Sau một ngày dài tất bật, các công nhân ở Công ty Pouyuen Việt Nam (gọi tắt là Công ty Pouyuen, Q.Bình Tân, TP.HCM) nhanh chân rời nhà xưởng đến bãi xe để về với gia đình. Những tưởng công nhân sẽ được ít phút chợp mắt nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc, nhưng bên trong những chiếc xe phủ màu sơn bóng loáng, họ phải trải qua hành trình vật vã.
Ngộp thở
Chiều muộn, trước cổng Công ty Pouyuen xô bồ, tấp nập. Từng dòng người nối nhau, đứng chen lấn chật kín bên lề Quốc lộ 1. Ở khu vực bãi xe đưa đón công nhân, dòng người càng vội vã hơn. Đoàn xe xuất bến với vẻ ngoài không có gì bất thường, nhưng vừa ra khỏi cổng, những cái đầu nhấp nhô.
|
Cận cảnh những chuyến xe “bão táp” chuyên nhồi nhét công nhân |
Nhóm người trên xe bắt đầu tìm chỗ bám víu để không bị ngã nhào khi xe thắng gấp. Có bao nhiêu người trên những chuyến xe kia? Câu hỏi như một lời thúc giục chúng tôi, phải bước lên xe…
Chiều 12/5, chúng tôi theo chân một nhóm công nhân vừa tan ca lên chuyến xe mang BKS 63B - 00638, lộ trình từ Công ty Pouyuen về Tiền Giang. Thấy hàng ghế phía sau còn trống, chúng tôi bước xuống ngồi, liền được một phụ nữ vỗ vai: “Đi xe “giang” (quá giang - PV) hả? Xe này “ghế chết”, người lạ phải đứng vì không có chỗ ngồi. Chút nữa người ta lên đông lắm, ráng đứng một tý đi rồi tôi cho mượn chiếc áo mưa lót tạm xuống sàn mà ngồi. Đứng suốt hai tiếng, nổi hông?”.
Quả thật, chưa đầy 10 phút sau, xe đã đông nghẹt người. Xe 63B - 00638 có “luật ghế chết”, tức là các ghế đều “có chủ”. Nếu hôm đó họ không đi làm thì người khác mới được ngồi. Còn các công nhân mới đi làm, đi xe “giang” thì phải ngồi ghế nhựa ở giữa lối đi hoặc đứng bám víu giữa xe. Một số người lấy áo mưa, lót xuống sàn ngồi ở sát băng ghế cuối của xe. Nhiều người ngồi ghế tạm ngay lối đi, có người ngồi vật vã dưới sàn xe nóng rực.
|
Cảnh tượng nhốn nháo thường xuyên diễn ra ở khu vực trước bãi xe đưa đón công nhân Công ty Pouyuen |
Xe gần xuất bến, một phụ nữ khoảng 40 tuổi đứng dậy thu tiền, không ai bảo ai, mọi người đều móc ra 4.000đ. Chúng tôi lấy làm lạ vì theo quy định, xe đưa đón ở Pouyuen chỉ thu của công nhân 3.000đ thì được chị K. ngồi bên cạnh nhắc khẽ: “Mới đi lần đầu hả, xe này họ thu 4.000đ, họ nói mình “bù” 1.000đ tiền qua trạm thu phí đó. Em hỏi nhỏ với tui thì được chứ nói lớn chủ xe nghe là đuổi xuống liền”.
Nhẩm đếm, hơn 60 người trên xe, những người ngồi trên ghế nệm bắt đầu lim dim ngủ, còn các vị khách “tăng cường” thì vật vã trên chiếc ghế nhựa, khi bị giật ngược, lúc nhào tới do xe thắng gấp. Xe chuyển bánh được hơn một giờ, đôi chân của tôi bắt đầu “đình công” vì tê mỏi. Phía trên, những khuôn mặt xanh xao, những ánh mắt thẫn thờ và tiếng thở dài bắt đầu xuất hiện.
Thấy tôi tỏ vẻ ngao ngán, chị K.L. (39 tuổi, công nhân khu B, Công ty Pouyuen) nói: “Hôm nay còn đỡ đó, có mấy người không tăng ca họ về trước rồi, chứ mọi khi còn thê thảm hơn. Ở đây tụi tui đi xe nhồi nhét như vầy là chuyện thường. Làm quần quật cả ngày trong xưởng, giờ lên xe lại bị hành xác nên có hôm tôi bước xuống xe là bị quay vòng vòng muốn ngất xỉu”.
|
Hành khách vật vã trên chuyến xe 63B - 00638 từ Công ty Pouyuen về Tiền Giang |
Chiều 13/5, chúng tôi lên chiếc xe mang BKS 63K - 5096 đưa công nhân từ Công ty Pouyuen về Cai Lậy (Tiền Giang). Như lần trước, tôi lại chứng kiến cảnh tượng nhồi nhét ngộp thở trên xe. Mọi khoảng trống trên xe đều được tận dụng. Kẻ đứng, người ngồi, nhiều người còn tranh thủ mang đồ ăn lên xe để lót dạ. Mùi thức ăn, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Có người vừa bước lên xe, đành vội leo xuống đợi chuyến xe khác.
"Tài xế xe đưa đón công nhân chạy rất ẩu, xe nhồi nhét cả trăm người, ngang nhiên vi phạm luật giao thông, nhưng họ có “bùa hộ mệnh” là tấm biển “Xe đưa đón công nhân Pouyuen” nên hầu như không bị xử phạt".
Anh Bùi Tuấn (Long An) bức xúc.
|
Ngoài nhồi nhét, chủ xe 63K - 5096 còn đặt ra quy định thu thêm 2.000đ/người để đóng phí đi đường cao tốc. Luật “ngầm” xe công nhân xưa nay là vậy, tuy rất ngao ngán, nhưng hầu hết công nhân đành ngậm ngùi bước lên xe để kịp về nhà càng sớm càng tốt. Xe chuyển bánh, hành khách nhào tới, giật lui như say rượu. Dù đã hàng trăm lần lăn lộn trên các chuyến xe, nhưng chúng tôi cũng khá mệt với những “pha cà giật”, giằng xóc của chuyến xe này.
Xe lăn bánh hơn hai giờ đồng hồ, đến khu vực cầu Mỹ Quý (huyện Cai Lậy), những người khách cuối cùng lê bước mệt nhoài xuống xe. Trút một hơi thở dài, chị Ng. (khoảng 40 tuổi) than: “Hôm nay chỉ ra chậm một chút mà đã bị giành hết ghế nên phải đứng. Hai chân tui giờ tê cứng, nghĩ đến việc đi bộ 300m về nhà mà phát ớn”.
Quá tải, vượt ẩu nhờ “bùa hộ mệnh”?
|
Công nhân chen chúc trên những chuyến xe "bão táp". |
Nhiều buổi chiều đứng trước cổng Công ty Pouyuen, chúng tôi có thể dễ dàng bắt gặp cảnh hàng chục xe đưa rước công nhân nhồi nhét, vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, điều rất khó hiểu là lực lượng cảnh sát giao thông đứng trước cổng Công ty Pouyuen lại “ngó lơ”. Phải chăng lực lượng chức năng đang bao che cho các xe đưa rước công nhân của Công ty Pouyuen phạm luật giao thông?
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Phụ Nữ, Công ty Pouyuen liên kết với rất nhiều đơn vị vận tải đưa đón công nhân. Các xe có logo khác nhau, nhưng đa số đều có gắn bảng “Xe đưa rước công nhân Pouyuen”. Sau khi đón khách, hàng trăm chiếc xe tỏa đi các quận, huyện ở TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Tây Ninh... Sau thời gian dài bám theo các đoàn xe này, chúng tôi ghi nhận, xe chở công nhân vi phạm luật giao thông khá phổ biến, nhưng hầu như không bị xử phạt. Một tài xế lái xe đưa rước công nhân ở Công ty Pouyuen tiết lộ: “Cứ có bảng “xe đưa rước công nhân Pouyuen” thì chở bao nhiêu người cũng được. Có “luật” rồi, không ai xử phạt xe công nhân cả...”.
Khoảng 18g ngày 14/5, chúng tôi bám theo một đoàn xe đưa rước công nhân về hướng huyện Đức Hòa (tỉnh Long An). Đoàn xe gần 20 chiếc, chạy bạt mạng, khói bụi bay mù mịt trên đường Tỉnh lộ 10. Nhiều người đi đường thấy các chuyến xe băng tới phải tấp vội vào lề đường. Khi xe về đến Tỉnh lộ 825, tài xế ngang nhiên tấp xe bất ngờ vào lề để trả khách. Do đoạn đường này rất hẹp nên những cú tấp xe, dừng đột ngột khiến cả người đi đường và người trên xe đều thót tim.
|
Xe đưa đón công nhân gây náo loạn ở quốc lộ 1 |
Anh Bùi Tuấn (45 tuổi, ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) bức xúc: “Tài xế xe đưa đón công nhân chạy rất ẩu, xe nhồi nhét cả trăm người, ngang nhiên vi phạm luật giao thông, nhưng họ có “bùa hộ mệnh” là tấm biển “Xe đưa đón công nhân Pouyuen” nên hầu như không bị xử phạt. Dọc theo tỉnh lộ 825, nhắc đến xe công nhân ai cũng ngao ngán”.
Chiều 15/5, chúng tôi leo lên chuyến xe mang BKS 51B - 15984 chạy tuyến Công ty Pouyuen về chợ Cầu Nổi (huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Đây thực sự là một chuyến xe ám ảnh nhất đối với chúng tôi. Theo luật ngầm, đây là xe “ghế chỉ”, tức ai lên xe chỉ ghế trước thì được ngồi ghế đó. Cứ thế, mọi người xô nhau ùa lên chọn ghế, người hớn hở vì chọn được chỗ ngồi, kẻ miễn cưỡng vì sắp phải đứng chôn chân nhiều giờ.
Xe chật như nêm. Nhiều người chen nhau đứng vịn tay vào ghế để giữ thăng bằng. Cứ như vậy suốt hơn hai tiếng đồng hồ. “Ngày nào cũng như thế này, than hoài nhưng không thấy thay đổi. Ngột ngạt, căng thẳng, thậm chí có người đã bỏ mạng trên xe công nhân rồi”, chị M. (50 tuổi, quê Cần Đước) trút nỗi niềm.
Xe 45 chỗ “nêm” gần 90 người
Mô hình xe đưa đón công nhân của Công ty Pouyuen hoạt động từ năm 1997, ban đầu, chỉ với một chuyến xe chạy tuyến Đức Hòa - Hậu Nghĩa (Long An). Hiện nay, Công ty Pouyuen đã bố trí khoảng 400 xe ô tô chuyên phục vụ đưa đón 20.000 công nhân từ các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Tây Ninh và huyện Bình Chánh, Cần Giờ (TP.HCM)... Với mỗi lượt di chuyển, công nhân chỉ phải trả 3.000đ, chi phí còn lại khoảng 15 - 30 triệu đồng/xe (tùy theo cự ly di chuyển) do Công ty Pouyuen chi trả.
Trên lý thuyết, lượng xe này đủ để đưa đón công nhân của Công ty Pouyuen, nhưng thực tế, tình trạng nhồi nhét khách vẫn diễn ra như cơm bữa. Sau nhiều tháng thâm nhập các chuyến xe đưa đón công nhân, chúng tôi phát hiện có hàng loạt các chuyến xe thường xuyên chở công nhân quá tải như: 51B - 12078, 62B - 01070, 51B - 16055, 51B - 20594, 51B - 16048, 51B - 16118, 63B -00721, 51B - 16021... Thậm chí có chuyến xe chỉ 45 ghế ngồi, nhưng “tải” gần 90 người.
|
Nhóm Phóng Viên