĩ Mộng Lân sáng tác vào năm 1958 bỗng được chú ý trở lại do được hàng loạt tài khoản lấy nhạc nền cho clip (phim ngắn) đăng trên các nền tảng mạng xã hội, trở thành trào lưu (trend). Trong các clip này, con trẻ được gửi về quê cho ông bà chăm sóc và chúng bày đủ trò nghịch ngợm, hành ông bà “lên bờ, xuống ruộng”. Các hình ảnh này khá dễ thương, mang tính hài hước cao nên nhanh chóng được hưởng ứng và ca khúc Em là mầm non của Đảng vì thế mà nổi theo.

Nhưng hiện tại, khi tìm kiếm trên Facebook hay TikTok với cụm từ “búp măng non”, kết quả hiển thị không chỉ là bài nhạc gốc mà còn vô số phiên bản chế lời. Trong clip nhận được hơn 3,2 triệu lượt xem trên TikTok, chủ tài khoản hát: “Em là búp măng non, em lớn lên trong bụi măng già/ Nghỉ hè em về quê chơi/ Măng già rất quý em, sống yên vui trong tình yêu thương/ Mỗi ngày măng non đều báo/ Em buồn em đốt đống rơm, cháy lan sang nhà cạnh bên…”. Dù lời chế trên rất xàm, nhảm nhưng lại được tái sử dụng, đưa vào nhiều clip khác khiến tốc độ lan truyền chóng mặt.

Clip nhận được hơn 3,2 triệu lượt xem trên TikTok (trái) và những nội dung  liên quan trào lưu “búp măng non” trên nền tảng này - Ảnh chụp màn hình TikTok
Clip nhận được hơn 3,2 triệu lượt xem trên TikTok (trái) và những nội dung liên quan trào lưu “búp măng non” trên nền tảng này - Ảnh chụp màn hình TikTok

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM về đoạn nhạc chế “búp măng non” đang được lan truyền, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói: “Thời nào cũng có nhạc chế. Việc mọi người - nhất là thanh thiếu niên - hứng thú với các bản nhạc chế cũng là chuyện bình thường, do họ thích vui vẻ. Theo tôi, điều này không ảnh hưởng đến giá trị tác phẩm gốc. Việc chế nhạc chỉ đáng lo khi lời lẽ trong bản chế phản cảm, nhất là khi nó được người nổi tiếng chế ra và được xuất hiện trên các kênh truyền hình chính thống”.

Ông dẫn chứng về trường hợp diễn viên Lê Dương Bảo Lâm chế đoạn nhạc Doraemon trước đây. Nội dung bản nhạc chế này nhảm nhí nhưng lại được nam diễn viên này liên tục thể hiện trong các game show như Sàn đấu ca từ, Khuôn mặt đáng tin… trong chương trình chính thức hoặc video quay hậu trường đã qua vòng kiểm duyệt của nhà đài. Điều này khiến tác phẩm gốc bị đánh giá lệch lạc và kém giá trị đi rất nhiều, đồng thời làm lan tỏa những nội dung tiêu cực đến đại chúng.

Trong tuần cuối tháng 6/2024, “búp măng non” lọt vào tốp 10 chủ đề gây chú ý nhất trên mạng xã hội. Sẽ chẳng có gì đáng lo ngại nếu chỉ có đoạn nhạc đầu trong bài hát gốc được sử dụng như lúc mới “tạo sóng”. Còn khi có nhiều phiên bản “rác” khác nhau, phụ huynh cần cân nhắc, lưu ý con về việc sử dụng.

An Trịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI