Trầm cảm và tiếng thở dài của người thân

22/10/2019 - 10:30

PNO - Đừng nghĩ bệnh trầm cảm chỉ tấn công những người nổi tiếng. Thực tế bất kì ai cũng có thể trở thành nạn nhân của trầm cảm...

Những vụ tự tử liên tiếp của các diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc làm người hâm mộ Việt Nam bàng hoàng. Những cái chết đó đều xuất phát từ nguyên nhân sâu xa liên quan đến bệnh trầm cảm.

Khi nghe tin họ qua đời, nhiều người dễ dàng buông trách móc: “Sao dại dột thế, vừa đẹp vừa tài năng, việc gì phải chết”. Nhưng chúng ta là người ngoài, khó thấu hiểu những vật lộn, dày vò của bệnh nhân trầm cảm.

Tram cam va tieng tho dai cua nguoi than
Bất kì ai và ở lứa tuổi nào đều có thể trở thành nạn nhân của bệnh trầm cảm. Ảnh minh hoạ

Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của trấm cảm. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh, lứa tuổi đều có những áp lực riêng, nếu không được giải toả sẽ hình hành stress, lâu dài thành bệnh lý trầm cảm. Một thanh niên khoẻ mạnh thành đạt nhưng gặp phải biến cố trong tình cảm. Một cô gái đẹp có một công việc tốt nhưng áp lực ngoài khả năng chịu đựng.

Một học sinh ngoan ngoãn với nỗi ám điểm số. Một bà nội trợ bận rộn bếp núc, phục vụ gia đình nhưng bị chồng coi thường vì không làm ra tiền. Thậm chí một người đàn ông đang ở đỉnh cao của sự nghiệp nhưng lại đến tuổi về hưu bỗng thấy hụt hẫng... Tất cả họ đều có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

Bệnh về thân thể còn dễ dàng nhận ra, nhưng bệnh thuộc về tinh thần lại rất khó để xác định, nắm bắt. Khi thấy những người xung quanh có hành động bất thường, mọi người thường gắn cho họ những từ như “điên” “mát” chập mạch” “tâm thần” thay vì tìm hiểu nguyên nhân và giúp đỡ, vì thế bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm thường phải chống chọi một mình, rất cô đơn cho đến khi cảm thấy cuộc đời quá bế tắc và dễ dàng tìm đến cái chết để giải thoát. 

Một cô đồng nghiệp của tôi đang trải qua đợt trị liệu lần thứ 8 với hy vọng sẽ thoát khỏi bệnh trầm cảm. Cô kể, giai đoạn mới khởi phát, em thấy mệt mỏi, mất ngủ, chán đủ thứ. Nhiều lúc em than thở với người thân, bạn bè “em thấy mệt lắm” nhưng họ lại nói với em: “Em còn trẻ, còn khoẻ, có sự nghiệp, chưa vướng bận gia đình mà than gì”.

Tram cam va tieng tho dai cua nguoi than
Người trầm cảm rất cần sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Ảnh minh hoạ

Bởi thế cô cứ phải gồng mình lên để sống, phải mang một chiếc mặt nạ là mình đang rất ổn, rất khoẻ và dần dần trở thành nạn nhân trầm cảm lúc nào không hay. Nhưng nhờ cô có nghiên cứu về sách tâm lý, tìm đến với yoga và gặp được bác sĩ điều trị kịp thời nên vẫn có khả năng chữa trị.

Từ chuyện của mình, cô bảo, tác động của những người xung quanh đến bệnh nhân trầm cảm rất lớn. Giá như, lúc mình than thở “em mệt lắm” có ai đó vỗ về “mệt rồi thì nghỉ đi, đừng gắng sức” và chia sẻ những bế tắc trong lòng sẽ đỡ áp lực rất nhiều.

Nhưng hầu như chúng ta ít quan tâm đến tiếng thở dài của người bên cạnh, cứ nhìn vào vẻ bên ngoài rồi thờ ơ kết luận “Cứ làm quá lên, có nhiều người còn khốn khổ hơn nhiều”. Có một thực tế, những người có cuộc sống đầy đủ về vật chất, có địa vị, thành công trong sự nghiệp lại có nguy cơ trầm cảm cao vì lúc nào họ cũng phải gồng mình lên để sống, để hoàn thành “sứ mệnh”, không được phép than vãn hay tỏ ra mệt mỏi. Và chính họ phải mang trên vai nhiều áp lực, lo toan và nhiều thị phi hơn.

Chúng ta cần sống chậm lại, đừng quá thờ ơ với tiếng thở dài của người xung quanh. Biết đâu đằng sau đó là cả một quá trình khởi phát của một căn bệnh tâm lý. Người trầm cảm thường không đủ sức tự cứu mà rất cần sự giúp đỡ từ bên ngoài. Họ cần sự yêu thương chia sẻ từ người thân và tìm được bác sĩ điều trị kịp thời. Khi nghe tâm sự của họ, đừng vội vàng trách họ yếu đuối bởi mỗi người có một khả năng chống chọi về tinh thần khác nhau...

                                                                                                         Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI