edf40wrjww2tblPage:Content
Không "đơ" thì dơ!
Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các trạm thông tin xe buýt (XB) đều được đặt ở vị trí khá đẹp trên các tuyến đường trung tâm thành phố. Theo "lý thuyết", bên cạnh việc tích hợp nhiều thông tin bổ ích cho hành khách đi XB như: bản đồ tuyến XB, trạm dừng, số hiệu tuyến xe, giá vé… trạm còn cung cấp địa chỉ các siêu thị, khu thể thao, máy rút tiền, khách sạn, công sở… Hành khách cần tìm thông tin chỉ cần chạm nhẹ tay vào màn hình, thông tin lập tức hiện ra.
Tuy nhiên, những trạm hoạt động tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn là chạm đến đâu… liệt đến đó.
Tại trạm thông tin XB góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần hành khách chạm muốn... mỏi tay nhưng
dữ liệu không được cập nhật
Ngày 5/8, chúng tôi đến trạm thông tin XB ở góc đường Cách Mạng Tháng Tám - Tú Xương (Q.3). Nhìn từ xa, không ai nghĩ trạm này đã “chết” từ lâu. Ba mặt của trạm đều có doanh nghiệp tham gia quảng cáo. Các mặt quảng cáo đều sạch sẽ, sáng loáng cho thấy có sự chăm sóc thường xuyên. Tuy nhiên, bên trong chỉ có một màn hình tối đen vì đã ngưng hoạt động từ lâu; nền gạch đầy đất cát, dầu mỡ do những người bán hàng rong đang chiếm dụng làm chỗ bán chuối chiên, khoai lang nướng.
Thấy chúng tôi chụp ảnh, một chị bán hàng rong tại đây phân bua: “Tui thấy trạm này ngưng hoạt động ba, bốn tháng rồi nên mới đến đây ngồi bán, mỗi khi trời mưa dọn đồ vô trạm trú mưa cho tiện”.
Tại trạm XB góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần (Q.3), màn hình nơi này lúc nào cũng... sáng với rất nhiều thông tin, nhưng khi hành khách chạm tay vào thì màn hình lập tức hiện lên dòng chữ... “Data have not updated” (Dữ liệu không được cập nhật).
Anh Nguyễn Văn Cường (sinh viên Trường ĐH Nông Lâm) sau khi không truy cập được thông tin ở đây, lắc đầu nói: “Không cập nhật dữ liệu vậy đầu tư trạm làm gì? Dẹp cho rồi!”. Điều đáng nói, trạm không được khai thác đúng chức năng nhưng các “mặt tiền” của trạm đều được khai thác quảng cáo khá bài bản.
Trạm thông tin xe buýt góc đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Tri Phương
chỉ còn lại khung sắt méo mó
Trạm ở góc đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Tri Phương (Q.5) thậm chí còn… mất luôn màn hình, chỉ trơ khung sắt méo mó vì bị đập phá. Trạm này đang trở thành điểm tập kết rác của những người bán hàng rong. Chúng tôi tiếp tục ghé qua hàng loạt trạm khác, phần lớn có đặc điểm chung là “đơ” màn hình hoặc vô cùng nhếch nhác.
Cụ thể, trạm góc đường Trương Định - Phạm Hồng Thái (Q.1) màn hình méo xệch sang một bên, chạm cỡ nào thông tin cũng không hiện ra và đang trở thành điểm bán hàng rong; trạm trên đường Lê Quý Đôn (Q.3) màn hình chỉ còn màu đen, không hoạt động; trạm trên đường Hồng Bàng (Q.5) màn hình chỗ đen, chỗ trắng, hành khách cũng không thể truy cập được thông tin gì. Tệ hại hơn, trạm trên đường Lý Thường Kiệt (cạnh Bệnh viện Hùng Vương, Q.5) trở thành nơi tiểu tiện, bốc mùi hôi nồng nặc…
Quản lý yếu kém, doanh nghiệp hưởng lợi
Về thực trạng của các trạm thông tin XB trên, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ CT Đất Việt nhưng đều bị từ chối trả lời với lý do lãnh đạo đi vắng!
Sau hơn nửa tháng liên hệ Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (QL&ĐHVTHKCC) TP, vừa qua, Trung tâm đã có văn bản số 2564/TT trả lời Báo Phụ Nữ. Tại văn bản này, ông Nguyễn Lâm Hải - Phó giám đốc Trung tâm QL&ĐHVTHKCC cho rằng, trạm thông tin XB hoạt động phụ thuộc vào hệ thống lưới điện chung của TP, do phần mềm đang trong giai đoạn thử nghiệm nên có lúc xảy ra một số lỗi như: màn hình bị tắt do mất nguồn điện tạm thời, treo màn hình cảm ứng, không hoạt động do sử dụng không đúng thao tác. Trung tâm cùng CT Đất Việt vẫn thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động, hư hỏng để khắc phục những sự cố trên.
Cuối cùng, ông Hải tự tin khẳng định, ngày 16/7/2014, Trung tâm đã phối hợp cùng CT Đất Việt kiểm tra tình trạng hoạt động của các trạm thông tin XB và ghi nhận toàn bộ các trạm thông tin đều hoạt động… ổn định (?!). Trong khi tất cả những thông tin mà PV báo Phụ Nữ ghi nhận được trong bài viết này về thực trạng của các trạm XB đều vào ngày 5/8. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải TP đang cho CT Đất Việt tiếp tục thử nghiệm hệ thống trạm thông tin XB thêm một năm.
Trạm thông tin XB góc đường Cách Mạng Tháng Tám - Tú Xương hư hỏng, trở thành điểm bán hàng rong
Trước thực tế một đằng, trả lời một nẻo của Trung tâm QL&ĐHVTHKCC TP, tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông) khẳng định, bên cạnh lỗi của CT Đất Việt là thiếu trách nhiệm trong công tác bảo trì, sửa chữa, thì Trung tâm QL&ĐHVTHKCC TP cũng thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý. Riêng Sở GTVT TP với vai trò cơ quan chủ quản đã thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra. Theo ông Sanh, việc xã hội hóa hay bất kỳ hình thức đầu tư nào khác nhằm huy động vốn của tư nhân để giảm bớt khó khăn cho ngân sách nhà nước là đáng trân trọng. Tuy nhiên, không quản lý tốt để bị lợi dụng, gây bức xúc trong dư luận xã hội và để lại hình ảnh xấu trong mắt người dân thì thật đáng trách.
Theo ông Sanh, để một hệ thống XB hoạt động tốt cần bốn yếu tố: giá vé, đúng giờ, sử dụng dễ dàng và chất lượng cao. Trạm thông tin XB có vai trò góp phần nâng cao chất lượng cả bốn yếu tố trên. Vì vậy, ở các nước trên thế giới, trạm thông tin XB có tầm quan trọng rất lớn trong công tác phát triển hệ thống giao thông công cộng, rất được quan tâm đầu tư, quản lý chứ không như ở nước ta.
Trong khi đó, theo tính toán của lãnh đạo một doanh nghiệp quảng cáo, chi phí lắp đặt mỗi trạm thông tin XB hiện nay chỉ khoảng 30 - 40 triệu đồng. Trung bình mỗi trạm thông tin XB cho thuê “bèo” nhất phải 10 triệu đồng/trạm/tháng. Như vậy, với việc đầu tư 50 trạm thông tin XB, mỗi tháng doanh nghiệp thu lợi khoảng 500 triệu, một năm “bỏ túi” khoảng sáu tỷ đồng nhưng "quên" bảo trì các trạm này.
Phan Trí