Trần Anh Hùng: Cảm xúc quan trọng hơn ý tưởng

10/05/2013 - 16:31

PNO - PNO - Nằm trong khuôn khổ sự kiện Voyage à Cannes, tối 9/5, đạo diễn Trần Anh Hùng vừa có buổi giao lưu với các đạo diễn trẻ.

Dù kế hoạch mang bộ phim Rừng Na Uy về chiếu giới thiệu với khán giả Việt Nam của anh đã không thể thực hiện được do trục trặc về mặt kỹ thuật. Bù lại khán giả có nhiều thời gian hơn để nghe đạo diễn Trần Anh Hùng chia sẻ về công việc làm phim nói chung và hậu trường làm phim Rừng Na Uy nói riêng.

Tran Anh Hung: Cam xuc quan trong hon y tuong
Đạo diễn Trần Anh Hùng và Trần Dũng Thanh Huy trong buổi giao lưu - Ảnh: TTVH

Kể về quá trình thuyết phục nhà văn Murakami Haruki - tác giả cuối tiểu thuyết Rừng Na Uy - cho phép chuyển cuốn sách thành phim, đạo diễn Trần Anh Hùng nói anh không biết từ trước đến nay nhà văn Murakami Haruki chưa bao giờ chịu cho ai chuyển thể tác phẩm của mình thành phim. “Khi bộ phim Mùa hè chiều thẳng đứng của tôi ra mắt ở Nhật, biết tôi có ý định chuyển thể Rừng Na Uy, nhà phát hành Mùa hè chiều thẳng đứng gợi ý tôi nên viết một bức thư gửi Murakami Haruki xin phép gặp mặt để trao đổi. Được sự chấp thuận của Murakami Haruki, tôi liền bay sang Tokyo gặp gỡ ê-kíp sản xuất bộ phim Rừng Na Uy. 12 người trong ê-kíp đã dành mấy buổi trao đổi với tôi nhằm chuẩn bị cho tôi tinh thần tốt nhất khi đối diện Murakami Haruki. Đến hôm gặp mặt, tôi trình bày ý định vì sao muốn làm phim về Rừng Na Uy với Murakami Haruki nhưng suốt năm phút đầu tiên tôi chột dạ khi thấy nhà văn không nhìn mình mà chỉ cúi gằm mặt xuống đất. Lát sau Murakami Haruki lên tiếng đồng ý và đưa ra hai điều kiện: phải được đọc kịch bản chuyển thể của tôi viết và kinh phí làm phim. Sau này khi tôi chuyển kịch bản cho Murakami Haruki đọc, ông đã góp ý khá nhiều, có nhiều đoạn không có trong sách. May mắn là tôi được biết hai vợ chồng ông rất thích khi xem xong bộ phim”.

Chuyển thể một tác phẩm văn học thành phim là thử thách không nhỏ với đạo diễn, vì thông thường rất ít phim hay hơn truyện. Nói về điều này, đạo diễn Trần Anh Hùng khuyên: “Chuyển thể truyện thành phim là chuyển thể cảm giác mà mình đã có khi đọc cuốn sách vào bộ phim. Khi làm phim tôi đặt nặng cảm xúc hơn là ý tưởng vì ý tưởng mình có thể tìm kiếm ở mọi nơi, trong triết học, lịch sử… nhưng cảm xúc là của riêng mình. Phim ảnh không thể đề cập nhiều vấn đề như sách, truyện nên đừng quá ôm đồm trong một bộ phim”.

Trước thắc mắc của nhiều người là một đạo diễn không biết tiếng Nhật làm sao có thể làm thành công một bộ phim nói tiếng Nhật, đạo diễn Trần Anh Hùng cho biết: “Khi mình sử dụng trôi chảy ngôn ngữ điện ảnh thì ngoại ngữ không còn là rào cản. Tôi không hiểu tiếng Nhật nhưng có thể cảm nhận được diễn viên diễn đạt hay không, kinh nghiệm nghề nghiệp cho tôi khả năng đó. Tất nhiên tôi cũng phải nhờ đến trợ lý dịch thuật trên trường quay và trong quá trình làm đã có hai người xin rút lui vì không chịu được sự căng thẳng. Thông thường trước mỗi cảnh tôi đề nghị diễn viên diễn thử, chỉnh sửa, thấy ổn tôi mới bật đèn, chính thức ghi hình. Thói quen làm việc của tôi là ra hiện trường mới biết hôm nay mình sẽ quay cảnh này như thế nào, chứ không như nhiều đạo diễn khác hoạch định nó trước ở trong đầu ngay từ lúc mới ngủ dậy”.

Đạo diễn Trần Anh Hùng cũng đưa ra lời khuyên bổ ích cho những bạn trẻ làm nghề: “Làm phim đã khó, bắt chước phong cách người khác còn khó hơn vì thế nên tập trung làm cái mà mình cảm nhận chứ đừng cố bắt chước ai. Với đạo diễn trẻ Trần Dũng Thanh Huy sắp mang phim ngắn 16:30 đến LHP Cannes dự thi, tôi khuyên LHP Cannes là một nơi rất căng thẳng, chính vì vậy bạn càng phải đi. Đi để có cơ hội thưởng thức được nhiều bộ phim và để thấy là không phải phim nào cũng hay!”.

Tính đến nay đã 20 năm làm phim nhưng đạo diễn Trần Anh Hùng chỉ cho ra đời năm tác phẩm. Ông thật thà thú nhận: “Tôi không biết làm phim thương mại. Nếu nhà sản xuất yêu cầu tôi làm một phim gì đó sử dụng nhiều kỹ xảo thì tôi chịu thua, vì tôi không cảm được chúng”.

HƯƠNG NHU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI