Chuyên đề: Bỏ giấy xác nhận độc thân - Đề xuất hợp lòng dân

Trần ai làm giấy xác nhận độc thân

01/10/2024 - 05:47

PNO - Mới đây, Bộ Tư pháp trình dự thảo nghị định về hộ tịch, đề xuất bỏ quy định buộc phải xuất trình giấy xác nhận độc thân khi đăng ký kết hôn. Đối với nhiều người, đây là tin vui lớn, giải tỏa gánh nặng về thủ tục hành chính và những phiền hà không đáng có.

Đề xuất bỏ giấy xác nhận độc thân là bước tiến tới đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại một phường ở TPHCM - ẢNH: NHÃ CHÂN

Đề xuất bỏ giấy xác nhận độc thân là bước tiến tới đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại một phường ở TPHCM - Ảnh: Nhã Chân

Trầy trật xin được công nhận độc thân

Anh Hoàng Trung Thành - quận Phú Nhuận, TPHCM - có lẽ đã lập kỷ lục khi thời gian làm thủ tục xác nhận độc thân (XNĐT) để đăng ký kết hôn (ĐKKH) kéo dài đến 2 năm. Anh xin xác nhận năm 2022 - khi chuẩn bị cưới vợ, mãi đến đầu năm 2024 anh mới hoàn thành thủ tục này, lúc con anh đã gần 3 tháng tuổi.

Anh Thành sinh năm 1982 tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Anh ra đời được ít tháng, gia đình chuyển về quận Phú Nhuận, TPHCM sinh sống và đăng ký tạm trú tại phường 5. Năm 2005, anh Thành chính thức có hộ khẩu thường trú tại đây.

Năm 2011, anh Thành ra UBND phường xin giấy XNĐT để làm thủ tục nhà đất thì được cấp dễ dàng. “Đến năm 2022, tôi chuẩn bị cưới vợ nên lại ra phường xin XNĐT để làm thủ tục ĐKKH. Tại đây, cán bộ phường hướng dẫn tôi đến công an phường làm xác nhận cư trú để có căn cứ cấp giấy XNĐT. Khi tôi đến công an phường thì nơi đây chỉ xác nhận từ khoảng thời gian tôi có hộ khẩu (năm 2005-2022). Còn thời gian trước năm 2005, công an yêu cầu tôi về nơi sinh để làm” - anh Thành nói.

Hành trình khó khăn bắt đầu. Anh về Bình Dương xin xác nhận cư trú, nhưng UBND xã từ chối với lý do anh đã rời khỏi địa phương từ lâu, đồng thời hướng dẫn anh quay về nơi sinh sống hiện nay xin xác nhận. Anh Thành quay về phường 5, quận Phú Nhuận, nơi này tiếp tục hướng dẫn anh tự đi xác minh. Anh Thành kể: “Tôi lên xuống TPHCM - Bình Dương mấy lượt vẫn về tay trắng, do 2 bên chỉ qua chỉ lại. Cuối cùng, anh Thành từ bỏ ý định làm XNĐT và cưới vợ nhưng không ĐKKH.

Đến tháng 12/2023, vợ anh Thành sinh con và khi khai sinh cho con, bắt buộc anh Thành phải có chứng nhận ĐKKH. Vì vậy, một lần nữa anh lại phải ra phường 5, quận Phú Nhuận xin XNĐT để ĐKKH. Cũng như lần trước, anh được hướng dẫn tự đi xác minh thời gian cư trú trước năm 2005.

Anh Thành biết sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn nên lần này anh nhờ một cơ quan truyền thông lên tiếng phản ánh sự việc. Sau khi đơn vị này vào cuộc, anh Thành đã được UBND phường 5, quận Phú Nhuận cho làm cam kết về tình trạng hôn nhân của mình, sau đó anh được cấp XNĐT, hoàn tất việc ĐKKH.

Mất 2 năm, vợ chồng anh Thành mới có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn sau hành trình khó khăn xin giấy xác nhận độc thân - ẢNH: PV
Mất 2 năm, vợ chồng anh Thành mới có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn sau hành trình khó khăn xin giấy xác nhận độc thân - Ảnh: PV

Việc đi xin XNĐT, nhất là với những ai từng sống ở nhiều nơi, là thủ tục khiến nhiều người ngán ngẩm vì mất thời gian, công sức. Chị Đỗ Huyền Trang - ở huyện Bình Chánh, TPHCM - từng rơi vào tình cảnh này khi dẫn cháu gái đi xin XNĐT tại một xã của huyện Củ Chi vào cuối năm 2022.

Chị Trang kể: “Cháu tôi là H.D.A. - sinh năm 2001 tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ và khai sinh tại đây. Vài năm sau, gia đình chuyển đến TPHCM và từ năm 2013 đăng ký tạm trú tại một xã thuộc huyện Củ Chi. Cuối năm 2022, cháu tôi ra UBND xã để xin XNĐT nhưng bị từ chối với lý do: tên cháu tôi không có trong hệ thống quản lý của nơi này (trong khi sổ tạm trú do công an xã cấp thì có tên) và hướng dẫn về TP Cần Thơ làm. Tôi và cháu về Cần Thơ thì UBND phường ở đây từ chối vì cho rằng cháu tôi đã đi khỏi địa phương từ lâu, hộ khẩu cũng đã cắt (cắt “treo”, do gia đình chưa có nhà ở nơi ở mới nên chưa chuyển hộ khẩu đi) và hướng dẫn về Củ Chi làm XNĐT.

“Cứ 2-3 ngày là dì cháu tôi phải chạy xe máy tới lui giữa Cần Thơ và TPHCM, vừa tốn kém, vừa mệt mỏi. Trong 20 ngày, chúng tôi ngược xuôi tới lần thứ Sáu thì được phía Cần Thơ chấp nhận làm XNĐT sau khi cháu tôi viết giấy cam kết tình trạng hôn nhân” - chị Trang kể.

Nở rộ dịch vụ cò làm giấy xác nhận độc thân

Vì những khó khăn, phiền hà khi xin giấy XNĐT, nhiều người chọn tìm đến các dịch vụ để làm thủ tục này. Người có nhu cầu chỉ cần ngồi nhà, thông qua vài cú gõ bàn phím đã có thể tìm được hàng loạt địa chỉ nhận làm dịch vụ.

Để tìm hiểu rõ hơn về dịch vụ làm giấy XNĐT qua mạng, phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã liên hệ với một số nơi có ghi địa chỉ văn phòng tại TP Hà Nội. Nhắn tin qua Zalo, chưa đầy 1 phút, chúng tôi nhận được phản hồi.

Sau vài câu chào lịch sự, tư vấn viên bắt đầu dò hỏi một số thông tin cơ bản như: làm giấy XNĐT làm gì, đã từng kết hôn hay chưa, từ năm 18 tuổi có chuyển địa chỉ thường trú hoặc sinh sống ở nước ngoài hay không?…

Sau khi nắm được nhân thân khách hàng, bên cò sẽ “chốt hạ” mức giá dịch vụ. Đối với những thông tin cơ bản mà chúng tôi đưa ra như: chưa từng kết hôn, chỉ có 1 địa chỉ thường trú và không sinh sống ở nước ngoài, đơn vị này đưa ra mức giá 3 triệu đồng, kèm theo lời hứa hẹn: “Giấy XNĐT sẽ được chuyển tận tay chỉ sau 3-5 ngày. Em chỉ cần chụp 2 mặt căn cước công dân gửi qua Zalo cho anh là xong”.

Các cơ sở làm giấy xác nhận độc thân đưa ra  lời cam kết để tạo lòng tin cho người liên hệ - ẢNH: NHÃ CHÂN
Các cơ sở làm giấy xác nhận độc thân đưa ra lời cam kết để tạo lòng tin cho người liên hệ - Ảnh: Nhã Chân

Khi chúng tôi thắc mắc về chuyện bảo mật thông tin khách hàng, bên kia liền gửi ngay ảnh chụp loạt hồ sơ đã thực hiện trước đó để tạo lòng tin cùng lời cam kết: “Bên anh làm việc trực tiếp với phía cơ quan nhà nước, tuyệt đối không qua trung gian, em cứ yên tâm”.

Thử liên hệ với một số điện thoại khác, rao có văn phòng tại TPHCM, cũng với những thông tin cơ bản như trên, chúng tôi được báo giá dịch vụ là… 500.000 đồng, bằng 1/6 giá của cò ở Hà Nội. Đem thắc mắc này hỏi người tư vấn, chúng tôi nhận được câu trả lời: chi phí làm giấy tùy thuộc vào mức độ khó của hồ sơ. Thông thường mức giá giao động từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng, có khi lên đến vài chục triệu đồng nếu thân chủ có lý lịch thường trú phức tạp hoặc từng kết hôn nhiều lần.

Ở những trường hợp hồ sơ có giá vài triệu đồng trở lên thì dịch vụ sẽ yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền trước hoặc chí ít là đặt cọc một phần để “tụi anh có chi phí “đi đứng” với người ta mà lo việc giấy tờ cho em”. Với trường hợp phức tạp, bên cò sẽ yêu cầu khách hàng phải chờ vài tuần mới nhận được giấy XNĐT.

Về thủ tục đăng ký dịch vụ, cơ sở này yêu cầu chúng tôi mang căn cước công dân ra văn phòng để làm chứ không nhận ảnh chụp căn cước công dân gửi qua Zalo, để đảm bảo thông tin khách hàng không bị rò rỉ.

Khi chúng tôi lân la hỏi thêm một số trường hợp khó, ví dụ như lao động “chui” ở nước ngoài, hiện không ở Việt Nam thì có làm được giấy XNĐT không. Bên dịch vụ cũng thoải mái nhận lời làm, kèm theo điều kiện: “Nếu về Việt Nam thì tốt, còn không người nhà có thể làm giùm, miễn có đủ giấy tờ và thân chủ chưa từng xin XNĐT lần nào là được. Nếu không chứng minh được tình trạng hôn nhân ở nước ngoài, bên anh sẽ làm văn bản cam kết cho, nhưng sẽ mất thời gian vài tuần”.

Dịch vụ làm  giấy xác nhận  độc thân nở rộ  ở nhiều nơi,  đặc biệt là ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội - ẢNH: NHÃ CHÂN
Dịch vụ làm giấy xác nhận độc thân nở rộ ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội - Ảnh: Nhã Chân

Rà thử thêm một vài nơi nhận làm dịch vụ online, với cùng một hồ sơ, chúng tôi được tư vấn nhiều mức giá khác nhau. Như vậy, nếu không có thời gian so sánh, tìm hiểu, người dân sẽ rất dễ bị hớ, cũng như gặp rủi ro cao khi dễ dàng cung cấp giấy tờ tùy thân qua mạng cho phía cò.

Cán bộ và người dân đều vui

Ở góc độ tư pháp, hộ tịch, bà Nguyễn Thị Kim Dum - công chức tư pháp phường An Lạc, quận Bình Tân - cho biết: “Việc bãi bỏ XNĐT khi ĐKKH thì người dân và cả công chức tư pháp - hộ tịch đều vui, vì đỡ một thủ tục hành chính cho người dân và cũng giảm tải một phần việc cho công chức chuyên trách”.

Bà Dum cũng cho biết, hiện ở TPHCM thí điểm việc bỏ XNĐT khi ĐKKH từ tháng 5/2024 và rất nhiều người đã hoàn tất thủ tục ĐKKH khi đăng ký trực tuyến, được trả kết quả nhanh chóng, hầu hết chỉ từ 2-3 ngày (thay vì theo quy trình thủ tục là 6 ngày).

Theo bà Dum, nhu cầu làm giấy XNĐT của người dân khá lớn. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, tại phường An Lạc, đã có 995 trường hợp xin XNĐT. “Hiện nay, thủ tục cấp giấy XNĐT theo quy trình thủ tục là 3 ngày làm việc. Nếu hồ sơ đủ điều kiện, sẽ nhận kết quả trong ngày làm việc. Với những trường hợp cần xác minh thì thời hạn là 23 ngày làm việc” - bà Dum nói.

Tuy nhiên, bà Dum cũng nêu băn khoăn: Hiện nay, khi một đôi vợ chồng ly hôn, tòa án sẽ thông báo bằng văn bản về cho bộ phận tư pháp phường/xã - nơi ở của cặp đôi ly hôn - nắm, quản lý. Công chức tư pháp - hộ tịch phường/xã sẽ ghi chú việc ly hôn vào sổ ĐKKH. Trong khi đó, dữ liệu được cập nhật trên hệ thống dữ liệu số quốc gia là ở ngành công an. Theo Đề án 06/CP, công chức tư pháp - hộ tịch chỉ thông báo cho bên công an cập nhật về các nội dung: ĐKKH, cải chính hộ tịch, bổ sung hộ tịch, khai sinh của những người lớn tuổi và khai tử. Bên cạnh đó, với những trường hợp hôn nhân thực tế (là những cặp vợ chồng chung sống trước năm 1987, không ĐKKH nhưng được pháp luật công nhận là hôn nhân hợp pháp) thì có thể cơ quan quản lý không nắm rõ nếu người dân cố tình che giấu.

Giang Thùy (ghi)

Nhiều tiện ích khi xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến

Ngày 10/3/2023, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 309/QĐ-BTP về quy trình giải quyết thủ tục hành chính: ĐKKH, xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến với điều kiện (1) Cổng dịch vụ công/Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh đã hoàn thành việc kết nối, khai thác dữ liệu công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối, liên thông dữ liệu với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp; (2) Công dân có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc tài khoản định danh điện tử mức độ 2 theo quy định.

Bà Lệ Thủy cho rằng, người dân sẽ thuận lợi hơn với bước chuyển “xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến” - Ảnh do nhân vật cung cấp
Bà Lệ Thủy cho rằng, người dân sẽ thuận lợi hơn với bước chuyển “xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến” - Ảnh do nhân vật cung cấp

Đến nay, tất cả địa phương trên cả nước đã đảm bảo điều kiện kết nối, liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp và chính thức cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến để ĐKKH kể từ tháng 7/2024.

Thực tế quá trình phát triển kinh tế - xã hội, số lượng người dân dịch chuyển sang địa phương khác sinh sống, học tập, làm việc, kết hôn… gia tăng, nhu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cũng tăng theo. Trước đây, khi công dân có nhu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân, phải xác nhận trực tiếp hoặc thông qua người được ủy quyền, tốn nhiều thời gian, công sức, nhất là với những trường hợp ở xa.

Việc xác minh tình trạng hôn nhân cũng đã góp phần cho người dân thuận lợi hơn trong trường hợp có khó khăn về lại nơi thường trú cũ xác nhận. Tuy nhiên, gửi văn bản theo đường bưu điện thường mất thêm vài ngày, lại có những trường hợp thất lạc. Nay thực hiện thủ tục theo trình tự trực tuyến, sẽ đảm bảo chính xác thời gian tiếp nhận, xử lý thông tin cũng như tra cứu thông tin rất dễ dàng, nhanh chóng.

Việc người dân băn khoăn về việc có ai đó đã kết hôn mà máy lại rà bị sót, cho phép kết hôn lần nữa là một băn khoăn chính đáng. Tuy nhiên, dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dữ liệu của Bộ Tư pháp mà công chức tư pháp tại UBND cấp xã có thể truy cập được khá đầy đủ và chính xác.

Bộ Tư pháp thường xuyên cập nhật các tính năng để cảnh báo nếu thông tin đó có khả năng bị trùng hoặc bị thiếu sót, do vậy băn khoăn này khó xảy ra. Trường hợp công dân vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Huỳnh Thị Lệ Thủy
(nguyên Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp)

Cần chuẩn hóa hệ thống dữ liệu quốc gia để tránh bất cập, rủi ro

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cơ bản cập nhật khá đủ thông tin của cá nhân và quan hệ nhân thân, nhưng ai dám khẳng định độ chính xác đạt tỉ lệ 100%, đặc biệt đối với địa bàn vùng sâu, vùng cao, hải đảo… nơi mà trình độ dân trí và trình độ công nghệ thông tin của cán bộ còn hạn chế, chưa đáp ứng tính chất và yêu cầu công việc.

Tôi đặt tình huống: có công dân sinh năm 1966 trở về trước, xác lập hôn nhân thực tế (trước ngày 3/1/1987, không cần ĐKKH) nay người chồng giấu vợ đi mua một mảnh đất ở tỉnh xa, rồi muốn âm thầm chuyển nhượng bất động sản này thì việc không có giấy XNĐT có ổn không? Trong khi tại điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nêu: “Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng và tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất”.

Một tình huống khác: một người trong 20 năm có 4-5 nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ở nhiều tỉnh khác nhau, nay muốn ĐKKH tại nơi thường trú cuối cùng thì thời hạn giải quyết là 3 ngày làm việc (theo khoản 3, điều 22, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP) liệu có khả thi?

Tôi từng tư vấn cho khách hàng tại TPHCM, người chồng có cùng lúc 2 giấy ĐKKH ở 2 quận khác nhau. Khi đang trong tình trạng hôn nhân thì người chồng chuyển hộ khẩu thường trú đến phường khác để làm XNĐT. Cán bộ tư pháp - hộ tịch thay vì kiểm tra kỹ đã đơn giản hóa thủ tục bằng cách đề nghị người chồng viết cam kết độc thân rồi trình lãnh đạo ký giấy XNĐT. Hậu quả: người chồng qua quận nơi đăng ký thường trú của “vợ hai” ĐKKH trót lọt và sự việc chỉ được phát hiện khi người chồng lần lượt ly hôn 2 người vợ và vụ án đến nay vẫn chưa kết thúc vì phải chờ thủ tục giám đốc thẩm của tòa án nhân dân cấp cao.

Hay một trường hợp khác tôi từng tư vấn cũng bi hài không kém. Đó là trường hợp vợ chồng có hộ khẩu cùng xã tại một huyện miền núi tỉnh Bình Định. Họ ĐKKH nhưng cán bộ tư pháp - hộ tịch xã quên cập nhật vào sổ bộ. Sau 4 tháng kết hôn, họ chia tay trong lịch sự (không ra tòa).

Sau đó, người vợ sống chung như vợ chồng với một người nước ngoài, có 1 con chung. Tuy nhiên, người vợ lại dùng giấy ĐKKH với chồng cũ để làm khai sinh cho đứa con này. Do đó, đứa bé là con lai nhưng lại có “cha Việt Nam” (là người chồng cũ) trên hồ sơ pháp lý. Còn anh chồng cũ tái hôn trót lọt bởi anh xin XNĐT quá dễ dàng khi giấy kết hôn không có trong hồ sơ gốc. Hơn 10 năm sau, sự việc đổ bể khi cha ruột cậu bé con lai muốn đưa con về nước và phát sinh rắc rối khi phải làm hàng loạt thủ tục.

Để bỏ giấy XNĐT, cần trả lời các câu hỏi như: hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư đã cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin chưa? Việc chuyển thông tin của ngành tư pháp cho ngành công an có kịp thời, chính xác không? Hậu kiểm ra sao đối với trường hợp cán bộ tắc trách, thiếu sót trong khâu nhập liệu, quản lý dữ liệu công nghệ thông tin và hồ sơ giấy?

Ở góc nhìn phản biện, XNĐT nhằm ngăn ngừa đáng kể tranh chấp tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; phân biệt tài sản chung hợp nhất của vợ chồng với tài sản chung khác (hùn hạp, góp vốn…). Tuy nhiên, dù bỏ hay chưa bỏ giấy XNĐT thì vai trò, trách nhiệm của cán bộ làm nhiệm vụ thu thập, tổng kết và nhập dữ liệu của người dân là vô cùng quan trọng, vì chỉ cần một lần thiếu sót, một phút tắc trách cũng đủ gây hậu quả khó lường về sau.

Do vậy, tôi cho rằng, bỏ XNĐT là khuynh hướng tiến bộ, nhưng chỉ thành công khi hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thật sự chuẩn hóa, được bảo vệ an toàn trước tình trạng rò rỉ dữ liệu, bị hacker xâm nhập thì mới bỏ hẳn thủ tục này.

Luật sư Trần Hoài Nhân
(Công ty Luật TNHH Unibros VN)

Thùy Dương - Nhã Chân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI