Trầm cảm: Muốn thoát phải làm sao?

23/12/2017 - 14:00

PNO - Thông tin ca sĩ Kim Jong Hyun tự tử vì trầm cảm khiến dư luận chưa hết bàng hoàng thì tiếp đó, người mẫu 19 tuổi Nunnpus Muengma của Thái Lan cũng treo cổ vì căn bệnh này.

Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Phòng khám Tâm lý và Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, trầm cảm đang là vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần mà nhiều người không biết, hoặc không dám công khai mình trầm cảm.

ThS tâm lý trị liệu Võ Thị Minh Huệ - Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng nhấn mạnh: “Tự tử là một cuộc trốn chạy của sự bất lực chứ không phải điều họ muốn. Bản năng sống vẫn luôn thôi thúc họ tự cứu mình. Nhưng không phải lúc nào bản năng sinh tồn cũng thắng”.

Tram cam: Muon thoat phai lam sao?
Bệnh nhân trầm cảm dễ dẫn đến tự tử

Cô đơn, bế tắc dễ dẫn đến trầm cảm

Trước khi tự tử, người mẫu Nunnpus Muengma chia sẻ về cuộc sống bế tắc: "Tôi nghĩ mình cần phải làm điều gì đó. Nhưng hiện giờ tôi không hạnh phúc. Tôi nên làm gì bây giờ?".

Ca sĩ Kim Jong Hyun thì giằng xé trong thư tuyệt mệnh: "Nỗi trầm uất dần dần xâm lấn, gặm nhấm thể xác tôi. Cuối cùng tôi hoàn toàn bị nuốt chửng. Tôi không có cách nào chống cự lại chúng. Tôi hận bản thân mình... Nếu không thể làm bản thân bớt ngộp thở, chi bằng chấm dứt hơi thở sẽ tốt hơn chăng?".

Anh từng tìm đến bác sĩ tâm lý nhưng vẫn không thoát được tình trạng này. Vào diễn đàn “trầm cảm” trên mạng dễ dàng bắt gặp những trăn trở, giằng xé giống như Jong Hyun của các bạn trẻ. Có người không chịu nổi áp lực của công việc, có người bị sốc vì mất người thân, hoặc do hôn nhân không hạnh phúc... và dẫn họ đến trầm cảm.

Điểm chung là các bạn trẻ này đều nhận thức rất rõ tình trạng nghiêm trọng của sức khỏe: khi cô đơn, không tìm thấy niềm vui, sự hứng khởi trong cuộc sống, họ đều nghĩ đến cái chết và xem đó là sự giải thoát.

ThS Võ Thị Minh Huệ chia sẻ: “Nếu chưa từng rơi vào trạng thái tương tự hoặc đã được chẩn đoán trầm cảm, chưa là người trực tiếp trị liệu trầm cảm, bạn sẽ không thể hiểu hết cảm giác bất lực của người mắc chứng bệnh này. Ý thức về những vấn đề mình đang gặp phải nhưng loay hoay với sự giải thoát, họ rơi vào bế tắc, bắt đầu dằn vặt, xấu hổ, tự trừng phạt mình và nghĩ mình đang bị trừng phạt. Họ bất lực khi thấy niềm vui, sự thích thú, khả năng thích nghi của mình ra đi. Cảm giác muốn buông xuôi, muốn trốn chạy tất cả khiến họ ám ảnh với quyết định muốn chết”. 

Trị liệu trầm cảm không dễ dàng

Tram cam: Muon thoat phai lam sao?
 

Nhiều người muốn thoát khỏi trầm cảm đã tìm đến bác sĩ tâm lý, nhưng không ít trường hợp thất bại vì hầu hết bệnh nhân bị trầm cảm nặng mới đến chữa. Nhiều người cho rằng bác sĩ không đồng hành với bệnh nhân, nhưng trị liệu cho người trầm cảm không dễ dàng. Bởi nó phụ thuộc rất lớn vào ý thức, ý chí, nỗ lực của người bệnh muốn thoát khỏi vấn đề này.

Bác sĩ tâm lý chỉ giúp người bệnh nhận diện vấn đề, nguyên nhân và đưa ra các liệu pháp tâm lý trị liệu; thiết lập mối quan hệ trị liệu đúng nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp. Quá trình trị liệu phụ thuộc vào mục tiêu trị liệu đã đề ra, sự quyết tâm và hợp tác của hai bên. Điều quan trọng nữa là trình độ chuyên môn của nhà trị liệu và điều kiện khách quan, chủ quan của người bệnh.

Về góc độ chuyên môn, ThS Võ Thị Minh Huệ lý giải: “Mọi người nhận thức về trầm cảm chưa rõ ràng. Họ để tình trạng kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, tan vỡ các mối quan hệ, thất bại trong công việc rồi mới điều trị, gây khó khăn cho việc trị liệu.

Bên cạnh đó là sự nhầm lẫn giữa khái niệm bệnh trầm cảm với những rối loạn tâm thần khác, khiến nhiều người không dám công nhận mình đang bị trầm cảm và trên hết là ý thức về việc tuân thủ theo kế hoạch, liệu trình trị liệu. Kế hoạch trị liệu thường được thống nhất trong lần gặp đầu tiên giữa nhà trị liệu với thân chủ.

Nhưng những người trầm cảm thường khó khăn trong việc theo sát kế hoạch, họ có thể quên, có thể không vượt qua được cảm xúc muốn buông xuôi, có thể không ưu tiên được cho việc trị liệu. Thường thì qua ba đến bốn phiên trị liệu, họ có cảm giác dễ chịu hơn, đã nhận biết được vấn đề và nguyên nhân trầm cảm, có cảm giác được hỗ trợ. Tuy nhiên, bệnh nhân thường nghĩ rằng tự họ có thể vượt qua được, vì thế dễ tự ý ngưng trị liệu”.

Trầm cảm không trừ một ai

Chị Nguyễn T., 31 tuổi (Q.6, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi từng bị trầm cảm ba năm, trong đó có hai năm sống như một bóng ma - lời em tôi. Nguyên nhân do hôn nhân không hạnh phúc. Tôi nghĩ chồng vô tâm, không quan tâm đến gia đình, bỏ bê vợ con. Tôi buồn rồi bị trầm cảm lúc nào không hay. Tôi nghỉ việc, suốt ngày ru rú trong nhà, không gặp bạn bè, không trò chuyện với ai.

Tram cam: Muon thoat phai lam sao?
 

Sự sống của tôi chỉ còn tồn tại qua việc đưa đón con đi học. Nhiều lần tôi muốn tự tử, nhưng vì con nên không chọn cách này. Đến một ngày, tôi nghĩ mình phải thoát ra, nếu không thì bản thân, con cái và mẹ già đều khổ. Tôi tìm đến bác sĩ tâm lý và được tập thiền.

Song song đó, tôi và chồng nói chuyện nghiêm túc, quyết tâm thay đổi để cho nhau một cơ hội gìn giữ gia đình. Sau bốn tháng trị liệu, tôi nỗ lực rất nhiều để thoát khỏi trầm cảm. Mẹ tôi khuyến khích việc mua bán online và tôi bắt đầu hứng thú với cuộc sống”.

ThS Võ Thị Minh Huệ cảnh báo: “Trầm cảm không trừ ai. Báo động đỏ là thanh thiếu niên đang rơi vào hội chứng trầm cảm rất nhiều. Trên trang tuoidaythi.vn thường đầy ắp tin nhắn kêu cứu. Tiếc là bố mẹ chưa hiểu điều này nên lờ đi, nhào nặn con theo ý mình. Trầm cảm là một hội chứng rối loạn khí sắc có thể chữa trị. Vì thế, đừng sợ khi biết mình hay ai đó rơi vào hội 
chứng này”.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI