Nắng biếc xanh. Nhìn dòng sông Sein chảy, cô gái tóc nâu vàng lặng lẽ rơi giọt nước mắt. Chuyện tình ư? Không hẳn là chuyện tình.
Đã từ lâu, cô đem lòng yêu thương chàng sinh viên học giỏi nhất trường và rất ham đọc sách. Cô từng nghe bạn bè kể lại rằng chỉ trong một tháng nghỉ hè mà chàng đã tự học ngữ pháp và thuộc làu 4.000 từ trong cuốn từ điển tiếng Đức. Nhờ có nghị lực và trí thông minh phi thường nên chàng đã có thể đọc được tác phẩm Bàn về chiến tranh bằng nguyên bản tiếng Đức. Những lần cô đến nhà trọ thăm thì bao giờ cũng thấy chàng dán mắt vào quyển sách đang mở rộng. Cô đem lòng thương yêu, chăm sóc, nhưng bao giờ chàng cũng tỏ vẻ hờ hững.
Hôm nay, nắng thu mơn trớn phải nằn nì mãi chàng mới chịu gấp sách cùng cô bước ra phố. Cũng như mọi lần, bao giờ chàng cũng khuyên cô nên tìm bạn trai khác, vì nếu chung sống với chàng thì cô sẽ rất khổ... Tại sao lại khổ? Chàng không đáp, chỉ lắc đầu nói lảng qua chuyện khác. Biết không không thể chinh phục được trái tim của chàng sinh viên Việt Nam có gương mặt đôn hậu, hiền lành, cô chỉ cúi mặt khóc rấm rứt.
|
Trần Đại Nghĩa một lần gặp Bác Hồ |
An ủi người bạn gái Pháp trong lúc này, mà cũng có thể là mãi mãi, chàng khẽ đọc cho cô nghe bài thơ Cầu Mirabeau bằng tiếng Pháp của thi sĩ Guillaume Apollinaire mà chàng rất thích:
Ngày qua rồi tuần qua
Và những cuộc tình không trở lại
Dưới cầu Mirabeau trôi mãi dòng Seine
Đêm cứ về giờ cứ điểm
Tháng ngày đi anh vẫn còn đây...
Ít lâu sau, cô nghe tin là chàng đã rởi khỏi Paris hoa lệ để trở về nước tham gia cuộc kháng chiến ái quốc... Chàng thanh niên tài hoa ấy tên thật là Phạm Quang Lễ, quê Vĩnh Long. Sau khi du học ở Pháp về ngành cầu cống, điện học, vũ khí và hàng không quân sự, chàng trở về nước năm 1946 theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và được Người đặt cho tên mới Trần Đại Nghĩa.
Trong kháng chiến chống Pháp, với cương vị Cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa đã chế tạo súng Bazooka, súng không giật SKZ... Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Kỹ sư Nghĩa đã có công to trong việc xây dựng quân giới, luôn luôn gần gũi, giúp đỡ, dạy bảo và học hỏi anh em công nhân, đã thắt chặt lý luận với thực hành (Báo Nhân Dân số 12.6.1952), Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “Ông Phật làm súng”. Suốt cuộc đời mình, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã giữ nhiều trọng trách và góp phần xây dựng Viện Khoa học Việt Nam - Trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất của cả nước về tự nhiên và một số ngành khoa học kỹ thuật. Ông được Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) và hiện nay tại TP.HCM có con đường được vinh dự mang tên ông.
Trong tháng năm kháng chiến gian khổ, chàng kỹ sư dù học ở Pháp về nhưng lại sống chan hòa với mọi người nên ai cũng quý mến. Trong số này, có cô Nguyễn Thị Khánh, sinh ra ở vùng đất quan họ, từ năm 1945 cô làm y tá tại Bệnh viện Quân y Hà Nội chăm sóc thương bệnh binh từ các mặt trận chuyển về. Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cô theo đơn vị vào Vân Đình, Hà Đông rồi cuối năm 1946 chuyển lên Tuyên Quang. Sau đó, cô được phân công làm y tá riêng cho Cục Quân giới mà chàng đang giữ cương vị là Cục trưởng. Cô y tá đã từng nghe các đàn anh kể nhiều chuyện thú vị về chàng. Chẳng hạn, anh Tạ Quang Bửu có lần nói vui:
- Anh Nghĩa “dở” quá, sống 11 năm ở Paris mà chẳng biết “nhảy đầm”, một sinh hoạt bình thường, phổ biến của lớp trẻ.
Nghe vậy, cô Khánh chỉ tủm tỉm cười. Và do say mê nghiên cứu nên chàng kỹ sư thường “đãng trí” một cách rất đáng yêu như đi họp thì thường xuyên quên mũ nón. Do đó, chú em liên lạc phải ghi trên mũ của chàng một dòng chữ to tướng: “Mũ này là của ông Trần Đại Nghĩa” để ai nhặt được thì đưa lại giùm! Và tất nhiên sống trong điều kiện kháng chiến mà độc thân, thì chàng ít có thời gian lo cho riêng mình.
|
Phu nhân Giáo sư Trần Đại Nghĩa - cô y tá Khánh ngày nào - nhận hoa của lãnh đạo TP.HCM ngày 20/11 |
Có lần cô Khánh đứng nhìn trên tờ báo tường của đơn vị anh em quân giới có vẽ tranh biếm họa: “Mấy con rận rủ nhau: “Tối nay họp nhé”, “Họp ở đâu?”, “Tại sân cụ Nghĩa, áo sơ mi”! Cô xúc động lắm và thầm thương thủ trưởng của mình. Do đó, khi có người mai mối tình duyên giữa cô với chàng kỹ sư thì cô gật đầu ưng thuận. Năm 1947, cả hai tổ chức làm đám cưới tại cơ quan ở Bắc Kạn. Sau này, bà Khánh kể lại: “Anh em trong cơ quan bắt anh Nghĩa khao. Lúc đó, trong túi anh chỉ còn hơn bốn chục đồng đem mua mắc-coọc (một loại quả lê) về khao anh em. Bữa đó, mỗi người còn đóng góp thêm năm đồng nhờ chị cấp dưỡng nấu bữa cơm liên hoan chung”.
Từ giây phút thiêng liêng, ấm cúng và thân mật này, cô Khánh đã trở thành người bạn đời của một nhà bác học nổi tiếng. Trong những năm tháng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, bà Khánh đã làm hết sức mình để chồng yên tâm gánh vác việc Nước. Cho đến những năm tháng cuối đời, bao giờ ông cũng tự hào: “Đây là bà nhà tôi, người góp sức rất quan trọng để Trần Đại Nghĩa hoàn thành nhiệm vụ đấy”. Khi ông nằm trên giường bệnh, với linh tính của một người phụ nữ thủy chung rất yêu chồng, bà Khánh đã linh cảm đến giây phút vĩnh viễn mất ông và hỏi trìu mến, bùi ngùi:
- Nghĩa vụ của với đất nước đã hoàn thành. Con cháu tề tựu đông đủ. Các cháu học giỏi và ngoan. Ông đã yên lòng chưa?
Lắng nghe giọng nói thân thương của người vợ, ông gật đầu nhìn bà bằng cái nhìn yêu thương yêu vô hạn và trút hơi thở cuối cùng...
Lê Minh Quốc
* Tài liệu tham khảo: Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Nguyễn Văn Đạo - NXB Trẻ - 2002; Kể chuyện danh nhân Việt Nam: Danh nhân Khoa học - NXB Trẻ -1999.