Trận chiến lớn nhất cuộc đời của “bác sĩ 91”

05/08/2021 - 06:27

PNO - Bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy - là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 91, tức phi công người Anh mắc COVID-19 hồi năm 2020. Sau khi dịch tại TPHCM tạm lắng, bác sĩ Trần Thanh Linh liên tục tham gia các đội đặc nhiệm chống dịch COVID-19.

Hầu như nơi nào trong nước bùng phát dịch COVID-19, đội đặc nhiệm chống dịch COVID-19 của BV Chợ Rẫy - do bác sĩ Linh làm đội trưởng - đều có mặt. Những nơi bác sĩ Trần Thanh Linh đi qua là TP.Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Bắc Giang, Gia Lai, Kiên Giang…

Bác sĩ Trần Thanh Linh - bác sĩ 91 điều trị cho một bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng
Bác sĩ Trần Thanh Linh - "bác sĩ 91" điều trị cho một bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng

Trở về TPHCM, ngày 14/7,  bác sĩ Trần Thanh Linh được Sở Y tế TPHCM phân công làm đội trưởng đội chi viện chuyên về hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng của BV Chợ Rẫy đến nhận nhiệm vụ tại BV Hồi sức COVID-19 TPHCM (quy mô 1.000 giường). Đội có 53 người dày dạn kinh nghiệm, gồm 25 bác sĩ và 28 điều dưỡng.

Mười ngày làm nhiệm vụ tại đây, xử lý nhiều trường hợp bệnh nhân COVID-19 nguy kịch, đồng đội không khỏi xót xa khi thấy mái tóc của ông bạc nhanh so với trước. Theo lời bác sĩ Trần Thanh Linh, áp lực công việc quá nặng nề, những “điểm nóng” mà ông từng trải qua không là gì so với ở đây. Ông coi đây là trận chiến lớn nhất trong đời làm nghề y của mình và cũng mong nó sẽ là trận chiến cuối cùng: “Thật sự, chúng tôi mệt mỏi chứ, nhưng với tình hình hiện tại, chúng tôi không cho phép mình gục ngã”. 

Từ BV Hồi sức COVID-19 TPHCM, bác sĩ Trần Thanh Linh có những chia sẻ đầy cảm xúc về những ngày tháng khốc liệt tại nơi này: “Chúng tôi không biết hôm nay thứ mấy, cũng không biết ngày mấy, không có nghỉ, không biết ngày cuối tuần, bởi vì ngày nào cũng như ngày đó, hôm qua chúng tôi cũng làm như vậy, hôm nay chúng tôi cũng làm như vậy. Mỗi buổi sáng, anh em cố gắng vào để tiếp nhận bệnh nhân, vận chuyển bệnh nhân và cố gắng để lao vào chăm sóc cho bệnh nhân. Nên mình không có khái niệm hôm nay là cuối tuần hay bất cứ ngày gì nữa. Ngay cả khi có những tin nhắn hay lời động viên của người thân, mình cũng không có thời gian để đọc. 

Chỉ biết có những đêm, chúng tôi vào đây là vì ráng giải phóng bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân khác đang đứng xếp hàng, chúng tôi ráng giải phóng bệnh nhân lên các lầu trại. Như vậy, các anh em lầu trại cũng sẽ tiếp tục ráng nhận bệnh nhân của mình, để mình có thể tiếp tục nhận bệnh nhân của người khác. Do đó, không để cho mình có khoảng thời gian nghĩ tới những chuyện khác và mỗi khi nghe điện thoại là phải xuống nhận bệnh nhân, cố gắng thôi. Vì chúng ta không nhận được thì những bệnh nhân ở các BV dã chiến hay các tuyến cơ sở không có điều kiện, họ không thể làm gì hơn. 

Có những đêm, anh em đi cấp cứu làm ECMO (hệ thống trao đổi ô-xy bên ngoài cơ thể bệnh nhân) thì mình thấy Sài Gòn vắng lặng. Thấy cảnh đó, mình đau lắm… Nhưng mà tất cả mọi người rất mệt mỏi. Có những lúc, mọi người rất đuối nhưng không cho phép mình được dừng lại, không cho phép mình bỏ cuộc, không cho phép mình buông xuôi. 

Các anh em cứ động viên nhau: Còn bệnh nhân đó, còn những người nặng đó thì mọi người bất kể bệnh viện này hay BV kia đều cùng nắm tay nhau vì người bệnh, phải ráng làm sao tiếp nhận được nhiều bệnh nhân nhất, phải ráng làm sao có thể cứu được nhiều bệnh 
nhân nhất”.

 Hiếu Nguyễn (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI