Trăm thứ tiền đổ lên đầu phụ huynh

24/08/2019 - 07:00

PNO - Tôi bắt đầu cảm thấy sợ những buổi họp phụ huynh khi vấn đề tiền bạc chưa bao giờ vắng mặt trong bất cứ cuộc họp nào từ đầu năm học cho đến khi kết thúc.

Suốt nhiều năm làm chủ nhiệm lớp, điều khiến tôi áy náy trong các buổi họp phụ huynh là thông báo các khoản tiền mà phụ huynh phải nộp. Với một khoản cần thu nào đó do Ban giám hiệu nhà trường đưa ra, giáo viên dù rất ái ngại, nhưng không có cách nào khác ngoài việc tìm lý do làm an lòng phụ huynh.

Khá là ngao ngán khi nhắc đến tiền nong, nhưng để phụ huynh không bàn tán sau buổi họp, thay vì cùng phụ huynh trao đổi, đưa ra giải pháp để giáo dục con em, tôi lại mất phần lớn thời gian để trao đổi thật chi tiết với phụ huynh những khoản thu, chi nằm trong kế hoạch của nhà trường trong suốt một năm học. 

Sở dĩ điều ấy quan trọng bởi đó là một trong những chỉ tiêu nhà trường dựa vào để đánh giá, xếp loại giáo viên.

Tram thu tien do len dau phu huynh
Đầu năm học, trăm thứ tiền đổ lên đầu phụ huynh

Phải nói rằng, có muôn ngàn lý do để vận động nguồn đóng góp từ phụ huynh, hay nói cách khác, trăm thứ tiền đổ lên đầu họ khi cho một đứa con đến trường. 

Mỗi đầu năm học, ngoài học phí, nhà trường quy định thêm nhiều khoản thu công khai, bắt buộc. Ví dụ như tiền “ấn phẩm” 35.000 đồng, là tiền để mua bình hoa, khăn bàn trang trí bàn giáo viên; tiền vệ sinh 35.000 đồng là tiền mua chổi, thùng rác; tiền ghế chào cờ 30.000 đồng…

Thực chất, những món đồ trên, năm nào chúng tôi cũng dùng lại của lớp cũ, nhưng năm nào học sinh cũng phải đóng. Ngoài ra còn có một khoản tiền gọi là “hội phí” quy định thu 200.000 đồng mỗi học sinh để nhà trường làm quỹ cho các hoạt động trong năm.

Chưa hết, cứ dăm bữa nửa tháng lại có những khoản thu nằm ngoài dự kiến khiến tôi không trở tay kịp. Như quỹ “Vòng tay bè bạn”, “Tiếp bước em đến trường” bằng hình thức ủng hộ trước cờ, mỗi năm ba đến bốn lần.

Dù là kêu gọi trên tinh thần đóng góp tự nguyện nhưng chúng tôi thật sự quá ngại với phụ huynh khi cứ nhắc học sinh xin tiền ba mẹ nay quỹ này mai quỹ kia.

Có lần, tôi phải tự bỏ tiền túi ra đưa cho một em học sinh đại diện lớp lên ủng hộ. Khi ấy, những ánh mắt tò mò của đồng nghiệp lại hướng về tôi với suy nghĩ: “Chắc là cô quên thông báo nên chữa cháy”.

Vào năm học mới chưa lâu, các khoản tiền đủ loại còn thu chưa xong thì trong buổi họp phụ huynh đầu năm, Ban giám hiệu nhà trường lại giao cho chúng tôi nhiệm vụ vận động phụ huynh đóng góp để tổ chức lễ hội trung thu cho các em.

Nói là vận động nhưng thực chất, chúng tôi được giao phải thu mỗi phụ huynh 80.000 đồng. Khoản tiền này đã nhận rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh. Năm nào cũng vậy, phân nửa số tiền thu được từ phụ huynh dành để làm cái lồng đèn (theo báo cáo từ BGH nhà trường, có khi lên đến 20 triệu đồng).

Tiền thì mỗi học sinh đóng như nhau, nhưng tham gia rước đèn trung thu chỉ chọn khoảng 30 em ở khối lớp Năm trong tổng số hơn 600 học sinh. Lồng đèn trị giá vài chục triệu đồng thì đi quanh phố một đêm rồi về nằm phơi mưa phơi nắng trên khoảng sân sau trường. Mỗi học sinh chỉ được nhận một phần quà gồm một gói bánh snack và một hộp sữa tương đương 10.000 đồng. Như thế thì còn gì là tết thiếu nhi? Bởi vậy nên phụ huynh không hài lòng, vì nếu tổ chức một lễ hội trung thu vô nghĩa như thế, thì họ tự mua quà cho con cũng được…

Những khoản thu lặt vặt không chỉ khiến chúng tôi ngao ngán mà bản thân phụ huynh cũng thể hiện sự bực bội ra mặt. Dần dần, khi nhận thư mời họp, phụ huynh nghĩ ngay đến việc nhà trường kêu lên để “đòi tiền” chứ họp hành gì.

Có cuộc họp, phụ huynh lớp tôi vắng mặt quá nửa. Hôm sau đến lớp, tôi hỏi từng em lý do vì sao ba mẹ không đi họp, em thì trả lời ba mẹ đi đám cưới, ba mẹ đi làm về trễ; có nhiều em thật tình cho biết: “Mẹ con nói bắt lên đóng tiền chớ họp hành gì, khỏi đi mệt”...

Tôi bắt đầu cảm thấy sợ những buổi họp phụ huynh khi vấn đề tiền bạc chưa bao giờ vắng mặt trong bất cứ cuộc họp nào từ đầu năm học cho đến khi kết thúc. 

Nguyệt Minh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI