Bỗng dưng biến thành con người khác
Hiện tại, ở tuổi 37, anh Thanh Điền về nhà ở với cha mẹ nhưng không chịu tiếp xúc với ai ngoài người nhà và có phản ứng bất thường mỗi khi có bạn bè, hàng xóm đến nhà chơi, hỏi đến chuyện công ăn việc làm.
Người thân của anh kể, trước đây, anh rất lanh lợi, hoạt bát, là trưởng phòng trong một công ty nước ngoài ở tỉnh Bình Dương. Đầu năm 2023, công ty của anh bắt đầu cắt giảm lao động và đến giữa năm thì cho nhiều nhân sự cấp cao nghỉ việc, trong đó có anh. Bấy giờ, vợ anh ở quê sinh con nhỏ nên không biết tình trạng việc làm của chồng mình. Những tháng đầu, anh Thanh Điền vẫn gửi tiền về cho gia đình và giấu chuyện bị mất việc. Khi không còn tiền để gửi, anh mới nói thật chuyện làm ăn với vợ. Về nhà từ tết đến nay, tâm lý của anh vẫn bất ổn. Vợ anh buồn rầu cho biết, gia đình rất muốn đưa anh đi điều trị bệnh trầm cảm nhưng anh không chịu hợp tác.
|
Tiến sĩ Lê Minh Công tư vấn tâm lý trong một chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần vào năm 2023 - Ảnh: N.L. |
35 tuổi, anh V.Tùng (quận Phú Nhuận, TPHCM) đã làm giám đốc kinh doanh cho một công ty hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, thu nhập 50 triệu đồng/tháng. Khoảng 1 năm qua, việc kinh doanh của công ty khó khăn, doanh số bán hàng giảm mạnh khiến anh bị khiển trách, trừ lương. Anh căng thẳng tột độ, không thể tập trung làm việc, phải xin tạm nghỉ việc không hưởng lương 3 tháng để ổn định lại tinh thần. Sau 3 tháng, anh vẫn không thấy khá lên. Phòng nhân sự của công ty mời anh trao đổi, gợi ý chuyển anh qua vị trí khác. Thấy vị trí mới không đúng với chuyên môn, sở trường của mình, anh từ chối và bị công ty cho thôi việc.
Kể từ khi mất việc, anh cảm thấy bế tắc, tự ti, nghĩ rằng mình vô dụng. Không còn thu nhập mang về nuôi gia đình, anh thấy vai trò trụ cột của mình cũng lu mờ. Anh đã thử ứng tuyển vào vị trí giám đốc ở nhiều công ty khác nhưng không được nhận. Lo nghĩ nhiều khiến anh mệt mỏi, bơ phờ. Chỉ sau 1 tháng bị mất việc, anh sụt 4kg. Anh không giao tiếp với ai, chỉ ở trong phòng, có suy nghĩ đi tìm cái chết. Thấy tình trạng của anh nghiêm trọng, gia đình đã khuyên bảo và đưa anh tới bệnh viện khám.
Giảm bớt nhu cầu, tạm chấp nhận thực tại
Theo tiến sĩ Đinh Phương Duy - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý, giáo dục TPHCM - xét trên phương diện xã hội, mất việc dẫn đến trầm cảm là tình trạng có thật. Nỗi lo của những người thất nghiệp rất lớn bởi khi mất việc, giá trị cuộc sống của họ bị ảnh hưởng; nếu tình trạng này kéo dài, tâm trạng lo lắng sẽ tăng lên, dẫn đến trầm cảm.
|
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn (phải) - Trưởng đơn vị Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - tư vấn cho một bệnh nhân bị trầm cảm do mất việc làm - Ảnh: Trí Nguyễn |
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng đơn vị Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, thời gian gần đây, đơn vị này thường xuyên tiếp nhận và điều trị các ca trầm cảm do bị mất việc làm, đa số bệnh nhân có trình độ học vấn và chuyên môn cao, từng có thu nhập rất tốt. Theo ông, trầm cảm do 1 trong 2 nhóm nguyên nhân gây ra, gồm yếu tố di truyền và stress quá mức. Nếu do yếu tố di truyền thì không chữa khỏi được mà chỉ can thiệp để giảm bớt triệu chứng bệnh, còn do stress quá mức thì có thể chữa được. Bệnh trầm cảm do nhiều yếu tố kết hợp gây ra và sự cố mất việc làm chỉ mang tính thúc đẩy, kiểu như giọt nước tràn ly.
Ông cho hay, theo tiêu chuẩn xác định bệnh trầm cảm của thế giới, nếu ai đó có 1 trong 2 triệu chứng chính và 4 triệu chứng phụ kéo dài trên 2 tuần thì được chẩn đoán là mắc bệnh trầm cảm. Triệu chứng chính là tâm trạng trầm buồn, u uất chiếm tới 70% thời gian trong ngày và bệnh nhân không muốn làm bất cứ điều gì. Các triệu chứng phụ gồm ăn uống kém, rối loạn giấc ngủ, không muốn giao tiếp, chán những sở thích thường ngày, không mặn mà mọi thứ kể cả quan hệ tình dục, tự ti, bế tắc, suy nghĩ chậm chạp, muốn chết. Bệnh nhân không thể tự vượt qua được bệnh trầm cảm. Họ suy nghĩ vô cùng tiêu cực, tự dưng muốn kết liễu cuộc đời mà không biết chính xác lý do.
|
Cú sốc mất việc làm đang khiến nhiều người bị trầm cảm. Trong ảnh: Người mất việc đang tìm cơ hội việc làm tại một sàn giao dịch việc làm ở quận 6 vào cuối năm 2023 - Ảnh Thiên Ân |
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, có thể phòng tránh được bệnh trầm cảm do stress bằng cách kiểm soát stress. Muốn giải quyết stress tốt nhất, phải đối diện với nó. Đầu tiên, hãy lượng giá xem điều gì ảnh hưởng ít nhất và nhiều nhất đến cuộc sống của mình. Sau đó, lựa chọn xem vấn đề nào dễ giải quyết nhất rồi ưu tiên xử lý trước, tiếp đến là đánh giá lại xem việc xử trí như vậy đã phù hợp hay chưa. Có 8 yếu tố cơ bản tạo nên bánh xe cuộc đời với những nhu cầu và niềm hạnh phúc khác nhau: sức khỏe, sự nghiệp, tài chính, gia đình, các mối quan hệ, cảm xúc, phát triển bản thân, giải trí. Căng thẳng diễn ra khi ta bị mất cân bằng giữa nhu cầu và mức độ thỏa mãn. Ta chỉ có thể kiểm soát căng thẳng bằng cách giảm bớt nhu cầu của mình và tạm chấp nhận thực tại. Cân bằng lại cuộc sống là mấu chốt tháo gỡ nút thắt tâm lý của các bệnh nhân trầm cảm do mất việc.
Ngày 26/12/2023, trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 (diễn ra sáng 26/12/2023), đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến hết tháng 11/2023, cả nước có khoảng 955.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022. |
Gia đình, cộng đồng nên hỗ trợ người mất việc Ông Đinh Phương Duy cho rằng, gia đình và cộng đồng cần phải hỗ trợ những người mất việc, giúp họ vượt qua áp lực. Khi nhận thấy cá nhân có vấn đề về sức khỏe tinh thần, cần sớm đưa họ đến các trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý để chẩn đoán, tìm kiếm phương pháp điều trị hoặc có thể liên lạc với những tổ chức xã hội, nghề nghiệp để tìm kiếm sự giúp đỡ. Gia đình tuyệt đối không nên tự ý cho cá nhân dùng thuốc khi chưa có chẩn đoán rõ ràng bởi điều này ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe, nhất là sức khỏe tâm thần của họ. Họ cần sự can thiệp của những người có chuyên môn để giảm bớt căng thẳng, để chữa lành tâm lý. |
Nhóm phóng viên