Trăm sông về biển

30/04/2014 - 09:31

PNO - PN - Trong những ngày đất nước bị chia cắt, qua làn sóng phát thanh, tình Nam nghĩa Bắc vẫn gần gũi. Tôi còn nhớ, những đêm khuya khoắt, lúc giật mình thức dậy loáng thoáng nghe giọng miền Bắc từ chiếc radio của ba tôi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thỉnh thoảng ông vẫn nghe đài “Việt cộng” như mọi người dân sống trong vùng tạm chiếm. Chắc chắn những năm tháng đó, bài bút ký trứ danh Trăm sông về biển của nhà báo Lưu Quý Kỳ đã đọng lại trong tâm hồn ông những tình cảm da diết của Nam - Bắc một nhà. Lúc ấy, hàng triệu triệu con người, dù đứng ở chiến tuyến nào cũng có chung một khát vọng về hòa bình, thống nhất. Ngày vĩ đại ấy đã đến, từ đây, với tinh thần hòa hợp, hòa giải, dân tộc sẽ trở thành một khối, không gì có thể chia cắt.

Tram song ve bien

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngày đầu tiên đi học lại sau giải phóng, bài thơ “cách mạng” đầu tiên chúng tôi được thầy giáo mặc quân phục dạy là Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh: “Quê hương ơi! Lòng tôi cũng như sông/ Tình Bắc Nam chung chảy một dòng/ Không gành thác nào ngăn cản được…”. Những ngày đó, mẹ tôi bảo ba tôi, một ngày thật gần hãy dẫn các con về thăm quê nội. Tình cảm lưu luyến ấy sống mãi trong từng nếp nghĩ.

Nghĩ là vậy, nhưng hố ngăn cách vẫn hiển hiện trong tâm thức của nhiều số phận. Ngày 30/4, với nhiều người là những nỗi niềm day dứt, không dễ gì có thể xóa bỏ một sớm một chiều. Có lẽ do ý thức điều này, ngay sau khi kết thúc chiến tranh, từ Hà Nội vào Sài Gòn, lúc bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Thắng lợi này là thắng lợi của cả dân tộc Việt Nam, chứ không của riêng ai”. Lời phát biểu của ông hợp với đạo lý, khi cả dân tộc cùng nhìn lại thành quả chiến thắng.

Mới đây, một tín hiệu khiến chúng ta ấm lòng khi Nhà nước vừa mời đoàn Việt kiều đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương. Đặc biệt, đoàn còn đến viếng cả Nghĩa trang nhân dân Bình An - nghĩa trang quân đội Biên Hòa thời Việt Nam Cộng hòa. Lạ thay, những ngôi mộ ấy vẫn còn nguyên vẹn, không ai vì thù hận mà xóa bỏ dấu tích của một giai đoạn đau buồn. Với người Việt, vẫn là “nghĩa tử nghĩa tận”. Những ngôi mộ ấy vẫn được nhang khói.

Những ngày này, đọc lại tập sách Võ Văn Kiệt - người thắp lửa, tôi nhận ra sự xuyên suốt trong tâm của ông là kêu gọi sự đoàn kết: “hòa hợp, hòa giải dân tộc bây giờ tạo nên sức mạnh lớn lắm!”. Tinh thần ấy, đang từng ngày nhiều thêm những tín hiệu lạc quan bởi đã đến lúc phải thay đổi nhận thức để đến gần nhau hơn với cái lẽ đơn giản: “Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”.

Khi những người lính Việt Nam Cộng hòa tử trận để bảo vệ Hoàng Sa (1974), khi bộ đội Cụ Hồ hóa thân vào con sóng gìn giữ Trường Sa (1988), đã không còn ranh giới của cái gọi là “ý thức hệ” nữa. Các anh đã lấy máu tô thắm lá cờ Tổ quốc. Dù ở chiến tuyến nào, các anh cũng chỉ một ý nghĩ “Tổ quốc trên hết”.

Nhìn về quá khứ là cần thiết, nhưng hướng đến tương lai luôn là thái độ của người lạc quan. Nghĩ về sự hòa hợp là cần thiết, nhưng cần thiết hơn là phải có những chính sách cụ thể. Có như thế, tinh thần trăm sông về biển mới trở thành niềm tin, lẽ sống của mọi người. Có như thế, dân tộc Việt mới có thể ngẩng cao đầu.

 LÊ MINH QUỐC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI