PNO - Các trạm y tế (TYT) đang dặt dẹo vì các quy định thiếu hợp lý: được chích vắc-xin miễn phí nhưng không được chích vắc-xin dịch vụ; khám bệnh nhưng không được phát thuốc...
Do linh động áp dụng quy định nên trạm y tế P.Bình Chiểu Q.Thủ Đức luôn có đông bệnh nhân đến khám
Các trạm y tế (TYT) đang dặt dẹo vì các quy định thiếu hợp lý: được chích vắc-xin miễn phí nhưng không được chích vắc-xin dịch vụ; khám bệnh nhưng không được phát thuốc; khám bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng không có quyền ký hợp đồng trực tiếp với bảo hiểm xã hội (BHXH)… những quy định này đang làm khó cho các TYT và gây bất tiện cho người bệnh.
Bị kỷ luật vì dám chích vắc-xin dịch vụ
Cách đây vài năm, TYT phường 17 từng là một trong những trạm có số bệnh nhân đến khám đông nhất của Q.Bình Thạnh (TP. HCM). Thế nhưng, hiện nay số bệnh nhân đến khám chỉ lèo tèo. Sáng 22/6, phòng Đông y của trạm có ba bệnh nhân đang được châm cứu. Bà Lưu Bích Th. (69 tuổi, một trong ba bệnh nhân) chân tình góp ý: “Nhà ở tận phường 21 nhưng tôi rất thích tới đây vì trạm rộng rãi, nhân viên nhiệt tình, lại hoàn toàn miễn phí mà không cần thẻ BHYT. Tuy nhiên, ở đây lại không có các loại thuốc cơ bản như: cao huyết áp, tiểu đường… nên khi khám định kỳ, tôi phải lên BV Q.Bình Thạnh”.
Tương tự, chị Lan - mẹ bé Nguyễn Hà Thanh H. (29 tháng tuổi) đưa con đến chích vắc-xin ngừa viêm não Nhật Bản, âu lo: “Trạm này chỉ chích vắc-xin miễn phí. Nếu muốn chích vắc-xin dịch vụ phải chờ các bác sĩ từ Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) quận xuống. Đi chích vắc-xin dịch vụ mà hoàn toàn phụ thuộc vào lịch chích của quận, chứ quận không chiều theo khách hàng. Những ngày cuối tuần mới có thời gian đưa con đi chích ngừa, nhưng quận chỉ triển khai chích ở trạm có hai ngày trong tháng. Làm dịch vụ kiểu này thì bất tiện quá”.
Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Minh Thu - Trưởng TYT phường 17 ngao ngán: “Trạm có hệ thống máy lạnh bảo quản vắc-xin chuyên nghiệp và có bác sĩ thường trú. Nhân viên ở đây thường xuyên bị người dân phản ứng vì không chích vắcxin dịch vụ. Không hiểu vì sao TTYTDP quận chỉ cho nhân viên ở trạm chích vắc-xin miễn phí mà không cho chích vắc-xin dịch vụ, trong khi dù chích loại vắc-xin nào thì cũng phải bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân”.
Theo chị Thu, trước đây, ngày nào trạm cũng triển khai chích vắc-xin dịch vụ, miễn người dân có nhu cầu. Đặc biệt vào thứ Bảy, nhiều phụ huynh ở nhà nên số trẻ đến tiêm chủng đạt 300 lượt/tháng. Kể từ khi quận chủ động xuống chích ở trạm thì chỉ còn khoảng 150 ca mỗi tháng.
Số trẻ đến chích ngừa giảm, kéo theo số bệnh nhân người lớn cũng giảm vì các bà mẹ thường tranh thủ đưa con đi chích ngừa để khám bệnh luôn. Vì không được tăng thu nhập cho nhân viên nên trạm cũng đóng cửa luôn ngày thứ Bảy. Hiện, trạm cũng văng khỏi danh sách tốp “5 TYT đạt doanh thu cao” của quận từ công tác khám chữa bệnh. “Làm ngành y mà chỉ lo sổ sách, không làm chuyên môn khám chữa bệnh cho người dân thì buồn lắm” - chị Thu nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay tất cả các TYT ở Q.Bình Thạnh, Q.Phú Nhuận đều không được chích vắc-xin dịch vụ mà chỉ được chích vắcxin miễn phí. Các nhân viên y tế cho biết, trước đây trưởng TYT P.11, Q.Bình Thạnh bị kỷ luật vì chủ động cho bác sĩ ở trạm triển khai chích vắc-xin dịch vụ vào ngày thứ Bảy.
Ngoài việc bị khống chế không được chích vắc-xin dịch vụ, các TYT còn bức xúc khi không được ký hợp đồng trực tiếp với BHXH TP.HCM, mà phải thông qua BV quận/ huyện nên số thuốc BHYT được phát về TYT hoàn toàn phụ thuộc vào “tình thương” của các BV quận/huyện. Y sĩ Trương Thị Tuyến - Trưởng TYT Linh Xuân (Q.Thủ Đức) phân vân: “Dù trạm có đến sáu y sĩ và một bác sĩ CKI nhưng người bệnh cũng không mặn mà đến khám vì thiếu thuốc trầm trọng.
Nếu xét theo danh mục thuốc BHYT cho phép thì TYT thuộc “BV hạng 4” nên cũng được cấp đến 365 mặt hàng thuốc, thế nhưng lúc nào trạm cũng chỉ được BV quận cấp khoảng 15 mặt hàng thuốc. Nhiều lần trạm đã đề xuất, kiến nghị nhưng tình trạng này vẫn không cải thiện. Nhiều loại thuốc thông thường như ho, cảm, sổ mũi cũng thiếu.
Trong khi trạm vẫn có đầy đủ chức năng như khám nội tổng quát, siêu âm, đo điện tim, thử đường huyết, khám sản, đặt vòng tránh thai, điều hòa kinh nguyệt… Vì thiếu thuốc nên bác sĩ phải kê toa cho bệnh nhân ra ngoài mua. Nhiều người bệnh khó chịu, họ khẳng định thà đến phòng mạch tư còn hơn đến TYT. Do đó, nếu ngành y tế cho các trạm chủ động ký hợp đồng với BHXH thì bác sĩ sẽ khống chế được giá thuốc hợp lý cho người bệnh và quản lý được bệnh nhân đang điều trị”.
Sẽ mở rộng danh mục thuốc cho trạm
Trả lời báo Phụ Nữ về việc tại sao TTYTDP quận không để bác sĩ ở trạm chích vắc-xin dịch vụ, trong khi các TYT ở Q.Thủ Đức lại được phép chích vắc-xin dịch vụ, kể cả ngày cuối tuần, đại diện TTYTDP Q.Bình Thạnh và Q.Phú Nhuận đều trả lời chung chung: mỗi nơi mỗi khác! Hơn nữa các TYT trên địa bàn đều thiếu bác sĩ nên không triển khai được.
Đặc biệt là sau khi xảy ra một số ca sốc phản vệ do chích vắcxin ở các tỉnh nên quận thận trọng hơn. Thế nhưng cách giải thích này mâu thuẫn khi ngay cả TYT có đầy đủ bác sĩ cũng không được chích vắc-xin dịch vụ. Trong các văn bản của Bộ Y tế không có quy định này. Bộ Y tế vẫn cho các trạm chích vắcxin chứ không phân biệt vắc-xin dịch vụ hay miễn phí, chỉ cần bảo đảm an toàn. Chẳng lẽ, chính các quận tự đặt ra quy ước riêng và những trẻ đến chích vắc-xin miễn phí sẽ giao cho TYT? Phải chăng quận cho rằng bác sĩ ở trạm tay nghề kém hơn và trẻ nộp tiền thì được quận chích, dù cũng chỉ chích tại… trạm?
Bác sĩ ở một TYT tại Q.Bình Thạnh bức xúc: “Nếu quận xuống chích thì coi như tận thu nguồn thu nhập tăng thêm vốn để cải thiện mức sống của nhân viên ở trạm. Đó là chưa kể cách xếp lịch tiêm của quận không hợp lý, vì dồn tất cả khách hàng chích vắc-xin dịch vụ vào hai ngày trong tháng sẽ khiến số bệnh nhân đông. Từ đó việc tư vấn, sàng lọc trước khi chích dễ bỏ sót, không chu đáo so với việc triển khai chích mỗi ngày vốn được các TYT thực hiện từ nhiều năm nay”.
Y sĩ Trương Thị Tuyến chia sẻ, Q.Thủ Đức rất chủ động cho phép các trạm được triển khai chích vắc-xin dịch vụ nhưng phải đảm bảo 50 trẻ/ bác sĩ/buổi. Để cải thiện thu nhập cho nhân viên, TYT P.Linh Xuân chích luôn cả thứ Bảy. Nếu khách quá đông, trạm sẽ chủ động mời bác sĩ ở các trạm khác cùng tham gia sàng lọc, tư vấn và chích ngừa. Có như vậy mới mong lôi kéo được người bệnh đến với trạm. Nhờ đó mà nhân viên hăng say làm việc, thứ Bảy và Chủ nhật đều không đóng cửa. Tuy nhiên, việc kê toa không được bán thuốc là điều phi lý, gây phiền toái cho khách hàng, trong khi TYT phường/xã hiện đang rất cần thu hút bệnh nhân.
Để giữ chân bệnh nhân và tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, một số TYT hiện nay phải lén lút bán thuốc cho người bệnh. Do đó, việc cấm này chỉ mang tính hình thức, gây khó dễ nhau. Nếu thiếu dược sĩ đại học mà không mở được nhà thuốc thì Sở Y tế nên cho các cơ sở tư nhân thuê mặt bằng trước trạm để mở nhà thuốc, góp phần giữ chân người bệnh; hoặc mỗi quận chỉ cần một dược sĩ đại học, chịu trách nhiệm quản lý thuốc kê toa cho tất cả các TYT bằng hệ thống công nghệ thông tin.
Trao đổi với báo Phụ Nữ, bà Đinh Thị Liễu - Trưởng phòng Tài chính Kế toán, Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Theo quy định hiện nay, TTYTDP chỉ có chức năng phòng ngừa dịch bệnh mà không được phép khám chữa bệnh như các bệnh viện. TYT trực thuộc TTYTDP nên không có tư cách pháp nhân (con dấu, tài khoản) để ký hợp đồng trực tiếp khám BHYT với BHXH TP.HCM.
Vì vậy buộc TYT phải ký hợp đồng khám chữa bệnh diện BHYT với bệnh viện quận/ huyện. Hiểu được nỗi khổ này nên nhiều lần Sở đã kiến nghị Bộ Y tế bỏ chữ “dự phòng” của TTYTDP thành Trung tâm y tế. Lúc đó, TYT mới có thể trực tiếp ký hợp đồng với BHXH TP.HCM. Để mở rộng danh mục thuốc cho các TYT, bước đầu Sở đã thí điểm, đặt phòng khám vệ tinh của BV quận/ huyện tại TYT và cử bác sĩ của BV xuống điều trị cho người dân. Lúc đó, TYT vừa kéo bệnh nhân từ tuyến quận/ huyện về, vừa được mở rộng danh mục thuốc nhờ có nhiều dịch vụ kỹ thuật vượt tuyến hạng 4 của mình. Ngoài ra, để giảm tải tuyến trên, bước đầu Sở cũng thí điểm cho TYT tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh mạn tính.
Vừa qua, Friso, nhãn hàng sữa dinh dưỡng thuộc Công ty FrieslandCampina, chính thức ký kết hợp tác chiến lược với nhiều chuỗi cửa hàng Mẹ và Bé lớn trên toàn quốc.