Trận chung kết Euro có khả năng trở thành sự kiện siêu lây nhiễm

12/07/2021 - 17:10

PNO - Một nhà dịch tễ học của WHO bày tỏ quan ngại về đám đông không đeo khẩu trang, hát và hò hét tại trận chung kết bóng đá Euro 2020 ở London hôm 11/7.

Trong một bình luận thẳng thắn bất thường từ cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc – nơi thường không nhận xét về chính sách của từng quốc gia thành viên - trưởng nhóm kỹ thuật về phòng chống đại dịch COVID-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove gọi cảnh tượng tụ tập của hơn 60.000 khán giả tại trận đấu giữa Ý và Anh là "khủng khiếp".

Bà Maria viết trên Twitter trong những phút cuối của trận đấu: "Tôi tự hỏi có nên theo dõi trận đấu với tâm trạng phấn khích, ngay cả khi sự lan truyền dịch bệnh xảy ra trước mắt mình hay không. Đại dịch # COVID19 không tạm nghỉ đêm nay ... # SARSCoV2 #DeltaVariant sẽ lợi dụng những người chưa được tiêm phòng, ở những nơi đông đúc, lộ mặt, la hét/hát hò. Thật kinh khủng".

Người dân ăn mừng sau chiến thắng của đội tuyển Ý. Hầu như các quy định về đeo khẩu trang, giãn cách đều bị vi phạm
Người dân ăn mừng sau chiến thắng của đội tuyển Ý. Hầu như các quy định về đeo khẩu trang, giãn cách đều bị vi phạm

Một ngày lễ hội tràn ngập tiếng la hét và bia rượu bắt đầu với những cảnh náo nhiệt ở trung tâm London và hàng chục nghìn người đã đổ về sân vận động quốc gia để xem trận đấu, với pháo sáng cháy rực trong các nhà ga.

Trước trận chung kết, Phó trợ lý Ủy viên Cảnh sát đô thị London Laurence Taylor nhận định: "London vẫn còn trong tình trạng khủng hoảng sức khỏe cộng đồng", và kêu gọi mọi người giữ khoảng cách an toàn.

Dù vậy, vào đầu tháng, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bảo vệ quyết định cho phép hơn 60.000 người đến xem trận chung kết, nói rằng trận chung kết được tổ chức một cách "cẩn thận và có kiểm soát với khả năng kiểm tra đầy đủ tất cả những người tham gia". Ông nói rằng vắc xin đã tạo ra một "bức tường miễn dịch đáng kể".

Mặt khác, Anh có kế hoạch loại bỏ hầu hết các hạn chế chống dịch còn lại vào ngày 19/7, trong một động thái khiến nhiều nhà khoa học lo ngại.

Chính phủ lập luận, với hơn 85% người lớn đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin COVID-19, mối liên hệ giữa nhiễm trùng, nhập viện và tử vong đã bị cắt đứt.

Nhưng nhiều nhà khoa học vô cùng bất an với việc nới lỏng tất cả các quy tắc còn lại, bao gồm cả việc giãn cách xã hội và yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng và trong không gian trong nhà.

Đội tuyển Ý chiến thắng nước chủ nhà Anh trong lượt đá luân lưu để giành cúp vàng Euro
Đội tuyển Ý chiến thắng nước chủ nhà Anh trong lượt đá luân lưu để giành cúp vàng Euro

Hiện Anh đang đối mặt với làn sóng COVID-19 mới do các biến thể dễ lây truyền hơn, dù là một trong những quốc gia tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.

Trên toàn cầu, tỷ lệ nhiễm COVID-19 đang tăng lên. WHO cho biết trong bản cập nhật dịch tễ học mới nhất của mình, thế giới có hơn 2,6 triệu ca mắc mới vào tuần trước, trong đó châu Âu tăng mạnh 30%. Hơn 4 triệu người đã chết kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Người đứng đầu các trường hợp khẩn cấp của WHO, Michael Ryan, tuần trước cũng kêu gọi các quốc gia hết sức thận trọng khi dỡ bỏ các hạn chế COVID-19, để "không đánh mất thành quả mà tất cả đã khó khăn đạt được".

Linh La (theo CNA, Reuters, France24)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI