Tràn lan hoa tết "ngậm" thuốc trừ sâu

23/12/2016 - 07:01

PNO - Trong khi nhiều nhà vườn tại TP.HCM loay hoay tìm cách kích thích cho hoa phát triển, nở kịp tết thì nhiều người trồng hoa tại Hà Nội lại lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để hoa tươi đẹp.

Trong khi nhiều nhà vườn tại TP.HCM loay hoay tìm cách kích thích cho hoa phát triển, nở kịp tết thì nhiều người trồng hoa tại Hà Nội lại lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để hoa tươi đẹp. Những cánh hoa “ngậm” thuốc có nguy cơ cao đe dọa sức khỏe người sử dụng, nhưng người trồng vẫn vô tư.

Liều lượng một, "đánh"... năm

Bước vào đầu làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), “đập” ngay vào tai chúng tôi là tiếng “è è” phát ra từ hai bên cánh đồng. Đó là âm thanh của những chiếc máy phun thuốc sâu tự động, đã trở nên quá quen thuộc với những người dân trong làng. Từ những ruộng hoa hồng, hoa cúc đang chúm nụ, những ruộng ly được quây lưới cẩn mật… thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phun khắp nơi trắng như sương, bốc mùi khó chịu.

Tran lan hoa tet
Dù được tuyên truyền, tập huấn nhưng nhiều người dân cho biết, thường tăng độ đậm đặc của thuốc gấp 4-5 lần để hoa đẹp

Vườn hồng của anh Thành, một người trồng hoa của làng Tây Tựu được phun thuốc trừ nấm trước đó một ngày. Tuy nhiên trên khắp tán lá, thân cây vẫn còn phủ một lớp bột mỏng màu trắng. Khi chúng tôi hỏi về quy trình phun thuốc, anh Thành cười xòa: “Cứ lúc nào có bệnh là phun thôi. Hoa cúc, hoa lys còn có kỳ chứ hoa hồng thì tuần nào cũng phải phun mới cho bông đẹp được. Thời gian phun thuốc nhiều nhất là khi hoa bắt đầu hé nụ. Đây là thời điểm sâu bọ dễ tấn công vào bên trong cánh hoa nên hoa rất dễ bị đui, xấu. Mỗi sào hoa ước tính mất cả 100 lít nước pha thuốc”.

Như nhiều nông dân khác trong khu vực, anh Thành không biết rõ các loại thuốc trừ sâu mà họ sử dụng. Họ có thói quen đi tới các hiệu thuốc BVTV và mua sản phẩm theo các công dụng như trừ sâu, diệt bọ rầy, nấm… chứ ít khi để ý tới các loại hoạt chất. Khi được hỏi về thời gian cách ly hoa trước khi mang đi tiêu thụ, anh Thành cho biết: “Hầu hết là tùy theo thời tiết, dịch bệnh chứ không cứ bao nhiêu ngày mới đem bán. Có khi hôm trước phun, hôm sau vẫn mang đi bán”. Do thời gian cách ly ngắn nên có những khi hoa đem bán vẫn còn phảng phất mùi thuốc.

Việc “đánh” (phun) thuốc BVTV, theo các hộ trồng hoa, không những không thể tránh khỏi mà ngày càng có xu hướng gia tăng. Chị Hoa, một hộ trồng hoa khác trong làng chia sẻ, hai năm gần đây, dịp tết ngày càng nắng nóng nên dịch bệnh phát triển mạnh. Để hoa đẹp, không bị lỗi thì các nhà vườn bắt buộc phải phun nhiều thuốc hơn.

Điều đáng nói, nhiều hộ dân đang phun thuốc BVTV một cách vô tội vạ. Anh Thành cho hay, hầu hết khi phun thuốc đều phải tăng độ đậm đặc so với hướng dẫn sử dụng thì mới phát huy được hiệu quả diệt sâu rầy: “Chúng tôi làm theo kinh nghiệm nhiều năm, ví dụ liều lượng là một thì mình phải “đánh” đậm lên gấp bốn, năm lần mới ăn thua. Khi không thấy hiệu quả thì phải đổi ngay sang loại thuốc khác”. 

Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nhâm - Chủ nhiệm HTX hoa Tây Tựu 2 lại cho rằng, không có chuyện người dân dùng “quá tay” thuốc BVTV. “Chúng tôi vừa mở hai lớp tập huấn, thời gian kéo dài ba tháng cho người dân, trong đó có vấn đề này”, ông Nhâm nói.

TP.HCM: Đua nhau "kích" hoa nở sớm

Trong khi đó , nhiều hộ trồng hoa tại TP.HCM đang khóc ròng vì các loại hoa ngắn ngày như hoa sứ, lan, cúc vạn thọ, hướng dương, sống đời, mồng gà… chậm phát triển do thời tiết bất lợi. Lo ngại hoa sẽ không nở đúng dịp tết, nhiều nhà vườn đã dùng thuốc kích thích hoa phát triển, nở kịp thời điểm.

Vườn hoa của anh Nguyễn Ngọc Vân (đường An Phú Đông 9, P.An Phú Đông, Q.12) đang trồng năm loại sống đời, hướng dương, mồng gà, vạn thọ. 3.500 cây vạn thọ Thái là điều khiến anh Vân lo lắng nhất. Thời gian trồng khoảng 60 - 80 ngày (tùy loại vạn thọ Pháp, Thái hay Sa Đéc).

Nếu thời tiết bình thường, tại thời điểm này cây đã phát triển được bảy-tám tầng lá, lúc này phải ngắt bớt đọt chừa lại khoảng bốn-năm tầng để 20 ngày sau cây ra hoa, nở là vừa bán vào 24 tết. Tuy nhiên do trời mưa suốt, hiện cây chỉ mới được khoảng năm tầng lá. Mặc dù bón phân, chăm sóc kỹ lưỡng nhưng phần lớn cây trong vườn đều yếu ớt, èo uột chứ không tươi tốt.

Tran lan hoa tet
Vỏ thuốc vứt tràn lan trên các bờ ruộng

“Trước tình hình này, cây nào khỏe mạnh thì nở đúng tết, còn lại chắc phải bước qua tháng Giêng hoa mới chịu nở. Phải dùng thuốc “kích” thôi” - anh Vân nói. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người trồng hoa đang dùng thuốc kích thích Natri Kali (KNO3) hoặc dùng thuốc GA…

Trước thông tin có một số hộ dân phải dùng thuốc cho hoa ngậm, giúp hoa chậm nở, anh Huỳnh Tam Hải - chi hội trưởng Chi hội Nông dân KP.2, P.An Phú Đông, Q.12, đồng thời là người trồng mai gần 20 năm khẳng định: hiện thị trường chỉ có thuốc kích cho hoa mau nở chứ không có thuốc làm cho hoa ngậm lại, chậm nở.

Nước mưa có axít cộng với thời tiết âm u chính là nguyên nhân làm cho hoa mai nở sớm. Chỉ có cách phun xịt nước để rửa trôi nước mưa mới làm hoa mai ít nở hơn thôi, nhưng vẫn không thể ngăn hoa nở sớm. Hiện trên thị trường cũng không có thuốc kích thích dành cho hoa mai nở sớm, họ phải sử dụng thuốc kích thích dành cho cây ăn trái để thay thế.

Dân lo bệnh, đất lo ô nhiễm

Trao đổi với PV báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Xuân Hồng - nguyên Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) cho biết, việc phun thuốc BVTV tràn lan tại các làng hoa là thực trạng gây bức xúc trong nhiều năm gần đây: “Mặc dù phương pháp này không tránh khỏi, bởi đây là sản phẩm rất cần đến hình thức, song không có nghĩa là người dân có thể lạm dụng thuốc hóa học để diệt trừ sâu bệnh. Chúng ta hiện có nhiều kỹ thuật canh tác chứ không phải trộn thuốc thật nhiều, nồng độ cao mới là tốt”.

Theo ông Hồng, lạm dụng thuốc BVTV còn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người: “Trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng đã loại trừ các hoạt chất trực tiếp gây ung thư cho con người. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, tiếp xúc nhiều với thuốc BVTV vẫn còn nhiều nguy cơ. Nếu ngộ độc cấp tính có thể nhận biết ngay, nhưng với ngộ độc mạn tính sẽ làm giảm khả năng miễn dịch, ảnh hưởng xấu đến thần kinh, đường tiêu hóa… Từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh”.

Việc sử dụng tràn lan thuốc BVTV còn là mối nguy lớn đối với môi trường đất nông nghiệp. Tại hội thảo tham vấn về ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp, diễn ra hồi đầu tháng 12, đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, người dân ngày càng có xu hướng thích sử dụng các loại thuốc BVTV rẻ tiền, công dụng mạnh, nhưng lại ít quan tâm đến an toàn môi trường. Ước tính có tới 80% thuốc BVTV tại Việt Nam đang được sử dụng sai mục đích; nhiều loại đã lạc hậu, có độ độc cao.

Riêng ở làng hoa Tây Tựu, nhiều nông dân cho hay phải để đất nghỉ trước khi tiến hành một vụ hoa mới, bởi việc sử dụng nhiều hóa chất khiến đất bị chai cứng. Dù vậy, hầu hết người trồng hoa vẫn chưa ý thức được hết các vấn đề về môi trường. Bằng chứng là không khó để bắt gặp hình ảnh của những túi thuốc BVTV đã qua sử dụng được vứt tràn lan bên các ruộng hoa.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, vấn đề phun thuốc BVTV tại các làng hoa chưa được quan tâm như trên rau, quả. “Người tiêu dùng hiện nay không chỉ ăn mà còn có nhu cầu thưởng thức hoa. Bên cạnh đó, làng hoa trong nội đô sát với khu dân cư nên không tránh khỏi ảnh hưởng tới cộng đồng nếu lạm dụng thuốc BVTV. Đã đến lúc cần quan tâm hơn đến vấn đề này và tăng cường công tác khuyến nông”, nguyên Cục trưởng Cục BVTV nhấn mạnh.

Tuấn Minh - Thanh Hoa

Sử dụng trà từ hoa, "miệng nôn, trôn tháo"!

Tranh thủ mùa cúc chi nở rộ, chị Thu Trang (Long Biên, Hà Nội) tìm đến tận vườn, chọn những bông đều, đẹp để chế biến thành thức uống. Hoa cúc được đem phơi khô, sau đó trộn với trà mạn để tạo mùi hương thanh, dịu. Chị Thu Trang cũng cho hay, quá trình rửa hoa phải nhẹ nhàng, chỉ rửa sơ với nước để hoa không bị dập nát, mất mùi thơm. Không chỉ làm trà, hoa cúc còn được nhiều người sử dụng làm thuốc Đông y, hỗ trợ sức khỏe.

Ông Nguyễn Văn Cừ (Ba Vì, Hà Nội) đã bước qua tuổi 70 nên thị lực có dấu hiệu suy giảm. Đọc các tài liệu có thông tin hoa cúc hỗ trợ sáng mắt nên ông liền mua hoa chợ về đun thà nh nước uống. Tuy nhiên, chỉ sau hai lần uống, ông đau bụng dữ dội và nôn tháo, phải vào trạm y tế để cấp cứu. Khi trao đổi thực tế này, nhiều nông dân tại làng hoa Tây Tựu không khỏi ngạc nhiên và lập tức nhắn nhủ người tiêu dùng… chỉ nên ngắm chứ không sử dụng hoa vào các mục đích khác, đặc biệt là thực phẩm.

GS-TS Nguyễn Khánh Trạch - Hội Tiêu hóa Việt Nam cho hay, khi thực phẩm còn tồn dư thuốc BVTV, tùy từng nhóm hoạt chất sẽ gây tác động đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, biểu hiện ngộ độc dễ thấy là bệnh nhân có triệu chứng đau bụng, “miệng nôn, trôn tháo”. Trong khi đó, TS-BS Hoàng Đình Chân - chuyên gia ung bướu lại cảnh báo, nếu sử dụng các loại thuốc cấm như DDT (một loại thuốc trừ sâu) thì tồn dư trên thực phẩm sẽ gây nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt là ung thư trực tràng.

Theo các chuyên gia, vấn đề đặt ra hiện nay là việc kiểm soát dư lượng thuốc BVTV mới chỉ đặt ra ở thực phẩm chứ chưa được chú trọng ở hoa, trong khi chúng vẫn được sử dụng như một loại nguyên dược liệu. Thực tế, hoa là nguyên liệu được ưa chuộng của các cửa hàng mỹ phẩm “handmade”, tạo ra các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp như: dung dịch làm sạch từ hoa cúc, nước dưỡng hoa hồng…

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, “Trong các quy định hiện hành chỉ có thời gian cách ly khi sử dụng với các sản phẩm được phun thuốc BVTV chứ chưa hề có những quy định về tồn dư tối đa của thuốc trên hoa. Và thực tế cũng không có cơ quan nào lấy hoa để xét nghiệm tồn dư này. Đây là vấn đề mới, thực tế mới đang đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước”

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI