Sài Gòn những ngày nắng quái, một trận mưa lớn cũng chỉ như chỗ nước thừa ở tách trà cặn. Một ngụm nước không đủ giải nhiệt cho cơn sốt đang ninh nhừ cả thành phố.
Giữa cơn nắng xế, Yên không thấy, hay chừng như cô không thể thấy bởi cơn hoa mắt đã giăng phủ ngang mày. Những cú rồ ga hết cỡ, những tiếng rủa xả đầy bực dọc trộn lẫn trong tiếng động cơ rì rầm.
Ngày nào mà không có vài ba đám kẹt xe. Không ngã tư này thì cũng ở bùng binh khác, không ngã ba thì cũng ngã năm, ngã bảy nào đó trong cái thành phố mà đường sá giờ đã chằng chịt như đám rễ cây. Đám rễ cây cứ bò lan ngổn ngang, chất chồng lên nhau mà cũng không sao giải quyết hết đám xe cộ lộn xộn, nháo nhào, quýnh quáng hàng giờ.
Chồng Yên cũng hằng ngày bò lên những rễ cây đó, đều đặn, kiên trì, dù hầu như ngày nào anh cũng phải phụt ra vài từ tiếng Việt mặn như muối. Đều đặn đến mức, chỉ một ngày anh không dùng tới nó, là Yên như kẻ dở hơi, ngơ ngơ ngẩn ngẩn tự hỏi hay chồng mình đang mắc phải chuyện gì? Có chuyện gì trầm trọng hơn khiến anh tắt ngúm luôn cơn bốc hỏa thường tình?
Cháy rồi. Lửa đã cháy trong trái tim của thế giới. Một phần di sản của hơn tám trăm năm đã hóa thành tro bụi. Cửa sổ hoa hồng và trái tim của chúng mình đã ở đó, Yên ơi!(*)
Messenger nhấp nháy tin nhắn của Kỳ. Kỳ đã vẫy tay liên tục nhưng Yên không đáp lại những cú vẫy hối hả đó.
Đất trời bỗng dưng đổ sầm trước mắt Yên. Cô có cảm giác mình đang là tâm của quả bông vụ, xoay tròn đều tít tắp. Đất dưới chân thụt hẳn một cái lỗ thật sâu nhưng nó không nhấn chìm cô xuống được mà chỉ quăng quật cô xuống mặt đường. Trước khi chìm hẳn vào cơn chếnh choáng, Yên còn kịp nhấc điện thoại, chạm ngón cái vào nút home, thông báo ngắn gọn cho chồng.
Cô trúng gió ngay trước giờ bay chừng một tiếng, trên đường đến sân bay với đầy đủ hành lý và mọi sự hăm hở điên rồ.
Yên nằm vật ra giường, hễ định ngồi dậy là bao nhiêu thứ trong hầu họng cứ thế phụt ra. Đây là lần thứ hai cô lặp lại tình trạng này.
***
Lần thứ nhất Yên bị khi con đầu lòng được hai tuổi. Những cơn buồn nôn, xây xẩm y hệt những cơn nghén ròng khiến cô hoang mang cực độ. Yên còn ham đi làm, Yên còn nhiều người phải gặp gỡ, còn nhiều thứ để hy vọng và gỡ gạc. Yên không muốn trói mình trong những loay hoay rối nùi mang tên con nít. Nhưng rõ ràng, sức khỏe đã không đồng hành cùng cô trong suốt hai năm ròng rã vừa đi làm vừa chăm con.
Yên còn nhớ rất rõ buổi sáng hôm ấy, cô định bụng sẽ nấu cho chồng một tô bò kho ăn sáng. Anh thích bò kho, ít màu thôi nhưng nhiều thịt bắp, đầy hành tây và cà rốt. Những tiệm bò kho gần nhà hầu như sáng nào cũng đông nghẹt mà chắc gì đã ngon. Tô bò kho Yên mua về, lần nào cũng sóng sánh váng mỡ và lênh láng dầu màu điều đỏ quạch. Về sau, Yên không mua nữa, phí tiền. Cô không hảo thịt bò, đứa con hai tuổi làm gì biết ăn cay, chỉ mình con chó của chồng hưởng trọn.
À, nói là con chó của chồng, vì chính xác nó là con chó anh xin của người quen về nuôi. Anh nuôi chó không phải để giữ nhà, mà cho Yên đỡ sợ khi anh về khuya. Chó nhạy tiếng người. Dù anh đã tắt máy xe một đoạn trước khi dừng hẳn ở cổng, nó vẫn đánh hơi được, cuống quýt cào bốn chân xuống nền xi măng rào rạo, quẫy đuôi mừng rỡ.
Yên có thói quen không móc cửa, chỉ chốt hờ, khi nào anh về chỉ cần tra ổ khóa gẩy nhẹ. Yên không bao giờ gọi điện cho chồng để có thể tường tận đường đi nước bước. Mỗi lần chồng về khuya cũng thế, Yên biết anh chẳng hề hấn gì đến mức cô phải lao ra mở cửa. Chuyện cũng bình thường thôi, mà sao mỗi lần nằm xuống, Yên nghe chồng khe khẽ thở dài.
- Rốt cuộc, nhà này chắc chỉ mỗi con chó còn biết thương anh.
Sáng đó, Yên dậy sớm hơn thường lệ. Chỉ việc luồn lách vô cái chợ nhỏ xíu mà đặc nghẹt người xe, tấp chỗ này mua cân thịt, chỗ kia mua vài củ cà rốt, hành ngò… cũng đủ mệt. Yên phải nấu nướng xong trước khi chồng thức. Nhưng thật lạ lùng, loay hoay mãi mà Yên không đứng lên được. Cô thấy mình như đang bay, rồi có khi bị móc vào một ngọn cây nào đó, chấp chới như mảnh vải. Gió mạnh quật mảnh vải rách tơi tả, khi đáp xuống mặt đất thì chỉ còn như một nhúm lông ngỗng phất phơ. Yên cố níu thành giường từ từ đứng lên rồi lại đổ ầm xuống nệm.
Yên tỉnh trên băng ca. Món bò kho lẽ ra là của chồng, giờ là thứ cô bị buộc phải ăn. Bác sĩ cầm bàn tay trắng bệch đưa lên ngang mặt Yên.
- Hãy giữ cho tinh thần luôn cân bằng. Có thể vì quá stress khiến cô suy nhược. Cơ thể bị thiếu hồng cầu, thiếu phương tiện trung chuyển ô-xy lên não. Hãy nhìn tay cô thử đi, nó không giống tay tôi hay tay chồng cô chút nào cả.
Như để minh họa cho lời vị bác sĩ thêm sinh động, chồng lấy đèn pin soi thẳng vào bàn tay cô. Không có một màu đỏ hồng nào hiện ra sâu trong ánh đèn. Thế nhưng những vệt sáng hắt lên da thịt lại khiến Yên cồn cào nhớ.
Yên luôn nhớ thứ ánh sáng đó, thậm chí nó đã luôn sáng trong tâm tưởng cô suốt mấy năm ròng, khi Kỳ chỉ còn là một miền thương yêu xa vời. Đến mức, cô đã từng phải bấu víu vào thứ ánh sáng đó để qua ngày đoạn tháng, để biết mình còn có nơi an ủi vỗ về mỗi khi buồn chán. Đó là thứ ánh sáng đẹp đẽ tráng lệ từ cửa sổ hoa hồng, tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu, lấp lánh chói rọi từ nhà thờ Đức bà Paris uy nghi.
Lúc nào Yên sang, Kỳ cũng đưa cô đến nơi này. Cả hai đã chụp chung không biết bao nhiêu bức ảnh cùng với trái tim của Paris. Hãy để trái tim mình lại nơi này. Tình yêu chúng ta cũng sẽ vĩnh cửu như trái tim của thế giới. Kỳ đã ru cô bằng những giai điệu vô cùng lãng mạn của nước Pháp, bằng chuyện tình diễm lệ và bi tráng của cô gái xinh đẹp Esméralda và thằng gù Quasimodo - người kéo chuông nhà thờ Đức Bà. Tình yêu của cô gái đã đánh thức trái tim hoen gỉ của Quasimodo. Tình yêu cũng làm Yên thổn thức bao năm bên Kỳ.
Còn Kỳ, anh có như thằng gù si tình kia không? Kỳ có thể không màng đến bản thân và mạng sống chỉ để có được tình yêu của Yên không?
Câu hỏi của Yên đã rơi tõm dưới sông Seine êm đềm, vào mùa hè Yên tốt nghiệp. Vẻ bình thản của Kỳ khi ở sân bay cũng phẳng lặng như mặt nước sông Seine năm ấy.
Chỉ lòng Yên dậy sóng.
Kỳ vẫn ở đó, vẫn Paris tha thiết nao lòng. Kỳ nói, trái tim anh vẫn chưa khóa lại, Yên có thể bay sang và mở nó bất cứ lúc nào.
Kỳ luôn tìm cách giữ liên lạc với Yên, ngay cả khi cô đã có chồng. Lẽ nào, Kỳ biết Yên luôn nhớ đến thứ ánh sáng diễm lệ từ Paris hắt về tâm trí?
Những giấc mơ của Yên, thỉnh thoảng vẫn mang màu cổ kính như ngôi nhà thờ, buổi phán xét cuối cùng của Chúa hiện ra mồn một. Đương nhiên, Yên tuyệt nhiên không kể với chồng về bất cứ giấc mơ nào mang dáng dấp Paris.
Mùa hè năm đó, nếu anh cũng như bao người khác vội vã lướt qua một vụ tai nạn trên đường, thì có lẽ Yên đã mất mẹ. Nên nói không ngoa, chồng chính là người ơn của cô.
Những năm sau đó, anh vẫn ở bên cô để bà cụ yên lòng. Nhưng rõ ràng, đó chỉ là cái cớ. Mẹ muốn sớm có cháu an ủi tuổi già. Sau tai nạn, bà yếu hẳn, hầu như cả ngày chỉ nằm nghe nắng mưa. Nếu có một đứa nhỏ, chỉ cần nghe tiếng nó khóc đòi sữa thôi, bà cũng vui mà trụ lại được lâu thêm. Anh nhìn cô tha thiết. Đôi tay chắc như thép của anh cũng giúp cô an lòng rằng thì mình sẽ ổn. Với người đàn ông đã không bỏ mẹ mình trong cơn hoạn nạn, thì kể ra cuộc đời mình cũng không đến nỗi.
Nhưng rõ ràng, Yên không quen và không thể sống hòa bình với những sự bỗ bã rất đàn ông của chồng. Có thể vì xuất thân và nghề nghiệp của anh đầy va chạm. Những thứ va chạm lâu ngày cũng ít nhiều khiến con người ta trở nên xù xì gai góc hơn. Lộn xộn, bừa bãi, mỗi khi chồng vào bếp là cái bếp trở nên một bãi chiến trường. Nhưng việc đó không khiến Yên phát cáu bằng việc mỗi đêm anh ngủ ngon lành, không mảy may trở mình dù con khóc dạ đề ngằn ngặt trên tay vợ. Hay như khi cô nhờ anh dọn đồ dơ của con đi giặt, không hiểu sao chồng có thể vô tư ném cả chiếc tã lót dính đầy phân su của con vào cùng mớ quần áo. Sau, Yên không nhờ nữa. Yên ôm hết mọi việc về mình, ôm cả những chua chát thiệt hơn.
Cái thứ ánh sáng trong lòng bàn tay khi Yên nằm trong bệnh viện, chỉ le lói vậy thôi mà có sức mạnh thật khủng khiếp. Đến mức Yên không thể nằm yên được nữa. Nó bảo Yên phải trút hết nỗi lòng với Kỳ, thâu đêm, khi con trai đã ôm chân ba nó ngủ ngon lành. Cuộc đời mỗi người buồn hay vui âu cũng là do chính mình lựa chọn. Có biết bao ngã rẽ trên đường, hà cớ gì Yên phải lầm lũi đi mãi một con đường đã mòn vẹt dấu chân?
Yên nhờ đứa bạn thân đặt vé đi Paris. Cô cần một lý do để có thể ngồi nói chuyện với chồng một cách êm thấm. Cô sợ tiếng thở dài của anh, cô sợ lại phải nghe anh ca thán, rồi nhà này chỉ mỗi con chó còn biết thương mình. Anh cần có một tình yêu cao cả hơn, từ một người xứng đáng hơn. Yên sợ mình không đủ sức làm điều đó.
Bạn thân vặn vẹo Yên, khi cô ngồi khuấy ly cà phê đã nhạt thếch từ lúc nào.
- Mày có chắc sẽ quên được mọi thứ, kể cả cu Bin?
- Thời gian sẽ giúp mọi thứ an bài, tao tin vậy.
Nhưng rồi Paris đã không thương cô, đã không chung tình trọn vẹn với cô như Kỳ nói.
***
Yên sụt sịt hít hà tô cháo gừng nóng hổi, mồ hôi túa thành dòng từ đỉnh đầu xuống vai gáy khiến Yên rùng mình. Những cơn nôn liên tiếp khiến bụng cô quặn thắt, miệng đắng chát, khô ran. Yên nhấm vài muỗng cháo, chủ yếu nhai bằng hết mấy cọng gừng cho ấm bụng, và để lùa hết những bực dọc của chồng xuống bụng dễ tiêu. Rồi Yên lại nằm vật ra, bèo nhèo như miếng giẻ rách. Hai cha con đang tắm với nhau, nó khác hẳn khi Yên tắm cho thằng nhỏ. Mâm cơm loe ngoe hai cha con ngồi ăn, một con cá điêu hồng chiên, đĩa rau muống xanh nõn xào tỏi, canh bí đỏ thịt bằm, vậy thôi mà chí chóe tưng bừng…
Yên mò dậy lúc nửa đêm, khi cơn đau đã lắng dịu, cơn say cũng đã lui dần. Tin nhắn vẫn lấp lóe. Yên lặng người trong một khoảnh khắc. Trái tim Paris cháy rồi ư? Kỳ gửi file đính kèm vài hình ảnh cả hai tình tứ bên ngoài những cửa sổ hoa hồng kỳ vĩ và đồ sộ. Những hình ảnh có sức gợi khủng khiếp. Yên không quên những gì cô đã cầu nguyện khi ở bên người đàn ông lịch thiệp đó. Nhưng rõ ràng, trái tim Paris đã không minh chứng cho lời thỉnh cầu của cô. Hay cô còn thiếu sót gì chăng?
Yên không truy vấn thêm bất cứ điều gì, ngay cả khi Kỳ vẫn vòng vo hẹn ước. Những hình ảnh mới nhất của Kỳ được bạn thân bí mật gửi vào Messenger của cô trước lúc cô hăm hở xách va-li ra phi trường ít phút. Kỳ vẫn cực kỳ lãng mạn, chu đáo, nồng nhiệt khi yêu. Nhưng là với những cô gái khác.
Bạn thân nói đúng. Những mong muốn của Yên cũng tinh khôi như giọt sương đọng trên cành lá buổi sớm. Nhưng quá nhiều mong muốn chỉ khiến sương tự rơi vỡ. Chúng vốn đã rất mong manh.
Trái tim Paris đã tan vỡ thật rồi Kỳ ạ! Nhưng chẳng hề hấn gì, so với những quả tim đang tha thiết cùng một nhịp với Yên xứ này. Không có nó, chắc gì Yên đã sống sót sau vài lần trúng gió.
Mà đôi lần suýt chạm ngưỡng vô thường ấy, đều không có Kỳ ở bên.
Trần Huyền Trang
(*): Vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris vào tối ngày 15/4/2019