Trầm cảm ở trẻ em không hoàn toàn do áp lực học hành

22/03/2019 - 11:00

PNO - Phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Thị Phương Hoa sẽ giúp chúng ta nhìn rõ hơn về căn bệnh trầm cảm ở trẻ dưới góc độ khoa học cũng như trải nghiệm thực tế.

Khoảng 90% trẻ trầm cảm bị rối loạn giấc ngủ, ngủ quá ít hoặc quá nhiều, hay gặp ác mộng. Dễ thấy nữa là trẻ thích sống cô độc, ngại giao tiếp, kém tự tin, hay nghĩ mình vô tích sự... Những biểu hiện này không quá khó để nhận ra, nhưng nếu cha mẹ quá bận rộn với công việc, đến tối lại cắm cúi vào điện thoại, thì không thể nào biết được. Bệnh sẽ trở thành nỗi đau nhiều năm hành hạ đứa trẻ, thậm chí có thể khiến con tìm đến cái chết.

Tram cam o tre em khong hoan toan do ap luc hoc hanh

Phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Thị Phương Hoa sẽ giúp chúng ta nhìn rõ hơn về căn bệnh trầm cảm ở trẻ dưới góc độ khoa học cũng như trải nghiệm thực tế, vì chị là nhà tâm lý giáo dục, từng là giám đốc Trung tâm Ứng dụng và thực nghiệm Tâm lý học - Viện Tâm lý học Việt Nam, lại vừa là mẹ của đứa con bị trầm cảm.

Phóng viên: Mọi người thường nghĩ, trẻ em bị trầm cảm là do áp lực học hành, điều này có đúng không?

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa: Áp lực học hành có thể khiến bệnh trầm cảm nghiêm trọng hơn, nhưng không phải là nguyên nhân chính gây bệnh. Nguyên nhân trầm cảm, theo nhiều nghiên cứu, là do sự thiếu hụt, trục trặc các chất dẫn truyền thần kinh, vì chúng mà các tín hiệu truyền về vỏ não bị mã hóa, rồi giải mã sai lệch. Giống như máy tính bị vi-rút vậy, nó làm sai lạc mọi thông tin. Những “cái sai” này dẫn đến khủng hoảng tâm trí, không do tác động bên ngoài, hoặc “phóng đại” các tác động tiêu cực bên ngoài lên gấp nhiều lần. Như vậy, nguyên nhân từ những trục trặc của não bộ và nó chỉ chực có cơ hội bùng phát, không hẳn chỉ là do áp lực học hành. Nhưng quan sát cho thấy, các em thường phát bệnh trước các kỳ thi hoặc các mốc quan trọng của cuộc sống. Nếu gia đình không quan tâm đúng mức, bệnh sẽ trở nặng và gây khó khăn trong điều trị.

* Vậy làm sao để biết trẻ chỉ bị căng thẳng thông thường hay trẻ bị trầm cảm?

- Đúng là ai cũng bị căng thẳng từ các áp lực tác động bên ngoài, kỳ thi cũng tạo áp lực với trẻ em như vậy. Khi kỳ thi qua đi thì học sinh sẽ hết căng thẳng, vô tư trở lại. Nhưng với trẻ trầm cảm, dù kỳ thi qua đi các em vẫn căng thẳng, lo âu không lý do, đó là khi hệ thần kinh đang “báo lỗi”. Trẻ em trong điều kiện thoải mái, không áp lực mà vẫn cảm thấy khó khăn, ức chế, mệt mỏi, chán nản thì rất cần thăm khám. 

Trở lại với nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Có những trẻ mắc bệnh trầm cảm từ rất bé. Khi người mẹ mang thai mà bị trầm cảm lo âu thì tỷ lệ đứa trẻ sinh ra mắc trầm cảm khá cao. Ngoài ra còn có các nguyên nhân như căng thẳng kéo dài, sang chấn, tổn thương lớn về tinh thần như mất mát người thân, tai nạn, tiếp xúc lâu ngày với một số hóa chất nồng độ cao. Trầm cảm có thể do thói quen nhiễm, chẳng hạn trong gia đình có người bị trầm cảm thì những thói quen, sinh hoạt của người bệnh cũng có thể làm cho người thân trong gia đình bị trầm cảm theo.

Tram cam o tre em khong hoan toan do ap luc hoc hanh
 

* Cha mẹ có thể nhận biết con bị trầm cảm qua những dấu hiệu nào?

- Khoảng 90% trẻ trầm cảm bị rối loạn giấc ngủ, ngủ quá ít hoặc quá nhiều, hay gặp ác mộng. Dễ thấy nữa là trẻ chỉ thích sống trong vỏ ốc của mình, ngại giao tiếp, kém tự tin, hay nghĩ mình vô tích sự. Con tôi  rất nhạy cảm, nên ngưỡng cảm giác trước tác động bên ngoài rất thấp, một tác động rất nhỏ như ánh mắt, lời nói, cử chỉ của người khác cũng khiến con lo âu. Và thường nỗi lo âu đi kèm với sợ hãi, cáu giận, mệt mỏi... Những biểu hiện này không quá khó để nhận ra, nhưng nếu cha mẹ quá bận rộn với công việc, đến tối lại cắm cúi vào chiếc điện thoại, thì không thể nào biết được. Đôi khi, chứng trầm cảm còn không được chẩn đoán đúng bệnh.

* Các bệnh tâm thần nhẹ cũng có những biểu hiện na ná như trầm cảm, có cách nào để phân biệt không?

- Trầm cảm cũng được coi là một trong những bệnh tâm thần được phân loại trong bảng phân loại về bệnh tâm thần của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhưng y học chỉ phân biệt trầm cảm với các bệnh tâm thần khác qua các dấu hiệu bên ngoài chứ các nghiên cứu khoa học vẫn chưa chỉ ra được sự khác nhau trong nguyên nhân gây bệnh. Một cách đơn giản để phân biệt bệnh trầm cảm đơn thuần là không có các hiện tượng hoang tưởng, ảo thanh, ảo giác. Khi phát hiện con mắc các triệu chứng như giam mình trong phòng, ngại giao tiếp, từ chối gặp cha mẹ và em gái, khó ngủ... thì tôi đưa cháu đi khám. Tuy nhiên, vị bác sĩ lâu năm, giàu kinh nghiệm đã không chẩn đoán đúng bệnh và chúng tôi mất một năm điều trị sai, trong khi cơn trầm cảm ngày càng trầm trọng. Một phút trước con đang rất vui vẻ, phút sau đã cảm thấy tuyệt vọng, cáu giận bản thân, không muốn làm gì nữa. Trầm cảm đến theo chu kỳ, thành từng cơn, giống như nhiều cơn đau. Nó xuất hiện, tăng dần, đạt đỉnh điểm, dịu đi rồi biến mất. 

* Vậy cách nào đối phó với từng cơn trầm cảm đó?

- Trước tiên, cần thư giãn và chấp nhận rằng cơn trầm cảm đã đến và chúng ta phải chờ nó đi qua. Thật sai lầm khi nói với người trầm cảm: “Hãy cố gắng suy nghĩ tích cực lên!”. Điều này là bất khả thi. Bệnh nhân trầm cảm không cần những lời khuyên sáo rỗng, hãy ở bên họ, lắng nghe và kiên nhẫn chờ “cơn” đi qua.

Ngoài ra, việc điều trị bằng thuốc là cần thiết, nhưng chắc chắn bệnh nhân không muốn uống thuốc. Con tôi nhiều lần than thở: “Uống thuốc mệt quá, con chẳng nghĩ được gì, chẳng làm được gì, nhưng con không bỏ thuốc vì con muốn khỏi bệnh”. Đó là nỗ lực rất dài, sau nhiều lần con tự quyết định không uống thuốc. Chúng tôi tôn trọng quyết định của con, nhưng đồng thời theo sát, động viên và khuyến khích nỗ lực của con trong việc trị bệnh.

Tram cam o tre em khong hoan toan do ap luc hoc hanh
 

* Cha mẹ sẽ đồng hành cùng con thế nào trong điều trị bệnh?

- Tôi khuyến khích con ghi lại cảm nhận của mình trong cuốn sổ tay để tôi biết cảm nhận của con thế nào. Con tôi gọi tôi là hoạt náo viên còn bố là nhà chiến lược. Trong mắt con, có vẻ như mẹ là người hay bày trò vui nhộn còn bố là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình. Trong khi tôi luôn cố gắng nói chuyện thật nhiều với con thì chồng tôi cũng đủ kiên nhẫn, đủ yêu thương để thức cùng con khi con muốn nói chuyện, hay chơi ván cờ dài đến 5 tiếng với con trai.

Có thể thấy, trẻ trầm cảm cần sự quan tâm của cha mẹ gấp nhiều lần trẻ bình thường. Trẻ một mình rất khó khăn để vùng vẫy và vượt qua những “đợt sóng” của bệnh, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì người bị trầm cảm luôn chán nản, tuyệt vọng, mất hết ý nghĩa trong cuộc sống. Có cha mẹ kể rằng, họ nhận được điện thoại của con lúc 4g sáng, nói rằng: “Con đang ở trên cao và đang muốn nhảy xuống”. Còn tôi thì nhận cuộc điện thoại của con trai nói: “Con không cách nào kiềm chế cơn nóng giận của mình lúc này”...

* Cảm ơn chị về những chia sẻ trên. 

Trẻ trầm cảm có thể đi học bình thường không?

- Khi con mắc bệnh và không thể tiếp tục học, cha mẹ không nên ép con phải học bằng được. Hãy tìm công việc gì đó phù hợp để con có việc làm, giữ các mối quan hệ xã hội, đừng chồng thêm áp lực lên căn bệnh mà con đang phải chống chọi. Con tôi từng trải qua những giai đoạn rất nặng nề, có thời gian bệnh nặng, phải bỏ ngang việc học, bảo lưu kết quả. Đến nay, cháu đã đi học trở lại, thi đậu đại học. Tuy nhiên, dù nhiều năm trôi qua, bệnh vẫn không thể điều trị dứt hẳn.

Trẻ trầm cảm luôn cần có người ngồi bên kiên trì nói chuyện, dù là những chuyện rất nhỏ. Cứ kiên trì gỡ từng chuyện nhỏ, từ từ ý thức cá nhân sẽ tác động chỉnh sửa đến hệ thần kinh. Cha mẹ phải kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn. Vì vậy mà tôi phải tập thiền nhiều năm nay để thuận lợi hơn trong quá trình đồng hành cùng con, và tôi khuyên những cha mẹ có con trầm cảm cũng nên luyện tập bộ môn này.

Xuân Lộc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI