Trầm cảm – ác mộng kinh hoàng của phụ nữ sau sinh

17/04/2016 - 12:38

PNO - Họ cần biết bao sự quan tâm, yêu thương và cảm kích từ chồng, gia đình... để không khiến họ mặc cảm với bản thân, khiến họ lo lắng, vẩn vơ.

Chị họ tôi từng là một cô gái nhí nhảnh, lí lắc và vui tươi. Nên tất thảy mọi người chẳng bao giờ có thể ngờ được, đến một ngày lại phải vào viện thăm chị, vì chị cố tình lấy cái dao gọt hoa quả cứa vào tay. Đó là khi chị tôi vừa sinh con xong được hai tuần.

Tôi gặp chị, khi chị đã dần bình tĩnh hơn sau cơn khủng hoảng. Nghe bác sỹ nói mọi chuyện ổn rồi, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm, nhưng cảm thấy tim mình thật sự nhói đau khi nhìn băng gạc trắng xóa nơi tay chị. Chị rớt nước mắt, bảo cũng không hiểu tại sao mình lại có thể làm thế nữa. Nhưng rõ ràng khi đó, chị chỉ muốn chết mà thôi.

Chồng ơ hờ không quan tâm, gọi điện thì chỉ là những tiếc tút dài hoặc nhận lại câu gắt gỏng: “Gọi gì mà nhiều thế? Rảnh vừa thôi!”. Lại phải đối mặt với sự khó chịu của bà nội, những chuyện cỏn con trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu khiến nỗi buồn trong chị cứ trải dài ra đến vô hạn. Đứa con bé bỏng mới sinh ra lại chỉ biết say giấc nồng, ngủ đến tận 20 tiếng một ngày, khiến chị chẳng biết làm gì nữa.

Tram cam – ac mong kinh hoang cua phu nu sau sinh

Chị không có bạn bè tâm sự, không biết nói chuyện cùng ai trong bốn bức tường lúc nào cũng đóng kín vì sợ gió lùa vào ảnh hưởng đến con. Chị không biết làm gì, ngoài nằm dài với những suy nghĩ tiêu cực, nước mắt chảy dài ướt gối. Rồi trong một phút điên rồ không làm chủ được bản thân, chị bỗng muốn được giải thoát…

Tôi buồn vì chuyện chị họ mình chưa xong, thì lên công ty lại nghe mọi người kháo nhau về một cô đồng nghiệp của chúng tôi, cũng vừa có ý tìm đến cái chết, ngay sau khi sinh em bé xong mới được hơn 1 tháng. Nghe đâu, cô sinh ra không có sữa cho con ti, nên cảm thấy rất bất lực, cảm giác mình không làm được gì cho con. Người nhà cố gắng mua máy hút sữa đắt tiền về để kích sữa nhưng vô dụng, uống mấy chục lít nước chè vằng lợi sữa, ăn đủ thể loại món này món kia đến béo phì mà cũng không ăn thua… bé con cứ ngậm ti mẹ được một chút là lại nhả ra vì chẳng tìm nổi một giọt sữa nào.

Cô đồng nghiệp của tôi hoang mang đến cực độ, bởi trước đấy cô đã chuẩn bị sẵn tinh thần là sẽ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ cho đến 2 tuổi mới thôi. Cô khóc lóc mỗi lần nhìn con khóc ngất vì đói mà mình không thể cho con ti. Cô lại không muốn cho con uống sữa công thức nhiều, nên mỗi lần chỉ cho con bú được một chút, nên bé con cứ ngủ được chút là lại thức giấc khóc đòi sữa. Người ngoài chắc sẽ chẳng thể hiểu được tại sao cô lại có thể quyết liệt đến như thế, nhưng có lẽ những ai làm mẹ rồi thì sẽ dễ bề thông cảm hơn.

Tram cam – ac mong kinh hoang cua phu nu sau sinh

Cũng như những ai làm vợ rồi mới hiểu, trong lúc sau sinh sẽ cần tình cảm của người chồng đến thế nào. Như cô đồng nghiệp mong manh của tôi, còn phải đối mặt với sự xa cách từ người chồng, đêm đêm ôm điện thoại gặng hỏi anh đang làm gì, ở đâu, với ai. Cũng tại bởi từng bị phản bội một lần, nên nỗi đau xưa kia lại tìm đến ngay lúc yếu đuối như khi này để quật ngã cô. Cô nghi ngờ chồng, và không ngừng suy diễn rằng anh ta đang tìm đến người tình cũ để thỏa mãn những phút vắng vợ. Cô tự tưởng tượng ra và cô ghen, điên cuồng đến mức ôm đầu mình không thể chịu nổi.

Để rồi những suy nghĩ không hay, những cảnh tượng đau lòng khủng khiếp và cơn khát sữa của đứa con đang đỏ hỏn bế trên tay cùng lúc ập đến, bủa vây, giằng xé khiến cô quyết định tìm đến lọ thuốc ngủ chẳng biết đã được giấu trong hộc tủ từ lúc nào. Nhưng may thay, bà ngoại kịp phát hiện ra và đưa cô đến bệnh viện. Đến lúc này, khi bác sỹ nói cô bị trầm cảm sau sinh, người nhà vẫn không thể tin được hay hiểu được nguyên do vì sao.

Những người phụ nữ sau sinh thường ở trong một căn phòng đóng kín, sự giao tiếp gần như bị giới hạn và thường phải đối mặt với rất nhiều những suy nghĩ, tưởng tượng tiêu cực dù không có thật. Hơn ai hết, họ khát khao sự yêu thương, sự quan tâm, nhưng những người bên cạnh đôi khi chẳng đủ tận tâm hoặc đủ thấu hiểu để biết được. Sự chăm sóc họ nhận được có thể chỉ đến từ những bữa ăn, giấc ngủ và những việc vặt xung quanh… mà không bao giờ nhận được ở phần tinh thần.

Biết đâu rằng, những người phụ nữ sau sinh yếu đuối đến vô ngần. Nên họ cần biết bao sự quan tâm, yêu thương và cảm kích từ người chồng, từ gia đình để không khiến họ mặc cảm với bản thân, khiến họ lo lắng, suy nghĩ linh tinh… cần đến mức chỉ lơ là một chút thôi là chúng ta đã có thể mất họ.

Linh Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI