Tràn lan mỹ phẩm handmade: Cẩn thận 'tiền mất, tật mang'

02/08/2017 - 07:02

PNO - Mỹ phẩm tự làm (handmade), thảo dược gia truyền,… đang là trào lưu kinh doanh được ưa thích trên chợ mạng. Tuy nhiên, sản phẩm handmade có đáng tin, hiệu quả như giới thiệu không thì không ai dám đứng ra bảo đảm.

Nở rộ một thời gian dài với những chiêu thức quảng cáo tinh vi, sản phẩm handmade đang rất được lòng các chị em và tín đồ yêu thích làm đẹp. Giá rẻ, quảng cáo “bùi tai” và đặc biệt, được rỉ tai từ người quen, rất nhiều bạn trẻ đã phải lên tiếng khi không may mua phải sản phẩm không phù hợp dẫn đến “tiền mất tật mang”.

Sử dụng mỹ phẩm handmade vì… tiếc tiền

Là một sinh viên theo học ngành Du lịch, Quỳnh My (quận 3, TP.HCM) rất chăm chút chăm sóc da mặt để đáp ứng nhu cầu công việc. Vốn sở hữu làn da không mấy mịn màng và từng bị mụn thời dậy thì, Quỳnh My tỏ ra khá lo lắng khi thời điểm chuyển vào học tại Sài Gòn, da mặt ngày một mẩn đỏ và nổi nhiều mụn hơn vì dị ứng thời tiết.

Tin lời giới thiệu từ các shop online chuyên cung ứng mỹ phẩm handmade cùng lời quảng cáo nhan nhản trên mạng, Quỳnh My tìm đến một cơ sở bán thuốc trị mụn gia truyền có tên C.C và yêu cầu tư vấn về tình trạng da.

Tran lan my pham handmade: Can than 'tien mat, tat mang'
Mỹ phẩm handmade được quảng cáo với nhiều công dụng tốt cho gia, chất lượng chưa ai kiểm chứng nhưng hiện tại nhiều người đang tìm đến bác sĩ để điều trị vì những loại sản phẩm trôi nổi này.

“Phía shop bán đảm bảo hàng uy tín 100% và tất cả nguyên liệu đều được điều chế theo phương thức gia truyền. Shop còn khẳng định với mình hơn 10.000 khách hàng toàn quốc đều hài lòng về sản phẩm và trị dứt tình trạng mụn dù bệnh lâu năm hay mới phát”, Quỳnh My kể lại.

Chị My được nhân viên tư vấn sử dụng một loại thuốc bột để hòa với nước uống. Giá tiền mỗi gói thuốc dạng bột là 490.000đ/gói. Theo cam kết, sử dụng 1 gói  từ 7 – 14 ngày sẽ thuyên giảm đến 70-95% mụn và vết thâm do nặn. Theo hướng dẫn, Quỳnh My áp dụng liệu trình trên đi kèm với các khuyến cáo bảo vệ da mặt như che chắn cẩn thận, rửa mặt 2 lần/ngày, hạn chế thực phẩm dầu mỡ, ngủ đủ giấc… Sau 10 ngày, da mặt Quỳnh My có chuyển biến tốt hơn. Mụn giảm hẳn, da mịn hơn vì có nhiều dược liệu trong thuốc bột.

Thời điểm dùng hết 1 gói thuốc, mặc dù da mặt cải thiện đáng kể nhưng mụn vẫn mọc đều nếu ngưng thuốc. Nhận được khuyến cáo của nhân viên tư vấn, Quỳnh My tiếp tục sử dụng liệu trình với 3 gói thuốc tiếp theo, mức giá cả liệu trình lên đến 1.960.000 đồng vì tin rằng “da mặt chị khó điều trị hơn các trường hợp khác vì thể chất cơ thể khó tiếp nhận thuốc. Vì vậy phải sử dụng đều và liều lượng cao hơn cho mỗi lần pha uống”.

Cùng nỗi lo với chị My, anh Thức (quận 12, TP.HCM) cũng rất chán nản vì tình trạng da ngày càng kém và khó cải thiện. Đặc biệt, mụn bọc mọc rất nhiều quanh các khu vực mũi, dưới cằm. Vì không có nhiều tiền để đến các cơ sở chăm sóc da nên anh đã tìm hiểu trên mạng và tìm những địa điểm bán mỹ phẩm trị mụn uy tín.

Khá ưng ý với một cơ sở chuyên điều chế thảo dược handmade, anh đã yêu cầu tư vấn và sử dụng loại thuốc gia truyền của cơ sở này để chăm sóc da mặt mỗi ngày. Mức giá cho mỗi chai thuốc nước chỉ tầm 340.000 đồng nhưng theo gợi ý, bộ liệu trình trị mụn còn bao gồm cả thuốc uống, kem bôi, thuốc sát khuẩn và làm sạch da mặt. Tổng chi phí cũng lên đến hàng triệu đồng.

Hậu quả khó lường

Sử dụng liên tục bốn liệu trình, tuy nhiên da mặt chị Quỳnh My không được cải thiện mà ngày càng mụn trầm trọng. Thậm chí, mụn mọc nhiều hơn so với thời điểm trước đó, khi chưa sử dụng thuốc bột. Đặc biệt, loại thuốc này còn ảnh hưởng tiêu cực đến da mặt khiến da rỗ và sẹo thâm.

Không phải bất kì dược liệu thiên nhiên nào cũng có thể kết hợp với nhau. Đơn cử như việc sử dụng nghệ tươi, trà xanh và nha đam – đây là một trong những vị thuốc có tác động cực kì mạnh mẽ đến da.

Những loại da mỏng, yếu nếu sử dụng nghệ tươi hoặc nhựa nha đam có thể gây kích ứng, dị ứng thậm chí là sẹo thâm vì tác dụng quá mạnh. Dó đó, phụ thuộc vào trình độ của người điều chế mà sản phẩm handmade đạt chuẩn và có hiệu quả cao nhất.

“Sau đó mình mới tìm hiểu thì biết cơ sở này còn có một tên khác là C.M ở Yên Bái. Hai cơ sở nhưng cùng một chiêu thức quảng cáo. Đúng là vẫn có những người sử dụng hợp và hoàn toàn giảm mụn nhưng riêng da mặt mình, do không tìm hiểu kỹ nên mụn thêm trầm trọng vì dùng không đúng thuốc. Thời gian sau mình còn tốn thêm 20 triệu để đi điều trị tại thẩm mỹ viện, da mặt mới hồi phục hoàn toàn”, Quỳnh My kể.

Riêng anh Thức, tình trạng da mặt sau khi sử dụng mỹ phẩm handmade không hề cải thiện như anh mong muốn mà còn kém hơn thời điểm chưa dùng. Tuy nhiên khi liên hệ với cơ sở này để hỏi lại thì nhân viên luôn từ chối vì bảo… chủ đi vắng. Vì quá bức xúc nên anh cũng phản ánh trên trang FB của shop thì bị xóa và khóa tài khoản thẳng tay.

Liên hệ chị Hằng - một chuyên gia chuyên tư vấn cho khách hàng tại một thương hiệu mỹ phẩm quốc tế thuần thiên nhiên (chi nhánh tại Việt Nam), chị cho biết các loại mỹ phẩm handmade tại Việt Nam hiện tại là vô số kể, đa dạng chủng loại, mẫu mã, thương hiệu, theo đó thì chất lượng cũng bấp bênh không kém.

Tran lan my pham handmade: Can than 'tien mat, tat mang'
Nguyên liệu để làm mỹ phẩm chủ yếu được bán trôi nổi trên thị trường. Ảnh: Internet

“Đã nói đến đồ handmade tức là sản phẩm được làm bằng tay hoàn toàn. Điều này sẽ cho thấy bất kì khâu nào cũng được tác động từ tay người sản xuất, có người giỏi thì cũng có người kém. Tuy nhiên, không phải bất kì ai cũng có đủ khả năng và trình độ để đặt tay vào sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm handmade vì nó cần rất nhiều công sức và hiểu rõ cơ chế, nguyên lý hoạt động của các loại dược liệu thiên nhiên sử dụng. Đặc biệt, sản phẩm thiên nhiên không có nghĩa là không gây kích ứng da”, chị Hằng khẳng định. 

Lấy ví dụ cụ thể chị cho biết, trong quá trình sản xuất chắc chắn vẫn có một số loại sử dụng phương pháp nhiệt. Tuy nhiên, sử dụng nhiệt như thế nào, bao nhiêu độ, lửa ra sao thì không phải ai cũng chú ý. Một số người sản xuất thủ công gây ra quá trình biến chất khi nấu quá lâu, chất lượng mỹ phẩm/dược liệu cũng không hoàn hảo mà phụ thuộc theo “mẻ” tinh chế.

Ngoài ra, không phải bất kì dược liệu thiên nhiên nào cũng có thể kết hợp với nhau. Đơn cử như việc sử dụng nghệ tươi, trà xanh và nha đam – đây là một trong những vị thuốc có tác động cực kì mạnh mẽ đến da. Những loại da mỏng, yếu nếu sử dụng nghệ tươi hoặc nhựa nha đam có thể gây kích ứng, dị ứng thậm chí là sẹo thâm vì tác dụng quá mạnh. Dó đó, phụ thuộc vào trình độ của người điều chế mà sản phẩm handmade đạt chuẩn và có hiệu quả cao nhất.

“Mình khảo sát thị trường Việt Nam nhiều năm thì thấy rằng người Việt Nam quá dễ dãi trong việc sử dụng sản phẩm chăm sóc da. Điều đầu tiên, không ai tìm hiểu về làn da của mình thuộc loại gì, ra sao, cấu trúc da có dẻo dai hay không mà cứ nghe rỉ tai loại mỹ phẩm này tốt, thuốc chăm sóc da trị mụn kia hay ho thì ‘đâm đầu’ sử dụng. Ở Nhật, Hàn Quốc, việc xác định kết cấu da ảnh hưởng trực tiếp đến liệu trình trị liệu và chăm sóc. Còn Việt Nam thì…”, chị Hằng băn khoăn.

Lý do, theo chị Hằng, nhiều người Việt thường tiếc tiền nên sử dụng mỹ phẩm handmade để giá rẻ và số lượng nhiều. Tuy nhiên điều này không hề tốt cho da chút nào và đi ngược lại quan điểm chăm sóc da khoa học. Chị Hằng khẳng định, việc tìm hiểu kỹ càng và chọn những đơn vị có uy tín để điều trị da là cần thiết khi muốn phòng ngừa hoặc nặng hơn là da có những biến chứng. Tuyệt đối không nghe rỉ tai hoặc sử dụng mỹ phẩm theo cảm quan “niềm tin”. Cần tỉnh táo và sử dụng sản phẩm tốt để đảm bảo da mặt không hư hại nặng, “tiền mất tật mang”.

Mộc Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI