Tràn lan bánh Trung thu nhái, kém chất lượng

31/08/2016 - 13:05

PNO - Vì mối lợi riêng, nhiều cơ sở không ngại sản xuất các loại bánh Trung thu (BTT) giá rẻ với nguyên liệu trôi nổi, kém chất lượng nhưng lại nhái tên theo các thương hiệu nổi tiếng.

Mập mờ nhãn mác

Khi đảo quanh các tiệm BTT và các sạp bán nguyên liệu làm bánh tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), chúng tôi được tiểu thương chào mời khá nhiều sản phẩm bánh từ các cơ sở sản xuất thủ công, trong đó rất khó tìm được thông tin về cơ sở cũng như thành phần nguyên liệu. Trên nhiều sản phẩm, ngoài tên chung chung là “bánh trung thu”, chỉ có một dòng chữ tiếng Hoa mà theo giải thích của người bán hàng đó là tên cơ sở sản xuất. Nhiều loại bánh có ghi hạn sử dụng nhưng nhìn vào không thể biết khi nào hết hạn, vì dù có hàng chữ “HSD 30 ngày”, nhưng phần ngày sản xuất lại hoàn toàn bỏ trống. Điểm chung của các chiếc bánh này là giá bán khá rẻ, khoảng 7.000đ/bánh; nếu mua sỉ với số lượng lớn, giá có thể giảm 20 - 40%.

Tran lan banh Trung thu nhai, kem chat luong
nhiều cơ sở không ngại sản xuất các loại bánh Trung thu giá rẻ với nguyên liệu trôi nổi - Ảnh minh họa: Internet

Hầu hết BTT của các cơ sở sản xuất thủ công được đóng gói khá đơn giản, nhưng cũng không ít sản phẩm có bề ngoài rất giống với các loại bánh có thương hiệu. Ngay cả tên gọi của nhà sản xuất cũng rất dễ gây nhầm lẫn bởi những cái tên na ná nhau: Như Hưng Đồng Khánh, C.T Đồng Khánh, Như Ý Đồng Khánh, Hải Dương Kinh Đô… với hình dạng, hoa văn trang trí trên bề mặt bánh khá giống với BTT Đồng Khánh hay Kinh Đô tại các đại lý chính thức.

Một cửa hàng BTT trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.6) có treo biển “BTT Đồng Khánh, mua 1 tặng 1”, khi chúng tôi mua một chiếc bánh Đồng Khánh khoai môn nhân hạnh đào, lại được khuyến mãi một chiếc bánh của Như Ý Đồng Khánh, loại bánh được bán tại chợ Bình Tây với giá lẻ chỉ từ 7.000 -10.000đ/ chiếc. Thắc mắc với người bán hàng, chúng tôi nhận được câu trả lời “đều là bánh Đồng Khánh mà?!”. Quả thực, khi đặt hai chiếc bánh thật, nhái cạnh nhau, nếu không quan sát kỹ, sẽ rất dễ nhầm tưởng chúng cùng loại, mặc dù hàng thật đắt hơn gần chục lần hàng nhái.

Tại một điểm bán BTT nằm cạnh bến xe Chợ Lớn, khi chúng tôi tỏ ý muốn đặt hàng với số lượng lớn làm quà tặng công nhân, chủ hàng cho biết sẽ có bao bì cho giống với các loại bánh nổi tiếng, “không thể giống 100% vì sợ bị xử phạt nhưng đảm bảo giống đến trên 90%”.

Khó đẹp vì lợi nhuận lớn

Không ít người tiêu dùng bị thu hút bởi các biển quảng cáo giảm giá “mua 1 tặng 1”, “giảm giá 50%” từ trước thời điểm rằm tháng Tám hàng tháng trời. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi tại rất nhiều điểm bán có rao khuyến mãi, loại bánh được khuyến mãi, giảm giá không phải hàng chính hãng mà là hàng nhái. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất BTT cho biết, với giá nguyên liệu trên thị trường hiện nay, nếu làm đàng hoàng, cũng không thể có giá bán rẻ đến mức 7.000đ/bánh (và còn rẻ hơn nếu bán sỉ) được. “Nếu người tiêu dùng xem lại thông tin hàng loạt kho bột mì hết hạn sử dụng bị phát hiện cách đây vài tháng, sẽ hiểu được vì sao thị trường lại có loại bánh giá rẻ như vậy…”, vị đại diện doanh nghiệp sản xuất BTT nói.

Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã kiểm tra 46 cơ sở kinh doanh thực phẩm và BTT, phát hiện 13 cơ sở vi phạm. Đội QLTT 12B (Q.12) đã tiêu hủy 540 BTT, 100kg mứt, 7kg hạt điều, tất cả đều không có ngày sản xuất, không hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Một cán bộ Chi cục QLTT TP.HCM thừa nhận, tình trạng bán bánh giả xảy ra ở nhiều gian hàng, nhưng số lượng gian hàng quá lớn trong khi lực lượng kiểm tra lại có hạn nên không thể “kham” hết.

Còn hàng nhái chủ yếu xảy ra ở các cơ sở sản xuất nhỏ, mức phạt cho mỗi lần vi phạm từ 5 - 20 triệu đồng không đủ răn đe, bởi mức lợi nhuận từ sản xuất BTT là rất lớn. Một số cơ sở sản xuất ở quận 6, quận 8 từng bị đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Công thương TP.HCM xử lý do vi phạm về điều kiện an toàn - vệ sinh thực phẩm, như: khu vực sản xuất không đảm bảo vệ sinh, các nguyên liệu đầu vào như trứng, đậu, mứt không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng.

Về nguyên tắc, hàng hóa không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ sẽ không được kinh doanh, nhưng nhiều cơ sở đã đối phó với quy định này bằng những loại nhãn mác có thông tin nửa vời, mập mờ khiến người mua không dễ nhận ra nếu không quan sát kỹ.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI