Những ngày này, vụ việc người mẹ trẻ ở Hà Nội tự tay sát hại đứa con mới 33 ngày tuổi của mình đang khiến tất cả mọi người bàng hoàng đau xót. Từ sự việc đau lòng này, một lần nữa tình trạng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ Việt lại được nhắc đến như là nguồn cơn của rất nhiều câu chuyện đáng tiếc tương tự. Người ta cũng đặt ra câu hỏi: Người chồng đã ở đâu trong lúc những người vợ đang vật vã đối diện với hàng tỉ thứ thay đổi sau cuộc vượt cạn.
Hãy cùng nghe những ông chồng kể lại suy nghĩ, hành động của họ trước những thay đổi tâm lý của vợ sau sinh:
Quá bận để quan tâm
|
Anh Tuấn Anh |
Anh Nguyễn Tuấn Anh, 32 tuổi, hiện đang là nghiên cứu viên tại Hà Nội chia sẻ: “Vợ tôi về nhà ông bà nội ở quê sinh con nên tôi chẳng phải lo lắng gì nhiều. Tất tần tật mọi việc đã có cả nhà nội và nhà ngoại lo vì nhà ngoại cũng ở gần đấy. Tôi không biết đến chứng bệnh trầm cảm sau sinh và nghĩ là ai mắc thì mắc chứ vợ tôi thì không. Cô ấy có phải lo gì đâu nhỉ, đẻ con ra có các bà chăm hết cơ mà!”.
Cũng theo đó, anh Tuấn Anh kể rằng công việc ở Hà Nội quá bận nên anh không quan tâm gì nhiều đến vợ ở quê. Mỗi tối đi làm về thì gọi điện hoặc nhắn tin hỏi thăm vợ con một chút rồi đi ngủ thôi. Thậm chí cũng có những ngày chả liên lạc, thấy cuộc gọi nhỡ của vợ nhưng mải làm việc nên anh cũng không gọi lại. Cho đến khi thấy vợ gào khóc trong điện thoại: “Anh vô tâm vừa phải thôi! Em hôm nay vừa đánh con vì cảm thấy quá uất ức đấy!”, anh mới hốt hoảng.
Anh về quê. Nghe vợ thút thít tâm sự về những khó khăn suốt ngày phải nhốt mình trong bốn bức tường, trời nóng chang chang cũng phải nằm trên chõng, bên dưới là hai nồi than đỏ rực để xông, ăn uống cực khổ theo ý các bà, ngoài ra còn bị tắc tia sữa đến phát sốt, phát rét mà rồi vẫn mất sữa… Anh bỗng thấy thương vợ con hơn rất nhiều. Vợ anh lại còn có ý định tự tử mỗi khi gọi điện cả ngày không được cho chồng, vì cứ tưởng tượng ra cảnh anh ở ngoài này trăng hoa với ai đó. Dù thực tế là anh chỉ bận làm việc hoặc bận họp mà thôi.
Nhưng may mắn là vợ anh cũng đã vượt qua được, anh Tuấn Anh chỉ tiếc là đã không biết đến căn bệnh này sớm hơn để cùng vợ sẻ chia.
“Nghe nhiều nên đến khi vợ sinh cũng thấy sợ!”
Đó là trường hợp của anh Lê Hoàng (35 tuổi, sống tại Hà Đông, Hà Nội). Anh chia sẻ: “Tôi biết đến hội chứng trầm cảm sau sinh qua lời kể của nhiều đồng nghiệp, bạn bè. Nhớ nhất là có chị kế toán trưởng chỗ tôi, bình thường vốn rất nhanh nhẹn, linh hoạt và tươi vui. Nhưng sau khi sinh con xong lại kể là có những lần tệ hại đến mức muốn cầm dao đâm vào người ai đó. Tôi nghe mà cũng phát hoảng. Nên đến khi vợ sinh con đầu lòng, tôi cũng cố gắng để ý đến vợ và cẩn trọng hơn trong việc chăm sóc tinh thần cho vợ.”
|
Anh Lê Hoàng |
Vợ sinh, anh Hoàng đã xin nghỉ làm 3 ngày đầu để túc trực với vợ từ bệnh viện cho về đến nhà. Anh cũng nhờ bà ngoại ra ở cùng, mong đỡ đần vợ và để vợ luôn có cảm giác an toàn, vui vẻ nhất.
Anh đọc báo nhiều, cũng biết là “bà đẻ” không cần thiết phải kiêng khem nhiều như ngày xưa nên cũng có trao đổi trực tiếp với bà ngoại về vấn đề này. Rồi những cuối tuần, anh chỉ ở nhà quẩn quanh bên vợ con, không đi hội hè, đàn đúm ở đâu cả.
Có lẽ một phần cũng nhờ những cố gắng quan tâm, săn sóc này mà vợ anh – chị Hà – đã vượt qua giai đoạn sau sinh một cách rất nhẹ nhàng, không có biểu hiện gì của việc bị trầm cảm. Chị Hà cũng luôn cảm thấy may mắn vì nhận được sự đồng hành, thấu hiểu qua mỗi ngày chồng mình. Đến nay, anh Hoàng vẫn luôn để ý và chu đáo như vậy nên gia đình lúc nào cũng rất êm ấm, hạnh phúc.
Từ thơ ơ không biết cho đến nỗ lực hết sức để giúp vợ
Cách đây 2 năm, khi chứng kiến vợ mình có những dấu hiệu tâm lý bất ổn vì bà ngoại bắt kiêng cữ quá khắt khe khi sinh con, con mới sinh được ít ngày đã phải quay trở lại bệnh viện để làm vật lý trị liệu cho đến 3 tháng tuổi…, ba bé June (sống tại TP. HCM) vẫn không nghĩ là vợ mình bị trầm cảm sau sinh. Nghe vợ tâm sự, anh còn gạt phăng đi: “Em cứ làm quá lên thế, vớ vẩn!”. Nhưng khi chứng kiến vợ suốt ngày ôm con ngồi khóc, cứ nghe tiếng con khóc là cũng lại khóc theo, nhiều lúc còn giơ tay lên như muốn đánh con… anh mới dần thay đổi.
|
Ba bé June |
Ba June bắt đầu để ý hơn đến việc cùng vợ chăm con. Hai vợ chồng thay phiên nhau thức đêm trông con, ban ngày thì phụ vợ giặt đồ, rửa bát, nấu ăn… Mặc những lời đàm tiếu bên ngoài bảo vợ lười này nọ, ba June cũng không ngần ngại. Anh còn động viên vợ rằng: “Người ta nói thì kệ người ta, có anh và con ở đây rồi, em không phải lo gì nữa!”. Rồi anh càng chăm chỉ hơn, không nề hà bất cứ việc gì, kể cả việc cãi lại bà ngoại để vợ anh được sinh hoạt thoải mái hơn, không kiêng khem nữa.
Cuối cùng, chính ba June đã vực được mẹ June dậy. Không còn những tiếng khóc lóc, la hét nữa. Con cũng thoát khỏi căn bệnh viêm hô hấp và viêm da. Dù mẹ bị mất sữa vì căn bệnh trầm cảm và tắc tia sữa nhưng rồi cũng không còn quá bi quan và trách bản thân quá nhiều.
Bé June bây giờ đã được 2 tuổi và luôn là nguồn vui sống, sợi dây gắn kết trong gia đình nhỏ.
Đôi lời kết
Qua những câu chuyện kể trên mới thấy, phụ nữ sau sinh vô cùng mong manh, yếu đuối và rất cần sự quan tâm từ những người xung quanh, đặc biệt là người chồng. Hãy dẹp ngay suy nghĩ rằng trầm cảm sau sinh chẳng là gì cả, cũng chẳng thể xảy đến với vợ mình hoặc cô ấy đã quá đầy đủ rồi thì chẳng thể mắc phải nữa. Đôi khi chính những suy nghĩ ấy lại là nguyên nhân khiến căn bệnh trở nên trầm trọng hơn, đẩy người phụ nữ vào con đường cùng, bế tắc, không lối thoát và hành động mất kiểm soát.
Nguyễn Linh