Đến tận ngày Minh Vy - nhà văn, biên kịch trẻ, lấy chồng, cả hai họ vẫn còn ngăn cản vì cha mẹ Vy không muốn con gái lấy chồng xa; cha mẹ chồng thì nghi ngại cô gái bé nhỏ “một tay xách nặng” này không hiểu có thể làm vợ, làm mẹ được không.
Những năm đầu kết hôn, Vy đã nếm trải không ít khủng hoảng, đớn đau... mà đỉnh điểm là lần cô tự tử hụt, đến hai năm sau vẫn không nói được. Giờ, gia đình nhỏ của Vy đã là một gia đình ấm nồng lửa yêu thương…
|
Gia đình nhỏ của nhà văn Minh Vy |
Chỉ cần tình yêu
Có lẽ, văn chương chính là nhịp cầu đưa duyên cho Thanh Bình - Minh Vy. Bình là người gợi ý Vy viết những truyện ngắn đầu tiên, sửa từng lỗi chính tả, gửi từng bản thảo đến các tờ báo, nhà xuất bản…
Anh làm những việc ấy vì tình yêu và sự trân trọng dành cho người bạn đời mà cũng là bạn nghề của mình. Bạn bè văn chương đánh giá Bình và Vy là một cặp đôi hàng hiếm trong giới cầm bút: trẻ, có tâm với nghề, có lòng với nhau khi chọn đi chung con đường nghệ thuật, một hướng đi có thể làm chông chênh hạnh phúc gia đình.
Hai người quen nhau trong hoàn cảnh khá giống với nhiều câu chuyện lãng mạn dành cho giới trẻ. Chàng là gia sư, sinh viên tỉnh lẻ, nàng là tiểu thư thành thị. Từ sự gần gũi giữa gia sư và học trò, Vy bị đốn tim bởi sự hiền lành, thẳng thắn, chân thật và sự quan tâm Bình dành cho mình.
Bạn bè cùng lớp Thanh Bình rất quý mối tình trong veo của Vy ngày đó. Những buổi tan trường, Vy thường mặc áo dài trắng, ôm cặp sách chờ Thanh Bình, rồi chở nhau trên chiếc xe đạp cà tàng, nói cười rất hạnh phúc.
Tình yêu đầu ấy vấp phải sự cấm cản của cả hai bên gia đình. Gia đình anh ngần ngại vì thấy Vy vóc dáng nhỏ bé, tuổi lại quá trẻ, sợ không có khả năng chu toàn chuyện làm mẹ, làm vợ sau này. Gia đình Vy thì không muốn gả con gái rượu cho một anh chàng tỉnh lẻ vừa học xong đại học, sự nghiệp mới chỉ là hai bàn tay trắng.
Thế nhưng, trái với vẻ mỏng manh, yếu đuối, Vy quyết tâm giữ chặt hạnh phúc mình đã chọn. Chị không trách phận, hiểu cha mẹ hai bên ngăn cấm là có lý do. Có thể người lớn đã nghĩ đó chỉ là tình yêu trẻ con, chóng đến rồi chóng qua, gặp khó khăn sẽ tự lụi tàn. Nhưng, đó lại là một tình yêu thật sự nên bất chấp sóng gió vẫn bền bỉ gắn kết.
Trầm cảm và tự tử hụt
Đi theo tiếng gọi tình yêu, Vy chấp nhận khăn gói cùng Bình thuê nhà trọ sống chung. Có những ngày hai người không còn đồng nào mua thực phẩm, Vy phải đi quanh khu nhà trọ hái rau dại về xào ăn qua bữa, bụng cứ cồn cào từng cơn.
Trong khi đó, Bình mới ra trường, thất nghiệp ròng rã vì xin việc mãi chưa được. Ngồi nhà nhìn con nhỏ, lòng quay quắt buồn, Vy đã mua panadol về uống quá liều sau khi cho con bú no. May mắn, hàng xóm ở khu trọ phát hiện khi nghe tiếng trẻ con khóc mà không ai dỗ, đã hô hoán mọi người đưa Vy đi cấp cứu.
Sau lần tự tử hụt, Vy gần như hóa câm suốt hai năm. Nghĩ lại, chị vẫn rùng mình, cho rằng đó là việc làm dại dột nhất đời mình. Có lẽ lúc đó tuổi còn quá nhỏ, suy nghĩ nông cạn nên mới dẫn đến bi kịch.
Cũng sau lần đó, cha Vy đã thay đổi thái độ với con gái. Ông nổi giận vì con rể để con gái mình rơi vào đường cùng, làm chuyện dại dột và chịu nhìn nhận gia đình nhỏ của con. “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Cha mẹ nào mà chẳng thương con” - Vy cười nhẹ bẫng khi nói về biến cố lớn ngày đó.
Vy thật lòng tâm sự, may mà trời thương cho còn sống. Nhiều phụ nữ chọn con đường dại dột đó đã một đi không trở lại, chẳng còn cơ hội để hối tiếc cho quyết định điên rồ của mình. Mình ra đi, nỗi đau để lại cho những người thân sẽ thế nào? Suốt hai năm câm lặng không nói, Vy có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về mọi điều và mạnh mẽ hơn khi làm lại cuộc đời.
Sau biến cố ấy, Bình cũng thay đổi nhiều trong cách ứng xử với vợ. Anh bớt nóng nảy, luôn nhẹ nhàng và gần gũi. Bìa tập thơ đầu tay của Bình - Áo trắng, in hình một cô gái tóc dài, thướt tha trong tà áo dài trắng chính là hình ảnh của Vy.
Anh còn luôn lấy vợ là nguồn cảm hứng để thực hiện nhiều bộ ảnh, sáng tác nhiều bài thơ… Người quen đùa, gọi anh là nhà thơ trẻ “siêu nịnh vợ”, nhưng có đi qua một lần sống chết, tưởng có thể mất nhau vĩnh viễn, mới thấy bao nhiêu quan tâm dành cho nhau vẫn không đủ.
Chủ động tạo những khoảng lặng hạnh phúc
Sau những giờ bận bịu với những trang bản thảo kịch bản, Minh Vy lại ngồi tỉ mẩn đan giỏ, làm nón… Chị tự tay làm cho con gái những chiếc đầm công chúa bảy sắc cầu vồng, những vòng hoa đội đầu, đôi giày bé xinh… Nhiều bạn bè facebook thấy ảnh là rất thích, đặt hàng handmade nhờ Vy làm.
Không phải nghề chính nhưng đó là công việc mà Vy đặt hết sự tỉ mẩn, tập trung vào nên sản phẩm luôn nhận được những lời trầm trồ. Tính Vy là vậy, đã làm gì thì nhất định phải dồn hết tâm sức vào.
“Khi bỏ hết tâm sức vào thì mỗi món đồ, dù rất nhỏ, cũng sẽ đem lại nhiều niềm vui - niềm vui khi hoàn thành một sản phẩm đẹp như mình mong muốn, niềm vui khi được sẻ chia cái đẹp ấy và cả niềm vui khi kiếm thêm thu nhập từ một đam mê bé nhỏ của mình” - Vy chia sẻ.
Là một cô gái thành phố 8X nhưng Vy có thể cắt may, thêu thùa, đan móc rất đẹp là nhờ có bà ngoại là người gốc Huế, rất khéo léo trong việc may vá. Từ rất nhỏ, các con cháu đã được ngoại dạy phải siêng năng, chăm chỉ và thạo nữ công gia chánh. Ngày đó gia đình còn có cả một xưởng may, Vy mới bé tí đã bị ông bà bắt tập tành sửa áo quần.
Lúc đầu cô bé thấy cực, thấy buồn vì không được thoải mái chạy chơi như bè bạn, nhưng khi đã quen, Vy có thể ngồi máy may công nghiệp khi chưa đến 10 tuổi. Khiếu thẩm mỹ và tính cầu toàn của Vy cũng ảnh hưởng từ bà ngoại. Chỉ đến khi đã làm mẹ, Vy mới thật sự biết ơn những bài học ngoại đã rèn giũa mình từ bé: chỉ cần chăm chỉ với vải vóc, thêu thùa, nữ công gia chánh và “có đức” thì sẽ “mặc sức mà ăn”…
Tuy nhiên, việc viết lách vẫn chiếm vị trí đặc biệt với Vy. Có một lần chị viết một bài tản văn được đăng báo, sau đó một phụ nữ đã vào chat với chị trên facebook, hỏi chị có đúng là người viết bài Ba ngọn nến lung linh không?
Nghe chị xác nhận, cô ấy bật khóc, xin số điện thoại của chị cho bằng được và kể, cô và người đàn ông trong câu chuyện chị viết có một mối tình rất sâu đậm, không ngờ nay người đó đã có vợ lại sắp có con.
Cô ấy khóc nức nở khiến Vy bất đắc dĩ phải làm chuyên viên tư vấn tâm lý. Bằng chính những nỗi đau của mình và sự nhạy cảm của một người cầm bút, chị khuyên cô ấy nên quên người đó, quay về với gia đình. Đến nay, cô ấy đã có một con gái xinh xắn và đang hạnh phúc bên chồng; vẫn luôn nhớ những lời khuyên của Vy.
Vy vẫn nghĩ, những ngày tháng chông chênh đã qua là chuyện không ai muốn, nhưng khi đã xảy ra rồi thì phải chấp nhận và mạnh mẽ bước tới. Đó cũng là thông điệp Vy đã gửi gắm trong nhiều kịch bản phim và tác phẩm của mình như Cô nàng taxi, Giấc mơ có mẹ, Thần tượng rắc rối, Khi không là trò chơi…
Tôi trân trọng hiện tại
Tính cách của anh chị đều lãng mạn, hiền lành nhưng khi giận thì lại rất nóng. Việc này có ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình không?
Chồng tôi nói nhiều, tôi ít nói, mỗi khi cãi nhau thường là tôi im lặng, hoặc sẽ bỏ đi đâu đó, nguôi ngoai rồi mới về, nên mọi thứ vẫn bình thường, yên ổn. Điều quan trọng là sự tin tưởng và chia sẻ dành cho nhau sau những thăng trầm cuộc sống. Có được điều đó thì giận hờn nào rồi cũng qua.
Sau những trải nghiệm, theo chị, những điều gì làm nên một gia đình?
Chỉ đơn giản hai chữ “chia sẻ”.
Vừa viết lách, buôn bán, vừa xuất hiện thường xuyên trên nhiều báo, ra sách, ra phim hàng năm; chị thu xếp thời gian thế nào giữa chăm con - công việc - viết lách?
Sáng tôi dậy thật sớm lo đồ ăn sáng cho con lớn đi học, cơm nước cho con nhỏ. Bé Ca thức dậy thì tắm rửa, cho ăn uống, chơi cùng con. Bé mới hơn một tuổi nên hiếu động lắm, bày đồ chơi đầy nhà, cứ năm phút lại phải dọn dẹp một lần nên thỉnh thoảng cũng bị mẹ cáu.
Chơi với con và lo việc nhà là đủ xoay vòng hết một ngày; đêm xuống là khoảng thời gian dành cho mình: viết lách hoặc làm đồ handmade - niềm vui thật đơn giản! Có người từng nói với tôi: “Muốn giỏi hơn người ta phải cố gắng hơn người ta một chút”.
Chữ “một chút” nghe nhẹ nhàng nhưng đầy mệt mỏi và mình phải cố gắng thôi. Thời gian của tôi không thể dành cho những cuộc vui bạn bè, quán xá, tụ tập tán gẫu (dù nhiều lúc rất thèm) vì đã dành hết cho công việc, gia đình con cái, dù đã ngủ rất ít, mỗi ngày chỉ ngủ được khoảng bốn tiếng, vậy là kín mít 24 tiếng.
Chị mong muốn hướng tới một cuộc sống như thế nào?
Hạnh phúc với tôi đơn giản lắm: là gia đình mạnh khỏe, ấm áp; là mình được có những khoảng không gian tự do để làm những điều mình thích, bản thân thấy thoải mái. Tôi không nghĩ xa cho tương lai, chỉ biết cố gắng, trân trọng cuộc sống hiện tại mà bước tiếp.
Cảm ơn Minh Vy đã chia sẻ.
Võ Thu Hương