Trạm cuối

22/10/2018 - 20:30

PNO - Anh không còn trẻ, chị cũng vậy, nhưng khi gặp chị, anh đã chở che như với một cô gái nhỏ tội nghiệp.

Chị định hai người cứ thế về ở với nhau, làm mâm cơm báo ông bà và cha mẹ hai bên là được, già rồi còn trẻ trung gì mà làm rùm lên, chị không dám nói “quan trọng là có ở với nhau được hay không”. 

Tram cuoi
Ảnh minh họa.

Vĩnh không đồng ý, nói: “Anh muốn bù đắp cho em. Em khổ nhiều rồi”. Chị nhìn Vĩnh: “Khổ à?”. Sao chị không thấy mình khổ nhỉ. Chị vẫn tươi tỉnh, công việc đều, thích gì ăn nấy, lúc rảnh đi xem phim hay đến phòng tập, đêm ngủ ngon, có lúc nào dừng lại để buồn khổ đâu. Suýt nữa chị lại nói hay thôi mình đừng lấy nhau nữa rồi lại thấy thương Vĩnh.

Anh không còn trẻ, chị cũng vậy, nhưng khi gặp chị, anh đã chở che như với một cô gái nhỏ tội nghiệp. Anh chăm sóc chị từng ly từng tí, từ đôi vớ đến hộp kem dưỡng da. Biết chị lơ đãng, anh chủ động đánh thêm chùm chìa khóa cất trong cặp mình. Điện thoại chị anh cài số anh đầu tiên. Anh chú ý đến từng cảm giác của chị. Chị đã rung động. Thấp thoáng đâu đó trong những giấc mơ, chị cũng được chăm sóc như thế này nhưng người đó không phải là Vĩnh.

Gọi cho Thoa báo tin mình sắp lấy chồng, chị cảm nhận được Thoa mừng thật sự. Thoa hỏi chị về Vĩnh, hỏi rất kỹ. Chị cũng không giấu chuyện mình được chăm chút yêu thương. Thoa tỏ ra ghen tị: “Không biết kiếp trước mày cứu bao nhiêu người mà kiếp này lúc nào cũng may mắn. Tao thèm như mày mà không được. Tao chỉ cần tô cháo lúc ốm thôi mà không có, nói gì bưng nước ngâm chân mỗi tối. Ông Trí nhà tao khô như cây củi, vừa lười vừa bẩn, chẳng biết chiều vợ là gì…”. Chị suýt buột miệng, khô thì đưa đây tao.

Thoa lại hỏi về những đứa trẻ. Chị thở dài, từ đó đến giờ chị không thích con nít. Chị sợ nhất tiếng trẻ khóc. Chị bối rối với những đòi hỏi của chúng. Hồi đó ở tập thể, ai đưa con nhờ ẵm là chị chạy mất dạng trong sự ngỡ ngàng của người định nhờ. Chúng khóc lóc mũi dãi đã đành, còn tè, còn ị, người thì mềm nhũn và nhất là chị không cách nào giao tiếp với chúng…

Thế nên chị sinh hai đứa con, đều một tay chồng và mẹ chồng lo, nói chính xác là chồng cũ và mẹ chồng cũ. Sau này ly hôn vì không hợp nhau, việc chị không biết chăm con chẳng biết có tính là lý do thêm vào để chia tay không. May mà các con vẫn yêu mến chị dù ở với bố và bên nội. Lúc kéo va-li đi, chị đã tự cười mình. Sau cuộc hôn nhân thất bại, đứa con là tài sản quý nhất còn lại của người đàn bà, thế mà chị không có chút tài sản nào, cứ thế ra đi với hai bàn tay trắng. Nhưng chị biết, như thế lại hay, cho cả chị và hai đứa trẻ.

Ba mươi tuổi, chị còn trẻ và còn nhiều khao khát, Tuấn đã đến với chị vào thời gian đó. Tuấn khác hoàn toàn với chồng cũ nên chị bị cuốn vào rất nhanh, cũng đám hỏi, đám cưới nhưng ở một nơi xa. Chị không báo tin cho ai ngoài gia đình. Trong đám cưới, ai cũng nghĩ chị lấy chồng lần đầu vì chị còn trẻ quá. Người ta xì xào nói chú rể qua một lần đò có hai con riêng mà vẫn lấy được gái tân, chị mỉm cười không nói gì, Tuấn nháy mắt với chị rất nhộn. 

Hai đứa con Tuấn không dễ chịu như chị nghĩ, nhất là khi mẹ đẻ của chúng ở cách đó không xa. Sau bao nhiêu mâu thuẫn và cãi cọ ngấm ngầm cũng như công khai, chị thấy mệt mỏi. Chị lấy chồng, đâu có nghĩa là lấy cả con chồng như mua hàng có tặng kèm khuyến mãi. Nhất là thứ hàng khuyến mãi ấy lại không dùng được mà không thể bỏ đi. Chị hỏi Tuấn: “Chúng nó còn bám mẹ thế sao không để chúng nó ở bên kia?”. Và Tuấn trả lời: “Em muốn rảnh rang chứ gì? Giờ anh đã hiểu vì sao em bỏ hai đứa con em lại cho bố nó”.

Chuyện chị không thích trẻ con anh cũng biết và đâu phải mình chị, vợ cũ của anh cũng bỏ con lại cho chồng để tìm hạnh phúc khác đó thôi. Thế nhưng, chị ta còn dài tay xúi con mình gây khó khăn với vợ mới của bố nó. Chị thấy thương người đàn bà đó, đã buông còn nuối tiếc gì khi bản thân đã có chồng mới, làm khó dễ một người đàn bà khác thì có gì vui, khi người ta nhặt lại những gì chị ta đã đánh rơi và đang chăm con cho chị ta? Nhưng chị không cãi cọ qua lại. Chồng là người đồng hành, hạnh phúc là quà thưởng thêm chứ không phải đích đến, mà không phải mục đích thì sống chết khổ sở làm gì. 

Cuộc hôn nhân hai năm cứ thế tan. Chị gọi điện cho Thoa nói tao lại độc thân xinh đẹp rồi và khoái chí cười to khi nhận ra giọng Thoa run run. Khi ấy, chị có cảm giác vui mừng ngấm ngầm kèm chút thỏa mãn là người thắng thế. Chị biết mình ác nhưng không kìm được cảm giác đó. Ai nhìn vào cũng nói chị trẻ trung, xinh xắn và nhẹ nhõm, đâu ai biết những giấc ngủ của chị nặng nề thế nào, khát khao thế nào và nuối tiếc thế nào. Những giấc mơ trĩu nặng kéo cuộc đời chị xuống, dù ban ngày có vui tươi thế nào cũng không bù đắp được. Để tránh phải khóc một mình ban đêm, chị cố cười thật nhiều ban ngày.

Chồng đầu vẫn đưa hai con đến với chị mỗi tuần. Chúng nó đứa lên mười, đứa mười hai, chẳng biết ai xui mà nói: “Bố nhớ mẹ nhiều lắm. Mẹ lấy chồng có hạnh phúc đâu. Hay mẹ về với bố con con đi…”. Chị cười, chị làm sao nói với con dù chị có lấy chồng thêm mấy lần nữa, chị vẫn không hạnh phúc. Chúng nó còn nhỏ quá, chị không muốn con mình suy nghĩ quá sớm, đành theo công thức muôn đời trả lời con: “Chồng vợ là nợ là duyên, bố với mẹ hết nợ hết duyên nên không thể ở bên nhau được. Mai kia lớn các con sẽ hiểu”.

Và nay, chị sắp làm cô dâu lần ba, nói đúng ra là lần bốn vì lần thứ ba chị không nói gì với ai, cứ xách túi đến ở với nhau, vui tụ buồn tan. Hình như số chị không thể ở một mình nên cứ mắc míu vào đời ai đó. Những người đàn ông chị gặp, ai cũng tốt bụng và đáng mặt đàn ông, chỉ là chị không tốt, chị không có phúc hưởng nên cứ mãi long đong. Người ta nói chị chưa tìm được thứ mình cần nên cứ mãi kiếm tìm. Chỉ có chị biết mình cần gì, cũng biết mình không thể nào có được thứ đó nên cứ mãi rong ruổi. Để quên.

Vĩnh hỏi: “Em không định mời ai à?”. Chị lắc đầu bảo: “Bạn bè có mấy người, lại ở xa”. Thật ra chị không muốn người quen nhìn mình với ánh mắt xót xa, thương hại nhưng ngoài miệng vẫn cười nói câu chúc mừng và trong bụng nghĩ chị là loại đàn bà không có đàn ông không sống được nên cứ vơ bèo gạt tép. Hoặc họ nghĩ chị còn nặng nợ, rằng chị còn vướng nhiều mối duyên nên cứ phải trả. Mấy ai nghĩ chị vì mong muốn có cuộc sống gia đình yên ả nên không ngừng tìm kiếm và chị đã tìm được Vĩnh sau tất cả nỗ lực và cố gắng? Nghĩ đến đây, chị cũng bật cười một mình: có thật chị mong muốn vậy không?

Thấy Vĩnh sốt sắng cho đám cưới, chị có chút áy náy, anh để tâm vào đám cưới này thật sự, đặt vé cho cha mẹ với hai đứa em chị, cả chồng cũ và hai đứa trẻ. Còn lên kế hoạch vợ chồng đi du lịch sau cưới. Vĩnh nói mọi cô dâu đều có đặc quyền yêu thương, cớ gì chị lại không. Còn trẻ trung gì, chị thở dài, cứ thấy mình có lỗi, nhất là khi thấy hai đứa con chị từ thành phố lên với mẹ, nói tụi con lại một lần nữa xa mẹ, bố nói bố sẽ lo cho hai con thật tốt, chỉ mong mẹ tìm được chỗ dừng chân và hạnh phúc. Chị hỏi chúng có bao giờ oán trách và giận hờn mẹ, chúng lắc đầu, con chị bảo con biết mẹ thương chị em con, chỉ là mẹ không biết thể hiện tình thương ấy như thế nào. Chị lén lau nước mắt, hẳn bố chúng đã nói vậy. 

Hai đứa con riêng của Tuấn cũng đến, ngày mới về chị với chúng không ngừng mâu thuẫn và xung đột, khi chị xách túi đi chúng gọi điện nói mẹ với bố về lại với nhau đi, là do hai chị em con chưa hiểu chuyện nên làm mẹ buồn. Hai đứa đến một mình, nói ba Tuấn chở đến cổng rồi ba về. Chúng líu ríu theo chân chị, có vẻ đề phòng và dò xét Vĩnh. Trước lúc về chúng nói ba Vĩnh là người tốt, tụi con không ở lại dự đám cưới ba mẹ được. Chúng bật khóc báo tin mẹ con có em bé mới rồi, lại là em trai, tụi con muốn ở gần ba Tuấn, sợ ba buồn. 

Chị dúi mặt vào gối, mình đã ăn ở thế nào mà những người xung quanh ai cũng buồn và bất hạnh. Tự dưng có ý xách túi đi đâu đó, một mình. Đàn bà sắp bốn mươi không biết mình cần gì và muốn gì, trước kia hình như có, sau lại bị những người đàn ông quấn lấy khiến đi chệch hướng. Đau đớn là toàn những người đàn ông tốt, chỉ có chị không ra gì.

Thoa gọi điện, chị thờ ơ nhấc máy, đám bạn thời con gái chị còn giữ liên lạc với mỗi Thoa, thời sinh viên hai đứa cùng phòng tầng trên tầng dưới suốt bốn năm. Những cuộc gọi, chị háo hức nghe Thoa kể chuyện nhà mình, lại ghét khi cảm thấy Thoa đang khoe mẽ.

“Mày cưới, tao lên với mày nhé!”.

“Thôi xa xôi, mày còn đám trẻ!”.

Chị từ chối ngay, Thoa là bà mẹ lụy con điển hình, nó có thể nói cả ngày về hai đứa trẻ, từ cách ôm con cho bú, thay tã lẫn rửa đít cho con. Chị nghĩ, chỉ những người đàn bà yêu chồng mới có thể vì con mà thêm một tầng yêu thương, nếu chị có con với người yêu, hẳn chị cũng thế. 

Sau một lúc im lặng, Thoa thở hắt ra:

“Tao cho đám trẻ về quê rồi, tao cũng phải sống cho mình chứ, tao thèm mạnh mẽ như mày, thích thì dọn đồ đến ở chung, yêu thì cưới. Mày không biết đâu, ông Trí mới lấy vợ rồi!”.

“Là sao?”.

Chị gần như bật dậy, nghe Thoa nức nở, tụi tao ly hôn hồi đầu năm, tao không dám kể với ai vì xấu hổ, bố mẹ mắng tao có của mà không biết giữ, nhưng tao giữ làm sao khi Trí đã có người khác. Tao đã tha thứ, đã tập quên nhưng không được, hôm qua, Trí cưới vợ mới rồi!”.

Thoa khóc, chị không biết an ủi làm sao, ngày ấy, chị với Thoa cùng chơi với Trí, anh vui vẻ, chu đáo và nhiệt tình. Chị không biết hai người họ yêu nhau từ trước hay mới yêu sau này. Chị cũng yêu nhưng không dám nói, sợ không giữ được tình bạn, đâu nghĩ một ngày hai người họ thông báo sắp đám cưới. Chị chỉ biết cười chúc họ hạnh phúc, và đời chị thành những chuyến đi dài.

Thoa nói không nghĩ anh ta lại tàn nhẫn và hèn hạ thế, đành lòng bỏ mặc hai đứa con và người vợ chung sống gần chục năm để chạy theo tình mới. Thoa còn nói, mày bỏ con cho chồng nuôi, lấy chồng hết lần này đến lần khác sao tao không ghét mày được, còn gã, tao chỉ thấy khốn nạn.

Khốn nạn, người chị vẫn vọng ngóng đã không ở chỗ cũ, đã thành khốn nạn, nhưng Thoa có biết chị cũng khốn nạn không? Hẳn Thoa không biết chị vẫn giữ liên lạc với Thoa chỉ vì muốn biết tin của Trí, người khiến chị day dứt mỗi sớm mỗi chiều và đau đớn mỗi đêm, Thoa là người chị vừa ghét, vừa yêu, vừa ghen tị lẫn thù hằn, Thoa có tất cả trong khi chị mãi bươn bải tìm kiếm. Nhưng giờ Thoa để trượt khỏi tay thứ hạnh phúc bấy lâu cố giữ, liệu Thoa có biết chị đã từng vọng ngóng?

Vĩnh đứng đợi bên cái xe máy, giá để chân phía sau đã được bật sẵn, mũ bảo hiểm cầm trên tay, anh ngồi đó nghịch điện thoại chứ không hướng về chị thúc giục, Vĩnh vẫn luôn tinh tế thế, người như Vĩnh xứng đáng với người tốt hơn chị. Chị khẽ cười nói vào điện thoại: 

“Mày thu xếp lên đây với tao, mang cả hai đứa trẻ cho chúng nó đổi gió, bữa đó hai đứa nhà tao cũng tới, cho tụi nó chơi với nhau”.

Vĩnh đưa chai nước, đợi chị uống xong mới cài mũ bảo hiểm giùm chị, chị ngồi sau, lần đầu tiên không đợi anh kéo tay mà chủ động choàng ôm bụng anh. Hơn tháng nữa là đến ngày cưới, tiệm áo cưới hẹn chín giờ sáng nay đến thử áo, ngày mai chụp hình ngoại cảnh. Theo dự báo thời tiết thì ngày mai không mưa, nắng nhẹ, gió êm.

Nguyễn Thị Thanh Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • “Người thứ ba”

    “Người thứ ba”

    20-12-2024 10:00

    Thế nhưng, cũng chính vì quá thân, cộng với suy nghĩ “thân thì không cần giữ kẽ”, chị thường xuyên làm chúng tôi khó xử.

  • Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    20-12-2024 06:34

    Mấy chục năm qua, chị em tôi đã quen thuộc với hình ảnh ba vào bếp. Ba tình nguyện làm "người đam mê rửa chén" vì ba yêu gia đình.

  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.