Trăm nỗi lo đổ về đầu vợ

01/09/2024 - 07:25

PNO - Chị từng mong anh sẽ là người chung vai gánh vác gia đình, nhưng suốt những năm qua mình chị "tự thân vận động", chuyện gì cũng đến tay.

LTS: Bạn đọc thân mến, Báo Phụ nữ TPHCM số ra ngày 26/8 có bài viết Hết tình nhạt nghĩa, có nên cố đóng vai vợ chồng? phản ánh thực trạng khá phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay - hôn nhân của nhiều cặp vợ chồng đang rơi vào cảnh bế tắc. Hay nói cách khác, họ đang bị “mắc kẹt” trong hôn nhân, ở nhiều mức độ, tính chất riêng. Chất lượng hôn nhân xấu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của vợ chồng mà cả con cái.

Bài viết trên sau khi đăng tải đã nhận được rất nhiều câu chuyện từ bạn đọc. Báo Phụ nữ TPHCM mở diễn đàn Hôn nhân “mắc kẹt” - đâu là lối thoát? nhằm chia sẻ đến bạn đọc những bài viết của người trong cuộc, qua trải nghiệm, mỗi người có cái nhìn, cách xử lý để tìm lối ra cho hôn nhân, cho cuộc đời mình.

Bài viết cho diễn đàn Hôn nhân “mắc kẹt” - đâu là lối thoát? xin bạn đọc gửi đến email: toasoan@baophunu.org.vn.

Từ nhỏ chị đã được ba mẹ cưng chiều bảo bọc. 7 tuổi chị được cho đi học đàn, 9 tuổi được học múa. Suốt những năm tháng tuổi thơ chị chỉ lo học hành, không đụng tay đụng chân vào việc nhà.

Anh mặc cho mình chị gồng gánh đủ chuyện (Ảnh minh họa)

Anh mặc cho mình chị gồng gánh đủ chuyện (Ảnh minh họa)

Cũng chính vì sự bảo bọc ấy mà chị không giỏi chuyện nhìn người, càng không giỏi chăm sóc bản thân. Chị luôn nghĩ cho người khác, xem cuộc sống thật đơn giản, cho đến tận khi quen biết anh.

Dù gia đình phản đối quyết liệt, chị vẫn quyết tâm làm vợ anh. Ba chị nói nếu không bỏ anh, ông sẽ từ mặt con gái, nhưng đó cũng là ngày chị cúi mặt thú nhận cái thai trong bụng đã 2 tháng. Thương con gái, ba mẹ chị đành tổ chức đám cưới. Chị về ở với anh, luôn nghĩ một ngày nào đó cho ba mẹ sẽ thay đổi suy nghĩ về sự lựa chọn của chị.

Thời gian đầu anh chí thú làm ăn, mặc dù lương không quá cao nhưng có đồng nào anh cũng đem hết về cho vợ. Cuộc sống của họ trong căn chung cư thuê tuy nhỏ nhưng ấm áp. Chị sinh con, anh chăm chút giặt từng món đồ bé xíu, chuẩn bị từng bữa cơm, chị cảm thấy mình chọn đúng người làm chồng.

Thế nhưng khi công việc bất ổn cũng là lúc anh thay đổi. Tiền bạc khó khăn khiến anh ngày càng khó chịu, cáu bẳn. Chị không đi làm được vì vướng bận con nhỏ, sức khỏe cũng yếu. Thời buổi kinh tế khó khăn, chị nộp đơn đi khắp nơi vẫn chưa tìm được việc mà tiền nhà mỗi tháng phải trả đều đều.

Chị hết cách đành phải gọi điện nhờ vả ba mẹ ruột. Ba chị nghe chuyện thì xót con, gọi điện trách con rể bằng lời lẽ chẳng mấy dễ chịu. Anh tự ái, bỏ cơm tối và đi qua đêm. Chị ở nhà vò võ chăm con bệnh, ôm con quấy khóc, gọi bao nhiêu cuộc điện thoại anh cũng không nghe.

Chị nhận ra mình đã sai. Anh như con người khác, không quan tâm đến chuyện phát triển bản thân, tìm kiếm việc tốt. Anh đi làm, nhưng chỉ là những việc thời vụ tạm bợ, dù chị động viên, thúc đẩy đến thế nào. Khi chị góp ý thì anh im lặng hoặc cáu giận. Việc nhà chị phải làm hết, việc con cái cũng một tay chị lo. Bên nội bên ngoại hễ có việc gì phải cần đến tiền cũng là do chị tính toán tiết kiệm hoặc vay mượn.

Không gánh vác ổn thỏa về kinh tế đã đành, chuyện phụ giúp vợ anh cũng bắt đầu “ngại”. Hôm nào rảnh, anh ra đầu ngõ ngồi nhậu với mấy ông hàng xóm. Hôm nào bận anh về tắm rửa, ăn no rồi lên ngủ ngáy khò khò. Chị giận lắm, nhưng cứ nói ra thì nhà cửa xào xáo, thương đứa con nhỏ chưa hiểu chuyện gì.

Lo đủ chuyện nên chị vừa mệt mỏi vừa thất vọng (Ảnh minh họa)

Lo đủ chuyện nên chị vừa mệt mỏi vừa thất vọng (Ảnh minh họa)

Chị dự tính khi con tròn 2 tuổi sẽ cho đi nhà trẻ để chị trở lại đi làm. Con lớn được từng đó cũng là từng đó tháng ngày chị vất vả lo toan. Giờ chị hiểu tại sao khi xưa ba mẹ cản chị làm vợ anh, cũng đã hiểu vì sao chị khổ sở thế này.

Hôm trước chị nói chuyện sẽ gửi con đi học, sắp vào năm học mới rồi, anh "ừ" rất nhẹ. Chị nói tiếp, rằng đã chọn một trường gần nhà để tiện đưa đón, cũng đã đi tham khảo, thấy mọi thứ gần gũi, dễ thương, học phí không quá đắt. Anh nghe xong chỉ ậm ừ, rồi bảo chị cứ xem, cứ tính. Qua tuần nhà có đám giỗ nữa, nhớ chuẩn bị vài thứ về nhà nội giúp anh.

Nói rồi anh vắt cái áo lên vai, đi vào phòng tắm, lại nghêu ngao hát vài câu. Chị ngồi dựa vào tường, nước mắt cứ thế chảy. Chẳng phải chị chưa từng nói cho anh nghe chị nghĩ những gì, ngược lại, chị đã nói nhiều lần, nhưng rồi chuyện gì cũng đến tay chị, nỗi lo nào cũng là vợ gánh gồng.

Vậy còn anh, anh cứ thảnh thơi sống thế này sao?

H.Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI