Trần Bạch Đằng: “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy"

16/07/2016 - 11:11

PNO - Nhớ về ông, là nhớ về một con người trong nhiều con người, một người đàn ông Nam bộ cầm bút vừa nghĩa hiệp, khí khái, vừa tài hoa, lãng tử, thủy chung, nhưng không thiếu cái nhìn quyết liệt, sâu sắc.

Một đời tận tụy cúi xuống trang giấy, để rồi từ đó, hơi thở cuộc sống bừng lên với cái đang hiển hiện nhưng lại dự báo bao điều toan lo đã, đang và sẽ manh nha, chực chờ khai mở.

Đó là chân dung và cốt cách của ông Trần Bạch Đằng được các đại biểu phác họa tại hội thảo khoa học Đồng chí Trần Bạch Đằng - người cộng sản kiên trung nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông (15/7/1926 - 15/7/2016) do Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 14/7 tại TP.HCM.

Tran Bach Dang: “Nhat phien tai tinh thien co luy

Ngòi bút như tiếng gõ vào cuộc sống

Trần Bạch Đằng là cây bút xuất sắc với các thể loại báo chí và văn học đa dạng. Có lẽ do ảnh hưởng từ gia đình, lòng yêu thích văn chương hình thành trong ông rất sớm. Năm 1943 - năm đầu tiên đến với cách mạng cũng là năm Trần Bạch Đằng có những bài thơ đầu tay già dặn, chững chạc: Trên bờ Đồng Nai, Dấu cũ, Chiếu rách mưa đêm, Dạy học lậu.

Ông là tác giả của những tập truyện ngắn nóng bỏng tính thời sự như Bác Sáu Rồng (1975), Một ngày của bí thư tỉnh ủy (1985) và của những tiểu thuyết góp phần thúc đẩy xu thế đổi mới của đất nước: Chân dung một quản đốc (1978), Ngày về của ngoại (1985). Ông thử sức và tự khẳng định trong lĩnh vực kịch: Trần Hưng Đạo bình Nguyên (1951), Nửa tuần trăng kỳ lạ (1984)… Ngành nghệ thuật điện ảnh non trẻ của nước ta cũng được Trần Bạch Đằng quan tâm. Nếu kịch bản phim truyện Ông Hai Cũ (2 tập), Dòng sông không quên là thử nghiệm ban đầu thì tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết quy mô, hoành tráng Ván bài lật ngửa (8 tập) là một thành công quan trọng.

Chia sẻ về Trần Bạch Đằng, thạc sĩ Lâm Quốc Tuấn, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia không giấu được xúc động: “Những bước thăng trầm, những khúc quanh, ngã rẽ gian truân của công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm ngay trong sào huyệt của đối phương đã được ông thể hiện sinh động, cuốn hút. Do có điều kiện tìm hiểu, quan sát tại chỗ, và do bản lĩnh cách mạng già dặn nên ông đã tránh được căn bệnh sơ lược, giản đơn mà nhiều cây bút thường mắc khi viết về những nhân vật lịch sử thuộc tuyến đối lập. Có thể coi Ván bài lật ngửa là một trong những tiểu thuyết tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi của văn học Việt Nam hiện đại”.

Nhắc đến Trần Bạch Đằng là nhắc đến hàng ngàn bài báo sắc sảo, những bình luận không khoan nhượng, độ rung cảm tinh tế trước cuộc sống, tình cảm sâu đậm với người lao động... Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư đặc biệt ấn tượng với những dấu ấn đặc sắc của nhà báo Trần Bạch Đằng, bà chia sẻ: “Trong những năm tháng ấy, trên những tờ báo có số lượng phát hành lớn như Tuổi Trẻ, Công an TP, Phụ Nữ TP… bạn đọc cả nước luôn được đọc những bài viết sắc sảo và nhạy bén, nóng hổi tính thời sự và chiến đấu của ông.

Ngòi bút lửa Trần Bạch Đằng đã “cày xới” trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đi thẳng vào những vấn đề gai góc, không kiêng dè bất cứ một trở lực nào. Ngòi bút ấy luôn trăn trở, sôi sục trên những ngã ba, ngã tư đầu sóng, ngọn gió của cuộc sống, của công cuộc đổi mới. Bằng nhãn quan chính trị vững vàng, bút pháp linh hoạt, lập luận sắc sảo, những bài báo chính luận của ông không chỉ nói lên chính kiến, quan điểm rõ ràng, đầy thuyết phục của tác giả mà còn luôn có những phát hiện mới mẻ, gợi lên những suy ngẫm cho bạn đọc. Nhưng dù những vấn đề ông đặt ra có gai góc đến đâu, lập luận sâu sắc thế nào thì đằng sau những dòng chữ của ông cũng hiện lên tình người ấm áp, bao giờ ông cũng hướng người đọc về tấm lòng thiết tha với vận mệnh Tổ quốc, của dân tộc”.

Nói về ông, PGS-TS Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.HCM bày tỏ sự kính phục: “Ngòi bút sắc nét, gọn gàng của ông như những tiếng gõ vào cuộc sống đang còn chậm chạp, trì trệ của xã hội”.

Đóng góp lớn lao cho khoa học xã hội thành phố

Nguyên thư ký Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam bộ kháng chiến Trần Văn Kính kể lại, ngày 12/8/2002, theo đề xuất của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên soạn Võ Văn Kiệt đã ký quyết định thành lập bộ phận biên tập để chuyên lo việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, tổ chức biên soạn Lịch sử Nam bộ kháng chiến.

Trong biên soạn, Trần Bạch Đằng đặc biệt quan tâm đến tính nhân dân của cuộc kháng chiến cứu nước. Ông dành nhiều thời gian nghiên cứu và viết tính cách con người Việt Nam ở Nam bộ. Điểm nổi bật trong tính cách con người Việt Nam ở Nam bộ là tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí thiết tha với thống nhất dân tộc, luôn luôn hướng về cội nguồn, thương yêu đồng bào cùng cảnh ngộ, sẵn sàng hy sinh xả thân cứu nước.

Cuối năm 2006, trong lúc công việc biên tập còn dang dở, một sự cố xảy ra: Tổng biên tập Trần Bạch Đằng lâm trọng bệnh.

Lịch sử Nam bộ kháng chiến là một công trình tập thể, trong đó có hai trụ cột chính là Võ Văn Kiệt và Trần Bạch Đằng. Trong quá trình biên soạn, tu chỉnh và hoàn thiện bản thảo, công trình gặp phải hai tổn thất lớn khó bù đắp. Đó là việc từ trần của chủ biên Trần Bạch Đằng sau gần sá u tháng bệnh nặng (ngày 16/4/2007) và sự ra đi đột ngột của chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên soạn Võ Văn Kiệt (ngày 11/6/2008).

Qua hơn bảy năm lao động cật lực, miệt mài biên soạn và tu chỉnh bản thảo của những người thực hiện công trình, đến cuối tháng 9/2009 toàn bộ công trình Lịch sử Nam bộ kháng chiến gồm bốn tập, hơn 4.300 trang đã hoàn thành.

“Điều tôi muốn nói là Sài Gòn - TP.HCM là nơi có nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của khoa học xã hội, đã có những chủ trương phù hợp, tạo điều kiện cho khoa học xã hội phát triển, thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng đường lối, chính sách phát triển và bảo vệ đất nước. Trong sự phát triển đó có sự đóng góp to lớn của nhà cách mạng chuyên nghiệp, nhà hoạt động chính trị có tầm tư duy chiến lược, nhà nghiên cứu uyên thâm với phẩm chất thông minh, tư duy nhạy bén, sắc sảo, hoạt động sung mãn, nghiêm túc, am hiểu thực tiễn, giàu tri thức tân cổ, Đông Tây - học giả Trần Bạch Đằng”, PGS-TS Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM khẳng định.

Ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chí nh trị , trong tham luận tại hội thảo, cho rằng ông Trần Bạch Đằng là mẫu người mà cổ nhân đã đúc kết: “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy” (tài tình vương vấn ngàn năm). Cả đời ông, như con tằm rút ruột nhả tơ, đứng mũi chịu sào, luôn nhìn cuộc sống với bao suy tư không dứt, nên đâu tránh được “lụy”. Đa mang, đa đoan như ông, với cái đích cuối cùng là để đời đẹp hơn, xem ra là hiếm, nhưng đổi lại, bao lớp người của Nam bộ đã nhớ về ông với bao biết ơn và trân trọng.

Mà một trong những người kế tục, ông Lê Thanh Hải, nguyên ủy viên Bộ Chính trị đã viết: "Bao giờ ở đồng chí cũng tỏ rõ tinh thần khí khái, niềm lạc quan, luôn sống mãi với tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết, luôn đứng về phía nhân dân và luôn kỳ vọng vào thế hệ trẻ, hết lòng chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ, kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của dân tộc".

Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng: Những bài viết của ồng chí Trần Bạch Đằng vẫn còn mang tính thời sự

“Đọc lại những tác phẩm, những bài viết vẫn còn mang tính thời sự của đồng chí Trần Bạch Đằng, mỗi chúng ta sẽ thấu hiểu thêm về nỗi trăn trở lớn, luôn đau đáu của các thế hệ cách mạng đi trước về vận nước, về vai trò của Đảng, về vai trò và sự phát triển của thành phố thân yêu của chúng ta. Từ đó mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí trong Thành ủy, chính quyền, trong toàn hệ thống chính trị thành phố có dịp soát xét lại mình, đồng thời giúp chúng ta củng cố quyết tâm chính trị, phát huy và kế thừa truyền thống, khắc phục hạn chế, khó khăn, vượt qua thách thức, xắn tay hành động trước bộn bề các nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố.

Cách tốt nhất để chúng ta tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân, là phải quyết tâm trở thành những người kế tục xứng đáng, không ngừng làm rạng rỡ sự nghiệp mà các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng và vun đắp. Đó cũng là những gì mà đồng chí Trần Bạch Đằng đã kiên trì truyền lại cho chúng ta bằng cả cuộc đời tận trung với nước, tận hiếu với dân”.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI