PNO - Khi tế bào ung thư phát triển sẽ sinh ra một số chất vào trong máu, làm cho nồng độ các chất đó trong máu tăng cao. Đó là lý do được nhiều cơ sở xét nghiệm đưa ra để quảng cáo dịch vụ phát hiện ung thư sớm chỉ dựa vào một lần xét nghiệm máu. Các bác sĩ cho biết như vậy là không đúng, có thể khiến bệnh nhân mất tiền oan, bỏ sót bệnh.
Theo thống kê của Bộ Y tế trong năm 2023, mỗi năm cả nước có hơn 180.000 ca mắc mới, trên 120.000 người tử vong do ung thư, loại ung thư thường gặp là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày, đại tràng, trực tràng… Vì vậy, việc thăm khám, tầm soát ung thư ngày càng có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, không vì thế mà quá lạm dụng các xét nghiệm, tránh để người bệnh mất tiền oan.
Phòng khám nói ung thư, bệnh viện nói không
Tin vào quảng cáo xét nghiệm máu phát hiện ung thư sớm từ một phòng khám tư, chị N.T.K.D. (38 tuổi, ở quận 8, TPHCM) đã đăng ký gói xét nghiệm 20 loại ung thư cho các thành viên trong gia đình. Chị D. cho biết chị được bạn hàng giới thiệu về dịch vụ trên nên đến phòng khám nhờ tư vấn.
Bảng giá xét nghiệm sàng lọc gen ung thư di truyền của 1 phòng khám
Trong lúc tư vấn, thấy nhân viên phòng khám khá am hiểu về các loại bệnh ung thư nên chị yên tâm. Bên cạnh đó, giá xét nghiệm chỉ 270.000 đồng/người cũng không quá mắc. Nếu đăng ký làm xét nghiệm cho 4 người, nhân viên phòng khám sẽ tới tận nhà lấy máu, không phải đi lại, chờ đợi mệt mỏi. Chị đã quyết định xét nghiệm và được lấy máu, hẹn ngày trả kết quả. “Chỉ 3 ngày sau thì kết quả xét nghiệm đã có. Lúc tôi lên xem kết quả, bác sĩ ở phòng khám nói tôi và 2 con có chỉ số khá đẹp, nhưng nghi ngờ chồng tôi bị ung thư phổi vì định lượng Cyfra 21-1 cao. Phòng khám tư vấn tôi nên đưa chồng đến làm tầm soát ung thư trọn gói, giá hơn 10 triệu đồng. Sau khi tôi nói với chồng, anh cho rằng bản thân khỏe mạnh vì vừa khám tổng quát tại cơ quan xong. Nhưng tôi thì sợ lắm, khuyên thế nào anh cũng không đi khám lại” - chị D. kể. Chị cho rằng sức khỏe mới là quan trọng, tiền làm ra dù nhiều bao nhiêu cũng sẽ hết. Chồng chị không muốn đi bệnh viện vì sợ chờ đợi lâu nên chị đã đặt cọc gói khám ung thư (phổi, gan, tuyến giáp…) giá 16 triệu đồng và đang dùng chiêu “chiến tranh lạnh” để ép chồng phải đi tầm soát ung thư.
Mỗi năm, ông P.V.K. (65 tuổi, ở tỉnh Long An) đều được con gái đưa đi tầm soát sức khỏe 2 lần (6 tháng/lần). Kết quả cho thấy ông K. khỏe mạnh, chỉ cần theo dõi tăng huyết áp, tiểu đường. Tuy nhiên, trong một lần dùng điện thoại lướt mạng xã hội, ông K. xem được các quảng cáo tầm soát ung thư như: “công nghệ hiện đại nhập từ các nước tiên tiến”, “kết quả chính xác 100%”, “chỉ làm xét nghiệm máu có thể tầm soát dấu ấn ung thư hay không”… Ông liền tìm đến một phòng khám ở quận 1, TPHCM để đăng ký làm xét nghiệm. Được tư vấn máy xét nghiệm nhập về từ Singapore, kiểm tra máy thấy… toàn tiếng Anh, ông K. cảm thấy tin tưởng cơ sở này có thể tầm soát ung thư bằng xét nghiệm cho mình.
Ông kể: “Tôi đăng ký gói xét nghiệm 12,4 triệu đồng để tầm soát ung thư phổi, gan, tiền liệt tuyến, tuyến tụy, tuyến giáp, bao tử… Xét nghiệm và đợi hơn 2 tiếng đồng hồ thì có kết quả. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị ung thư tuyến tụy vì chỉ số CA19-9 cao. Tôi rất sợ hãi”.
Trở về nhà, ông K. không nói lại cho vợ con, mà luôn nghĩ bản thân còn rất ít thời gian sống nên không còn vui vẻ như trước nữa. Thấy ông ăn, ngủ không yên, hay cáu gắt và liên tục nói về cái chết, con gái ông bèn an ủi và được ông tâm sự rằng mình đã bị ung thư. Ngay lập tức, chị đưa cha vào Bệnh viện Ung Bướu TPHCM thăm khám mới biết ông K. không có dấu hiệu, hay biểu hiện của bệnh ung thư tụy như phòng khám kết luận. Tuy nhiên, phải qua nhiều xét nghiệm, tầm soát và được tư vấn tâm lý, ông K. mới tin bản thân không mắc bệnh.
Xét nghiệm máu thôi là chưa đủ
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Đức Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM - cho biết: thời gian qua bệnh viện thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân đến tầm soát vì nhận được kết quả xét nghiệm máu nghi ngờ mắc ung thư. Hầu hết bệnh nhân trong trạng thái hoang mang, sợ sệt, lo lắng không thiết ăn uống vì nghĩ bản thân bị ung thư.
Bác sĩ đang chuẩn bị chụp MRI cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cơ sở 2. Ngoài xét nghiệm máu muốn chẩn đoán ung thư cần phải trải qua khám lâm sàng, chụp chiếu…
Sau khi được bác sĩ trấn an, người bệnh mới cho biết có đi làm xét nghiệm máu dịch vụ, kết quả ở cơ sở xét nghiệm nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư bởi có 1 hoặc 2 chỉ số về máu cao. Mặc dù bác sĩ cho biết các chỉ số đó không phải ung thư, bệnh nhân vẫn một mực muốn làm lại các xét nghiệm chẩn đoán mới an tâm ra về.
Theo bác sĩ Võ Đức Hiếu, chỉ xét nghiệm máu để phát hiện sớm, sàng lọc ung thư là không chính xác. Xét nghiệm máu chỉ để phát hiện chất chỉ điểm ung thư, hoặc dấu ấn ung thư. Bởi vì, trường hợp người bệnh bị viêm nhiễm thông thường, hay mắc một số bệnh khác, thì các chỉ số này vẫn có thể tăng. Trong y khoa, vai trò của chất chỉ điểm khối u là theo dõi sát các dấu hiệu liên quan của người bệnh, hoặc đánh giá, theo dõi kết quả điều trị, không dùng xét nghiệm máu để sàng lọc, chẩn đoán mắc ung thư được.
Ví dụ nếu bệnh nhân có chỉ số CEA, CA15-3, CA125… cao, nhiều người nghĩ ngay đến ung thư đại trực tràng, tụy, vú, dạ dày, phổi, buồng trứng… Thế nhưng, những chỉ số trên phần lớn là không đặc hiệu, nên dù có tăng cũng không đồng nghĩa là người bệnh chắc chắn bị ung thư, bởi có rất nhiều loại bệnh lý làm tăng chỉ số này.
Bác sĩ Võ Đức Hiếu nhấn mạnh: “Như vậy, xét nghiệm máu tìm các chất chỉ điểm khối u, ung thư là các xét nghiệm chỉ mang tính tham khảo. Nhiều người từ các chỉ số này cứ bất an, sợ hãi dễ rơi vào rối loạn lo âu, hay tiếp tục loay hoay thực hiện thêm các gói tầm soát khác. Chưa kể, mỗi loại ung thư có phương pháp sàng lọc hoặc chỉ định riêng như khám lâm sàng, nội soi, siêu âm và thực hiện các xét nghiệm khác mới đủ tiêu chí chẩn đoán có mắc bệnh hay không. Các phương pháp này còn có sự khác biệt khi thực hiện trên nam và nữ, hay một số loại bệnh ung thư không có biểu hiện bất thường trên các phương tiện chẩn đoán khi ở giai đoạn sớm. Lúc này, tầm soát toàn thân, xét nghiệm tràn lan làm chúng ta mất tiền oan mà vẫn có nguy cơ bỏ sót bệnh”.
Không nên quá tin tưởng vào các quảng cáo trên mạng
Bác sĩ Võ Đức Hiếu cho biết, nguy hiểm hơn, một số bệnh ung thư như dạ dày, đại tràng khi xét nghiệm máu thì các chất chỉ điểm không tăng quá nhiều. Điều này có thể dẫn đến tình trạng “an tâm giả” khi người bệnh nghĩ sức khỏe của mình bình thường, dễ dàng bỏ qua các tầm soát đáng lẽ phải thực hiện như xét nghiệm phân, nội soi để tìm bệnh, dẫn đến người bệnh bị phát hiện muộn, vô tình bỏ qua cơ hội điều trị.
Đặc biệt, sàng lọc ung thư thường có sai số nhất định, có thể do bác sĩ thăm khám và tư vấn bệnh không tốt, không thông hiểu về sàng lọc ung thư. Mặt khác, sai sót từ máy móc, thiết bị kỹ thuật cũng có thể gây ra kết quả đáng tiếc.
Do đó, mọi người không nên quá tin tưởng vào các xét nghiệm được quảng cáo trên mạng mà cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín, bác sĩ đúng chuyên ngành, điều trị nếu mắc bệnh và dự phòng bệnh. Nhất là người có tiền sử gia đình có thành viên từng bị ung thư, nói rõ ràng triệu chứng (nếu có) với bác sĩ trong quá trình thăm khám, từ đó bác sĩ có cái nhìn bao quát, cẩn trọng và đưa ra các chỉ định xét nghiệm phù hợp.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.