Trần Dụ Tông chữa liệt dương bằng phương thuốc quái đản

17/11/2015 - 07:30

PNO - Bị mắc chứng bệnh từ khi còn trẻ, đến tuổi trưởng thành, vì nghe tên thầy thuốc vô đạo mà Trần Dụ Tông bị mang tai, mang tiếng trong sử sách.

Sáu tuổi lên ngôi hoàng đế

Trần Dụ Tông tên thật là Trần Hạo, sinh ngày 19 tháng 10 năm Bính Tý (1336), là con thứ 10 của Trần Minh Tông, thân mẫu là hoàng hậu Trần Huy Thánh.

Ngày 11 tháng 6 năm Tân Tị (1341), Trần Hiến Tông băng hà, thọ 22 tuổi. Thái thượng hoàng Trần Minh Tông đưa người con thứ 10 của mình lên ngôi, Trần Hạo kế vị anh trai vào ngày 21 tháng 8 năm Tân Tị (1341), khi mới 6 tuổi. Lẽ ra ngôi hoàng đế thuộc về anh cả của vua nhưng vì “thượng hoàng Trần Minh Tông cho rằng, con trưởng là Cung Túc vương Dục là người phóng đãng nên lập con là Hạo” (Đại việt sử ký tiền biên).

Khi mới lên ngôi, Trần Hạo (Trần Dụ Tông) đặt niên hiệu Thiệu Phong, sau đó là niên hiệu Đại Trị (1358 – 1369). Trần Dụ Tông làm vua 28 năm (1341 - 1369), vì say đắm tửu sắc mà mất ngày 25 tháng 5 năm Kỉ Dậu (1369), thọ 33 tuổi.

Tran Du Tong chua liet duong bang phuong thuoc quai dan

Hình minh họa

Vị vua này có hai thời kỳ trị vì, giai đoạn đầu làm được nhiều việc có ích, nhưng sau thì lười nhác chính sự, thích ăn chơi hưởng lạc nên viết về ông, sử sách vừa ca ngợi, vừa chê trách: “Vua tính rất thông tuệ, học vấn cao minh, chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di thần đều phục. Đời Thiệu Phong, chính sự tốt đẹp; từ năm Đại Trị về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Sách Việt giám thông khảo tổng luận viết: “Dụ Tông tính rất thông mẫn, học vấn cao minh, sửa sang văn vũ, man di phục theo; vào thời Thiệu Phong, Đại Trị, chính sự đều được ban hành, dường như có phần khả thủ. Song về sau tin dùng Trâu Canh làm điều loạn luân, mở sòng đánh bạc, hoang dâm vô độ, đói kém xảy ra luôn, cơ nghiệp nhà Trần từ đấy suy dần”.

Dùng phương thuốc quái đản:

Trần Dụ Tông bị một căn bệnh quái ác, đó là bệnh liệt dương. Bệnh này bị từ 2 năm trước khi vua được đưa lên ngôi, đó là vào ngày 15 tháng 8 năm Kỷ Mão (1339).

Vào đêm Trung Thu năm đó, các vương phi, cung nữ triều Trần dạo thuyền ngắm trăng trên Hồ Tây, hoàng tử Trần Hạo mới lên bốn tuổi cũng được đi theo. Không hiểu sơ sẩy thế nào mà hoàng tử bị ngã xuống nước chết đuối. Mọi người hoảng hốt nhảy xuống mò tìm, mãi hồi lâu mới vớt được xác hoàng tử kẹt ở lỗ cống đơm cá. Thầy thuốc Trâu Canh tâu rằng:

- Có thể cứu được bằng cách dùng kim châm vào các huyệt làm hoàng tử sống lại nhưng chỉ sợ sau này sẽ bị liệt dương.

Sau đó Trâu Canh dùng kim châm cứu được hoàng tử nhờ đó mà được coi như thần y, được triều đình ban thưởng và phong lên đến chức Quan phục hầu Tuyên Huy Viện Đại sứ kiêm Thái y sư. Còn hoàng tử Hạo sau này lên nối ngôi, đó chính là vua Trần Dụ Tông và lời tiên đoán năm nào về bệnh tật của ông đã trở thành hiện thực.

Tran Du Tong chua liet duong bang phuong thuoc quai dan

Hình minh họa

Năm Tân Mão (1351), Trâu Canh xui vua muốn chữa liệt dương phải dùng cách chữa kỳ lạ, quái đản; ấy thế mà vì muốn khỏi bệnh nên Trần Dụ Tông vẫn làm theo để rồi bị chính tên thầy thuốc đó “cắm sừng”. Sử chép: “Bấy giờ Trâu Canh thấy vua bị liệt dương, dâng phương thuốc nói rằng giết đứa bé con trai, lấy mật hòa với dương khởi thạch mà uống và thông dâm với chị hay em ruột của mình thì sẽ hiệu nghiệm.

Vua làm theo, thông dâm với chị ruột là công chúa Thiên Ninh, quả nhiên công hiệu. Canh từ đấy được yêu quý hơn, được ngày đêm luôn ở trong hậu cung hầu hạ thuốc thang. Canh liền thông dâm với cung nữ” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Sự việc bị phát giác vào tháng 7 năm Tân Mão (1351), Trâu Canh bị khép tội đáng giết, nhưng ông ta may mắn giữ được mạng sống nhờ ân điểm của Thượng hoàng Trần Minh Tông: “Việc phát giác, Thượng hoàng định bắt Canh chết, nhưng vì có công chữa khỏi bệnh cho vua nên được tha” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Sách Đại Việt sử ký tiền biên bình rằng: “Nhà Trần lấy lẫn nhau đã thành thói quen. Cho đến anh em chú bác lấy nhau, vua lấy con gái nhà chú bác lập làm Hoàng hậu, cho nên thầy thuốc dùng anh em ruột làm thuốc chữa bệnh thì không đáng cho là quái gở. Nhưng làm rối loạn đạo trời không khác gì loài cầm thú, khiến cho Dụ Tông tinh còn mà thần mất, người khỏe mà tâm đã chết.

Tối tăm càn rỡ vào tận máu thịt. Dù cho Chu Văn Trinh muốn lấy nghĩa lý mà chữa, cuối cùng cũng không chữa nổi. Minh Tông còn cho đó là có công, đến nỗi Trâu Canh làm nhục cả người mình yêu, cũng không hỏi đến thì làm sao được. Vận nước nhà Trần đã suy mà gia thế Trâu Canh cũng bại. Người giữ nhà nước há không xem đấy làm gương sao?”.

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI