Ngày 19/5, UBND Q.3, TP.HCM và Công ty cổ phần Y tế Việt Anh (CT Việt Anh) chính thức giới thiệu dự án và mô hình thí điểm Dự án xã hội hóa trạm y tế phường xã mà quận là đơn vị tiên phong thực hiện. Cùng ngày, lãnh đạo Q.3 và CT Việt Anh chính thức khánh thành “trạm y tế đa khoa” đầu tiên do tư nhân đầu tư tại Trạm y tế P.11.
Nhân sự kiện này, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã trả lời phỏng vấn báo Phụ Nữ về mô hình phòng khám (PK) đa khoa tại Trạm y tế P.11, Q.3.
|
Với sự đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại và đội ngũ y bác sĩ, cộng với cung cách phục vụ chu đáo, “trạm y tế đa khoa” đang được kỳ vọng góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên - Ảnh: Nam Anh |
*Xin ông cho biết tổng quan về quy mô, phương thức hoạt động, nhân sự, đối tượng phục vụ của mô hình “trạm y tế đa khoa” đầu tiên này?
- Ông Nguyễn Tấn Bỉnh: PK Đa khoa DHA do CT Việt Anh triển khai thực hiện tại Trạm y tế P.11, Q.3 trên cơ sở sự đồng ý của UBND Q.3 về thực hiện thí điểm mô hình xã hội hóa trạm y tế trên địa bàn quận đã được UBND TP.HCM chấp thuận về chủ trương.
Về quy mô, phòng khám tổ chức các chuyên khoa nội, sản, y học cổ truyền, xét nghiệm, siêu âm và X-quang (sẽ bổ sung sau). Nhân sự của PK do CT Việt Anh tuyển dụng; hiện đã có bốn bác sĩ, ba điều dưỡng và kỹ thuật viên, hai dược sĩ đại học và trung học. Nhân sự PK phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo quy định của luật Khám bệnh, chữa bệnh. PK sẽ thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn phường 11 và các vùng lân cận nếu có nhu cầu.
* PK xã hội hóa có gì khác biệt so với các PK tư nhân hiện nay?
- Ông Nguyễn Tấn Bỉnh: Tôi xin khẳng định, là PK thí điểm theo Đề án xã hội hóa trạm y tế trên địa bàn quận 3, PK DHA trước hết phải phục vụ việc khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn phường.
Việc chăm sóc, khám chữa bệnh cho người dân còn phải tuân theo nguyên lý y học gia đình, đó là phải xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe, phối hợp với nhân sự của trạm y tế phường quản lý các bệnh nhân theo chương trình sức khỏe, thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho nhân dân, tư vấn sức khỏe, phục hồi chức năng v.v… chứ không chỉ tổ chức hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh đơn thuần như tại các PK tư nhân.
* Liệu mô hình này có thu hút người bệnh đến với trạm y tế?
- Ông Nguyễn Tấn Bỉnh: Như chúng ta biết, hoạt động của các trạm y tế hiện nay phần lớn tập trung phòng chống dịch bệnh, quản lý và giám sát các chương trình sức khỏe. Chỉ có một số trạm y tế có đủ nhân lực thực hiện khám chữa bệnh toàn thời gian và cũng mới chỉ gói trong phạm vi nội khoa.
Mô hình PK đa khoa tư nhân đầu tiên đặt tại trạm y tế này là một mô hình mới theo chủ trương của UBND TP.HCM. Việc thực hiện thí điểm tại Trạm y tế P.11, Q.3 nhằm để đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà.
Chúng ta có thể thấy, Trạm y tế P.11, Q.3 đã được sửa chữa, cải tạo khang trang hơn, đẹp hơn, thu hút người dân hơn. Các trang thiết bị được CT đầu tư như máy siêu âm màu 4D, máy XQ kỹ thuật số, các máy xét nghiệm sinh hóa huyết học bán tự động… sẽ giúp hoạt động chẩn đoán, khám chữa bệnh tại trạm tốt hơn. Nhân lực do CT tuyển dụng sẽ có đủ tiêu chuẩn hành nghề, có bác sĩ có tay nghề cao, tạo điều kiện cho người dân tin tưởng hơn vào trạm y tế.
Nếu PK thí điểm này thực hiện tốt và được nhân rộng, chắc chắn sẽ góp phần từng bước giảm tình trạng chuyển lên tuyến trên, giảm quá tải cho bệnh viện.
Vẫn là trạm y tế nhưng có diện mạo hoàn toàn mới
UBND TP.HCM chấp thuận cho Q.3 làm thí điểm mô hình xã hội hóa trạm y tế phường theo hình thức hợp tác công tư. Một đơn vị tư nhân sẽ đầu tư vào trạm y tế hiện hữu tại một phường của quận, bao gồm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, kể cả hệ thống nhân sự, dây chuyền y tế bảo đảm theo các tiêu chuẩn y tế hiện nay, để trạm y tế có thể hoạt động đầy đủ như một PK đa khoa.
Đây không phải là một PK đa khoa mà nó vẫn là Trạm y tế P.11 với diện mạo và sự đầu tư hoàn toàn mới để hoạt động như một PK đa khoa. Bên cạnh phục vụ cho mọi đối tượng bệnh nhân, mô hình này vẫn dành ưu tiên cho bệnh nhân BHYT và diện chính sách, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ y tế cho người dân nói chung.
Tất cả các hoạt động đều thực hiện thu phí theo quy định của một trạm y tế phường. Với các kỹ thuật mới, như xét nghiệm tầm soát ung thư theo hệ thống gen, sẽ phải cân nhắc, xem xét xin ý kiến để đưa ra mức giá phù hợp. Trong điều kiện hiện tại, nếu không thực hiện công tác xã hội hóa thì khó lòng cải thiện về mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực tại các trạm y tế để có thể đủ sức phục vụ người dân với chất lượng cao.
Nếu như làm ở đây mà đạt hiệu quả, mô hình này sẽ được nhân rộng, bản thân đơn vị hợp tác sẽ được thực hiện ở nhiều nơi khác, lúc đó thì họ mới tính đến lợi nhuận. Chứ còn ở Trạm y tế P.11 hiện nay, chỉ mới là thí điểm nên không cần đặt vấn đề lợi nhuận, điều mà cả địa phương và đơn vị tư nhân đang cần đó là: đánh giá được hiệu quả chất lượng y tế phục vụ cho người dân.
Võ Khắc Thái - Chủ tịch UBND Q.3
|
Nam Anh (thực hiện)