Phim độc lập: Tiếng nói của thế hệ mới
Trong dòng chảy ngầm của phim độc lập, một thế hệ mới đã và đang trưởng thành. Họ là những đạo diễn trẻ bước ra từ liên hoan phim ngắn Yxineff, đến với Gặp gỡ mùa thu - khóa học phi lợi nhuận dành cho các nhà làm phim độc lập do đạo diễn Phan Đăng Di tổ chức. Họ có những tác phẩm, có thể là phim ngắn, có thể là phim dài góp mặt tại các liên hoan phim quốc tế uy tín. Họ không ai khác, là tương lai của điện ảnh Việt.
Bài 1: Phim độc lập- Dòng chảy ngầm cô đơn
Bài 2: Lê Bình Giang: Tiếng nói dị biệt, độc đáo
|
Sinh năm 1990, tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Đạo diễn năm 2008, Trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, Trần Dũng Thanh Huy sớm được giới làm phim chú ý bởi niềm đam mê mãnh liệt và kỳ lạ của cậu dành cho điện ảnh qua hàng loạt phim ngắn như: Nhìn sẽ thấy (2006), Chìa khóa cuộc đời (2008), Sự sống (2008), Chuyện ba người (2009), Đường bi (2011)…
Cột mốc đáng nhớ của Huy là vào năm 2012, tại liên hoan phim (LHP) ngắn quốc tế Yxineff, 16: 30 - tác phẩm từng đoạt giải phim ngắn xuất sắc nhất Cánh diều vàng 2011 - đoạt giải Trái tim Việt Nam (giải phê bình, báo chí trao cho phim xuất sắc nhất trong 15 phim Việt tranh giải gồm 5 phim tranh giải quốc tế, 10 phim tranh giải khu vực), giải Trái tim trẻ (giải thưởng dành cho phim có sự sáng tạo độc đáo do công ty Lê Quý Dương trao), giải Quay phim xuất sắc cho Khắc Nhật, Vinh Phúc và giải Nam chính xuất sắc cho Trần Minh Khoa - em trai Huy.
|
Trần Dũng Thanh Huy và nghệ sĩ Hồng Ánh tại LHP Cannes 2013 |
Khai thác đề tài những đứa trẻ bụi đời, tìm mọi cách mưu sinh, trong đó có “nghề” đưa vé dò số đề, 16:30 đã chạm vào trái tim nhiều người. Người ta nhắc đến Huy như một điểm sáng của Yxineff và giữa cộng đồng làm phim trẻ. Năm 2013, 16: 30 được trình chiếu tại hạng mục Góc phim ngắn LHP Cannes. Một vinh dự mà bất kỳ nhà làm phim trẻ nào cũng ao ước.
Sau đó, Huy quyết định phát triển 16: 30 thành phim dài có tên Thằng Ròm. Dự án ngay lập tức nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng làm phim, nhận được nhiều giải thưởng khi còn là ý tưởng trên kịch bản như: Producer Choice’s Award - Gặp gỡ mùa thu 2014, Outstanding Project - khóa học Hà Nội mùa xuân 2015 do Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ bảo trợ.
Chính sự chú ý, kỳ vọng này cũng như sự yêu thương, tin tưởng của giới làm phim, truyền thông khiến Huy bị áp lực chồng áp lực. Có lúc anh trốn biệt, cự tuyệt báo chí, kể cả những đàn anh trong nghề. Câu hỏi: “Ủa, phim vẫn chưa xong hả?” với Huy là nỗi ám ảnh! Huy từ chối nhiều lời mời làm phim chiếu rạp để tập trung vào dự án. Bởi Thằng Ròm là bộ phim của đam mê, của tuổi trẻ, không chỉ của riêng Huy mà còn của các ê-kíp, cũng là những người rất trẻ.
Hiện, Thằng Ròm đang trong giai đoạn hiệu chỉnh, Huy vẫn nỗ lực để phim có thể ra mắt vào năm 2019. Em của Huy, cậu bé đóng vai chính năm nào và cho anh sự tin tưởng tuyệt đối, giờ đang ở Canada học quay phim.
Phim ngắn 16:30
Huy và khoảng thời gian tuyệt vọng chất chồng
* Phóng viên: Sự chờ đợi và kỳ vọng của mọi người là một cảm giác mãnh liệt, trong đó hẳn nhiên là không thiếu những áp lực dồn lên vai bạn?
- Đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy: Áp lực với tôi không đến từ những bài phỏng vấn mà từ trước khi bắt đầu làm 16: 30. Hồi đó, tôi là sinh viên, làm phim bằng tinh thần nghĩ sao làm vậy. Tôi còn nhớ hôm chiếu tốt nghiệp, tôi và Lê Bình Giang chia nhau đi phát từng tấm thiệp mời. Bất ngờ thay, buổi chiếu hôm ấy có nhiều người nổi tiếng trong nghề đến xem.
Tôi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, sau đó là hàng loạt giải thưởng ập đến. Tôi tự hỏi, nếu tiếp tục thì mình phải làm cái gì để mọi người không thất vọng khi đã đặt niềm tin vào mình. Làm sao có được một bộ phim tốt mà vẫn là chính mình?
* Bạn đã tìm được đường ra với Thằng Ròm đấy thôi…
- Lúc bắt đầu làm phim thì không còn áp lực gì nữa, nhưng lúc phim quay xong thì cảm giác tuyệt vọng lại xâm chiếm. Tôi luôn trong trạng thái hoang mang, không biết khi nào mới có thể hoàn thành.
Thằng Ròm không theo bất kỳ quy trình làm phim nào ở Việt Nam. Nó cũng đã qua tay rất nhiều người dựng phim, có những người không chịu nổi nữa đành từ bỏ. Thành ra, cảm giác tuyệt vọng lớn dần lên. Nhiều người thậm chí bắt đầu hoài nghi, tôi không thể làm được phim. Những giám khảo làm công tác tuyển chọn và giới thiệu phim ở các liên hoan chờ phim của tôi cũng ngán ngẩm. Tuyệt vọng cứ thế chồng chất tuyệt vọng.
|
Một cảnh quay trong phim Thằng Ròm |
* Bạn đã vượt qua nỗi tuyệt vọng ấy như thế nào?
- Cho đến khi tôi gặp được thầy Hùng (đạo diễn Trần Anh Hùng). Ban đầu, tôi rất đắn đo không biết có nên gửi bản dựng cho thầy xem. Tôi sợ lỡ thầy không thích phim thì mình sẽ càng tuyệt vọng. Đã là bản dựng thứ 23 rồi! May mắn thay, sau khi xem, thầy đã gọi tôi đến.
Suốt 5-6 tháng, hai thầy trò cặm cụi làm việc cùng nhau. Phong cách làm phim của thầy hoàn toàn khác của tôi nhưng thầy đã giúp tôi nhận ra điều mình đang cần, nhận ra cái tốt nhất của mình. Mỗi khi xem một phân cảnh, thầy chỉ ra cho tôi chỗ nào tốt, chỗ nào chưa tốt. Có những kiến thức làm phim căn bản mà theo thời gian người làm đã quên đi hoặc không để ý. Chỉ khi có người hướng dẫn, họ mới tìm lại được sự hồn nhiên đó và thoát khỏi những rối rắm.
* Điều gì khiến bạn quyết tâm theo đuổi đề tài lũ trẻ bụi đời?
- Vì nó gắn liền với hoàn cảnh tôi sinh ra, gần gũi với cuộc sống và văn hóa Việt. Con mắt nhìn đó rất Việt Nam và luôn ám ảnh tôi.
|
Huy hướng dẫn diễn viên trước một cảnh quay |
“Hãy làm phim ở tuổi 20”
* Khó khăn lớn nhất với một nhà làm phim trẻ, có phải là chuyện kinh phí?
- Chắc chắn! Kinh phí ở đây không chỉ là tiền đầu tư vào phim mà còn là tiền sinh hoạt ăn uống, chi phí bạn phải lo cho gia đình. Bài toán đó thực sự nan giải. Để giải quyết, bạn phải lao vào những dự án khác để kiếm tiền. Mỗi lần quay lại phòng dựng phim, bạn phải mất khoảng 4-5 tiếng để suy nghĩ mạch phim, xem nên tiếp tục thế nào. Được 1-2 tiếng, bạn phải bước ra khỏi thế giới đó để trở lại cuộc sống.
Kinh phí ở đây còn là công sức. Người trẻ làm phim không có nhiều tiền nhưng có thời gian. Chúng tôi kiên nhẫn chờ đủ thứ. Hết chờ nắng, mưa thì chờ xe lửa để có những khung hình tốt nhất, đẹp nhất rồi ghép cảnh từ 2-3 máy quay lại với nhau. Tôi nhớ, có lần bố trí bối cảnh xong, máy chạy, diễn viên diễn khí thế, đến lúc quay phim bước xuống thì phát hiện máy quay không có… pin! Thế là đi tong thời gian chờ đợi và công sức của cả ê-kíp. Mọi thứ phải bắt đầu lại.
* Ngoài kinh phí, còn những khó khăn nào nữa?
- Là làm thế nào có sự sáng tạo và đồng lòng từ các thành viên trong ê-kíp. Nếu không có những người bạn hiểu phim đồng hành đến mức sống chết, không thể mượn tiền từ những người tin tưởng mình, tôi không thể đi đến hôm nay.
Tôi rất tự hào khi có thể kết nối được đội ngũ làm phim trẻ tài năng. Thằng Ròm là cuộc chơi của tuổi trẻ. Do đó, ở giai đoạn hoang mang nhất, tôi tự nhủ mình phải bình tĩnh, đã đi đến bước này rồi mà hấp tấp thì sẽ hỏng chuyện. Thất bại đó không chỉ của riêng mình mà còn là nỗ lực của một tập thể đã rất tin tưởng, yêu thương và gắn bó cùng mình.
|
"Tôi chọn đề tài này vì nó gần gũi với cuộc sống của tôi" - Trần Dũng Thanh Huy |
* Các nhà làm phim trẻ cần chuẩn bị gì, để xin tài trợ?
- Kiến thức! Cần phải biết được hệ thống tài trợ như thế nào, hệ thống tại các liên hoan phim hoạt động ra sao, các workshop phim ảnh diễn ra trong khu vực và nhất định phải có sự liên kết với nhau.
Bên cạnh đó, nhà làm phim phải thực sự hiểu được dự án của mình đến từng chữ một. Làm thế nào để nhà đầu tư đặt lòng tin vào mình, để họ tin mình có khả năng làm ra một bộ phim ý nghĩa chứ không phải thu được nhiều tiền. Bản thân tôi thuyết trình dự án 10 lần thì có đến 9 lần thất bại. Chính việc thua nhiều đã cho tôi kinh nghiệm. Do vậy, đừng nản lòng khi bị từ chối.
* Việc tham dự những liên hoan phim quốc tế mang lại cho bạn trải nghiệm nào?
- Thay đổi suy nghĩ và mở mang tầm nhìn, tiếp thêm động lực để sáng tạo. Liên hoan phim đúng như tên gọi, chỉ có phim, mọi thứ bạn học hỏi được đều từ phim. Có người đổ xô xem một bộ phim vì nó nổi tiếng. Cá nhân tôi khi xem thì tìm trong đó sự tự tin của đạo diễn và trả lời các câu hỏi. Sự tự tin đó đến từ đâu, tại sao họ lại có thể tạo ra những khung hình như vậy. Tôi cho rằng học hỏi kinh nghiệm của người khác để hoàn thành sáng tạo của mình quan trọng hơn rất nhiều so với việc học phong cách kể chuyện của họ.
|
"Chính những lần thua đã cho tôi kinh nghiệm để giành chiến thắng. Đừng nản lòng khi thất bại" - Trần Dũng Thanh Huy |
"Với tôi, thành công không phải ở giải thưởng. Mà là một bộ phim làm ra phải thấy được hình ảnh, phong cách của chính mình, chứ không phải của bất kỳ ai khác" - đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy. |
|
* Bạn là đạo diễn trẻ bắt tay làm phim dài sớm nhất trong số những cái tên tỏa sáng từ Yxineff như Leon Quang Lê, Ash Mayfair. Thế nhưng, Leon và Ash đều đã có sản phẩm đầu tay và nhận nhiều khen ngợi từ giới phê bình trong nước và quốc tế. Nếu quay trở lại, bạn sẽ vẫn chọn con đường này chứ?
- Tôi vẫn sẽ chọn con đường mình đang đi. Bởi tuổi trẻ ngông cuồng, quyết liệt, không biết sợ là gì không có lần thứ 2. Nhiều lúc tôi cũng tự nhủ, không chừng xong phim này, các nhà đầu tư sẽ không tiếp tục cho mình làm một phim như vậy nữa. Chính vì vậy, tôi càng cảm thấy đây là cơ hội duy nhất của mình. Khán giả ngày càng khắt khe và chọn lọc. Tôi tin chỉ cần phim đủ tốt, khán giả sẽ đón nhận nó. Và biết đâu, phim thành công, mình sẽ được cho tiền đi tiếp với đam mê thay vì lao vào làm phim thương mại.
Do vậy, lời khuyên của tôi dành cho những nhà làm phim trẻ là, hãy bắt đầu ý tưởng làm phim dài từ năm 20 tuổi, một bộ phim mang phong cách của mình. 10 năm sau, tức là ở tuổi 30, bạn sẽ có nhiều thứ chi phối hơn, gia đình, tình yêu, vợ con,… lúc đó bạn phải sống có trách nhiệm hơn.
* Cảm ơn Huy đã chia sẻ!
Hoàng Linh Lan
Bài 4: Phạm Ngọc Lân - câu chuyện của những không gian
Lân đến với điện ảnh từ một sự khám phá tình cờ và dần dần, nhờ nhiếp ảnh. Khóa học Gặp gỡ mùa thu năm 2013 với đạo diễn Trần Anh Hùng đã vạch ra con đường rõ ràng hơn cho Lân con đường dài hơi với điện ảnh. Thay vì kể những câu chuyện đầy cảm xúc, phim của Lân mô tả, đặt để con người vào những không gian khác nhau. Từ đó, bộc lộ câu chuyện của họ, một cách tinh tế, hài hước mà ý nhị. |