Trầm cảm khi biết bị tiểu đường

28/03/2021 - 13:45

PNO - Giáo sư Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam - thông tin số lượng bệnh nhân bị tiểu đường trong cả nước hiện khoảng 3,5 triệu người, tăng gấp đôi sau 25 năm.

 

Bệnh nhân tiểu đường được đưa vào phòng phẫu thuật chân
Bệnh nhân tiểu đường được đưa vào phòng phẫu thuật chân

Đáng tiếc, chỉ có 31%  bệnh nhân được chẩn đoán, số còn lại mang bệnh nhưng không phát hiện ra. Dự tính đến năm 2045, số người tiểu đường ở Việt Nam tăng gần 80%, lên 6,3 triệu ca.

Trẻ, già đều suy sụp khi mắc bệnh tiểu đường

Mở đầu câu chuyện về những bệnh nhân mắc tiểu đường khi còn quá trẻ, bác sĩ Huỳnh Thị Kim Hoan - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Quận 11, TP.HCM - chia sẻ: “Người mắc bệnh tiểu đường ngày càng nhiều. Đáng buồn, phần lớn bệnh nhân không biết mình đang mắc bệnh cho tới khi bị biến chứng nặng. Khi chưa được trang bị kiến thức về căn bệnh này, người bệnh dễ hoang mang và suy sụp tinh thần”.

Bệnh nhân Ngô Hoàng M. (35 tuổi) cho biết anh mắc tiểu đường được hai năm, tình cờ phát hiện ra bệnh khi đi khám suy nhược cơ thể. Anh kể: “Cách đây hai năm, tôi bắt đầu mệt mỏi, xanh xao. Trước đây, tôi có thể ăn một tô hủ tíu đầy, nhưng khi đó chỉ ăn được nửa tô. Tôi nghĩ chắc cơ thể suy nhược do làm việc quá sức. Đồng nghiệp khuyên tôi đi thử máu kiểm tra đường huyết.

Kết quả cho thấy tôi bị rối loạn đường huyết kéo dài dẫn đến tiểu đường. Lúc đó, tôi suy sụp, không hiểu sao mình còn quá trẻ đã mắc bệnh này. Nghĩ đến những biến chứng suy thận, cắt cụt tay chân… tôi rùng mình. Tôi cứ mang ý nghĩ mình bị bệnh nan y, không thể sống được lâu nữa. Những ngày tháng sau đó, tôi thường lo lắng, hay ngồi một mình và rơi vào trầm cảm”.

Ngay cả những bệnh nhân lớn tuổi khi nghe thông báo bị tiểu đường cũng sốc, hoang mang, nghĩ rằng không sống được lâu và phải tốn nhiều tiền để điều trị, nhất là khi tiểu đường để lại di chứng.

Ông Tô Thành H. (64 tuổi, quê Sóc Trăng) nhớ lại: “Có lần, tôi đột ngột sốt cao, dù có uống thuốc hạ sốt nhưng không khỏi. Khi nghe bác sĩ thông báo tôi bị tiểu đường type 2, tôi muốn ngã ngửa. Hơn hai tháng đầu mắc bệnh, ngày nào tôi cũng buồn, chẳng muốn nói chuyện với ai; ăn uống cũng chẳng thấy ngon, sụt ký trầm trọng”. Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ cho biết do ông H. là người miền Tây, có thói quen ăn ngọt, cộng thêm ông làm công việc bảo vệ nên giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn, dẫn đến rối loạn đường huyết kéo dài.

Chế độ ăn uống và lối sống thiếu khoa học là nguyên nhân hàng đầu gây tiểu đường ở người trẻ
Chế độ ăn uống và lối sống thiếu khoa học là nguyên nhân hàng đầu gây tiểu đường ở người trẻ

Tại sao dễ bị tiểu đường?

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Kim Hoan, đường huyết là chỉ số phản ánh lượng đường glucose trong máu đang ở mức độ nào. Chỉ số đường huyết ở người bình thường  từ 70 - 100 mg/dL, lượng đường huyết vượt quá con số trên thì gọi là tăng đường huyết; thấp hơn thì gọi là tụt đường huyết. Nếu tình trạng đường huyết cao xảy ra ở một số thời điểm nhất định thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu lượng đường huyết cao kéo dài mà cơ thể không tự điều chỉnh lại được thì đó là tình trạng bệnh lý.
Tiểu đường được chia ra nhiều type tùy nguyên nhân gây bệnh. Tiểu đường type 1 thường liên quan nhiều đến yếu tố di truyền, yếu tố gen. Tuy nhiên, thường gặp nhất là tiểu đường type 2 và tiểu đường thai kỳ, chủ yếu liên quan tới chế độ ăn uống, sinh hoạt giờ giấc không hợp lý.

Bệnh tiểu đường type 2 thường gặp nhiều ở người lớn tuổi nhưng nếu ăn uống quá nhiều đồ ngọt, các thực phẩm công nghiệp chứa nhiều đường, sinh hoạt không điều độ thì bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi. Số bệnh nhân tiểu đường trẻ tuổi hiện nay ngày càng nhiều do thức ăn công nghiệp lên ngôi, kéo theo căn bệnh béo phì ở thanh niên và trẻ nhỏ. Bác sĩ Kim Hoan chia sẻ: “Phần lớn bệnh nhân bị rối loạn đường huyết khi phát hiện thì đã chuyển thành bệnh lý tiểu đường”.

Thực tế, hiện nhiều người Việt Nam đang sống chung với bệnh tiểu đường mà không hay biết. Khi phát hiện bệnh đã xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng. Giáo sư Trần Hữu Dàng dẫn chứng: “55% bệnh nhân tiểu đường ở Việt Nam có biến chứng, chủ yếu là nhồi máu cơ tim, mù mắt, suy thận, hoại tử chân và ảnh hưởng đến thần kinh… Chưa kể, hơn 50% bệnh nhân tiểu đường type 2 gặp phải triệu chứng hạ đường huyết trong quá trình điều trị, đe dọa tử vong”.

Dù tiểu đường là căn bệnh phổ biến trên toàn cầu nhưng hiện chưa phương pháp nào điều trị khỏi hẳn. Bác sĩ CK2 Phan Nhật Khánh - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM - cảnh tỉnh: “Tiểu đường là bệnh mạn tính, điều trị lâu dài. Bên cạnh đó, bệnh nhân thường có nhiều bệnh khác đi kèm, gây khó khăn cho việc theo dõi và điều trị. Việc dùng thuốc điều trị tiểu đường cần mức độ tuân thủ rất cao, đúng giờ, đúng liều, đều đặn. Ngoài ra, điều trị tiểu đường là điều trị toàn diện, không chỉ dùng thuốc, người bệnh còn cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp”.

Một số bệnh nhân điều trị tại nhà, do hiểu biết chưa sâu về bệnh tiểu đường dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như phải cắt bỏ chân, thậm chí tử vong do biến chứng tiểu đường.

Ngừa tiểu đường cách nào?

Bác sĩ Kim Hoan kể: “Có một bệnh nhân sau khi phát hiện mình bị tiểu đường đã sốc nặng, khóc rất nhiều. Khi được tư vấn kỹ về hướng điều trị, giải thích kỹ về bệnh tình cũng như cách làm chậm diễn tiến dẫn tới các biến chứng của bệnh, bệnh nhân bình tĩnh hơn, tuân thủ nghiêm ngặt, lạc quan hơn nên quá trình điều trị khả quan hơn”.

Cách tốt nhất là đừng để mắc bệnh tiểu đường. Để phòng bệnh, người dân cần xây dựng lối sống lành mạnh từ sớm. Thường xuyên rèn luyện thân thể bằng các môn thể dục thể thao, ngủ nghỉ đúng giờ. Nên đi ngủ trước 23 giờ và ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Ăn đủ ba bữa mỗi ngày. Nên ăn nhiều rau xanh, cá, trứng, sữa,  ít gia vị, giảm bớt lượng tinh bột và đường trong khẩu phần ăn.

Ăn ít đồ ngọt, đặc biệt là các loại thực phẩm đóng gói có đường hóa học và thức ăn nhanh. Tránh lạm dụng đồ uống có gas, có đường. Thay vào đó, nên uống từ 1,2 đến 2,4 lít nước mỗi ngày. Biết kiểm soát cân nặng của bản thân. Phải đi khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 1 lần/năm, nhất là những người béo phì (chỉ số khối cơ thể trên 25), vòng eo to (nam trên 90cm, nữ bằng hoặc trên 80cm), người tăng huyết áp, rối loạn lipid…

Bệnh nhân tiểu đường cần nghiêm chỉnh thực hiện chế độ ăn kiêng cho người tiểu đường. Hạn chế thấp nhất lượng tinh bột, là các loại thực phẩm làm từ gạo, bột mì, bột sắn, bột ngô, khoai… các loại hạt có chứa tinh bột. Không sử dụng đường khi chế biến thức ăn, pha nước uống… Không sử dụng thức ăn công nghiệp đóng gói có chứa đường.

Ăn nhiều rau xanh, trái cây ít đường, cá, thịt. Nên tập thể dục mỗi ngày và uống thuốc điều độ theo lời bác sĩ dặn. Không tùy tiện sử dụng các loại thực phẩm chức năng ngoài danh mục thuốc được bác sĩ kê đơn. Không sử dụng các bài thuốc chữa tiểu đường lưu truyền trên các trang mạng xã hội không uy tín. Đặc biệt, bệnh nhân tiểu đường phải khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để được kiểm tra đường huyết và phòng các biến chứng nguy hiểm từ bệnh.

“Chữa bệnh không bằng phòng bệnh, mọi người nên tự xây dựng cho mình chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để không chỉ phòng được bệnh tiểu đường mà còn ngừa được rất nhiều căn bệnh về nội tiết”, bác sĩ Kim Hoan cảnh báo. 

Bác sĩ CK2 Phan Nhật Khánh - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM chia sẻ: 4 triệu chứng kinh điển của bệnh tiểu đường là ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều. Tuy nhiên, những triệu chứng ban đầu mơ hồ, không rõ ràng, giống như cơ thể bị suy nhược, cảm sốt.

Ngoài ra, triệu chứng mệt mỏi và ngủ mê của bệnh tiểu đường type 2 có thể bị nhầm lẫn là một phần của quá trình lão hóa thông thường ở người lớn tuổi. Do đó, khi người già mắc bệnh tiểu đường thì các triệu chứng này có thể khó nhận biết hơn so với người trẻ. 

Đinh Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI