Khi được hỏi chuyện thưởng tết, giọng chị Hoàng Thị Lan - công nhân may, quê Nghệ An - buồn thiu: “Nghe đâu chủ xưởng chỉ hỗ trợ mỗi người 3 triệu đồng, không có thưởng như mọi năm. Cũng đúng thôi, nghỉ mấy tháng liền, họ cũng gần như phá sản, lấy tiền đâu mà thưởng”.
Không riêng gì chị Lan, những ngày cuối năm, rất nhiều công nhân có tâm trạng không mấy phấn khởi khi tiền thưởng tết năm nay hoặc không có hoặc giảm nhiều so với mọi năm do các doanh nghiệp bị dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề. Với số đông người lao động, chuyện về quê ăn tết hay ở lại Sài Gòn cũng là một chọn lựa khó khăn.
Loay hoay tìm việc cuối năm
Sáng 30/12, có rất nhiều người lui tới cổng Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Mặc dù từ ngày 1/10/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đã thông báo tạm dừng tiếp nhận trực tiếp các hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng hằng ngày, vẫn có rất đông người đến hỏi về thủ tục và xin mẫu đơn nhận trợ cấp thất nghiệp.
|
Nhận tiền thất nghiệp tại Trung tâm Dạy nghề Quận Tân Bình - chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp Tân Bình - Ảnh: Hồ Nguyễn Hoàng Hùng |
Chị Nguyễn Thị Lệ Phương - nhân viên khách sạn tại quận 1 - cho biết từ tháng 5/2021, chị đã bị tạm hoãn hợp đồng lao động, cắt giảm lương. Hiện giờ, khách sạn nơi chị làm việc đã hoạt động trở lại nhưng thu nhập của nhân viên chỉ bằng 50% trước đây. Tháng 11/2021, chị Lệ Phương xin nghỉ việc để đi tìm công việc mới nhưng đến nay vẫn chưa tìm được chỗ làm phù hợp. Chị cho hay: “Cuối năm, đi xin việc rất khó. Em tính làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp một tháng rồi chuyển về quê luôn. Dịch bệnh thế này, ngành dịch vụ chỉ cắt giảm lao động chứ ít nơi nào tuyển thêm”.
Bà Lê Thị Thanh - ở quận 12, nhân viên chăm sóc người khuyết tật - cũng đến Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Khi nghe nhân viên thông báo dừng nhận hồ sơ trực tiếp, bà Thanh ngậm ngùi xin mẫu giấy đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp rồi ra về. Bà cho biết, bà thất nghiệp từ giữa tháng 11/2021. Cuối năm, chưa tìm được việc, bà đành đi làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp để sống qua ngày. Hiện giờ, thỉnh thoảng bà mới tìm được một mối giúp việc nhà theo giờ với thù lao 70.000 đồng/giờ. Có lẽ, sẽ rất lâu nữa, bà mới tìm được một công việc có thu nhập ổn định như trước đây.
Tại cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) quận 6, có khá đông người đến tìm hiểu về thủ tục nhận BHXH một lần. Công nhân Đ.M.P. - ở phường 6, quận 6 - cho biết từ khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty anh đóng cửa, rất nhiều người thất nghiệp. Sau nhiều tháng nhận trợ cấp thất nghiệp và không xin được việc làm, anh P. quyết định làm thủ tục để nhận BHXH một lần. Anh hy vọng số tiền nhận được sẽ giúp gia đình anh trang trải trong vài tháng tới; qua tết, anh sẽ đi tìm công việc mới: “Tôi nhẩm tính, tiền BHXH một lần cũng được hơn 20 triệu đồng, đủ để tôi về quê sống vài tháng, khi nào mọi thứ trở lại bình thường thì trở lại TPHCM kiếm việc. Tôi biết, nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi về sau, nhưng bây giờ đang kẹt quá...”.
|
Tại TPHCM, từ đầu năm đến tháng 12/2021, cơ quan chức năng đã giải quyết hơn 95.055 hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần với số tiền chi trả hơn 6.000 tỷ đồng |
Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết ngày 21/12/2021, BHXH các địa phương đã hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho 12.797.981 lao động (trong đó có 11.707.938 người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 1.090.043 người đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp) với tổng số tiền hỗ trợ trên 30.000 tỷ đồng.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong quý III/2021, có 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm. Đặc biệt, vùng Đông Nam bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng rất nặng nề với 4,59% lao động vùng Đông Nam bộ và 44,7% lao động vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ngừng việc, giãn việc, nghỉ việc.
Tại cuộc họp báo chiều 6/12, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - cho biết từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã giải quyết hơn 95.055 hồ sơ hưởng BHXH một lần, số tiền chi trả hơn 6.000 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến người lao động muốn rút tiền BHXH một lần là do bị mất thu nhập, cần tiền để giải quyết khó khăn trước mắt, một số quyết định chuyển sang làm lao động tự do, không tiếp tục tham gia BHXH. Ngoài ra, một số người nhận trợ cấp một lần để giải quyết khó khăn, sau đó sẽ tham gia BHXH tiếp khi có điều kiện.
Năm nay đành “ăn tết Sài Gòn”
Chiều muộn, thấy chủ trọ dắt chúng tôi đến thăm, chị Phạm Thị Son - 43 tuổi, quê Vĩnh Long - vội vàng cất rổ rau muống đang nhặt dở vào góc tường để tiếp chuyện. Chị Son cùng chồng đến TPHCM thuê nhà trọ ở đường Bình Thành, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, bán trái cây dạo. Công việc vất vả nhưng thu nhập cũng đủ để vợ chồng xoay xở qua ngày, gửi tiền về quê nuôi con ăn học. Khi dịch COVID-19 bùng phát, mấy tháng liền, vợ chồng chị Son thất nghiệp. Dù đã hết giãn cách xã hội nhưng nghề bán trái cây dạo không được như trước. Giữa tháng 11/2021, chồng chị Son trở về quê nuôi mẹ già ốm nặng, còn chị vẫn bám trụ lại TPHCM bằng nghề giúp việc nhà.
“Ở quê, dịch bệnh cũng đang phức tạp, cả hai vợ chồng về dưới đó luôn thì không biết mần gì để sống. Tôi ráng ở lại đây kiếm ít đồng gửi về nuôi con, nuôi mẹ già” - chị Son tâm sự. Theo chị, mọi năm, vợ chồng chị làm tích cóp được một khoản kha khá để về quê mua sắm tết; còn bây giờ, thu nhập bấp bênh, chị phải vay mượn tiền để sống qua mấy tháng dịch bệnh nên tết năm nay sẽ ở lại làm trả nợ. Càng gần đến tết, chị Son càng thấy nhiều áp lực hơn.
Rời công ty lúc 17g, anh Phạm Nhật Trường - 29 tuổi, quê Quảng Ngãi, tạm trú ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12 - về nhà lót dạ bằng bữa cơm cá khô chiên và rau luộc rồi tiếp tục đi làm ca đêm. Ca đêm của anh Trường là chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập. Tháng 6/2021, anh Trường mắc COVID-19, phải ở nhà đến tháng 10/2021 mới được công ty gọi đi làm trở lại. Đến bây giờ, nhà trẻ vẫn chưa hoạt động trở lại nên vợ anh Trường - chị Nguyễn Thị Cảm - đành nghỉ việc, ở nhà chăm con. Lương công nhân không đủ nuôi bốn miệng ăn nên anh Trường phải kiếm việc làm thêm ban đêm.
Nghe hỏi chuyện về quê ăn tết, anh Trường buồn bã: “Năm ngoái, vợ chồng tôi nhận tiền thưởng tết được hơn 15 triệu đồng. Số tiền này đủ để mua vé xe, chi tiêu các thứ. Năm nay, công ty tôi cắt giảm 40% tiền thưởng tết, tức là tôi chỉ còn nhận được khoảng 5 triệu đồng, vợ tôi không đi làm nên không có thưởng. Năm nay, vé xe đắt đỏ nên tôi đành ở lại Sài Gòn”.
Ngày cuối tuần, chị Hoàng Thị Lan - công nhân may, quê Nghệ An - cố gắng tăng ca để kiếm tiền về quê ăn tết. Chị Lan cho biết, sau hơn bốn tháng ở nhà do dịch COVID-19, chị mới được chủ xưởng may gọi đi làm lại. Nợ nần sau một thời gian dài ngừng việc nhưng chị Lan vẫn quyết định sẽ về quê ăn tết để thăm con nhỏ. Chị nói, cũng có thể đợt này, chị sẽ kiếm một công việc ở quê, không trở lại TPHCM. Khi được hỏi về chuyện thưởng tết, giọng chị buồn thiu: “Nghe đâu chủ xưởng may chỉ hỗ trợ mỗi người 3 triệu đồng, không có thưởng như mọi năm. Cũng đúng thôi, nghỉ mấy tháng liền, chủ xưởng cũng gần như phá sản, lấy tiền đâu mà thưởng”.
|
Chị Hoàng Thị Lan cố gắng tăng ca để có tiền về quê thăm con trong dịp tết |
Bà Trần Thị Thu Hương - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, chủ 30 phòng trọ - cho biết trong 30 gia đình đang sống ở khu nhà trọ của bà, khoảng 80% sẽ ở lại ăn tết ở TPHCM. Họ chọn ở lại TPHCM ăn tết để tiết kiệm tiền bởi chi phí để một gia đình bốn người về miền Trung là không dưới 10 triệu đồng.
Bà Thu Hương nói: “Trong bốn tháng dịch, khoảng 70% công nhân ở khu trọ của tôi thất nghiệp, số còn lại làm việc “ba tại chỗ”. Anh chị em ở đây gặp rất nhiều khó khăn nên ngoài giảm tiền thuê phòng, tôi còn phải hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho họ. Những ngày cuối năm, ai cũng tranh thủ tăng ca suốt tuần để kiếm tiền trả nợ, gửi về quê. Năm nay, nhiều doanh nghiệp cắt giảm tiền thưởng tết nên công nhân càng thêm khó khăn”.
Nên tổ chức đưa đón người lao động về quê dịp tết Tại hội nghị gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài do UBND TPHCM vừa tổ chức, giáo sư Hà Tôn Vinh - người Việt Nam ở Mỹ, chuyên gia tài chính - cho rằng để người dân có một cái tết no ấm, chính quyền TPHCM cần có phương án cung cấp các chuyến xe buýt công cộng đưa lao động về quê ăn tết và đón họ trở lại thành phố làm việc sau tết. Việc làm này là một nghĩa cử cao đẹp, giúp người dân có thiện cảm và niềm tin với chính quyền sau thời gian bị khủng hoảng bệnh tật, tài chính và sang chấn tâm lý nặng nề. “Dịp tết này, chắc chắn sẽ có hàng ngàn người, hàng đoàn xe lũ lượt về quê, có thể gây ra hiệu ứng truyền thông tiêu cực, không đáng có. Ngoài ra, việc tổ chức đưa người lao động về quê ăn tết và trở lại thành phố là một phương pháp bảo đảm đại đa số lao động ngoại tỉnh sẽ trở lại làm việc trong các khu công nghiệp và các doanh nghiệp. UBND TPHCM có thể kêu gọi các công ty vận chuyển khách, các nhà hảo tâm tham gia hoặc bảo trợ chương trình này” - giáo sư Hà Tôn Vinh đề xuất. Theo ông, UBND TPHCM cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp thưởng cho tất cả người lao động ít nhất một tháng lương để bù vào sự mất mát của họ trong đại dịch COVID-19 vừa qua. Tháng lương này có thể tặng trước hoặc sau tết để khuyến khích họ trở lại làm việc. |
Sơn Vinh
Bài 2: Tìm đủ cách giữ chân người lao động