Đó là phương án mà Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Nghiên cứu - Bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam (Docomomo Vietnam) đề cập trong thư kiến nghị về việc bảo tồn cụm công trình lịch sử vừa gửi đến HĐND TP. Hà Nội, UBND TP. Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Hà Nội, trước nguy cơ bị phá dỡ hoàn toàn để phục vụ quy hoạch dự án đường vành đai 2 trước ngày 31/12 tới.
Nội dung thư khẳng định, cụm công trình là trạm vô tuyến điện báo dân sự đầu tiên do người Pháp xây dựng năm 1912 tại Việt Nam với chức năng là nơi phát thông tin bằng sóng vô tuyến điện tới toàn vùng Đông Dương. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trạm trở thành cơ sở phát thanh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Cụm công trình hiện còn hai công trình khá nguyên vẹn là trạm phát thanh và biệt thự có giá trị lịch sử và kiến trúc đáng chú ý. Đây là công trình ghi dấu ấn ra đời của ngành phát thanh truyền hình Việt Nam, nơi đầu tiên phát đi bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đồng thời là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị mang phong cách kết hợp Pháp - Việt với nhiều chi tiết kiến trúc đặc sắc.
“Biết rằng việc mở rộng tuyến đường vành đai này là rất cần thiết đối với TP. Hà Nội, nhưng chúng tôi - những nhà chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, kiến trúc, xây dựng và bảo tồn di sản đã trăn trở suy nghĩ và kiến nghị thành phố cần có những giải pháp khẩn cấp để bảo vệ và phát huy giá trị cụm công trình có giá trị lịch sử và kiến trúc đặc biệt này. Nếu cần tham khảo các giải pháp quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, bảo tồn và quản lý bền vững cụm công trình này thì các chuyên gia luôn sẵn sàng đóng góp” - thư kiến nghị nêu rõ.
Kiến nghị dừng phá dỡ
Nhóm chuyên gia cũng đưa ra một kiến nghị chung và đề xuất đối với cụm công trình lịch sử trên. Theo đó, Hà Nội cần dừng việc phá dỡ công trình biệt thự và công trình trạm phát thanh tại khu vực 128C Đại La; nhanh chóng chỉ đạo việc phối hợp các bên liên quan và cộng đồng xã hội để tìm các giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ các công trình này.
Đối với trạm phát thanh (một tầng), công trình này hiện có một góc bị nằm trong chỉ giới đường đỏ (khoảng ba mét) nên vẫn có nguy cơ bị đập bỏ (toàn phần hoặc một phần). Cần ngay lập tức lập hồ sơ khảo sát, nghiên cứu, để có cơ sở bổ sung công trình này vào danh mục các công trình kiến trúc có giá trị của Hà Nội theo Quyết định 7177/QĐ-UB, và từ đó quản lý sử dụng công trình theo đúng quy định.
Đồng thời, cập nhật công trình có giá trị này vào nội dung đồ án quy hoạch phân khu và đồ án thiết kế đô thị trục đường vành đai 2 hiện đang trình duyệt, điều chỉnh các nội dung thiết kế và quản lý không gian xung quanh công trình cho phù hợp với tính chất của điểm di tích lịch sử.
Với công trình biệt thự (hai tầng), do nằm gọn trong chỉ giới đường đỏ nên khó có thể giữ nguyên vị trí. Kiến nghị áp dụng giải pháp kỹ thuật di chuyển toàn bộ biệt thự sang một vị trí khác, và xây dựng chương trình quản lý khai thác phù hợp (adaptive reuse).
Tuy nhiên thư kiến nghị cũng lưu ý, di chuyển không phải là giải pháp mong muốn đối với công tác bảo tồn, vì nó làm ảnh hưởng đến tính nguyên gốc về vị trí của công trình; nhưng trong tình huống bất khả kháng như trường hợp này, vẫn nên xem xét áp dụng.
Chủ tịch Hội Docomomo Vietnam - phó giáo sư - tiến sĩ - kiến trúc sư Phạm Thúy Loan cho biết, thư kiến nghị cũng giải trình các giải pháp kỹ thuật khả thi cho công tác di dời.
Phương án tối ưu được đưa ra là điều chỉnh đồ án quy hoạch phân khu tại đây, và đồ án thiết kế đô thị tuyến đường vành đai 2 (hiện đang trình thẩm định và chưa được phê duyệt) để xem xét quỹ đất bố trí biệt thự ngay cạnh công trình trạm phát thanh; để khoảng cách di chuyển vừa phải (khoảng 100m) và hai công trình gắn bó với nhau, dễ dàng cho việc bảo tồn, quản lý và khai thác sau này.
Một phương án khác cũng được đề cập đến là lựa chọn một khu vực đất công (khoảng 300 đến 400m2) trong bán kính 500m để di dời biệt thự và biến nó trở thành một công trình phục vụ mục đích công sau này.
Về tài chính, thành phố có thể trích một phần kinh phí dự phòng mở rộng tuyến đường vành đai 2 để thực hiện việc di dời toàn bộ và nguyên vẹn công trình biệt thự. Trong trường hợp kinh phí công gặp khó khăn, kêu gọi và cho phép tư nhân bỏ tiền di dời ra vị trí đất của họ; gắn nhãn công trình lịch sử và khuyến khích chủ sở hữu cho cộng đồng có thể tham quan (một phần hoặc toàn bộ) công trình như một điều kiện tiên quyết khi tham gia.
|
Bản đồ quy hoạch |
Đề xuất sau bảo tồn
Nhóm chuyên gia chỉ rõ, trên thế giới đã có rất nhiều kinh nghiệm thành công trong việc tái sử dụng thích nghi, bền vững các công trình di tích. Bên cạnh cách làm thông thường là quản lý và sử dụng chúng như công sản, chính quyền có thể xã hội hóa việc bảo tồn, tôn tạo và quản lý việc khai thác sử dụng các công trình có giá trị bằng cách chọn giao cho một chủ đầu tư tư nhân theo “điều kiện” cụ thể.
Chẳng hạn: chủ đầu tư bỏ kinh phí cải tạo, trùng tu, tôn tạo theo các hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn; dành một phần không gian cho mục đích sử dụng công gắn với ý nghĩa công trình (dạng bảo tàng nhỏ, phòng truyền thống, phòng trưng bày lịch sử, thư viện khu vực, phòng sinh hoạt cộng đồng) và mở cửa cho cộng đồng.
Đồng thời được phép khai thác quỹ các không gian còn lại cho mục đích sinh lợi nhuận để thu hồi chi phí đầu tư; hợp đồng thuê có thời hạn và sẽ được xem xét gia hạn hoặc chuyển đổi cho chủ đầu tư khác nếu không đảm bảo các yêu cầu đặt ra.
Nhóm chuyên gia khẳng định, cụm hai công trình trạm Bạch Mai sau khi di dời và giữ lại có thể được khai thác như một địa chỉ văn hóa - lịch sử - dịch vụ gồm: bảo tàng lịch sử ngành phát thanh (tại công trình trạm phát thanh một tầng), và nhà hàng cà phê tại công trình biệt thự. Kinh phí thu được từ dịch vụ nhà hàng cà phê sẽ là nguồn chi trả cho việc duy trì, bảo dưỡng và kinh phí cho hoạt động bảo tàng, phục vụ cộng đồng.
Di dời di tích với 3,5 tỉ đồng
Với sự phối hợp của các nhà khoa học, chuyên gia tại Đại học Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Docomomo Vietnam cũng tính toán một cách rất cụ thể các giải pháp kỹ thuật di dời biệt thự 128C Đại La.
Theo đó, ngôi biệt thự Pháp cổ hai tầng, diện tích 191m2, cao khoảng 10,2m được cắt móng - gia cố bằng bê tông cường độ siêu cao để tạo bề mặt móng chắc chắn, móng được kê lên hệ thống dầm thép - gỗ - bánh xe di chuyển. Sau đó ngôi nhà được di chuyển tới vị trí mới được làm móng mới và hạ xuống. Điều kiện áp dụng: mặt bằng rộng rãi, đường thẳng - phẳng, tiện di chuyển. Cách vị trí ban đầu từ 100-200m.
Các chuyên gia nhận định, nếu làm được giải pháp này, chúng ta sẽ bảo toàn nguyên vẹn được công trình chính. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào điều kiện nơi di chuyển có đảm bảo yêu cầu thuận lợi di chuyển, hành lang pháp lý phức tạp do phải xin phép Sở Xây dựng, Giao thông, Điện lực, để thực hiện được, rất cần sự ủng hộ, phối hợp của các đơn vị liên quan. Chi phí thực hiện di dời chỉ mất 3,5 tỉ đồng, trong khoảng ba tháng.
Đài Tiếng nói Việt Nam kiến nghị bảo tồn Ngày 17/12, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cũng đã ký công văn gửi UBND TP. Hà Nội kiến nghị thành phố xem xét bảo tồn ngôi biệt thự thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai, đài mong muốn phối hợp cùng Hà Nội tìm giải pháp. Công văn này được gửi đồng thời tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam để báo cáo. Công văn nêu rõ: với một công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử quốc gia như Trạm phát sóng Bạch Mai, Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị UBND TP. Hà Nội quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện một số phương án bảo tồn như ý kiến của một số chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch: giữ lại tòa nhà ở vị trí hiện tại, hoặc di chuyển tòa nhà sang một vị trí khác, hoặc giữ lại một phần của tòa nhà, chỉnh trang thành địa chỉ lịch sử về Trạm phát sóng Bạch Mai… |
Cốc Vũ (ghi)