Trạm y tế ở TPHCM không còn là chốn đìu hiu

14/06/2024 - 06:37

PNO - Với cơ sở vật chất và nhân sự dần được hoàn thiện, các trạm y tế ở TPHCM đang ngày càng thu hút đông bệnh nhân đến khám và chữa bệnh, giúp giảm bớt tình trạng quá tải ở các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến trên.

Nhìn dáng đi, nghi bệnh nặng

Định kỳ, ông T.K.V. (70 tuổi) đến Trạm Y tế phường 1, quận 3 lấy thuốc điều trị bệnh mạn tính. Hôm nay, theo lịch hẹn, bác sĩ Tăng Phước Quân - Phó trưởng trạm - đã ngồi đợi sẵn.

Nhìn ra ngoài, vị bác sĩ thấy ông V. có dáng đi hơi khác những lần trước nên không vội phát thuốc khi đỡ ông vào mà hỏi ông có đang mệt hay bị đau chân không. Khi bệnh nhân lắc đầu, vị bác sĩ nghi sức khỏe có vấn đề, liền vừa đo huyết áp, vừa hỏi chuyện.

Chỉ được vài phút, giọng ông V. nhỏ dần, miệng hơi méo, tiếng bị đớt. Vị bác sĩ dìu ông V. đến băng ca để kiểm tra thì ông khuỵu xuống. Bác sĩ Tăng Phước Quân liền cùng các nhân viên của trạm cấp cứu, hồi sức, gọi điện thoại cho Trung tâm Cấp cứu 115, cử người chạy đến nhà ông V. thông báo. Theo kết quả chụp CT của 115, ông V. bị xuất huyết não nặng.

Bệnh viện huyện Cần Giờ được trang bị hệ thống chạy thận nhân tạo hiện đại nên người dân nơi đây không còn phải khổ sở đi vào trung tâm thành phố lọc thận ẢNH: PHẠM AN
Bệnh viện huyện Cần Giờ được trang bị hệ thống chạy thận nhân tạo hiện đại nên người dân nơi đây không còn phải khổ sở đi vào trung tâm thành phố lọc thận ẢNH: PHẠM AN

Một trường hợp khác - bà P.T.K.N., 69 tuổi - nằng nặc đòi trạm y tế cho thuốc điều trị bệnh viêm đường tiết niệu bởi những lần trước, bà cũng có triệu chứng cảm sốt, uống thuốc ở trạm thì khỏi.

Nhưng lần này, bác sĩ Tăng Phước Quân khuyên bà đến Trung tâm Y tế quận 3 siêu âm, xét nghiệm do nghi ngờ bà bị nhiễm trùng đường tiểu, có u nang, mà trạm lại thiếu thiết bị xét nghiệm. Sau hơn 1 giờ thuyết phục, bà N. đồng ý đến Trung tâm Y tế quận 3 và nơi đây kết luận bà nhiễm trùng tiểu, nghi ngờ u bàng quang.

Trạm Y tế phường 21, quận Bình Thạnh cũng nhiều lần giúp bệnh nhân thoát khỏi cửa tử. 16g25, nhân viên trạm đang dọn dẹp bàn ghế chuẩn bị nghỉ ngơi thì ông D.T. - 67 tuổi, bệnh nhân quen của trạm - đi vào, than đau tức ngực. Qua đo điện tim, thấy kết quả bất thường, bác sĩ liền khuyên ông đến bệnh viện quận cấp cứu.

Ông T. ngại chờ đợi, ngại thuốc không hợp nên không chịu đi. Bác sĩ của trạm bèn gọi điện, khuyên người nhà đưa ngay ông đến bệnh viện. Khi vừa vào bệnh viện, ông T. liền được chuyển gấp sang Bệnh viện Nhân dân Gia Định phẫu thuật khẩn, đặt stent do có các dấu hiệu rõ ràng của bệnh nhồi máu cơ tim.

Sau nhiều lần cố gắng chịu đựng các cơn đau ngực, đến cuối ngày, quá mệt và khó thở, ông K.N.H. (48 tuổi) mới đến Trạm Y tế phường 21, quận Bình Thạnh khám. Vừa tiếp nhận, các bác sĩ nhận ra ngay ông đang vào cơn nhồi máu cơ tim, liền cùng người nhà đưa ông đến bệnh viện. Sau khi cấp cứu, đặt stent cho ông, các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, chỉ cần trễ vài phút, ông có thể tử vong.

Ngoài các ca nghi đột quỵ, nhồi máu cơ tim, các bác sĩ ở Trạm Y tế phường 21 cũng nhiều lần nghi bệnh nhân bị ung thư, u nang và tư vấn họ đến bệnh viện tuyến trên khám lại. Nhờ vậy, bệnh nhân được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Có bệnh, đến trạm khám cho nhanh

Theo bác sĩ Tăng Phước Quân, trước đây Trạm Y tế phường 1, quận 3 chỉ làm công tác y tế dự phòng như tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường, tuyên truyền phòng, chống các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng… chứ chưa khám, điều trị bệnh nên ít được người dân biết đến.

Từ tháng 7/2022, trạm bắt đầu khám bệnh cho diện có bảo hiểm y tế nhưng mỗi tháng cũng chỉ có 4-5 người đến khám. Giữa năm 2023, trạm có 40-50 lượt khám/tháng và nay là trên 100 lượt/tháng.

Bác sĩ Tăng Phước Quân kể: “Ban đầu, các cô chú lớn tuổi hỏi mấy ông có gì mà khám, có thuốc không mà đòi khám. Nghe vậy, chúng tôi rất buồn nhưng cũng hạ quyết tâm chứng minh cho người dân biết mình có gì, làm được gì, từ đó họ tin tưởng và đến khám”. Theo ông, sự ân cần thăm hỏi, khám, tư vấn bệnh, giải thích bệnh, dặn dò uống thuốc đúng giờ, nhắc lịch tái khám… của y bác sĩ ở trạm đã tạo sự tin tưởng nơi người dân.

Hiện tại, Trạm Y tế phường 1, quận 3 đang chăm sóc sức khỏe cho khoảng 13.000 dân, trong đó có 2.700 người cao tuổi. Ngoài khám cho người dân trong phường, trạm còn liên kết với Trạm Y tế phường 2, phường 3 để cùng theo dõi, chăm sóc bệnh nhân.

“Mỗi trạm có một thế mạnh riêng, như trạm của phường 1 mạnh về y học gia đình, phường 3 mạnh về đông y. Việc liên kết giúp chúng tôi quản lý bệnh tốt hơn, phục vụ người dân tốt hơn” - bác sĩ Tăng Phước Quân nói.

Theo bác sĩ Trần Thị Vân Anh - Trưởng trạm Y tế phường 21, quận Bình Thạnh - hiện nay, trạm tiếp nhận trên dưới 100 người/ngày. Ngoài người cao tuổi đến điều trị đông y, lấy thuốc điều trị bệnh mạn tính, lượng trẻ em đến khám cũng tăng dần. Người dân đang dần có thói quen đến trạm khám bệnh trước khi đến bệnh viện. Đang tiếp chuyện với chúng tôi, bác sĩ Vân Anh vội xin tạm dừng để vào khám cho bé K.N. (6 tuổi) bị đau họng, nóng sốt do viêm amidan.

Chị Thu Hương - mẹ của bé N. - kể, từ năm 2022, mỗi khi 2 đứa con của chị bị bệnh, chị liền đưa đến trạm y tế khám: “Trước đây, tôi cũng hay đưa con tới bệnh viện khám cho yên tâm nhưng rất mất thời gian và mệt mỏi do quá đông người, phải chờ đợi. Nghe một chị trong xóm nói trạm y tế khám nhanh, con của chị ấy uống thuốc cũng hết bệnh nên tôi đưa con đến trạm khám. Trạm y tế cũng khám bảo hiểm nên cả gia đình tôi từ ông bà, cha mẹ cho đến trẻ em đều là mối quen ở đây. Khi nào bác sĩ tư vấn lên tuyến trên khám lại thì tụi tôi mới đến bệnh viện”.

Trạm Y tế phường 21, quận Bình Thạnh khám bệnh cho người cao tuổi
Trạm Y tế phường 21, quận Bình Thạnh khám bệnh cho người cao tuổi

Tiếp tục đầu tư nhân lực cho trạm y tế

Ngày 7/4/2022, HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết 01/2022 về các chính sách đặc thù củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn đến năm 2025. Tính đến cuối năm 2023, hệ thống trạm y tế của TPHCM đã được tăng cường thêm 1.141 người, trong đó có 393 bác sĩ.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, chăm sóc sức khỏe ban đầu là giải pháp căn cơ trong chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân. Mở rộng hoạt động phát hiện, quản lý điều trị và tư vấn phòng các bệnh mạn tính ở tuyến y tế cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2024.

Thời gian qua, y tế tuyến cơ sở đã góp phần giảm tải áp lực cho tuyến trên. Tuy nhiên, y tế cơ sở vẫn gặp một số vướng mắc, như quy định về chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, nguồn nhân lực.

Trong thời gian tới, ngành y tế TPHCM tiếp tục tập trung vào việc nâng cao năng lực của trạm y tế, nhất là về nguồn nhân lực; triển khai hoạt động khám chữa bảo hiểm y tế các bệnh không lây phổ biến (như tăng huyết áp, đái tháo đường), tư vấn dinh dưỡng và vận động thể lực trong hỗ trợ điều trị bệnh mạn tính, phục hồi chức năng kết hợp y học cổ truyền.

Phạm An

Cơ sở vật chất ở trạm còn nghèo nàn

Theo bác sĩ Trần Thị Vân Anh, Trạm Y tế phường 21, quận Bình Thạnh có 1 bác sĩ tây y, 1 bác sĩ đông y, 7 y sĩ, y tá, phụ trách việc chăm sóc sức khỏe cho 21.145 dân. Số người đến trạm khám tăng dần từng tháng, từng năm trong khi trạm bị nứt tường, thấm dột, diện tích trạm nhỏ, các phòng chức năng chật hẹp, toàn trạm chỉ có 1 máy đo điện tim, không có máy siêu âm, chụp X quang… nên việc chẩn đoán bệnh còn hạn chế.

Nếu lúc này, diện đăng ký bảo hiểm y tế ở các bệnh viện quận, phòng khám đa khoa đồng loạt về trạm khám bệnh thì sẽ quá tải. Ngoài ra, trạm cũng thiếu một số thuốc đặc trị.

Bác sĩ Tăng Phước Quân cho hay, Trạm Y tế phường 1, quận 3 đang cần được sửa chữa máy đo điện tâm đồ, đầu tư thêm máy siêu âm, các thiết bị xét nghiệm cơ bản. Khoảng 30% số người đến trạm khám cần đo điện tâm đồ, siêu âm nhưng trạm không thể đáp ứng do thiếu thiết bị.

Hiện tại, người dân vẫn phải đến trung tâm y tế quận để xét nghiệm rồi về trạm nộp kết quả xét nghiệm, lấy thuốc. Do bất tiện nên một số bệnh nhân bỏ trạm.

An Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI