Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM:
Thay đổi cơ cấu quản trị, tăng năng suất lao động
Sau đợt giãn cách xã hội, doanh nghiệp (DN) nên san sẻ khó khăn với người lao động (NLĐ) và giữ chân NLĐ. Ngược lại, NLĐ cũng nên chia sẻ khó khăn với DN. Hầu hết DN nỗ lực thưởng tết, hỗ trợ NLĐ về quê ăn tết và đón NLĐ trở lại làm việc sau tết, đi kèm những chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, với hoàn cảnh, điều kiện khó khăn như hiện nay, hai bên cần chấp nhận mức tương đối ổn định chứ khó đầy đủ như mọi năm. Mỗi DN sẽ có chính sách riêng phù hợp với tình hình của DN mình để giữ chân và kéo NLĐ trở lại làm việc.
Để tăng mức lương, thu nhập, có chính sách hỗ trợ tốt cho NLĐ thì vấn đề cốt lõi là DN phải tăng năng suất lao động. Muốn vậy, DN phải thay đổi cơ cấu quản trị của công ty mình, kể cả sắp xếp lại công việc, guồng máy theo các tiêu chuẩn để tăng năng suất lên cao nhất. Khi đó, mức lương công nhân dĩ nhiên sẽ tăng. Bên cạnh đó, DN cần áp dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quản lý để theo dõi kết quả công việc, đánh giá năng suất. Nếu không tăng được năng suất lao động thì rất khó tăng nguồn thu nhập cho NLĐ.
Trong năm tới, các chủ DN cần tính toán để tái cấu trúc DN phù hợp với nền kinh tế số hiện nay. NLĐ cũng phải tự thay đổi mình, nâng cao kỹ năng, trình độ để đáp ứng quy trình, yêu cầu mới của công ty theo xu hướng mới. DN nhập máy móc hiện đại thì công nhân phải sử dụng được chứ không thể lạc hậu. DN có những chương trình đào tạo thì NLĐ cũng phải tích cực học hỏi, ai không bắt kịp thì sẽ tự đào thải mình. DN cũng phải chủ động quản trị tốt, có nguồn lao động tốt thì mới đạt được kết quả tốt trong năm 2022.
Hiện rất nhiều DN đã ký hợp đồng sản xuất đơn hàng trong 6-12 tháng tới, tức họ sẵn sàng đón NLĐ vào làm việc, nhưng họ vẫn lo dịch COVID-19 diễn biến bất ngờ. Nhìn chung, DN vẫn tự tìm cách xoay xở để thích nghi và tiếp tục nỗ lực sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn “bình thường mới”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:
Cần giải pháp căn cơ hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động
Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ và DN để NLĐ trở lại làm việc. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp căn cơ, dài hơi và cần có những gói hỗ trợ từ Trung ương cho TPHCM và cho các DN để họ hỗ trợ NLĐ. Các chính sách hỗ trợ hiện nay chỉ là hỗ trợ để DN trở lại sản xuất, kinh doanh, trong khi DN phải làm rất nhiều việc. Tôi chỉ lo sau dịch, DN khó phục hồi nguồn lao động, bởi còn phụ thuộc vào việc NLĐ có yêu cầu mới như thế nào. Nhiều người vẫn lo ngại hoàn cảnh ăn ở, đi lại, làm việc và tình hình dịch COVID-19. Chủ DN muốn tuyển NLĐ cũng phải tìm hiểu suy nghĩ, nhu cầu, mong muốn của họ như thế nào.
Thực tế, DN đang gánh khá nhiều chi phí. Trước đây, Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động giá rẻ, cạnh tranh được với các nước. Các yếu tố liên quan đến nguồn lao động tăng lên sẽ trở thành gánh nặng lớn cho DN và các chủ DN sẽ phải tính toán lại cơ cấu ngành nghề phù hợp, chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo hướng tự động hóa để giảm bớt nhu cầu lao động. Về phần mình, NLĐ hiện nay cũng không chỉ yêu cầu đảm bảo mức lương, thu nhập mà còn đòi hỏi nơi ăn ở thuận tiện để đi làm, an toàn cho sức khỏe...
Dịp này, Nhà nước nên rà soát lại đất đai, có chính sách cho các DN thuê đất giá rẻ, thậm chí có thể miễn tiền thuê đất cho DN trong một số năm đầu để DN xây dựng chỗ ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa, khu thể thao cho NLĐ. DN xây dựng sẽ sát với nhu cầu của NLĐ và đảm bảo chất lượng công trình hơn là chính quyền nhận làm, khi trên thực tế, có nhiều công trình bỏ không, nhà xây lên không có người ở.
Cần tạo điều kiện cho DN lo chỗ ở cho NLĐ nhập cư, nên sử dụng quỹ đất dự án treo nhiều năm để xây dựng nhà ở cho công nhân. Việc này vừa hỗ trợ DN, NLĐ, vừa giảm áp lực cho chính quyền địa phương. DN đủ khả năng để trung hòa lợi ích của DN và NLĐ tốt nhất, hiểu nhu cầu của NLĐ để chăm lo đời sống NLĐ tốt hơn. NLĐ là một phần của DN nên không thể không lo tốt cho NLĐ.
Tiến sĩ Phạm Mỹ Duyên - Phó trưởng khoa Kinh tế, Trường đại học Kinh tế - Luật TPHCM:
Hỗ trợ đầu ra cho kênh xuất khẩu
Trong năm 2021, chính quyền TPHCM đã triển khai ba đợt hỗ trợ cho các đối tượng bị tổn thương do đại dịch COVID-19. Những hỗ trợ này chưa thực sự giúp các đối tượng bị ảnh hưởng giải quyết được khó khăn vì về căn bản, số lượt người cần được hỗ trợ quá lớn: riêng trong đợt ba, có khoảng 7,3 triệu người được hỗ trợ với kinh phí 1 triệu đồng/người, thực tế đã giải ngân khoảng 80%. Ngân sách của TPHCM trong điều kiện nguồn thu bị ảnh hưởng cũng không thể hỗ trợ nhiều hơn. Con số này quá thấp so với mức sống ở thành phố. Gói an sinh xã hội trên mang ý nghĩa nhân đạo, hỗ trợ khẩn cấp cho hộ bị ảnh hưởng là chủ yếu.
Muốn hỗ trợ bền vững cho NLĐ thì NLĐ cần tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp và nhận hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian nghỉ việc. Tuy nhiên, NLĐ tự do không tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nên chính quyền thành phố cần tập trung sự hỗ trợ cho nhóm này. Xã hội hóa nguồn lực chăm lo cho các đối tượng tổn thương có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh đại dịch. Cần đề cao các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp trong trợ giúp xã hội của các cá nhân, tổ chức để cùng với chính quyền kịp thời hỗ trợ người nghèo, cận nghèo và NLĐ tự do bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 để họ vượt qua những khó khăn hiện nay.
Bước sang năm thứ ba đối chọi với COVID-19, từ trạng thái bị động, thế giới hiện nay đang từng bước chủ động để thích nghi và chung sống với dịch bệnh. Kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi mặc dù có sự đứt gãy trong những giai đoạn xuất hiện thêm chủng virus mới. Do vậy, để kích thích sức mua và khôi phục sản xuất, Chính phủ cần tập trung vào các việc sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường đầu ra qua kênh xuất khẩu, trong đó tập trung vào các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh. Trong bất kỳ giai đoạn nào, kể cả lúc dịch bệnh, người tiêu dùng cũng không thể dừng tiêu thụ các sản phẩm thiết yếu, nên đây chính là cơ hội để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Muốn làm được điều này, vai trò xúc tiến thương mại để kết nối thông tin thị trường của Chính phủ là cực kỳ quan trọng.
Nhiều nông sản Việt Nam có giá trị kinh tế nhưng chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, rủi ro cao. Cần đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ và các nước phát triển khác. Thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp chế biến sẽ tạo thu nhập cho nông dân, từ đó kích cầu tiêu dùng nội địa và kéo theo các ngành nghề trong nước phục hồi. Trong các đợt suy thoái kinh tế trước đây, nông nghiệp vẫn là bệ đỡ giúp Việt Nam vượt qua suy thoái.
Thứ hai, cần tiếp tục duy trì gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ tiếp cận vay vốn để sản xuất, kinh doanh, chí ít là kéo dài đến hết năm 2022. Các ngân hàng cần đồng lòng trong việc khoanh nợ, giãn nợ cho DN, hỗ trợ giúp DN giải quyết những khó khăn tài chính trong điều kiện hiện nay.
Thứ ba, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản để giải quyết vấn đề kẹt xe bởi đây là thời điểm lý tưởng để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm của thành phố, mở ra triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2022-2023.
Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa