Trầm cảm sau sinh tàn phá người mẹ cả về thể chất lẫn tinh thần

27/12/2023 - 17:49

PNO - Các chuyên gia từ Singapore chia sẻ trải nghiệm của các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh, cho thấy tác động đáng sợ của hội chứng này.

 

Những phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường không nhận thức được tình hình nghiêm trọng của bản thân, khiến họ đôi khi không được giúp đỡ kịp thời – Ảnh: iStock
Những phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường không nhận thức được tình hình nghiêm trọng của bản thân, khiến họ đôi khi không được giúp đỡ kịp thời 

Ngày 27/12, bác sĩ Theresa Lee, chuyên gia tư vấn tại Khoa Y học Tâm lý của Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Kandang Kerbau (KKH) ở Singapore, cho biết, hội chứng trầm cảm sau sinh (PPD) có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bà mẹ nào, đặc biệt nguy hiểm với những người lần đầu làm mẹ. 

Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần Phụ nữ tại KKH cho biết, trong thời kỳ hậu sản, khoảng 80% phụ nữ trải qua một số loại rối loạn tâm trạng hoặc buồn bã sau sinh, với triệu chứng nhẹ trong thời gian ngắn. Nhưng có đến 10-15% phụ nữ sau sinh gặp phải tình trạng nghiêm trọng hơn: hội chứng PPD, với các triệu chứng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu đáng kể. 

Kin - một người mẹ từng bị PPD, chia sẻ rằng mỗi khi cô đọc báo về những bà mẹ tự tử cùng con mình, cô lại bị ám ảnh bởi trải nghiệm của chính mình vài năm trước. Buổi sáng sau sinh, Kin cảm thấy chán nản và òa khóc, cảm giác không giống như cô lúc bình thường.

Kin cho biết: “Tôi vẫn nhớ cảm giác muốn ném con mình ra ngoài cửa sổ và nhảy theo nó, tôi không thể chịu đựng được. Nếu chồng, mẹ và mẹ chồng tôi không ở đó với tôi, thực lòng tôi không nghĩ mình sẽ còn ở đây”.

Pia - một người mẹ khác, chia sẻ rằng cô chưa bao giờ có ý định làm hại con hoặc ý nghĩ tiêu cực nào trước khi sinh. Nhưng sau khi em bé chào đời, Pia không thể thoát khỏi cảm giác “sợ hãi và ngày tận thế sắp xảy ra, như thể có điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra với bản thân và con”.

Bác sĩ Lee cho biết, cả 2 người phụ nữ đều phớt lờ các triệu chứng của mình, Kin trong 2,5 năm và Pia trong 6 tháng, đến khi sự chịu đựng của họ tới giới hạn, buộc họ phải tìm sự trợ giúp y tế. 

KKH đã làm khảo sát về PPD trên 600 phụ nữ mang thai hoặc mới sinh con trong năm 2023. Kết quả cho thấy, cứ 6 phụ nữ thì chỉ có 1 người chủ động tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia nếu họ bị PPD. 

Bác sĩ Lee cho biết, tác động của PPD có thể rất tàn bạo, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của người mẹ mà còn tác động nghiêm trọng đến quan hệ mẹ con, gây nguy hiểm cho sự phát triển của trẻ, có thể dẫn đến các khiếm khuyết về nhận thức, hành vi và cảm xúc.

Bác sĩ Chua Tze-Ern - chuyên gia về sức khỏe tâm thần phụ nữ tại Khoa Y học Tâm lý của KKH - cho biết, PPD có các biểu hiện về thể chất như: mệt mỏi, đuối sức, không ngủ được hoặc ngủ quá nhiều, thay đổi bất ngờ về khẩu vị và cân nặng.

Bà Tze-Ern cho biết thêm, PPD có các biểu hiện về mặt cảm xúc: cảm giác tuyệt vọng và tiêu cực về tương lai, có ý nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé, thường xuyên tự phê bình, tự trách mình hoặc mặc cảm tội lỗi quá mức, cảm thấy chán nản và dễ khóc mà không có lý do rõ ràng, tâm trạng thường khó chịu và dễ bị kích động, mất hứng thú hoặc niềm vui với các sở thích cũ, sự tập trung và trí nhớ kém.

Trường An (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI