PNO - Dịch COVID-19 đang được kiểm soát, số ca mắc mới ngày càng giảm, nhưng hậu quả mà dịch bệnh để lại vẫn dai dẳng. Trong đó, đáng lo ngại là tình trạng trầm cảm tự sát sau dịch COVID-19 đang tăng.
Từ khi T.T.L. (21 tuổi, ở tỉnh Trà Vinh) đậu vào đại học, để cha mẹ đỡ vất vả, suốt nhiều năm đại học, L. tranh thủ làm thêm nhiều việc. Qua hai năm đầu suôn sẻ, đến năm thứ ba dịch COVID-19 xuất hiện, hàng quán đóng cửa, L. không thể tìm được việc làm, trong khi tiền thuê trọ, học phí, sinh hoạt đổ dồn. Mãi chạy theo từng bữa ăn, kết quả học tập của L. sa sút.
Để giảm căng thẳng, L. bắt xe về quê mới hay dịch bệnh cũng làm quê nhà kiệt quệ. Sợ con bỏ học, mẹ của L. thúc giục cô trở lại TPHCM sau khi dúi vào tay con vài trăm ngàn đồng góp nhặt. Sợ hãi, mệt mỏi, L. rơi vào rối loạn lo âu lúc nào không hay. Đỉnh điểm, khi hay tin người thân tử vong do COVID-19, cô trở nên hoảng loạn, trống rỗng. Bức bí, L. nghĩ đến cái chết để giải thoát. May mắn, bạn cùng phòng đã kịp phát hiện, đưa cô đến bệnh viện (BV) cấp cứu. Nhận thấy L. có các dấu hiệu về trầm cảm, BV chuyển L. đến BV Tâm thần để được điều trị đúng cách.
Tại đây, ngoài việc tư vấn, giải tỏa tâm lý, các bác sĩ cũng cho L. dùng thuốc điều trị. Do L. thường bị kích động khi gặp bác sĩ, BV phải nhờ bạn của cô phối hợp chăm sóc, theo dõi các đợt uống thuốc. Hơn một tuần uống thuốc, tuy L. đã ngủ được, trò chuyện được nhưng cứ đến đêm, cô lại có ý định tự tử. Bác sĩ và người nhà phải theo dõi chuyển biến của L. 24/24. Sau gần hai tháng điều trị, trầm cảm ở cô giảm hẳn. Tuy hiện tại, L. đã lấy lại cân bằng, nhưng bác sĩ lưu ý với bệnh trầm cảm nặng, người bệnh phải điều trị từ 6-24 tháng mới có thể ổn định hoàn toàn.
Tổng đài cấp cứu Bệnh viện Tâm thần TPHCM luôn có bác sĩ, điều dưỡng trực 24/24 - Ảnh: Phạm An
Cách đây không lâu, BV Lê Văn Thịnh cũng đã cứu sống một nam thanh niên uống thuốc ngủ tự sát. Trước đó, nam thanh niên này cắt cổ tay tự tử nhưng không thành. Theo người nhà, anh được phát hiện có vấn đề về sức khỏe tâm thần từ năm 12 tuổi, sau đó phải duy trì uống thuốc trị trầm cảm. Tuy nhiên, năm nay anh đã 29 tuổi, liên tục thất bại trong công việc. Dịch COVID-19 càng khiến anh khó khăn hơn khi đi xin việc, quá chán nản, anh tự ý ngưng uống thuốc điều trị dẫn đến căng thẳng kéo dài. Cuối cùng, anh quyết định tự giải thoát bằng thuốc an thần.
Nhiều bệnh nhân thấy ân hận
Bác sĩ Liêu Thị Trúc Thanh - Khoa Thận - Nội tiết BV Lê Văn Thịnh - cho biết: “Nếu trước đây, BV tiếp nhận 1-2 ca tự tử/tháng, sau dịch, mỗi tuần có đến 3-4 trường hợp được đưa đến cấp cứu vì tự tử”. Còn theo bác sĩ Vũ Kim Hoàn - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Tâm thần TPHCM - từ sau dịch, người mắc trầm cảm tự sát đang tăng từ 20-25% so với trước đây. Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ý định tự sát như trầm cảm kéo dài, căng thẳng mệt mỏi, túng quẫn… không ít bệnh nhân trải qua COVID-19 nặng, gây ám ảnh, sợ hãi. Đặc biệt là những bệnh nhân từng chứng kiến người thân của mình tử vong do COVID-19. Sau một thời gian tự mình loay hoay với các ám ảnh, tuyệt vọng, người bệnh không còn tỉnh táo, xem tự tử như một cách giải quyết bế tắc. Đôi khi, chỉ trong tích tắc, suy nghĩ sẽ trở thành hành động khiến người xung quanh bất ngờ, không kịp can ngăn.
Rối loạn giấc ngủ càng khiến người bệnh thấy buồn chán, mệt mỏi, bi quan về cuộc sống... Nếu không phát hiện và điều trị sớm, trầm cảm sẽ ngày càng nặng nề hơn, bệnh nhân suy nghĩ trống rỗng, nghĩ đến cái chết nhất là vào buổi tối, có người cứ nghe thấy câu nói “chết quách đi cho xong” luôn quanh quẩn trong đầu.
Nhờ vào dịch vụ cấp cứu trầm cảm tự sát sau dịch COVID-19, BV Tâm thần TPHCM đã kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ cho rất nhiều trường hợp như người dân có ý định tự tử bằng cách nhảy cầu. Hầu hết trong số đó, khi bình tĩnh lại đã có cảm giác ân hận, bởi họ hiểu rằng quyết định nông nổi của mình còn để lại nhiều đau khổ cho người thân.
Bác sĩ Vũ Kim Hoàn chỉ rõ: “Trầm cảm có thể điều trị khỏi, có nghĩa là hết bệnh hoàn toàn trừ trường hợp các nguyên nhân gốc rễ chưa được giải quyết như xung đột gia đình, mâu thuẫn xã hội, thiếu thốn về kinh tế… Khi nguyên nhân gốc vẫn còn, thì việc điều trị chỉ là tạm thời, bởi người bệnh sẽ tái phát khi đối mặt với những lo âu trước đó của mình. Chính vì vậy, sự hợp tác của bệnh nhân, người nhà để tìm nguyên nhân rất quan trọng, chỉ khi xác định được căn nguyên, điều trị sớm mới kịp thời đưa người bệnh trở về cuộc sống thường ngày hoàn toàn bình thường”.
Bác sĩ Vũ Kim Hoàn cho biết UBND và Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo BV Tâm thần TPHCM phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 để kịp thời phát hiện, cấp cứu cho bệnh nhân mắc trầm cảm tự sát. Hiện tại, BV sử dụng đường dây nóng 19001267 để tiếp nhận các ca bệnh cần hỗ trợ.
Xác định cấp cứu trầm cảm tự sát phải ưu tiên hàng đầu nên BV sử dụng nhánh 1 để tiếp nhận cuộc gọi thông báo về ca trầm cảm có nguy cơ tự sát. Nhân viên trực điện thoại sẽ ghi nhận thông tin, tình trạng bệnh nhân, địa điểm cấp cứu... sau đó liên hệ ngay với Trung tâm Cấp cứu 115. Trung tâm sẽ điều phối y, bác sĩ đến hiện trường, sử dụng nghiệp vụ y tế để hỗ trợ nhanh nhất, giúp ổn định người bệnh và đưa đến BV Tâm thần.
Nếu người bệnh chưa có thân nhân, dấu hiệu tự sát rõ ràng sẽ được xếp vào nhóm hộ lý 1, tức là ngoài sự săn sóc đặc biệt, nhân viên y tế sẽ theo dõi sát 24/24 để kịp thời hỗ trợ. Đồng thời, BV sẽ liên tục tìm kiếm người nhà cho bệnh nhân. Trường hợp có thân nhân bệnh nhân, BV sẽ phối hợp cùng người nhà chăm sóc.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.