1/5 sinh viên gặp vấn đề sức khỏe tinh thần
Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Ngọc Vui - giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM - thông tin, theo báo cáo từ Trung tâm Sức khỏe tâm thần đại học (Center for Collegiate Mental Health), cứ 5 sinh viên thì có 1 người chịu ảnh hưởng của lo âu và trầm cảm. Đây là những lý do hàng đầu khiến sinh viên tìm đến dịch vụ tư vấn tâm lý.
|
Các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần nhận được sự hưởng ứng tích cực của sinh viên |
Thanh Đạt - sinh viên năm 3, ngành kế toán, Trường Kinh tế - Luật TPHCM - cho biết, với lịch học dày đặc cả sáng và chiều, tối về bạn phải ôn lại bài cũng như tìm hiểu thêm các kiến thức trên mạng để giữ vững điểm số. Chưa kể, trên lớp có nhiều môn học cần chia nhóm thuyết trình, Đạt và các bạn phải họp nhóm liên tục vào các giờ nghỉ trưa hoặc tối. Ngoài ra, ngành học của Đạt có nhiều tài liệu nước ngoài, yêu cầu sinh viên phải có vốn tiếng Anh đủ tốt để có thể đọc và hiểu hết được khối lượng kiến thức đồ sộ ấy. Vì vậy, trang bị nền tảng tiếng Anh cũng là một thử thách khiến sinh viên đau đầu.
“Cày ngày cày đêm khiến tôi kiệt sức, chán ăn và không hứng thú với việc học. Có lúc nhắc tới cụm từ deadline là tôi nản, muốn buông bỏ hết rồi nghỉ ngơi dài ngày để tái tạo năng lượng. Nhưng khi nghỉ ngơi rồi thì tâm lý lại lười, không muốn làm việc nên thôi, đành ráng gồng tiếp” - Thanh Đạt than thở.
Còn đối với Mai Ngọc, sinh viên năm 3, Khoa Ngữ văn Pháp, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, bạn quan niệm để có thể bước chân vào thị trường lao động cũng như theo đuổi được đam mê thì việc học tập trên trường là chưa đủ, phải tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động đoàn, hội, các câu lạc bộ… để có nhiều trải nghiệm.
Khó khăn nhất của Ngọc là cân bằng giữa trải nghiệm và điểm số. Vấn đề này càng khó khăn hơn với sinh viên những năm cuối vì thông thường đây là năm “chạy đua” với rất nhiều môn chuyên ngành. “Không ít lần tôi sốt cao khi “núi” bài tập trên lớp và các hoạt động đoàn, hội dày đặc. Lúc ấy, cơ thể mệt nhoài, kiệt sức, mặt mũi xanh xao đến nỗi không dám gọi video về nhà vì sợ cha mẹ thấy thêm lo” - Ngọc kể.
Kiều Trinh - sinh viên năm 2, Trường đại học Bách khoa TPHCM - cho biết, cô gặp không ít khó khăn khi theo học cùng các bạn dân thành phố. Bởi xuất thân từ tỉnh lẻ, không có điều kiện tiếp xúc nhiều với máy tính, các phần mềm làm bài tập nên khi vào các môn chuyên ngành, Trinh đuối hơn so với các bạn.
Trinh tâm sự: “Áp lực học hành khiến tôi rất lo âu, cô đơn, mệt mỏi. Gọi về than với mẹ, tưởng đâu được chia sẻ thì chỉ nhận được lời cằn nhằn, than thở tiền học phí cao, rồi con gái đòi học chi cho nhiều…”. Có thời gian Trinh có xu hướng thu mình lại với mọi người, ngại tiếp xúc và không buồn nói chuyện, ngay cả với cô bạn thân.
Thay vì chịu đựng, hãy tìm sự giúp đỡ
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui cho biết, nhiều năm trên giảng đường, cô chưa bao giờ thấy sinh viên gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần nhiều như hiện nay, đặc biệt là sau COVID-19.
Trong các vấn đề sinh viên gặp phải, nổi trội nhất là áp lực đồng trang lứa. “Mạng xã hội rất phát triển, rất nhiều điều hấp dẫn, bóng bẩy được đăng lên từ bạn bè. Khi sinh viên nhìn vào sẽ không tránh khỏi cảm giác bị thua thiệt, không bằng bạn, rồi từ đó sinh ra căng thẳng. Căng thẳng tiêu cực này không những không tạo động lực mà còn khiến sinh viên ngày càng xem nhẹ giá trị bản thân, dẫn đến trầm cảm, tự ti, sợ giao tiếp” - thạc sĩ Ngọc Vui phân tích. Song song đó, chế độ ăn nghỉ không hợp lý, thức quá khuya… cũng là những tác nhân ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Cũng theo thạc sĩ Ngọc Vui, hiện nay sinh viên dù ở khối tự nhiên hay xã hội đều rất quan tâm đến sức khỏe tinh thần. Tuy vậy, mức độ quan tâm chưa hẳn đã tương đồng với mức độ chăm sóc. Vẫn có sinh viên tìm đến tarot, tụ tập nhậu nhẹt để quên sầu hoặc tham gia các hoạt động chữa lành như cách để giảm áp lực, căng thẳng nhưng lại không giải quyết gốc rễ vấn đề. Vì vậy, khi phát hiện bản thân gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, sinh viên nên gặp chuyên gia để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Thạc sĩ Ngọc Vui thông tin thêm, hiện nay có nhiều “trạm cấp cứu tinh thần”, những đường dây nóng, đường dây hỗ trợ tư vấn, những trung tâm tâm lý… Đặc biệt, ở nhiều trường tại TPHCM cũng có phòng tư vấn tâm lý cho sinh viên. Đây chính là những nguồn uy tín, giúp sinh viên có thể tháo gỡ những vấn đề sức khỏe tinh thần một cách an toàn, bài bản.
Tiến sĩ Lê Thị Mai Liên - Trưởng khoa Tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM - nhấn mạnh: “Nếu gặp phải các vấn đề như: lo âu, trầm cảm, bất ổn tinh thần… sinh viên nên mạnh dạn chia sẻ với những người xung quanh, hướng đến thông điệp mỗi người cần tự giác chăm sóc bản thân về cả thể chất lẫn tinh thần, không nên có định kiến với những người đang gặp khó khăn trong tâm lý. Trái lại, chúng ta cần có trách nhiệm quan tâm, thông cảm và chia sẻ thông tin về việc chăm sóc thể chất, tinh thần đến mọi người, để cả cộng đồng cùng khỏe mạnh”.
Nhã Chân